Chuyện hôm nay mới kể - Dân Làm Báo

Chuyện hôm nay mới kể

Phương Bích - Là chiều qua tôi đưa thằng cháu ở phòng 604 ra phường, nộp đơn đòi tài sản lần hai. Lúc ra về, một chú công an mặc thường phục quen mặt nhưng không biết tên, không biết cả chức vụ í ới gọi. Chuyện vãn một lúc, khi chào tạm biệt, chú ấy bảo: chị dạo này béo ra đấy. Tôi bảo ừ, lười quá nên thế. Mai là ngày nhân quyền, tranh thủ vận động cho khỏe người. 

Chú ấy niềm nở hỏi: đi đâu đấy? 

Tôi trêu, đáp: Bí mật! 

Tối đến, đang ăn cơm thì 2 chú công an và ông trưởng ban Mặt trận Tổ quốc tổ dân phố gõ cửa. Tôi mở cửa, hỏi có chuyện gì. Ông MTTQ cười cười bảo, thì có việc tý. 

Tôi bảo, nếu chú có việc thì cháu mời vào, nhưng có 2 anh công an đây thì lại khác. Cháu cần biết rõ có chuyện gì. Thấy cả 3 lúng túng, tôi hỏi luôn: 

- Lại chuyện ngày mai hả? Ban chiều tôi nói đùa đấy. Mai tôi không có việc gì đi đâu cả. 

Ông MTTQ mừng rỡ: ừ thôi... 

Tôi gạt phắt: 

- Cháu nói không đi là vì cháu không có kế hoạch đi. Không phải vì tất cả mọi người đến ngăn cản cháu như mọi khi, mà cháu lại tuyên bố là cháu không đi. 

Quay ra với 2 chú công an: Thế nhé. Cứ yên tâm. Tôi nói không đi là không đi, không nói dối các anh bao giờ. Có anh Khải (CSKV cũ) biết rõ đấy. 

Ông MTTQ cười tươi rói, cùng 2 chú công an ra về. Thật may cho các chú là hôm nay giời mưa, nếu không lại ngồi chế món bánh canh thì khổ. 

Vì cái câu ừ thôi của ông MTTQ, mà hôm hay tôi quyết định xuống gặp ông. Không phải lại lôi bố tôi ra để khoe, nhưng tôi biết, thời các ông, cái tư duy trên dưới vẫn còn nặng lắm. Ở chung cư nhà tôi, vẫn còn một lớp người cũ, cùng làm việc từ thời bố tôi là thủ trưởng của các ông ấy. Dù bố tôi giờ chỉ là một ông già 92 tuổi, nhưng họ vẫn nhất mực kính trọng, ngay cả khi bố tôi “nói xấu” chế độ, đòi đa nguyên đa đảng. 

Thấy tôi xuống, ông MTTQ cười tươi, mời vào nhà, rót nước đàng hoàng. Tôi vào chuyện ngay, hỏi ông nghĩ thế nào về những việc tôi làm? Nếu nó không xấu, không phạm pháp thì sao lại khuyên là... thôi? Ông nghĩ thế nào về cách chính quyền huy động người để ngăn chặn tôi ra khỏi nhà, không có lệnh sao lại khám xét nhà (vụ 604). Tại sao công an lại đánh bọn trẻ phòng 604... 

Ông bối rối cười trừ, công nhận chuyện đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là đúng, là quyền của mọi người. Tôi bảo không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân nữa chứ ạ. Ông lại cười công nhận. Tôi biết có truy ông, ông cũng chẳng trả lời được. Mặc dù trong lòng ông chuyện đúng sai ông có khả năng nhận biết hết. Nhưng nỗi sợ và thói quen tuân thủ khiến ông không thế lên tiếng phản đối được. Tôi bảo, nếu công an nhờ chú ngăn cản cháu, chú có thể từ chối được lắm chứ? Chú cứ bảo, cô ấy ngần ấy tuổi rồi, bố cô ấy còn không ngăn, sao tôi ngăn được (chưa nói đến chuyện làm thế là vi phạm pháp luật). Cô ấy vi phạm pháp luật, các anh cứ bỏ tù ngay. Việc gì chú cứ phải nhất nhất nghe theo họ? 

Chú cháu ngồi nói chuyện xã hội một lúc. Nghe ông ấy nhắc đến quốc hội, tôi bảo: quốc hội xa dân lắm. Thế chú có biết ông đại biểu quốc hội nào là đại diện cho khu dân cư mình đang sống không? Nếu biết, chú có gặp được ông ấy, để đề đạt những ý kiến và nguyện vọng của chú không? 

Ông cười lắc đầu. Nhìn cái cách ông ấy cười cũng thật tội nghiệp, rất cầu hòa nên tôi chả nỡ truy ông nữa. Nhưng tôi biết, nay mai công an nhờ ông ra ngăn tôi, ông lại vẫn tuân lệnh cho mà xem. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo