Bùi Tín (VOA) - "Trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng, sống hay chết và danh lợi là hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi", đó là tuyên bố của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp Bộ Chính trị tháng 6/2014 vừa qua (theo Weibo và Bưu điện Hoa Nam ngày 20/7).
Ngay sau cuộc họp này là công bố chính thức việc điều tra đối với nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, đã về hưu từ cuối năm 2012, khi đang là chủ tịch Ủy ban Chính trị - Pháp luật của Trung ương đảng, phụ trách về pháp luật và chính quyền. Ông Chu Vĩnh Khang từ đó là một "nguyên lão đồng chí", theo cách gọi tôn trọng của đảng CS Trung Quốc đối với các bậc công thần của chế độ.
Theo hệ thống tổ chức của đảng CS Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa các kỳ đại hội. Xưa nay các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị được coi là bất khả xâm phạm. Nhất là khi đã về hưu rồi là yên chí hạ cánh an tòan.
Việc khởi đầu cuộc điều tra ông Chu Vĩnh Khang là một quyết định rất hệ trọng vì trong quá khứ ông Chu từng cầm đầu Tập đòan dầu khí quốc gia đầy thế lực, sau đó lại là Bộ trưởng Công an trong 8 năm, rồi là Chủ tịch Ủy ban Chính - Pháp nhiều quyền thế.
Vụ án Chu Vĩnh Khang nổ ra sau khi vụ án Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Trùng Khánh, diễn ra từ đầu năm 2012 dẫn đến bản án tử hình của Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai, và bản án tù chung thân cho chính Bạc Hy Lai. Nay được biết ngày 19/3/2012 Chu đã ngầm huy động một lực lượng cảnh sát định làm đảo chính lật đổ chính quyền Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo, nhưng đã bị Quân đoàn phòng vệ số 38 phá gọn trước khi khởi sự. Bạc Hy Lai từng gắn bó với Chu Vĩnh Khang, với tham vọng sẽ được chọn thay Hồ Cẩm Đào lên vị trí cao nhất.
Cuộc ra tay của Tập Cận Bình quyết sống mái với Chu Vĩnh Khang ngoài ý chí chống tham nhũng còn mang tính phục thù, theo dư luận ở Hồng Kông. Từ khi lên đảm nhận chức vụ cao nhất trong đảng và bộ máy nhà nước, Tập Cận Bình luôn nhắc đến phương châm "diệt từ hổ đến ruồi", từ bầy siêu hổ hung dữ nhất đến ô lại tàn bạo cấp thấp nhất. Cho đến nay hồ sơ của Chu Vĩnh Khang đã dày cộp. Bộ máy của Ủy ban Kỷ luật - Thanh tra có cả một đội quân tinh nhuệ giàu kinh nghiệm về điều tra, hỏi cung, thu thập chứng cứ. Mỗi đối tượng điều tra như Chu Vĩnh Khang được mở ra rất rộng, từ anh, chị, em ruột, các con trai, con dâu, con gái, con rể, đến bạn học, kẻ giao du, cùng chơi bài, đánh bạc, chơi thể thao, cho đến người tình, vợ hờ, bạn gái, cả đến những người phục vụ như thư ký, văn phòng, người bảo vệ, người nấu ăn, lái xe, phục vụ khách sạn, nhà nghỉ. Hàng trăm viên chức từng làm việc ở tập đòan dầu khí, hay các thứ trưởng, cục vụ trưởng cục vụ phó, nhân viên văn phòng, chuyên viên thư ký, kế tóan khi Chu Vĩnh Khang làm Bộ trưởng Công an cũng được mời đến khai báo, trình bày. Các láng giềng ở quanh nhà ở cũng được hỏi han. Hơn 400 trong số 2 ngàn người bị điều tra đã bị bắt giữ, quản thúc, chờ ngày ra tòa. Trong đó có 2 nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính rị là Giả Khánh Lâm và Tăng Khánh Hồng, các nguyên ủy viên Quân ủy Trung ương tướng Tứ Tài Hậu, Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh, chủ nhiệm Ủy ban quản lý tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, Phó Chủ tịch Tập đòan dầu khí Vương Vĩnh Xuân.
Với ý định rõ rệt là đánh tham nhũng đến nơi đến chốn, chính quyền Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường đã quyết định sung công ngay mọi tài sản của mỗi bị cáo về tội tham nhũng. Các tài sản chưa được chứng minh rõ là tham nhũng nhưng cũng chưa được chứng minh là chính đáng, vẫn cứ bị ưu tiên niêm phong, sung công cho đến khi được chứng minh là chính đáng mới được trả lại. Tổng giá trị số tài sản chìm và nổi đã sung công liên quan đến vụ án Chu Vĩnh Khang và đồng bọn ước tính 80 tỷ US$.
Vẫn chưa hết. dư luận ở Bắc Kinh hé lộ rằng đây chưa phải là vụ án lớn cuối cùng. Ngụ ý rằng hết “siêu hổ” sẽ đến rồng. Các blogger tự do ở Thượng Hải công khai nói đến Giang Trạch Dân. Từ khi lên ngôi số 1 của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã giữ một khoảng cách với họ Giang. Việc Tăng Khánh Hồng và Giả Khánh Lâm bị điều tra là một đòn mạnh giáng vào Giang vì họ là đệ tử ruột của Giang. Đầu tháng 8 vừa qua cả một đòan hàng trăm chuyên viên điều tra được Ủy ban Kỷ luật và Thanh tra phái xuống Thượng Hải, vốn là vương quốc của họ Giang. Báo chí được nói đến những việc làm quá đáng đối với Pháp Luân Công, phê phán cả hệ thống công an khi Chu Vĩnh Khang làm bộ trưởng và khi Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đã buông lỏng, còn nuông chiều cho công an đàn áp nhũng nhiễu nhân dân ra sao. Tập Cận Bình đã có 2 chủ trương lớn được lòng dân là đóng cửa các trại cải tạo trên toàn quốc, đồng thời chủ trương hệ thống tư pháp phải thực thi luật pháp, chỉ tuân theo luật pháp mà thôi, được coi là tách ra khỏi nền cai trị thô bạo của Giang Trạch Dân.
Dư luận Trung quôc cho rằng Tập Cận bình sẽ giải quyết vụ án Chu Vĩnh Khang trước, để tránh một đòn đánh phủ đầu của cánh Giang Trạch Dân dù rằng vây cánh ông này đã bị tước đi một mảng lớn. Trong tháng 10 trong cuộc họp Trung ương IV có thể Tập Cận Bình sẽ thay 2 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn, phụ trách tuyên huấn, và Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội, không thật nhất trí với mình. Tập Cận Bình sẽ đưa Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ, vào chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, người có chung đường lối chống tham nhũng mạnh mẽ bằng việc làm và thượng tôn pháp luật.
Việt Nam hãy nhìn sang Trung Quốc để so sánh. Chống tham nhũng, chết bỏ, sống hay chết không thành vấn đề. Họ giải thể hết các trại cải tạo là trại giam tra hình tàn ác. Họ thu hồi quy công biết bao tài sản bất minh để trả lại công quỹ.
Ở VN, Ủy ban chống tham nhũng vẫn cứ quyết tâm… liệt, tê liệt gần như triệt để. Các trại cải tạo vẫn đông nghẹt người. Luật pháp vẫn chỉ làm vì, khi các phiên tòa công khai vẫn đóng chặt cửa, luật sư không được cãi theo luật. Công an vẫn tha hồ hành dân, đánh dân, giết dân. Quan chức các cấp vẫn đua nhau ăn bẩn, ăn gian, chỉ cần một chữ ký là có vài miếng đất, vài nền nhà, vài dự án, vài tỷ đồng, có khi là mỏ ngọai tệ từ 2 vòi ODA và FDI.
Việt Nam Cộng sản hay làm theo Trung Quốc. Vậy thì ai sẽ là đồ đệ tự nguyện của Tập Cận Bình, quyết giương cao lá cờ chống tham nhũng theo phương châm "diệt từ siêu hổ đến ruồi nhặng", dám xắn tay áo dẹp lọan kiêu binh "côn an" từ cao nhất đến cơ sở? Có như thế mới hy vọng giải quyết được những bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo ngày càng khủng khiếp khiến tòan xã hội cũng như từng người dân không ai còn có thể chịu nổi.
Bùi Tín