Đặng Bích Phượng - Một số người hỏi rất buồn cười:
- Ừ, cái chế độ này nó xấu thật đấy, nhưng thay nó bằng ai bây giờ?
Dạo nào thiên hạ cũng đàm tiếu chuyện ông Nguyễn Sinh Hùng bảo, cứ sai mà kỷ luật thì lấy đâu ra người làm?
Thế là các vị biết rõ có bệnh, nhưng lại can tâm sống chung với bệnh tật mà không hề muốn chữa trị nó. Hình như các vị cố tình quên câu các cụ nói: Thiếu cô chợ vẫn đông!
Không có bầu cử thực sự, mà chỉ có Đảng cử, Dân bầu thì không thể tìm ra người có thể thay thế. Không nói đâu xa, ngay trong cái cơ quan cũ bé tẻo của tôi, trước các cuộc bầu bán nội bộ, anh em vẫn xì xầm về chuyện ông này bà nọ, đi vận động anh em phải bầu cho người nọ người kia. Còn tự ứng cử ở ngoài xã hội ư? Trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ và ông Lê Quốc Quân cho thấy rõ nhất, kết quả tự ứng cử trong chế độ xã hội chủ nghĩa là thế nào.
Trong chương trình gặp nhau cuối tuần ngày xưa, các nghệ sĩ hài cũng đưa chuyện này lên sân khấu, đại ý rằng tôi không thể từ chức được, vì thằng khác mà lên, nó lại ăn từ đầu (tôi thì ăn tương đối đủ rồi) thì các vị còn khốn nạn hơn. Vì thế các vị nên bầu cho tôi!
Lòng tham vốn không đáy. Người đã tham thì chẳng có giới hạn nào. Người không tham thì bằng lòng với cuộc sống “an bần, lạc đạo”. Những người đưa ra câu hỏi trên không chỉ ra cách giải quyết những vấn nạn của xã hội, nhưng lại chỉ trích những phản ứng của những người phê phán những vấn nạn đó. Đã qua rồi cái thời, giải quyết mọi bất đồng bằng ám sát, hay đánh bom. Giờ thế giới văn minh, đất nước thống nhất, anh em là một nhà, có gì đóng cửa bảo nhau. Hiềm nỗi vốn dĩ cha mẹ sinh con, giời sinh tính. Anh em ruột cũng mỗi người một nết, chuyện bất đồng trong gia đình là một xã hội thu nhỏ còn không thể tránh khỏi, nói gì đến cả xã hội?
Nhưng giải quyết bất đồng khó đến mấy cũng phải dựa trên cái căn bản nhất: đó là đạo làm người!
Thế nên bây giờ người bất đồng chính kiến, hay những nạn nhân của xã hội hiện nay đã không sử dụng cách làm của người cộng sản trước đây là ám sát, đánh bom. Họ chỉ biết hoặc bày tỏ những bức xúc lên mạng xã hội (vì không có kênh đối thoại giữa họ và chính quyền), hoặc đi khiếu kiện. Nói đến đây, tôi chợt có một so sánh thế này:
- Ngày xưa, những người cộng sản trong tay không vũ khí, không tiền bạc, không thể đoán định ngày nào họ đi đến đích, và có thể sống sót đến ngày đó không. Nhưng bất chấp cái chết và tù đày, họ vẫn không từ bỏ. (khoan phân tích chuyện đúng sai ở đây).
- Ngày nay, những người dân đi khiếu kiện hàng chục năm, cũng không đoán định được ngày nào có câu trả lời. Có người đã chết. Có người đã “hoá điên”. Nhưng những người còn lại vẫn không từ bỏ. Đơn giản họ tin rằng, sự thật sẽ phải chiến thắng?
Thế nên các vị nên phải thấy rằng, thay vì phản ứng bằng bạo lực, họ chỉ biết chửi bới là còn may đấy ạ.