Ngày trở về Trương Minh Tam an ủi mẹ già...
Trương Minh Tam - Tôi hạnh phúc trong ngày trở về với vòng tay người thân và bè bạn. Tôi không sợ hãi chuyện tù đày và thanh thản cho cuộc đời này nợ tôi món nợ vô giá đó là dùng luật rừng để đẩy tôi vào tù tội giữa ban ngày.
Vinh, ngày 8/1/2012.
Tôi đi dự phiên tòa người ta xét xử sơ thẩm 17 thanh niên Công giáo phạm tội “Hoạt động lật đổ Chính quyền”. Khi đó, với tôi, Đặng Xuân Diệu không phải là một cái tên làm tôi quá chú ý so với Lê Minh Sơn.
5 giờ, ngày 23/4/2014, Trại tạm giam số 2, công an thành phố Hà Nội.
Chuyến xe với một đội dẫn giải chỉ dẫn duy nhất một mình tôi- tên tù với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đi Trại giam.
11 giờ 30 ngày 23/4/2014, Phân trại số 3, Trại giam số 5- Bộ Công An Việt Nam.
Tôi được dẫn vào khu KI6- Khu Kiên Giam, Kỷ luật, sau khoảng 4 giờ 30 phút người làm xong các thủ tục cần thiết để bàn giao tôi.
KI6 là một khu giam biệt lập ngăn cách với xung quanh bằng tường cao vào lưới thép, gồm 2 dãy nhà chức năng. Dãy thứ nhất gồm 6 buồng, mỗi buồng diện tích khoảng 6 đến 7 m2 có gắn Cùm chân để nhốt các phạm nhân vi phạm kỷ luật trong 10 ngày theo một lệnh kỷ luật. Dãy thứ 2 gồm 8 buồng, chia làm 2 hướng, mỗi hướng 4 buồng áp lưng vào nhau với diện tích mỗi buồng khoảng khoảng 10 m2 trong đó có đắp 2 bệ nằm diện tích mỗi bệ 2m2, 1 bể nước 80l, 1 bệ xí, dùng để nhốt những phạm nhân sau khi xuống cùm nhưng xét thấy chưa hoặc không cho ra buồng chung. Mỗi buồng như thế, thường nhốt 2 người nhưng cũng không thiếu khi nhốt tới 4 người. Buồng có 3 ô thông hơi, mỗi ô diện tích khoảng 0,12m2, cửa đóng kín cả ngày, phạm nhân “không phải làm gì” ngoài việc chơi và đợi ăn ngày 2 bữa.
Tôi được dẫn vào buồng số 7 sống cùng với một phạm nhân khác. Buồng tôi được cung cấp 1 quạt điện, được hạ đèn đủ ánh sáng trong buồng, có đủ nước lọc để uống và ban ngày được mở cửa buồng thông ra sân, được sử dụng 1 buồng phụ có gắng thêm 1 bệ xí bệt, một bể nước dung tích khoảng 500l, đó là những buồng khác không có.
Phạm nhân gọi khu này là khu chuồng cọp khiến tôi nhớ tới cách nói của người Cộng Sản về chế độ nhà tù hà khắc của bọn thực dân, đế quốc ngày xưa. Sau này, ở lâu tôi hiểu, cả người Cộng Sản và bọn phạm nhân ngày nay đặt tên như thế đều vô cùng chính xác. Những con người nhét trong một không giam kín, không được làm gì, chỉ có đợi ăn ngày 2 bữa, không có đời sống tinh thần, nóng bức, bẩn thỉu nên cởi hết áo quần, suốt ngày hếch mặt qua cái lỗ thoáng nhìn ra ngoài, lâu lâu có một vài người đi qua nghé mắt nhìn vào thật chẳng khác nào lũ thú ở trong các công viên thật!
Có tiếng đập tường. Phạm nhân ở cùng tôi bảo:- Thằng tù buồng đối đít đập đấy anh ạ. Thằng này án giết người nhưng lại không nhận tội nên “các ông” ấy nhốt vào đây hết án cũng như anh. Nó làm ám hiệu có ý muốn “tâm sự” với anh đây! Tùy anh quyết định.
Tiếng đập tường cứ vang lên như thế mỗi ngày nghe có cái gì đó thật mòn mỏi nhưng tôi vẫn quyết định im lặng bởi tôi không thích nói chuyện với kẻ giết người.
Là bao nhiêu ngày như thế, tôi không còn nhớ nổi nữa vì nỗi ân hận khi một ngày kia, một tù nhân đã “thông ngôn” cho tôi rằng, người tù ở buồng đối đít ấy là một thanh niên Công giáo Nghệ An tên Đặng Xuân Diệu, bị kết án 13 năm với tội danh Hoạt động lật đổ Chính quyền.
Fx. Đặng Xuân Diệu, một thanh niên luôn dấn thân cho công ích xã hội, bị kết án 13 năm với tội danh Hoạt động lật đổ Chính quyền. |
Tôi ân hận dày vò vì đã tàn nhẫn với tiếng đập tường thảm thiết kia:
Đứa em trai tôi bị bắt ngày 30/7/ 2011 ở sân bay Tân Sơn Nhất- Sài Gòn sau khi vừa từ nước ngoài trở về với một khóa học Kỹ năng quản lý doanh nghiệp, nhưng người ta bảo em tôi tham gia khóa học huấn luyện của tổ chức khủng bố Việt Tân.
Ngày 15/8/2012, em tôi nằm ngất trên vũng máu khi người ta thẩm vấn em. Người ta tịch thu hết đồ đạc, tài sản của em nhưng không trao cho em biên bản thu giữ đồ vật.
Sau án sơ thẩm tuyên ngày 15/1/2013, em không kháng án mà viết đơn kêu oan tố cáo đã bị đánh đập đến thương tích, bị thu giữ tài sản bất hợp pháp, bị ép cung, mớm cung và kết tội oan dựa trên những lời khai không đúng của người khác.
Em lên Trại giam số 5 ngày 19/4/2013, ở K2 hai ngày sau đó chuyển sang khu Biệt giam này với lệnh Giam Riêng vô thời hạn.
Em được bố trí “sinh hoạt” cùng một Anh tù Giết người sinh năm 1960, người Hà Nội hơn em gần 20 tuổi. Sau khi sinh hoạt chung khoảng nửa tháng bằng tiền lưu ký riêng của em thì mối quan hệ anh em bắt đầu rạn nứt. Buồng cũng được “Ban Ưu tiên” cho mở lồng cọp vào ban ngày, cho 1 chiếc quạt và đến mùa thu năm ấy thì cũng có nước lọc để uống nhưng Anh bảo đó là của Ban cho riêng Anh nên Anh cho em nằm không và phải uống nước dùng để tắm! Anh rất thích vẽ chân dung em và được các Thầy và Ban khen vẽ khéo vì vừa giống em mà cũng rất giống Chó nên anh vẽ đầy buồng. Nhưng sau này chẳng hiểu sao, Ban lại cho người xóa các bức tranh đẹp ấy đi. Em phải đun nước để anh có nước nóng pha trà anh uống hằng ngày bằng các thứ nhựa tận dụng trong một cái buồng bé tí tẹo như thế với mùi khét độc hại. Em còn được Anh cho tập võ mỗi ngày mỗi khi anh vui. Em đã sống Hạnh phúc như thế trong 186 ngày (6 tháng 1 ngày, từ 22/4/2012 đến 23/10/2012) thì Anh em chia tay. Trong thời gian sống Hạnh phúc ấy, em cũng đã 3 lần làm đơn trình báo về tình trạng Hạnh phúc của mình nhưng rất tiếc không ai xem xét cho em.
Em ở tiếp 4 tháng một mình cô đơn trong giá lạnh.
Ngày 12/2/2014, em bị đi Cùm vì người ta bắt được trong đồ đạc của một tù nhân mãn hạn tù bức thư em gửi một vị Cha đạo.
Ngày 22/2/2014, em xuống Cùm sau 10 ngày tuyệt thực và có nhiều ngày không có cả nước mà uống, em viết đơn yêu cầu Trại giam phải đảm bảo các quyền tối thiểu cho 1 con người dù là phạm nhân bị kỉ luật vì em nói, khi vào kỷ luật, ngoài bị cùm 1 chân như quy định thì tù nhân còn bị đối xử như một con vật: thiếu nước uống, không được tắm giặt, rửa mặt, đánh răng, không đủ chăn ấm, sống chung cạnh chất thải nước tiểu và phân cũng như không có vật lau chùi sau khi vệ sinh suốt 10 ngày đó.
Thời gian này, em sống chung cùng một tù nhân khác thấy bảo thực sự hòa bình hơn nhưng ngày 4/10/2014 tù nhân ấy đã ra làng để sau đó ra tù ngày 6/10/2014. 4 ngày qua, tôi thấy lại sống một mình!
Tôi khâm phục em.
Thật sự khâm phục em bởi thời gian ở Trại của mình tôi luôn biết được việc em luôn đấu tranh yêu cầu Trại phải đảm bảo các quyền tù nhân và quyền con người cho các anh em tù nhân ở khu Kiên giam- kỷ luật khi mà họ ở đây bị tước đoạt: Quyền đọc sách báo, tiếp cận thông tin, quyền được thăm gặp, điện thoại, nhận quà của người thân gia đình đảm bảo đời sống tối thiểu của một con người! Khâm phục em vì cũng nhiều lần như thế em bị người ta nhục mạ, thậm chí là đã từng bị đánh đập... nhưng em vẫn quyết làm.
Tôi đau đớn từng ngày bởi từng ngày tôi cảm nhận được sức nóng của con tim em vươn tới tự do và ánh sáng cho những người xung quanh nhưng em thì đang héo hon mòn mỏi mỗi ngày của 18 ngày tuyệt thực trong một năm để phản đối bản án bất công dành cho mình và 7 tháng qua bỏ thêm 1 bữa trưa để phản đối cách hành xử hà “chẳng khác gì chế độ nhà tù thực dân đế quốc “tàn bạo mà chế độ ngàn lần tươi đẹp, văn minh dân chủ này đang dội xuống mọi tù nhân quanh em.
Ngày gần về, tôi khóc nức nở khi nghe em dặn dò tôi 51 chữ dứt lòng gửi mẹ già và vị Giám mục kính yêu của em để em có thể sẵn sàng Ra Đi vì một sự Tự do.
Tôi đau khổ bởi cho đến ngày về, người ta vẫn không cho tôi được làm một cái việc nhỏ nhoi là cho nó mấy thứ đồ hèn mọn, chào nó, nhìn mặt nó biết đâu là lần cuối dù tôi đã làm đơn gửi ông Giám thị đầy lòng nhân từ vậy mà ông ta từ chối.
Tôi không ngủ đêm qua mà chỉ gõ được từng này chữ!
Bởi tôi biết nói gì đây với người mẹ già 70 đang mỏi mòn chờ đợi nó khi nó gọi tôi là Anh sau những bức tường Câm đầy vô cảm kia!
Tôi biết nói gì đây với mọi người khi hằng ngày em tôi gào lên trong 4 bức tường: - Tôi đói. Tôi muốn ăn để sống! Nhưng tôi ăn sao nổi khi tôi bị người ta bóp cổ và hành hạ!
Xin mọi người hãy phán xét tôi đi! Hãy phán xét tôi đi!
*
Một thanh niên hoạt động chống Trung Quốc mãn hạn tù
Gia Minh (RFA) - Một biểu tình viên chống Trung Quốc tích cực trong các đợt xuống đường vào năm 2011 tại Hà Nội, anh Trương Minh Tam, thường được gọi là Trương Ba Không, hôm nay mãn án về nhà.
Anh Trương Minh Tam bị bắt hồi ngày 7 tháng 10 năm ngoái và bị khởi tố về tội danh mà tòa buộc là ‘lừa đảo’. Các phiên xử sơ thẩm vào ngày 9 tháng 1 và phúc thẩm vào ngày 11 tháng tư năm nay tuyên anh Trương Minh Tam 1 năm tù giam. Tuy nhiên anh này luôn phản đối cáo buộc đó.
Mặc dù các phiên xử được nói là công khai thế nhưng cũng như những phiên xử những nhà hoạt động hay bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam, nhiều người thân và những bạn hữu của anh Trương Minh Tam cũng không được vào dự tòa.
Sau khi ra khỏi trại giam anh Trương Minh Tam cho Đài Á Châu Tự do biết như sau:
Sau đó họ tiến hành đưa tôi xuống Trại giam Số 5 Yên Định, Thanh Hóa và giam tôi trong một cái buồng mà tôi phải nói là ‘ngục tù’. Tôi phải trải qua 167 ngày thi hành án mà tôi cho bị tước đoạt hết quyền làm con người. Đời sống tinh thần của tôi, những quyền cơ bản của tôi bị tước đoạt, tôi chỉ ngồi như một con lợn chờ hai bữa ăn hằng ngày họ đổ vào một cái như ‘máng ăn’ để tôi ăn duy trì sự sống. Tuy nhiên đến nay tôi được trả tự do và không được giảm án ngày nào.“Tôi tên Trương Minh Tam, tôi bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên ngay từ đầu tôi cho rằng vụ án của tôi là một vụ bí mật, tôi cho rằng họ khởi tố tôi hoàn toàn không đúng theo Luật Tố tụng Việt Nam do họ soạn ra. Thực tế ngày càng phơi bày khi họ tiến hành đi cung đối với tôi thì họ khai thác tôi về những mối quan tâm về xã hội, những quyền con người trong xã hội và một số các tổ chức xã hội dân sự trong xã hội. Sau đó họ cũng muốn đưa ra một số thỏa hiệp đối với tôi nhưng không đạt được mục đích nên họ kết án tôi trong hai phiên tòa nói là công khai nhưng không hề công khai một chút nào khi trong tòa không hề có bất cứ một người thân, gia đình nào của tôi vào trong tòa mà chỉ toàn là cán bộ an ninh, cảnh sát điều tra ngồi vây kín chỗ và đóng chặt cửa phòng.
Anh Trương Minh Tam cho biết buồng giam của anh và của tù nhân Đặng Xuân Diệu giáp vách nhau và họ chỉ có thể liên lạc vọng qua buồng giam của nhau mà thôi.Nhưng tôi đau xót muốn chia xẻ với mọi người về trường hợp của anh Đặng Xuân Diệu trong vụ án các Thanh niên Công giáo ở Vinh. Hiện nay anh ấy đang ở trong điều kiện tồi tệ hơn tôi gấp vạn lần cả về điều kiện vật chất, cũng như điều kiện tinh thần. Tôi mong một dịp nào sẽ kể mọi sự rất thật và mong mọi người làm điều gì đó cho tù nhân Đặng Xuân Diệu này.’
Tại Việt Nam hiện còn có những nhà hoạt động đang bị tù như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải mà khi bị khởi tố, bị bắt là với tội danh ‘trốn thuế’; nhưng đến lúc mãn hạn tù cho tội danh đó lại tiếp tục bị giam giữ và kết án với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Gia Minh