Malala Yousafzai lãnh giải Nobel Hòa Bình 2014 - Dân Làm Báo

Malala Yousafzai lãnh giải Nobel Hòa Bình 2014

Dân Làm Báo - Malala Yousafzai đã được trao giải Nobel Hòa Bình vào hôm qua, thứ 6 ngày 10 tháng 10, 2014 cùng với ông Kailash Satyarthi cho những nỗ lực tranh đấu chống lại sự áp bức đối với trẻ em và quyền của giới trẻ, trong đó có quyền được giáo dục.

Malala Yousafzai, người Pakistan, năm nay 17 tuổi là người trẻ nhất trong lịch sử được vinh dự nhận giải Nobel Hòa Bình trong danh sách những người nhận giải nổi tiếng như Martin Luther King Jr., Nelson Mandela and Mẹ Teresa.

Hai năm trước đây Malala Yousafzai bị quân khủng bố cực đoan Taliban bắn vào đầu và cổ bởi vì những tranh đấu của cô đòi quyền được giáo dục cho các em gái nhỏ ở Pakistan. Sau khi hồi phục từ cuộc giải phẫu, Malala đã mở rộng phạm vi chiến dịch vận động ra thế giới bên ngoài và trở thành tiếng nói đi đầu cho quyền được giáo dục của các trẻ em phái nữ.

Từ khi mới 11 tuổi Malala Yousafzai đã bắt đầu có những buổi trả lời phỏng vấn và chuyển tải những thông điệp của cô về sự quan trọng của giáo dục đối với các bé gái. Lúc bấy giờ Taliban đã chiếm đóng thành phố của cô và đe dọa sẽ phá hủy toàn bộ những trường lớp dành cho nữ sinh và ngăn cấm các bé gái đến trường.

Malala Yousafzai được 
Timesbình chọn trong số 10 
nhân vậtcó ảnh hưởng lớn nhất
trên thế giới vào năm 2013
"Mặc dù tuổi còn rất trẻ, Malala Yousafzai đã tranh đấu trong nhiều năm cho quyền được đến trường của trẻ em gái. Cô là tấm gương chứng minh rằng trẻ em và thế hệ trẻ cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của chính mình. Và Malala đã làm điều đó trong những điều kiện vô cùng nguy hiểm. Qua cuộc tranh đấu hào hùng của cô, cô đã trở thành phát ngôn viên hàng đầu cho quyền của trẻ em gái được học hành." Ủy ban Nobel đã tuyên bố.

Malala Yousafzai hiện đang theo học tại Birmingham, Anh Quốc và cô nhận được tin thắng giải Nobel Hòa Bình vào sáng thứ sáu khi đang ở trong lớp hóa học. Phát biểu cảm tưởng về giải thưởng, Malala nói rằng cô không tin là cô xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình. Tuy nhiên, cô xem đây là một khích lệ lớn lao để cô tiếp tục và biết rằng cô không cô đơn trên con đường tranh đấu của cô.

"Đây chỉ là bước khởi đầu, trẻ em trên toàn thế giới cần đứng dậy cho những quyền của mình mà không phải chờ đợi ai khác," cô nói. 

Kailash Satyarthi
Sau khi nhận giải, Malala Yousafzai đã gọi phôn cho ông Kailash Satyarthi - người đồng nhận giải Nobel Hòa Bình 2014 với cô. Hai người đã đồng ý sẽ làm việc với nhau để tranh đấu cho mỗi trẻ em phải có quyền đến trường.

Việc trao giải thưởng cho 2 công dân Pakistan - Hồi Giáo và India - Ấn Độ Giáo, theo Malala Yousafzai cũng đã gửi một thông điệp tình yêu giữa 2 quốc gia và 2 tôn giáo này. Nó cho thấy vượt qua những khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, tất cả chúng ta đều có thể cùng nhau tranh đấu cho quyền của phụ nữ, trẻ em và tất cả con người.


Tuyên bố của Ủy ban Nobel - 
Malala Yousafzai và Kailash Satyarthi thắng giải Nobel Hòa Bình

"Tôi đã tự nói với chính mình, hãy can đảm, đừng sợ bất kỳ ai. 
Tôi chỉ cố gắng để được học hành. Tôi không phạm tội." 

"Một em bé, một cô giáo, một cuốn sách 
và một cây viết chì có thể thay đổi thế giới."

"Tôi không nói cho chính tôi, nhưng mà cho những người không có tiếng nói."

"Đã có lúc những người hoạt động phụ nữ yêu cầu
đàn ông đứng lên tranh đấu cho quyền của họ.
Nhưng giờ đây, phụ nữ chúng tôi sẽ tự làm điều ấy cho chúng tôi."

"Taliban đã bắn vào phía trái trán của tôi và bắn những người bạn của tôi.
Họ nghĩ rằng những viên đạn sẽ làm chúng tôi im lặng, nhưng họ đã thất bại."


Phát biểu của Malala Yousafzai tại Liên Hiệp Quốc vào 12/07/2013

Nguồn: CNNUSAToday



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo