Lộc Thanh (Bạn đọc Danlambao) - Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) vừa triển khai luật biểu tình 2015, trong đợt danh sách đầu tiên có 102, con số khá khiêm tốn so với sự vận động của các tổ chức khác, đặc biệt là của nhóm Boxitvn.
Nhưng nó cũng không phản ánh nhiều đến thế, vấn đề là 102 người trong đó bao hàm nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều vị trí xã hội, và nơi cư trú khác nhau. Nhưng tất cả đều đồng thuận thực hưởng ứng cuộc vận động đề xuất và thảo luật dự luật Biểu tình 2015.
102 người trong số hàng vạn con người thuộc các nhóm xã hội dân sự của người Việt ở trong và ngoài nước, hàng triệu người dân ở trong nước. Tạm bỏ qua yếu tố truyền thông ban đầu, liệu rằng đây có phải là một con số thất bại?
Không! Không! Chẳng có sự thất bại nào ở đây cả, 102 người hay 12, thậm chí là 1-2 người ủng hộ cũng là một điềm tốt về sự nhận thức vai trò của luật biểu tình trong đời sống dân sự xã hội. Bởi ánh lửa ban đầu cũng được nhen nhóm từ những luồng lửa nhỏ.
Quả thực là vậy, khi IJAVN khởi xướng Luật biểu tình, có không ít tổ chức cá nhân tìm cách đả kích, và cho rằng đó là một việc làm rỗi hơi, rằng có làm đến bao nhiêu thì Cộng sản Việt Nam cũng chẳng nghe, chẳng thay đổi…
Nhưng có vẻ, IJAVN không chờ đợi sự thay đổi từ phía chính phủ, mà buộc họ (chính phủ) phải có thái độ tích cực hơn đối với yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Buộc họ phải nhìn lại thế đứng của các tổ chức dân sự xã hội trong nước, và biết cách lắng nghe các tổ chức này hơn.
Là một tổ chức dân sự xã hội (DSXH), có lẽ IJAVN đã hiểu rằng, bản chất tồn tại của một tổ chức dân sự xã hội không phải là sự góp mặt cho vui về hình thức, để ăn tiền quyên góp của người dân trong và ngoài nước, để múa họa này nọ cho vui ngày tháng. Mà chính là tồn tại, là hiện diện để thúc đẩy phong trào dân sự, xã hội trong nước đi lên. Để xóa bỏ sự hoài nghi về những tổ chức DSXH giấy trong lòng chế độ, xã hội Việt Nam hiện thời của không ít cá nhân, tổ chức, nhóm người khi nhìn vào đánh giá.
Chúng ta (ở vị thế là một công dân có dòng máu Việt) có thể không đồng tình với một hoặc nhiều Điều khoản mà IJAVN soạn thảo trong Luật biểu tình, và chúng ta cần phải góp ý, đề xuất sao cho bản dự luật được hiện diện về sau chặt chẽ hơn, chứ không phải là chúng ta tìm cách bài bác Dự luật Biểu tình và tìm cách chuyển giao lại cho phía nhà nước độc quyền làm và thực thi.
Làm như thế, chỉ thể hiện tính hẹp hòi và ích kỷ trong việc nhìn nhận Dự luật Biểu tình về mặt thành quả tổ chức, hơn là cái nhìn về lợi ích không gian bày tỏ quan điểm cho người dân. Cần nhấn mạnh rằng, lợi ích của người dân, lợi ích của quyền hiến định phải là cao nhất, phải là mục tiêu sâu sát nhất trong mọi chiến lược, sách lược đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam.
Chúng ta phải can dự vào các hoạt động của nền chính trị, xã hội nước nhà, thay vì để cho nhà nước tự biên, tự diễn với nhiều chiêu trò, vạch ra cho chúng ta hy vọng rồi để đó khiến chúng ta thất vọng, đi đến chửi bới.
Dự luật Biểu tình có thực tế và khả thi không? Chắc chắn là có, vì nó là cách làm tiên quyết nhất để tạo nền tảng, động lực tập hợp “SỐ ĐÔNG” - như trong Lời kêu gọi tham gia Chiến Dịch Tranh Đấu cho Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền 2015.
Một độc giả tên Văn Đức khi phản hồi về dự luật biểu tình trên chuyên trang IJAVN, thì có nói rõ: “Tôi ủng hộ DỰ ÁN này theo tinh thần Công dân là: Tự Do chẳng nơi nào giá rẻ, Nhân Quyền không phải thứ cho không.”
Và ý tứ câu nói của Mitschurin học từ thời lớp 10/10: “Chúng ta không chờ thiên nhiên ban ơn mà nhiệm vụ của chúng ta là phải giành giật lấy.”
Có lẽ, 102 người trong danh sách đầu tiên cũng thế. Chính phủ không làm, thì hãy để nhân dân cùng làm.
Hãy cùng vận động cho dự luật biểu tình 2015 ra đời! Hãy cùng tạo không gian bày tỏ quan điểm của SỐ ĐÔNG.