Con hoang lại phản đối thằng cha chơi xấu - Dân Làm Báo

Con hoang lại phản đối thằng cha chơi xấu

Trước khi nghe liên khúc 10 năm tình cũ của đảng ta, mời bà con trong thôn đọc lại những điều tha thiết cha-con trong chuyến trở về của Lê Hồng Anh: “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cần tăng cường trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước trở lại phát triển lành mạnh, ổn định và không ngừng phát triển theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của hai nước và của khu vực.”

Việt Nam phản đối TQ mở tour du lịch mới ra Hoàng Sa

VOA - Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối việc Trung Quốc mở tuyến du lịch mới đưa du khách ra quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. 

Không lâu sau chuyến công tác của đặc sứ Việt Nam Lê Hồng Anh sang Trung Quốc để xoa dịu căng thẳng song phương vì vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới Hoàng Sa, tuần này Trung Quốc loan báo mở thêm một tuyến du lịch mới ra quần đảo mà đôi bên đang tranh dành chủ quyền. 

Tân Hoa xã đưa tin tàu Coconut Princess hôm 2/9 khai trương tour du lịch mới khởi hành từ cảng Tam Á đưa du khách ra thăm các đảo nhỏ ở Hoàng Sa, chơi bóng chuyền, lặn, bắt cá, và chụp ảnh cưới ở đây. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (4/9), phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa” và việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”. 

Ông Bình nói hành động của Trung Quốc không phù hợp với Thỏa thuận giữa đôi bên về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trái với tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông và khu vực. 

Vẫn theo lời người phát ngôn, “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này.” 

Tháng tư năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu chạy thử các tuyến du lịch tới quần đảo Hoàng Sa từ thủ phủ Hải Khẩu (tỉnh đảo Hải Nam) và cho hay các tour này đã thu hút hàng ngàn du khách. 

Tour du lịch mới xuất phát từ Tam Á ra Hoàng Sa sẽ thay thế cho tuyến Hải Khẩu-Hoàng Sa với lộ trình ngắn hơn 8 giờ đồng hồ. 

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã lên kế hoạch phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa với mục tiêu biến nơi đây thành điểm đến của khách du lịch quốc tế. Đây là một phần trong nỗ lực bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.


*

Việt Nam lại phản đối tour đi Hoàng Sa

BBC - Việt Nam lại lên tiếng phản đối việc Trung Quốc mở tuyến du lịch mới ngắn hơn từ Tam Á ra Hoàng Sa mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định "Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa" và nói "việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".

Ông Bình cũng nói "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này”. 

Hãng tin Tân Hoa Xã nói tàu du lịch Coconut Princess vừa khởi hành từ Tam Á trên đảo Hải Nam vào hôm thứ Ba 2/9 hướng về Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. 

Trong tour du lịch bốn ngày trên tàu, khách sẽ thăm ba đảo trong quần đảo Hoàng Sa, "đánh bóng chuyền trên cát, lặn, câu cá và chụp ảnh cưới". 

Việt Nam là quốc gia duy nhất tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Hoàng Sa. 

Tuy nhiên Bắc Kinh, vốn đã chiếm hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974, luôn bác bỏ tuyên bố của Hà Nội, đồng thời từ chối mọi kêu gọi đàm phán với lý do đây là "lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc, không có tranh chấp". 

Chủ trương mở tour du lịch Hoàng Sa của Trung Quốc được thông qua từ năm 2011. Năm 2012, đã có một số chuyến thử nghiệm cũng trên tàu Coconut Princess. 

Việt Nam đã nhiều lần phản đối tour du lịch này, nhưng không có tác dụng. 

Một chi tiết đáng chú ý là chuyến du lịch mới này khởi hành đúng ngày Quốc khánh của Việt Nam và chỉ một tuần sau chuyến đi Trung Quốc của Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng CSVN, ông Lê Hồng Anh. 

Trong chuyến đi, hai bên được nói đã đạt “ba nội dung quan trọng nhằm chỉ đạo phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới”. 

Trong ba nội dung đó, có nội dung nói về tranh chấp trên biển, khuyến cáo hai bên "không áp dụng hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, giữ gìn đại cục của quan hệ Trung-Việt cũng như hoà bình và ổn định của Nam Hải (Biển Đông)".


