Phạm Trần (Danlambao) - Tục ngữ Việt Nam có câu “có công mài sắt có ngày nên kim”, nhưng bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam thì càng gân cổ lên càng hụt hơi, ăn nói “nhạt như nước lã ao bèo”, rập khuôn, phản cảm, “phóng đại tô mầu” và “đặt chuyện” ngay cả với Di chúc Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện nó (02/09/1969 - 02/09/2014).
Diễn tiến học với hành
Trong muôn vàn bằng chứng, có vấn đề cốt lõi là đảng đã “hoàn toàn thất bại” nhưng vẫn cứ khoe về thành tích cuộc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong toàn đảng, toàn dân bắt đầu từ ngày 03-02-2007 đến ngày 03-02-2011 thì tổng kết theo Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị.
Cuộc học tập này tập trung vào: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung vào các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí.”
Cũng đã bị cán bộ lãng quên từ lâu là Chỉ thị số 23 -CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”.
Lý do phải làm công tác này vì: “Việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh còn một số hạn chế, yếu kém. Nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chưa thống nhất và chưa đạt được chiều sâu tư tưởng, lý luận. Chậm đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thành môn học trong các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và chưa có chương trình thích hợp trong các bậc phổ thông. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh thiếu sinh động; chưa giúp cán bộ, đảng viên gắn việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với giải quyết những vấn đề thực tiễn; chưa tạo được phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân. Việc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh chưa chủ động, kịp thời và sắc bén.”
Ngặt nỗi, sau khi môn học về Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào học đường, ngoại trừ bậc Tiểu học, đã bị phần đông học sinh và sinh viên “lạnh lùng” nhưng phải học vì bắt buộc, nếu không sẽ không đủ điểm ra trường hay lên lớp.
Chín (09) tháng sau, vào ngày 23/12/2003 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), khóa đảng VIII thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ra đời nói “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.
Lý do có Nghị quyết này, vì theo lời đảng: “Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH (Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa) đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.”
Nhưng sau gần 7 năm (tháng 03/2003-tháng 02/2011) “đánh vật” với việc phổ biến Tư tưởng, gương đạo đức và nội dung Di chúc của ông Hồ phổ biến sau khi qua đời ngày 02/09/1969, Bộ Chính trị khóa đảng XI, sau 4 tháng cầm quyền của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã phải ra Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 để “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”
Chỉ thị được ban hành nhằm: “Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện cuộc vận động trong thời gian qua, tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.”
Tưởng đâu tình hình cán bộ, đảng viên sẽ khá hơn sau 8 năm rèn luyện “theo lời Bác”, nào ngờ còn tệ hại hơn gấp trăm lần nên ông Trọng đã phải triệu tập Hội nghị Trung ương 4 để cho ra đời Nghị quyết mới về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (12/01/2012).
Nguyên do phải khẩn trương bổ sung vào Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) thời ông Phiêu để tăng cường “xây dựng, chỉnh đốn đảng” và đánh tham nhũng, lãng phí vì, theo lời Nghị quyết Trung ương 4 thì: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”
Tại sao ra nông nỗi này? Bởi vì, theo lời đảng thì đã có: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm… các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.”
Như vậy rõ ràng những gì lãnh đạo bảo đảng viên phải làm tốt hơn quá khứ thì họ lại kiên quyết chai lì thêm để dành tâm trí ưu tiên cho việc kiếm tiền ngoài luồng, mua quan bán chức, buôn bán bằng cấp là ưu tiên.
Trương Tấn Sang
Vì vậy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong bài viết trên Tạp chí Cộng sản (10/08/2014) vào 3 dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2014) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2014); Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh đã phải lập lại rằng: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên cần phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (12/01/2012) gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, để giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, để đánh giá cán bộ, đảng viên.”
Về tình hình chung của xã hội, ông Sang viết:
“Chúng ta vẫn luôn đau đáu vì nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân. Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt” (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”
Liên quan đến trách nhiệm phải triệt để và kiên quyết thi hành kỷ luật đối với những vi phạm trong đảng, ông Sang nói chung chung:
“Người xưa nói: không biết xấu hổ thì không thành người được! Ấy là liêm sỉ ở đời! Không trừ một ai, dù là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay một công dân bình thường luôn phải tự vấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn phải biết tự hổ thẹn với lương tâm về đạo lý làm người! Không trừ một ai, ở bất kỳ cấp nào, có việc làm hại cho dân cho nước, làm nhân dân bất bình, nếu đạo lý, lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng. Ai vi phạm thì khuyên răn, nếu vẫn chưa thức tỉnh thì cần thiết phải nghiêm trị, “xây” phải đi đôi với “chống”, để giữ gìn, củng cố lòng tin của nhân dân, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Lời ông Sang nhắc mọi người nhớ đến sự thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đã không kỷ luật được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trung ương 6, dù ông Dũng đã bị Bộ Chính trị đề nghị với Ban Chấp hành Trung ương “cho chịu một hình thức kỷ luật” vì ông Dũng có trách nhiệm trong vụ vỡ nợ hàng trăm ngàn Tỷ đồng của 2 Tổng Công ty Vinashine và Vinalines và một số dự án kinh tế khác.
Khi Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật với ông Dũng thì tên ông không bị đưa ra công khai mà chỉ nói là “một Ủy viên Bộ Chính trị”, nhưng ai cũng biết người đó chính là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Các Ủy viên Trung ương đảng biết nhưng không ai dám lộ ra ngoài để gọi là “giữ đoàn kết trong đảng”!
Chính ông Trương Tấn Sang từng nói ông thuộc “thiểu số” nên việc kỷ luật một cán bộ “X” không thực hiện được!
Tuyên giáo thừa giấy vẽ voi
Tình hình cán bộ, đảng viên tiếp tục suy thoái đạo đức, tư tưởng xuống cấp và đảng thì vẫn chưa thực hiện nổi “giấc mơ” của ông Hồ mong sao cho “dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” mà Ban Tuyên giáo Trung ương lại cả gan nói văng mạng rằng:
“Công cuộc đổi mới ở nước ta gần 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Về kinh tế, đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng, cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện; thực hiện có kết quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành; cơ cấu kinh tế ngành, vùng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, giữa tiến bộ và công bằng xã hội; công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ; những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hóa với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hóa - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; quan hệ đối ngoại phát triển mạnh mẽ, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao...” (trích Đề cương tuyên truyền 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh -- 2/9/1969 – 2/9/2014 --)
Đề cương tuyền truyền năm 2014, hầu hết được sao chép lại từ bản Đề cương năm 2009, vào dịp kỷ niệm 40 năm Di chúc của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, tiền thân của Ban Tuyên giáo bây giờ. Nhưng có điểm vẫn lập lại và còn khuếch đại ra để ca tụng và bảo vệ quyết định chọn Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng xây dựng đất nước của Đại hội đảng kỳ VII năm 1991 với ngụ ý như chính ông Hồ là người đã “căn dặn” như thế trước khi chết.
Trong Di chúc chính thức phổ biến năm 1969 bởi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, sau ngày ông Hồ qua đời (02/09/1969) có đoạn viết:
“ĐOÀN KẾT là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”
Nhưng những thất bại liên tục trong công tác học tập, xây dựng chỉnh đốn đảng, không dẹp nổi tham nhũng, lãng phí, vứt “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” vào sọt rác và tiếp tục mất đoàn kết triền miên trong đảng đã cho thấy những gì ông Hồ mong hậu duệ của ông thực hiện đã không thành.
Khi nói về Phong trào Cộng sản Thế giới, Di chúc viết:
“Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.”
Trong đoạn này, đố ai tìm thấy ý tứ hay ngụ ý nào của ông Hồ mong muốn Việt Nam cứ mãi cắm đầu xuống cát để xây dựng đất nước dựa trên “nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lenin”?
Vậy mà Ban Tuyên giáo Trung ương, cầm đầu bởi Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, một người được nói là thân Trung Cộng, đã viết trong Đề cương (2014) rằng:
“Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình...”
“…Cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Điều Bác dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.”
Khốn nỗi, bản doanh của Thế giới Cộng sản đã vỡ ra tan tác ở Nga năm 1991 và ở các nước Cộng sản Đông Âu trước đó từ năm 1989. Cả thế giới bây giờ chỉ còn vỏn vẹn 4 nước là Việt Nam, Trung Cộng, Cuba và Bắc Hàn.
Rất tiếc cho Ban Tuyên giáo là Trung Cộng ngày nay không còn là “vừa là đồng chí vừa là anh em” của đảng CSVN nữa.
16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt được Lãnh tụ Trung Cộng Giang Trạch Dân bỏ vào mồm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ 1991 và lập lại với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 1999 tại Bắc Kinh là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đã bị Tổng Bí thư đảng-Chủ tịch Nhà nước Trung Tập Cận Bình chôn xuống huyệt sâu từ khi thay Hồ Cẩm Đào năm 2012.
Các bài học giàn khoan Hải dương 981, chiến tranh Biên giới 1979, trận chiến mất 8 đảo và đá ngầm ở Trường Sa năm 1988 và trước đó Trung Cộng cũng đã chiếm mất Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974 và hàng ngày, từ 6 năm qua, các tầu Hải quân Trung Cộng không ngừng chận bắt, xua đuổi, đánh đập dã man và tịch thu tài sản của ngư phủ Việt Nam ra Biển Đông hành nghề chưa đủ cho ông Đinh Thế Huynh “sáng mắt sáng lòng” hay sao mà Ban Tuyên giáo còn vô cảm đến lạnh người không biết phân biệt bạn-thù mà còn muốn “quan hệ chặt chẽ” với Bắc Kinh?
Nhưng không phải chỉ có thế, Ban Tuyên giáo vẽ tiếp rằng Di chúc còn:
“Vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai, đặc biệt là quan hệ với các Đảng Cộng sản anh em, các nước xã hội chủ nghĩa. Ở vấn đề này, khi hệ thống chủ nghĩa xã hội có nhiều biến đổi, nhất là những diễn biến phức tạp trong khu vực và thế giới gần đây càng cho chúng ta thấy Di chúc của Người có ý nghĩa thời sự sâu sắc.”
Nhóm ông Đinh Thế Huynh còn hồ hởi vẽ rắn thêm chân khi hô hào phải:
“Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, kiên định sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.”
Trong khi Ban Tuyên giáo ra sức tuyên truyền “lông bông” về bản Di chúc từ tháng 9 đến tháng 11/2014 thì Việt Nam đang phải đối phó với tình trạng kinh tế còn bấp bênh với khoản nợ công khoảng 90 tỷ dollars, nhưng nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì khoảng 180 tỉ USD, theo phân tích của Tiến Sỹ Phạm Thế Anh - trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nói với báo Tuổi Trẻ ngày 14/04/2014.
Tiến sỹ Anh nói:
“Nếu số chính thức VN công bố thì nợ công hiện nay là 55,7% GDP (tức khoảng 90 tỉ USD). Đây là mức chúng ta coi là vẫn an toàn. Nhưng gánh nặng nợ là không nhỏ. Tôi chỉ tính sơ bộ, khoảng một nửa, tức 45 tỉ USD chúng ta vay trong nước với lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm VN phải bỏ ra khoảng 4-5 tỉ USD trả lãi. Khoảng 45 tỉ USD vay nước ngoài, lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỉ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỉ USD/năm.”
Theo báo Dân Trí thì Báo cáo phân tích kinh tế Việt Nam tháng 5/2013 Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) dẫn số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 5, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động là 3.590 doanh nghiệp. Lũy kế 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp giải thể phá sản đã lên đến 23.226 doanh nghiệp. Như vậy, 5 tháng song con số doanh nghiệp giải thể phá sản đã bằng một nửa các năm trước: Cả năm 2012 có 53.972 doanh nghiệp; cả năm năm 2011 có 54.198 doanh nghiệp trong diện này. (Báo Dân Trí)
Cũng theo báo chí Việt Nam tổng số năm 2013 có 60,700 doanh nghiệp đóng cửa và 28.000 doanh nghiệp đã đình chỉ hoạt động từ đầu năm 2014.
Như vậy thì Việt Nam có khốn đốn không mà đảng CSVN vẫn còn mê sảng để chủ trương làm “kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” để tiếp tục được tham nhũng và làm những việc phương hại đến sức mạnh và đoàn kết của dân tộc hay càng học Bác bao nhiêu thì cán bộ, đảng viên càng làm ăn nhếch nhác bấy nhiêu?
(08/014)