Duyên Duyên (Một Thế Giới) - Đó là câu hỏi chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 18.11.
Tinh giản biên chế, thu hút người tài, cấp trưởng, phó nhiều hơn nhân viên... là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về cải cách thủ tục hành chính.
ĐBQH Đỗ Văn Dương |
"Hiện nay đang có tình trạng người có năng lực, có đầu óc thì không vào làm tại các cơ quan Nhà nước, hoặc vào nhưng ra đi ngày càng nhiều. Còn người kém năng lực thì gia tăng, làm tăng số lực lượng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng tại sao người tài thì ngày càng ít, còn người ham muốn, lười nhác thì ngày càng nhiều? Nguyên nhân chính là do đâu?" - đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) đặt câu hỏi.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đánh giá đây là câu hỏi khó. Ông Bình cũng đưa ra 5 lý do để lý giải tình trạng này. Thứ nhất, là do có việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức chưa đúng phẩm chất, năng lực. Thứ hai là do cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm. Thứ ba là do chế độ đánh giá chưa đổi mới, chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ tư, do chế độ tiền lương và đãi ngộ chậm được cải thiện. Và cuối cùng là do quá trình tuyển đầu vào chưa thực sự đáp ứng được nhiệm vụ, chưa tuyển được người có năng lực có tâm huyết.
"Để thay đổi được tình trạng này, tôi cho rằng cần phải đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên trực tiếp quản lý đánh giá cấp dưới. Tiếp đó, sẽ tăng cường sử dụng, trọng dụng người có tài năng. Bộ Nội vụ cũng đã được giao thực hiện đề án sử dụng sinh viên có thành tích xuất sắc tại các trường đại học và đang trình Thủ tướng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng Nghị định trọng dụng người có tài năng và đang trình Chính phủ. Việc giảm biên chế với những người không đủ năng lực thì hiện nay Bộ Nội vụ đã được giao xây dựng đề án, cũng đã được Bộ Chính trị thông qua, giao hoàn thành tờ trình để xin ý kiến Trung ương ban hành. Trong đề án này có nhiều giải pháp mạnh, tôi rất hy vọng sẽ giảm bớt được bộ máy hành chính và chỉ bổ nhiệm người có tài năng, có năng lực thực sự" - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.
Đồng tình với đại biểu Đỗ Văn Đương và cũng chất vấn liên quan đến tinh giản biên chế, đại biểu Bùi Thị An (đại biểu đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, hiện nay cử tri nói rất nhiều về lạm phát cấp Phó kéo dài từ Trung ương đến địa phương, làm bộ máy cồng kềnh. "Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này" - bà An chất vấn.
Trả lời bà An, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, số lượng cấp Phó tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước đây được quy định bởi Nghị định 13 và Nghị định 14 về các cơ quan chuyên môn. Sau đó được thay thế bằng Nghị định số 27 và Nghị định số 34. Còn về quy định số lượng Thứ trưởng thì không có quy định cứng mà có tính chất cơ động nên đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
"Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có thể bổ nhiệm 4 Thứ trưởng hoặc do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Nếu muốn tăng thêm số lượng Thứ trưởng thì phải có đề án trình lên các cơ quan có thẩm quyền là qua Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư quyết định. Thủ tướng cũng có quyết định theo quy trình.
Bộ Nội vụ cũng nhiều lần có kiến nghị về số lượng cứng các Thứ trưởng, nhưng đề nghị này đã gây tranh luận giữa các bộ ngành. Các bộ muốn có nhiều Thứ trưởng thì không đồng ý đưa ra số lượng cứng và các quan không gặp nhau được. Tuy nhiên, sắp tới theo quy định của Chính phủ, sẽ có số lượng cứng, không để tình trạng này kéo dài. Còn tất cả cấp Phó khác thì đều có quy định cứng hết, nhưng trên thực tế lại không tuân theo quy định đó" - Bộ trưởng Bình cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cung cấp các số liệu liên quan đến vấn đề này. Theo báo cáo sơ bộ, đối với cấp Bộ, có quy định 4 Thứ trưởng nhưng bình quân hiện nay là 5,4 thứ trưởng. Đối với Tổng cục, quy định 3 cấp Phó nhưng bình quân hiện nay là 3,69. Với cấp Vụ là 3 nhưng bình quân là 3,04. Cấp Sở là 3 nhưng bình quân là 3,06.
"Như vậy, trong tất cả cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp Bộ, Tổng cục, Vụ và Sở đều tăng vượt mức. Còn tất cả các đơn vị còn lại thì cơ bản không vượt. Nếu bổ nhiệm quá nhiều cấp Phó thì sẽ gây lãng phí cho ngân sách, không tạo được sự đồng bộ xã hội" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, đầu tiên là do sức ép của công việc, nền hành chính của Việt Nam là họp hành nhiều, nhiều đơn vị khó tính, nếu không phân công Trưởng hoặc Phó đi là không cho tham dự.
Nguyên nhân thứ hai là do đặc thù một số ngành, phải có cán bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, chưa kể một số ngành phải có nhiều cấp phó vì quá nặng nề, phải có người giải quyết.
"Tuy nhiên Bộ Nội vụ chúng tôi cũng làm gương vấn đề này. Chúng tôi được cơ cấu 6-7 Thứ trưởng nhưng chỉ giữ 4 Thứ trưởng. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là một số cơ quan tổ chức quá nhiều cấp Phó không thực sự xuất phát từ nhu cầu mà do hậu quả của sự bổ nhiệm vì một lý do nào đó. Tôi thừa nhận điều này" - ông Bình nói.