*

Du lịch Hoàng Sa: Trung Quốc thực hiện ý đồ bành trướng ở Biển Đông

Đức Tâm (RFI) Tàu đánh cá, tàu ngư chính, kiểm ngư, rồi giàn khoan và giờ đây là du lịch bằng thuyền tới quần đảo Hoàng Sa : Trung Quốc dùng mọi phương tiện để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. Tân Hoa Xã, ngày 02/09/2014, cho biết, tàu du lịch Trung Quốc "Coconut Princess" đã rời cảng Tam Á (Sanya), cực nam đảo Hải Nam, để tới quần đảo Tây Sa, (tức Hoàng Sa). 

Tàu du lịch Trung Quốc rời cảng Tam Á (Sanya),
để đi thăm các đảo nhỏ ở Hoàng Sa.
sanyatourism.com
Chuyến du lịch kéo dài bốn ngày, ba đêm và đi qua hơn bốn chục đảo nhỏ, bãi đá. Trước đó, Bắc Kinh đưa tin là do chương trình thành công, nhà tổ chức du lịch bằng thuyền tới Hoàng Sa đã cải tiến các hoạt động để rút ngắn thời gian đi biển. Trung Quốc bắt đầu đưa du khách tới Hoàng Sa từ tháng 04/2013 và Công ty hàng hải Eo biển Hải Nam đã chuyên chở hơn 3000 du khách từ đảo Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa. 

Cho đến nay, công ty này chỉ có mỗi tàu Coconut Princess, phục vụ tuyến Hải Nam- Hoàng Sa, được tổ chức hàng tháng hoặc hai tháng một lần, và mỗi lần chở khoảng 200 du khách. Ban đầu, điểm xuất phát là thành phố Hải Khẩu (Haikou) thủ phủ tỉnh Hải Nam và hành trình tới quần đảo Hoàng Sa mất khoảng 20 tiếng. Từ ngày 02/09, tàu xuất phát từ cảng Tam Á và chỉ mất 12 giờ để tới Hoàng Sa. 

Trong chuyến đi, du khách tới tham quan Cồn Quan sát (Trung Quốc gọi là Ngân Tự - Yinyu và tên quốc tế Observation Bank), đảo Toàn Phú (Quanfu), đảo Áp Công (Yagong), tất cả đều nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (Vĩnh Nhạc quần đảo – Crescent Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa. 

Mặc dù truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh tới khía cạnh du lịch, nhưng theo giới quan sát, hiển nhiên, hoạt động này của Bắc Kinh mang tính chính trị. Quần đảo Hoàng Sa là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo này từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa. 

Khi thường xuyên đưa du khách tới Hoàng Sa, Trung Quốc muốn củng cố đòi hỏi chủ quyền, khẳng định là Bắc Kinh quản lý tuyệt đối toàn bộ vùng này. Các tàu du lịch cung cấp thức ăn và chỗ ở cho du khách mà không cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở trên những hòn đảo tại đây. 

Sự hiện diện của các tàu du lịch tạo cớ cho Trung Quốc điều các tàu tuần tra phi quân sự đến những vùng đang có tranh chấp. Bắc Kinh vốn thường xuyên dùng tàu ngư chính, kiểm ngư, trên danh nghĩa là tàu dân sự, để khẳng định các đòi hỏi chủ quyền ở những vùng biển tranh chấp. Mặt khác, tàu du lịch, không vũ trang, không thể trở thành mục tiêu tấn công của những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. 

Năm ngoái, khi Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch tới Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ. Bắc Kinh bỏ ngoài tai. Trung Quốc không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và cho rằng hoạt động du lịch trong khu vực không liên quan gì đến nước thứ ba. 

Lần này cũng tương tự. Hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại điệp khúc : « Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam » v.v và v.v. 

Một chỉ dấu khác cho thấy ý đồ chính trị của Trung Quốc trong việc tổ chức du lịch Hoàng Sa : Theo báo International Herald Tribune, trong những chuyến du lịch đầu tiên, Bắc Kinh chỉ chấp nhận công dân Hoa lục, người ngoại quốc hoặc người Trung Quốc ở Hồng Kông, Macao cũng bị gạt mà không có giải thích. Ngoài ra, trong số 200 hành khách của chuyến thứ nhất, thì số quan chức chính quyền đông hơn du khách. 

Trung Quốc không phải là nước duy nhất nhìn thấy tiềm năng du lịch kết hợp với việc củng cố quyền kiểm soát tại các vùng có tranh chấp. Philippines đã tính tới việc tổ chức du lịch quần đảo Trường Sa. Còn Việt Nam, trong thời gian qua, đã tổ chức một số chuyến cho quan chức và khách mời đi thăm hỏi binh sĩ trên các đảo ở Trường Sa mà Việt Nam quản lý.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo