Tôi tưởng như cái bi-đông - Dân Làm Báo

Tôi tưởng như cái bi-đông

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Lời người sưu tầm: Bài sau là một minh họa cho sức mạnh tuyên truyền của các chế độc tài, đặc biệt chế độ cộng sản. Adolf Hitler từng nói "Tuyên truyền là vũ khí thật sự khủng khiếp trong tay của chuyên gia." Dưới chế độ độc tài toàn trị vũ khí tuyên truyền được sử dụng như công cụ tẩy não rất hữu hiệu. Bổn phận của người cầm bút là phải đâm thủng bức màn dối trá dày dặc tạo ra từ guồng máy tuyên truyền của chế độ độc tài. (TQV)

*

Tôi tưởng như cái bi-đông

Hoàng Thúc
(Trương Minh Giảng, Saigon)

(Chuyện có thật ở vùng Cộng sản tạm kiểm soát)

Tại Quận H.N. một hôm Thiếu úy Đ.N. Tân lái chiếc M.113 dừng lại ở một ấp vừa mới bình định xong. Thấy bà lão đi ngang Thiếu úy gọi lại hỏi thăm sức khỏe và công việc làm ăn. Bà lão lại gần và đứng nói chuyện. Đang nói chuyện bỗng bà lão năn nỉ:

- Xin lỗi Thiếu úy tôi vô ý quá!

- Có gì đâu mà cụ phải xin lỗi? Thiếu úy Tân hỏi lại.

- Xin lỗi Thiếu úy, tôi vừa đụng vào chiếc xe.

Thiếu úy Tân tưởng bà lão thật thà cẩn thận nên cho qua. Được một lúc có ba bốn nông dân đã lớn tuổi đi ngang, Thiếu úy Tân cũng mời hỏi chuyện. Trong lúc hỏi chuyện, mấy nông dân đó lén lấy dao, liềm, cán rựa và cán cuốc chọc vào thành xe. Thiếu úy Tân giả bộ như không biết, cứ để họ chọc bằng thích.

Được một chặp lâu, họ hỏi Thiếu úy Tân:

- Xin lỗi Thiếu úy chiếc xe này làm bằng gì vậy?

- Dạ thưa làm bằng thép. Thiếu úy Tân trả lời.

- Thiếu úy thấy chúng tôi là nông dân quê mùa, nói giỡn cho vui đó thôi.

- Dạ quả đúng như vậy, đâu dám nói giỡn với đồng bào. Chẳng tin mấy ông anh lấy cây cuốc gõ vào xem.

Có người gõ thử song chỉ gõ nhè nhẹ thôi. Thiếu úy Tân hiểu ý bèn bảo mấy người đó cứ gõ mạnh vào xem. Sau khi gõ cực mạnh vào xe và thấy không hề hấn gì, họ tặc lưỡi và ngơ ngác như đang đứng trước một vấn đề cực kỳ nan giải.

Thiếu úy Tân hỏi:

- Có điều gì mà mấy ông anh thắc mắc thế?

- Tôi nghe nói nó làm bằng nhựa kia mà? Một nông dân đáp.

- Ai bảo với mấy ông anh như vậy?

- Mấy ổng trong đó chứ ai.

- Sao họ nói láo vậy mà mấy ông anh lại tin? Làm bằng nhựa thì chạy sao được, vấp đá, chạm nhầm cây là vỡ ngay, nói chi đến việc trúng đạn?

- Ban đầu chúng tôi không tin, sau họ giải thích có lý lắm mới tin chứ bộ!

- Họ giải thích như thế nào?

- Họ bảo rằng cái ngữ xe ấy trước kia làm bằng thiếc dày, sau này Mỹ bị tổn thất nặng, hết cả nguyên liệu nên mới lấy nhựa chế thay. Họ có giơ cho xem một cái bi-đông nhựa và bảo rằng trước kia bi-đông làm bằng nhôm, bây giờ Mỹ hết nhôm rồi nên phải làm bằng nhựa. Cái bi-đông bé xíu mà không đủ chế thì làm gì có sắt thép để chế tàu chiến. Họ lại lấy cái cây gõ mạnh vào bi-đông kêu bộp bộp nhưng không vỡ. Họ dặn nông dân đừng sợ thứ xe đó, cứ tiến lại gần, đập mạnh là vỡ tan tành ngay. Hôm nay thử rồi mới biết là họ đánh lừa chúng tôi.

- Cái bi-đông được chế bằng nhựa cốt cho người lính mang nhẹ khỏi gây tiếng động, khỏi chiếu sáng lúc đi hành quân. Đó là một sự cải tiến chứ không phải vì khan hiếm vật liệu.

Mấy nông dân nghe nói gật đầu lia lịa, có vẻ chịu lắm. Họ cảm ơn, chào Thiếu úy Tân ra về, mồm còn lẩm bẩm:

- Mấy ông nội trong ấy bịp ghê! Bằng thép rõ ràng mà dám nói ẩu là bằng nhựa như cái bi-đông.


Nguồn:

Từ nội san Văn Tác Vụ, số 2 năm 1968, trang 16 và 50
Vietnam Center and Archive, Texas Tech University.

Sưu tầm:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo