Những ông vua thời cộng sản - Dân Làm Báo

Những ông vua thời cộng sản

Đại Nghĩa (Danlambao) - Cách đây 6 năm, lúc ấy vào dịp tết, báo chí đã một lần ồn ào đưa tin và tả cảnh rộn rịp của những chiếc xe sang trọng bóng lộn của những người dư ăn, dư để đem đi biếu, cống các vua quan thời đại. Bài báo mô tả rõ cách bày trí và cung cách sống “đế vương” nơi cung điện của những vua chúa cộng sản khi về hưu cũng chẳng khác gì vua chúa thời phong kiến. Mỗi khi tết đến là dịp để các ngài tiếp đón những phái đoàn “quà cống” đến thăm, khi đoàn xe đỗ xịch trước cổng:

“Rồi từ trong xe bước ra bảy, tám người mặc veston thẳng nếp - và cả quân phục, khệ nệ khiêng những thùng quà hiếm quý biếu tết để tặng cựu lãnh tụ đảng CSVN… lần lượt đi qua cái cổng màu nâu to lớn uy nghi này, báo hiệu một biệt thự sang trọng bên trong được điểm tô nổi bật bằng những loại cây đắt tiền ở tiền sảnh.

Hình ảnh tiếp theo cho thấy ông Lê Khả Phiêu, trong bộ veston màu sậm, đã tươi cười chờ sẵn ở phòng khách hoành tráng với những bộ bàn ghế gỗ quý đánh màu nâu bóng loáng, lót nệm hoa đỏ kê liên tiếp nhau, cùng những chậu lục bình trưng bày hoa màu vàng, xanh, hồng, đỏ…

Rồi những vị khách của Người từng cầm đầu đảng chứng kiến báu vật Trống Đồng Đông Sơn- mà luật pháp hiện hành cấm cá nhân sở hữu - được gia chủ trưng bày nổi bật trên 2 ghế trường kỷ tựa vách phòng khách…

Phòng thư viện với tủ sách đồ sộ chứa đựng những tư tưởng các nhân vật được gọi là “bác Mác, bác , bác Mao, bác Hồ”, kèm theo nhiều hình ảnh thếp vàng tương ứng trên tường…

Rồi tượng đồng cùng tranh ảnh của chính ‘bác Phiêu’ hiện diện gần như khắp nhà, đặc biệt là ảnh ‘bác Phiêu’ nổi nền đỏ đặt ở vị trí trung tâm một cái tủ gỗ quý to lớn có nhiều hộc, nhiều ngăn được án ngữ ngay phía trước là một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ quý có cẩn cặp ngà voi to tướng với giá thị trường - theo lời bình trong ảnh - tới 50 ngàn đôla, khiến người ta dể liên tưởng tới sự sùng bái cá nhân của chủ nghĩa cộng sản

Lên sân thượng, khách chứng kiến vườn rau sạch xanh tươi được chăm sóc bằng một hệ thống tự động với phí tổn nghe nói không dưới 20 ngàn đô, nhằm bảo đảm nhà bác khỏi phải ăn những thứ rau thường xuyên nhiễm đủ loại hóa chất độc hại ở thị trường”. (RFA online ngày 4-2-2009)

Thành tích lớn trong đời vua Lê Khả Phiêu là với cương vị tổng bí thư của một đảng mà ông đã lộng quyền thay mặt chính phủ ký luôn hai hiệp ước dâng đất, dâng biển cho đế quốc Tàu. Tháng 12-1999 ông ký hiệp ước về biên giới Việt-Trung tại Hà Nội dâng Tàu thác Bản giốc và Ải Nam Quan; tháng 12 năm sau ông sang Tàu ký thêm hiệp ước Vịnh Bắc Bộ dâng thêm hàng chục ngàn cây số vuông biển nên các cụ lão thành lật đật lôi ông xuống, dù chỉ ở ngôi mới một nhiệm kỳ. Giáo sư Trần Khuê trả lời phỏng vấn của tuần báo Viet Tide, ông cho biết:

“Các cụ lão thành cách mạng và các cựu chiến binh mà tôi gặp ở đó nói rằng Bộ chính trị của Lê Khả Phiêu đã nhường một phần đất biên giới cho Trung quốc. Tôi rất ngạc nhiên. Họ cũng phê bình, chê ông Lê Khả Phiêu là hậu duệ của Lê Chiêu Thống…

Đúng như thế, hành động cắt đất, cắt biển cho ngoại bang như thế là hành động phản dân tộc, phản quốc, phản lịch sử cần được xét xử”. (Viet Tide số 30 ngày 8-2-2002)

Đúng 6 năm sau, cũng vào dịp tết báo chí lề phải đưa tin vua Nông Đức Mạnh tiếp đón những phái đoàn các quan chức và chủ các doanh nghiệp đến chúc tết rồi thì các báo lề trái khai thác đưa tin sốt dẻo về cung điện hoành tráng của vua

Nông một cách nồng nhiệt.

“Vào đúng ngày mùng một Tết năm Ất Mùi, mạng xã hội đã nóng lên với tấm ảnh được báo Tiền Phong đăng nơi trang nhất cho thấy nội thất của nguyên TBT Nông Đức Mạnh có cách bài trí xa hoa vượt lên mọi sự tưởng tượng của người dân, đặc biệt là chiếc ghế ông ngồi không khác gì chiếc ngai vàng thời vua phong kiến”. (RFA online ngày 23-2-105)

Nhà báo Võ Văn Tạo đã chua chát nói về “Phong cách sống cung đình” của cựu TBT Nông Đức Mạnh như sau:

“…là một đất nước nghèo đói như thế tôi là người Việt Nam cảm thấy xấu hỗ lắm tại sao lại để cho một người vô học, kệch cỡm phô trương như thế mà lại đứng đầu đất nước? Tôi cảm thấy nhục!” (RFA online ngày 23-2-2015)

Nhà báo Huy Đức trong bài “Quốc phụ và quốc sư” cũng cùng nhận định trên:

“Ngoài khía cạnh văn hóa, việc tổng bí thư của một đảng cộng sản khi về hưu tự thưởng cho mình một chiếc ghế mô phỏng ngai vàng cho thấy, tuy kêu gọi dân chúng làm cách mạng, quét sạch tàn dư phong kiến nhưng trong thẳm sâu, không ai thèm khát tàn dư phong kiến bằng họ - những nông dân có quyền vua chúa…

Văn hóa như Nông Đức Mạnh vẫn có thể làm Chủ tịch Quốc hội tới 9 năm, vẫn làm Tổng bí thư tới 10 năm… thì đất nước không như thế này mới lạ”. (BBC online ngày 25-2-2015)

Thành tích của vua Nông Đức Mạnh cũng không kém phần “nhục nhã” như vua Lê Khả Phiêu, ông vua này đi sang Tàu bán đất bauxite ở Tây Nguyên, cái nơi mà những nhà trí thức lão thành thấy được hậu quả tại hại vô cùng to lớn cho đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tường Lê Văn Cương, Đại tá Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cùng các thân hào nhân sĩ cùng ký thỉnh nguyện thư can ngăn nhưng Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng vẫn một lòng bán đứng vì chủ trương lớn của đảng và nhà nước.

“Bản tin Bộ Ngoại giao Việt Nam thì nói, hồi giữa năm ngoái, TBT đảng CSVN, ông Nông Đức Mạnh, sang thăm Trung quốc, cũng khẳng định hai nước ‘tăng cường hợp tác trong các dự án’ trong đó có dự án khai thác bauxite tại Đắc Nông”. (RFA online ngày 11-2-2009)

Qua những hình ảnh ngông nghênh của những tên vua cộng sản, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết nhận xét:

“Tính cách vua quan của những người cộng sản Việt Nam hiện nay đã lộ rõ ngay từ năm 1945-46 kia chứ không phải đến bây giờ nhưng vì lúc ấy chưa cầm quyền, chưa giàu sang dân cũng chưa có của ăn của để cho nên nó không bộc lộ. Người cộng sản Việt Nam xuất thân từ nông dân, nhà quê kể cả những anh sau này có bằng giáo sư tiến sĩ thì lốt nhà quê, lốt nông dân nó vẫn còn nguyên nó chưa thoát khỏi cho nên khi cầm quyền thì họ chưa trở thành con người văn minh đô thị, dân chủ được mà trở thành vua chúa quan lại. Hình ảnh quan lại vua chúa nó ngập trong máu của họ bởi vì họ không có cái gì để thay thế hết cả. Đấy là cái cay đắng của văn hóa Việt Nam của xã hội Việt Nam…

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Văn An lại nói rằng Bộ chính trị là một loại vua tập thể. Tính chất phong kiến lạc hậu càng ngày nó càng bộc lộ rõ cho nên tôi nhìn ông Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu không lấy làm lạ. Sự giàu sang và cái kệch cỡm của họ không lấy làm lạ” (RFA online ngày 23-2-2015)

Từ mấy chục năm nay đảng CSVN cứ ra rã tuyên truyền học tập gương đạo đức “bác hồ” nhưng cho đến nay tôi chưa thấy tên cộng sản nào học được ở ông ta điều gì.

Ông Hồ không phải là người “phàm”, “người ở cỏi trên”, ông ta nghĩ mình là một vĩ nhân, thành ra những vật chất phù phiếm đối với ông không phải là thứ mà ông nghĩ đến. Những gì ông làm và ông nghĩ thật sự “không giống ai” cho nên đám vua quan sau này không ai “hiểu” được và làm được như ông. Qua sự trải nghiệm và nhận định tinh tế của Triết gia Trần Đức Thảo cho chúng ta thấy được cái con người ‘thần thánh’ này.

“Cứ theo thực tại mà xét, thì ‘ông cụ’ là một con người cực kỳ vị kỷ, mang mặc cảm tự tôn tuyệt đối. Từ cách mang đôi dép râu bình dân, từ cách để hở ra cái áo lót nâu đơn sơ, thủng vài lỗ bên trong, từ cách không cài hết khuy áo sơ mi, tới cách khoát hờ tấm nhựa bên ngoài…đó là những cách thức phô diễn đã được chọn lựa, cân nhắc rất kỹ…

Lối ăn mặc cố ý tạo vẻ ‘bình dân’ trong đám người chính trị, hoặc giữa dân chúng như vậy là một cách tự tôn rất cao siêu!.. (TĐT Những lời trăng trối - trang 264)

“Tất cả chi tiết ngoại cảnh đều là những nét chấm phá đã được gạn lọc, đã được nghiên cứu, giàn dựng tỉ mỉ từ trước, để hình ảnh ‘Người’ không bị chìm lẫn trong đám nhân loại tầm thường chung quanh! Đấy là vóc dáng của một thần tượng vượt trội, đứng trên một bệ đá uy quyền tột đỉnh trong lịch sử!” (TĐT… trang 265)

“Một nhà túc nho, một người trí thức có đầu óc tỉnh táo, có liêm sỉ, một bộ não minh triết thì không bao giờ dám tự ý xưng mình là ‘vương’, là ‘Ái quốc’, là ‘Chí minh’… như thế. Thật khó mà giải thích một kẻ tự coi mình là ‘ông vua’, là bậc ‘quân tử’ siêu phàm, mà lại có hoài bão làm một nhà cách mạng, một chiến sĩ vô sản, cộng sản! (TĐT… trang 293)

“Lịch sử đã mang dấu ấn của một tham vọng, một mưu trí tột đỉnh tự tôn như thế. Hậu thế, phải đặt trên cơ sở phân tích thực tại đó, để mà có thể hiểu rõ vấn đề công tội, đạo đức của ‘ông cụ”. (TĐT… trang 294)

Điểm sơ qua các vua chúa cộng sản nói trên, chúng ta lấy làm lạ là tại sao một dân tộc luôn tự hào có bốn ngàn năm văn hiến và một lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm ấy thế mà lại cam tâm cúi đầu sống dưới một chế độ toàn trị hoang dã của cộng sản kéo dài đã bảy tám chục năm nay!? 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo