Ký tên ủng hộ chiến dịch vận động cho nhân quyền Việt Nam năm 2015 - Dân Làm Báo

Ký tên ủng hộ chiến dịch vận động cho nhân quyền Việt Nam năm 2015

Kính thưa quý ông, quý bà,

Là người Việt Nam sống xa đất nước, nhưng tôi luôn quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam. Cũng như rất nhiều người con của tổ quốc Việt Nam thân yêu, tôi luôn mơ ước đất nước của chúng ta sớm giàu mạnh, quyền con người được tôn trọng. Chính vì vậy, tôi luôn tham gia ủng hộ kí tên cho các chiến dịch vận động cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ một số suy nghĩ của mình về chế độ chính trị của Việt Nam trong tương lai, với mong muốn rằng những điều tốt đẹp của tất cả chúng ta sẽ sớm được thực hiện.

Tôi đã đọc cẩn thận ba lần lời kêu gọi vận động cho dân chủ nhân quyền của quý ông bà. Những câu từ được viết ra đã thể hiện tình cảm chân thành cùng với ước muốn đất nước sớm có những thay đổi lớn về chính trị. Con đường đấu tranh ôn hòa để xây dựng một chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay là con đường hoàn toàn đúng đắn. Vì đấu tranh bằng bạo lực sẽ không thể đem lại dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Các biện pháp tranh giành quyền lãnh đạo bằng bạo lực chỉ là cách thức hạ bệ một tầng lớp đang cầm quyền xuống và đưa một tầng lớp mới lên cầm quyền. Nhân dân sẽ không được hưởng gì từ những chuyển giao quyền lực nhờ bạo lực. Giải pháp này không thể đem lại dân chủ và tự do cho Việt Nam. Bằng chứng là những người cộng sản đã giành chính quyền bằng bạo lực. Họ giữ quyền lực bằng mọi giá và ngăn cấm các đảng phái khác không được phép hoạt động. Họ tự cho mình là duy nhất có quyền lãnh đạo đất nước. Họ tiến hành bầu cử theo hình thức đảng cử dân bầu, không theo nguyên tắc bầu cử tự do và cạnh tranh chính trị của thế giới văn minh. Họ nghĩ rằng đảng cộng sản đã có công đánh thắng các đế quốc lớn giành độc lập cho Việt Nam, cho nên người cộng sản có quyền lãnh đạo. Kết quả là Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền từ 70 năm nay. Chúng ta hãy thử quan sát các đảng cộng sản khác trên thế giới: Đảng cộng sản Liên Xô đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng Đức quốc xã, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Họ cũng đã phóng thành công vệ tinh Spoutnik lên vũ trụ, nhưng đến nay đảng này không còn vai trò lãnh đạo đất nước và cũng không còn ảnh hưởng gì ở Nga, ngoại trừ đối với một số đảng viên già đã có nhiều thời gian sống dưới chế độ XHCN. Đảng cộng sản Ý đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít, cứu nguy cho đất nước khỏi bị tàn phá trong chiến tranh, trước khi quân đồng minh tiến vào Ý. Đảng này trong nhiều năm có ảnh hưởng chính trị lớn thứ 2 ở Ý, có nhiều ghế trong Nghị viện, nhưng đảng này hiện tại không có vai trò gì trong đời sống chính trị ở Ý. Đảng cộng sản Pháp đã tham gia kháng chiến chống Đức quốc xã, góp phần giải phóng đất nước, sau khi hòa bình, đảng cộng sản Pháp vẫn là một đảng lớn thứ 3, chiếm nhiều ghế trong Quốc hội và Thượng Viện. Đến nay đảng này chỉ nhận được khoảng 2 % đến 4 % số phiếu ủng hộ. Vai trò lịch sử của các đảng cộng sản đã hết, những người cộng sản không thể kể ra những công lao trong quá khứ, hay mượn hình tượng của các lãnh tụ để hợp thức hóa quyền lực của mình. Họ phải chấp nhận đa nguyên chính trị và nhường chỗ cho các đảng phái tiến bộ hơn họ. 

Con đường đấu tranh ôn hòa để hướng đến một chế độ đa đảng, có bầu cử tự do, có cạnh tranh chính trị, nhân dân được thực hiện các quyền cơ bản của mình, thích hợp với phương pháp đấu tranh bất bạo động. Đối với hoàn cảnh của Việt Nam, khi trình độ nhận thức của người dân được nâng cao, khi các tổ chức dân sự ngày càng lớn mạnh và có tiếng nói quan trọng đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, khi nhiều người đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản dũng cảm từ bỏ thể chế chính trị lỗi thời và quyết tâm thay đổi, khi đó sẽ có những chuyển biến lớn trong đời sống chính trị ở Việt Nam. Sẽ có nhiều người mất kiên nhẫn, vì họ cho rằng điều đó sẽ không thể có được với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, chỉ có cách là người dân phải vùng lên đấu tranh, kể cả dùng bạo lực. Tôi cho rằng điều đó không chính xác. Người Việt Nam sống an phận và rất dễ bằng lòng với những gì mình đang có. Với những lo toan vất vả hàng ngày, đa số người Việt Nam không mấy quan tâm về dân chủ, nhân quyền. Nhưng những quyết định lớn hay những thay đổi lớn luôn do một số cá nhân trong xã hội quyết định và quần chúng là những người hưởng ứng. Tập hợp toàn bộ các nhóm người trong xã hội để thực hiện một mục tiêu là điều không thể, nhưng tập hợp được nhiều người ủng hộ sẽ dễ dàng thực hiện được mục tiêu đề ra. Và điều gì phải đến sẽ đến.

Kính thưa quý ông, quý bà,

Những cố gắng ban đầu của chúng ta để góp phần thay đổi đất nước giống như chúng ta đang làm ra những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngôi nhà chung cho tổ quốc Việt Nam thân yêu. Ngôi nhà mới chính là một chế độ dân chủ, công bằng, văn minh, tập hợp được trí tuệ của nhiều người Việt Nam ưu tú ở trong nước và ở nước ngoài. Chế độ chính trị mới sẽ là cơ sở để cho văn hóa Việt Nam và năng lực của người Việt Nam có cơ hội tỏa sáng và có sức ảnh hưởng đối với thế giới. Ngôi nhà ấy cần được xây dựng bằng trí tuệ thông minh, hiểu biết, bằng tình yêu thương, tha thứ, bằng sự thủy chung, tôn trọng các giá trị truyền thống, bằng cách giữ gìn văn hóa và lịch sử được tổ tiên xây dựng và bảo vệ từ mấy nghìn năm qua. Ngôi nhà mới sẽ thay thế cho túp lều lụp xụp, dột từ nóc dột xuống do Hồ Chí Minh và những người cộng sản xây dựng và chắp vá từ 70 năm qua.

Để thiết lập từng bước một chế độ dân chủ ở Việt Nam, chúng ta sẽ làm ngược lại những gì mà đảng cộng sản Việt Nam đã làm. Điều 4 Hiến pháp ghi nhận sự lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối của đảng sẽ bị loại bỏ, các đảng phải sẽ được tự do hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp, nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ bị hủy bỏ, một số quyền về kinh tế, xã hội sẽ được trao cho các vùng, xây dựng tốt các cơ chế dân chủ ở cấp độ địa phương, đây sẽ là yếu tố quan trọng để xây dựng thành công chế độ dân chủ ở Việt Nam. Báo chí được phép tự do hoạt động. Cơ quan tư pháp có vị trí độc lập để kiểm soát và giảm bớt việc lạm dụng quyền lực của cơ quan hành pháp và lập pháp. Tòa án Hiến pháp được thiết lập để bảo vệ các giá trị cơ bản của Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp thừa nhận hoặc hủy bỏ kết quả các cuộc bầu cử ở cơ quan hành pháp và lập pháp trong trường hợp có gian lận...

Chiến dịch vận động cho nhân quyền Việt Nam năm 2015 cần có sự ủng hộ rộng rãi của người Việt Nam ở trong nước và hải ngoại. Tôi rất mong rằng mục tiêu một trăm nghìn chữ kí ủng hộ sẽ đạt được. Vì thế tôi hưởng ứng chiến dịch này.

Nguyễn Việt Bách
Nghề nghiệp: Luật gia, Nghiên cứu sinh ngành khoa học chính trị (le doctorant de Science Politique à l’Ecole doctorale de Bordeaux).
Địa chỉ: 11 rue des Jardins, 94230 Arcueil Cachan
Téléphone: 00 33 6 65 55 35 59
Mail: lejuriste14@gmail.com

Tôi xin cảm ơn quý ông, quý bà.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo