Phạm Trần (Danlambao) - Đã hết thuốc chữa 3 chứng bệnh di căn của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN): chia rẽ, tham nhũng và suy thoái tư tưởng sau 45 năm không giữ được lời thề trước vong linh Hồ Chí Minh về “xây dựng chỉnh đốn đảng”.
Chuyện này không mới, nhưng đã được nhiều viên chức đảng lập lại trong các bài viết hay phát biểu nhân dịp kỷ niệm 45 năm (2/9/1969 - 2/9/2014) ngày bản Di chúc của ông Hồ Chí Minh để lại cho đảng, theo đó ông Hồ viết:
“Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình... Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau...”
Tuy nhiên, theo lời Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì ngày nay: “Vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng vẫn còn là một điểm yếu diễn ra ở mức độ này, mức độ khác, ở nơi này hoặc nơi khác chưa tốt vì chưa thực hiện được tốt chế độ tự phê bình và phê bình như Bác dạy: “Giữ gìn đoàn kết như con ngươi của mắt mình” cho nên sức chiến đấu của Đảng chưa phát huy được, Đảng cũng chưa thật làm tốt hạt nhân cho sự đoàn kết toàn dân.” (Phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 27/08/2014).
Vậy tại sao đã 45 năm mà lời thề lúc đó của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn vẫn chưa làm được?
Hồi ấy trong Điếu văn đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 09 tháng 09 năm 1969, ông Lê Duẩn đã thay mặt cho đảng CSVN thề 5 điều.
Về Đoàn kết trong đảng ông Lê Duẩn nói “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: “Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi.”
Nhưng, sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, đảng viên mọi thành phần, mọi cấp đã tự coi mình như “chim được thả lồng” và “tự giải phóng” gia đình khỏi ách kìm kẹp của đảng để tự do đi kiếm ăn để bù lại “những tháng năm cơ cực cơm vắt, muối hột” trong rừng sâu nước độc. Mỗi cán bộ, đảng viên đều tự chế ra những luật cho riêng mình để moi tiền dân, tiền nhà buôn và doanh nghiệp kể cả đục khoét công quỹ, tiền dự án kinh tế, thậm chí ăn chặn cả tiền trợ cấp xã hội cho người nghèo, xén bớt tiền cơm dành cho học trò nghèo, thương binh và cả của gia đình thuộc thành phần “liệt sĩ” miễn sao được “no cơm ấm cật”.
Vì vậy đảng đã phân hóa, chênh lệch giàu-nghèo xuất hiện trong dân và giữa cán bộ, đảng viên với nhau thì phát sinh hố sâu ngăn cách mở rộng, lún sâu giữa những kẻ có chức, có quyền và thành phần cô thân, yếu thế cấp nhỏ.
Về phương diện chính trị, từ năm 1976 sau ngày thống nhất Nam-Bắc, hai phe Cộng sản Bắc-Trung tự cho mình quyền xóa bỏ lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam, giải tán quân du kích miền Nam và Tổ chức Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do phe Cộng sản miền Nam đứng đầu, nhưng được Hà Nội hậu thuẫn từ ngày thành lập 08/06/1969.
Từ đó vai trò của người miền Nam trong Chính phủ mới, phần đông chỉ làm bù nhìn cho hai phe miền Bắc và miền Trung.
Uất ức vì bị “đẩy sang lề đường”, một nhóm cựu kháng chiến nổi tiếng miền Nam đã đứng ra thành lập “Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ” vào năm 1985 bởi các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Nguyên Phong Hồ Hiếu.
Câu lạc bộ lấy ngày 23 tháng 9 năm 1986 làm ngày ra mắt để kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến nhưng mãi đến tháng 5 năm 1986 nhóm này mới được cấp giấy phép hoạt động. Sau biến cố sinh viên nổi dậy đe dọa chế độ Cộng sản ở Trung Hoa năm 1989 bị đàn áp đỗ máu tan rã tại quảng trường Tiananmen, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh, người chủ trương “đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới” đã ra lệnh Câu lạc bộ đình chỉ hoạt động vào tháng 03/1989.
Từ đó, mối rạn nứt Nam-Bắc càng ngày càng lan rộng trong toàn miền Nam, kể cả trong dân đến độ nhiều người miền Nam đã coi người miền Bắc là “quân xâm lược”, ấy là chưa kể tình trạng ngăn cách sâu thẳm chưa biết bao giờ mới có thể hàn gắn giữa đảng Cộng sản với người dân Việt Nam Cộng hòa cũ vì chủ trương kỳ thị, xếp người VNCH vào hàng “công dân bại trận” vẫn tồn tại cho đến 2014 trên mọi phương diện!
Đó là lý do tại sao vấn đề chưa có “đoàn kết trong đảng và trong dân” luôn luôn là mối đau nhức nhối ám ảnh các lãnh đạo CSVN trong suốt 39 năm qua, từ 1975.
Học mãi cũng chán
Ông Lê Duẩn còn thề: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của HỒ CHỦ TỊCH. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau giồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của HỒ CHỦ TỊCH tới đích cuối cùng.”
Nhưng tất cả những phong trào đảng đề xướng gọi là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong toàn đảng từ sau ngày Hồ Chí Minh qua đời rồi lan qua toàn dân trên cả nước từ ngày 03-02-2007 đều đã “nước đổ đầu vịt”.
Vì vậy, ông Lê Khả Phiêu mới nói với VOV rằng: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong Bác Hồ chưa thật thấm nhuần, còn hình thức giữa lời nói và việc làm thường trái ngược nhau, những căn bệnh như: quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, xa dân, thiếu tôn trọng dân... Những đảng viên như vậy rõ ràng không xứng đáng là học trò, là đồng chí của Bác. Đây là một vấn đề mà mọi đảng viên và cấp ủy các cấp phải thực hiện một cách đầy đủ tinh thần của lời thề. Từ những cán bộ cấp cao cũng như cán bộ phụ trách công việc ở các cơ sở phải nhìn nhận, đánh giá mình một cách nghiêm túc và phải có biện pháp khắc phục hiệu quả.” (Phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 27/08/2014)
Trong Di chúc, ông Hồ Chí Minh còn lưu ý: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, nhưng đối với một số đông đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền thì “cầm quyền” cũng phải đồng nghĩa với “cầm tiền” nên tệ nạn Tham nhũng đã có cơ hội tự do thăng hoa “sống mạnh sống hùng” để cho đội ngũ cán bộ “biết làm ăn” có cơ hội tậu nhà cao cửa rộng, xe hơi, ruộng vườn, rủng rỉnh tiền của tiêu xài theo đúng tiêu chuẩn của phương châm “chết chóc mặc bay tiền thầy bỏ túi”.
Do vậy mà từ năm 2003, dưới thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành để tiếp tục công việc “xây dựng chỉnh đốn đảng, dẹp tham nhũng và uốn nắn chệch hướng tư tưởng trong đảng.”
Một đoạn trong Nghị quyết này đã nói lên tình trạng vào lúc bấy giờ, sau 17 năm thi hành chủ trương Đổi mới thời ông Nguyễn Văn Linh (1986): “Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh Công Nghiệp Hóa, Hiện Đại Hóa đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.”
Nhưng cũng giống như đợt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã bị cán bộ coi là “trò đùa” cho đảng viên “tiêu sầu” trong giờ nhàn rảnh. Lý do việc làm này thất bại vỉ họ nhìn đâu cũng có cán bộ tham nhũng, nhất là những kẻ giữ các chức vụ cao trong đảng. Vì vậy cán bộ, đảng viên sẽ bị coi là kẻ “lạc dòng, ngoại đạo” nếu không biết tham nhũng!
Lại nghị quyết giật lùi
Đến năm 2012, sau một năm cầm quyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành khóa XI lại bắt chước ông Lê Khả Phiêu ra Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”
Nghị quyết viết: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân...
“Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ...
Đến chuyện suy thoái tư tưởng thì ngày nay đã có rất đông đảng viên không còn tin vào đường lối của đảng, nhất là việc đảng cứ mãi “điên rồ, lạc hậu và chậm tiến” duy trì chủ nghĩa phá sản Cộng sản Mác-Lênin nên Nghị quyết đã kêu gọi: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” và phải “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.”
Nghị quyết cũng đã đặt nặng việc phòng, chống tham nhũng vì tệ nạn này vẫn “còn nghiêm trọng” ở khắp nơi.
Như vậy thì hỏng to rồi còn gì nữa mà hô với hào. Hãy cứ tính theo thời gian dài của 45 năm, từ ngày có bản Di chúc ông Hồ để lại cho đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải lập lại chuyện thối tha nhức nhối này trong Diễn văn tại Hội nghị phòng, chống tham nhũng toàn quốc hồi tháng 5/2014: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bởi tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền. Đảng và Nhà nước ta đã thấy sớm và đã chỉ đạo làm nhiều lần, làm quyết liệt việc này cho nên mới được như ngày nay. Nhưng rõ ràng, còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì, không thể nóng vội. Cũng cần cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng để thổi phồng mặt xấu, bôi nhọ, phá hoại Đảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta.”
Vậy thì bây giờ phải giải quyết bằng cách nào?
Hãy nghe ông Lê Khả Phiêu nói với VOV, sau khi được hỏi: “Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam là gì?
Ông Phiêu: “Đến nay, về Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Đối ngoại, tuy đã có những thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nhất là về kinh tế.
Trong những khó khăn, thách thức như đã nêu trên thì thử thách lớn nhất chính là bản thân Đảng: những cái yếu kém, khuyết điểm, nhược điểm nổi lên là bản lĩnh, năng lực và phẩm chất, phương thức lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, những căn bệnh như quan liêu, cửa quyền, xa dân, không tôn trọng dân, vô cảm trước những hành động vi phạm đến quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, cá nhân chủ nghĩa, nạn tham nhũng, tham quyền, nhóm lợi ích. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, sự lỏng lẻo trong chấp hành các nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng: tự phê bình và phê bình, tập trung và dân chủ… Tình hình đó nói lên sức chiến đấu của Đảng đang giảm sút, lòng tin của dân đối với Đảng ngày một phai nhạt. Những tồn tại, yếu kém đó, mặc dầu đã đấu tranh nhiều lần ở trong Đảng nhưng vẫn chưa khắc phục được.”
“…Vì vậy Đại hội Đảng lần thứ XII này đề nghị cần tập trung giải quyết cho đến nơi đến chốn việc xây dựng củng cố Đảng… Phải thấy được cái yếu và ra sức khắc phục, mỗi đảng viên và tổ chức Đảng phải xem xét lại bản thân, nhất là các đồng chí cấp cao từ Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan quyền lực của nhà nước như: Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp.”
Đó là những mơ ước của cá nhân ông Phiêu thôi. Nếu lấy kinh nghiệm từ 5 năm ông giữ chức Tổng Bí thư khóa VIII rồi cộng thêm 10 năm nữa thời ông Nông Đức Mạnh làm “chưởng môn” 2 khóa IX và X trước khi trao quyền lại cho ông Nguyễn Phú Trọng (khóa XI) từ 2011 thì ta thấy đảng CSVN vẫn “dậm chân tại chỗ” rồi lại “đi giật lùi” trong công tác “xây dựng chỉnh đốn đảng”, trong đó có chuyện “đoàn kết”, xóa bỏ “suy thoái đạo đức, tư tưởng” và và dẹp “tham nhũng”.
Như vậy có phải đảng đã “hết thuốc chữa” những khuyết tật di căn của mình rồi không hay đảng cứ ì ra đấy để mặc cho dân khốn đốn?
(09/014)