Phương Bích (Chimkiwi blog) - Thế mà khi có người đau cái nỗi đau của đồng loại, lo cái lo mất nước của nước nhà, lại có kẻ nhảy ra chửi bới, mạt sát, cho đó là những việc làm chống chính quyền, thoạt đầu không khỏi khiến cho người ta ngạc nhiên. Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra đây chỉ là một cái bẫy. Nếu người biểu tình mất bình tĩnh mà xảy ra cãi cọ, xô xát, thì đó chính là cái cớ để nhà cầm quyền gán cho họ cái tội gây rối trật tự công cộng. Còn chim mồi thì sẽ bình an vô sự...
*
Năm 2011, khi những người biểu tình tản bộ trên Bờ Hồ, có một nhóm người cứ lẳng nhẳng đi theo. Thấy thế, anh em đi được một đoạn lại quay ngược trở lại. Nhóm kia cũng quay ngược theo. Cứ một đoạn lại lặp lại như thế. Đến lần thứ mấy không rõ, nhóm kia bực mình lầm bầm: Chóng hết cả mặt.
Hôm qua, ngày 14/3, người ta đi tưởng niệm Gạc Ma ở Bờ Hồ cũng thế. Các cháu mặc áo cờ đỏ sao vàng, cầm cờ búa liềm, cứ lăng xăng tranh dẫn đoàn. Đi hăng quá, thấy mọi người đi ngược lại thì các cháu lại nhốn nháo chạy theo, tìm cách gây sự với “khán giả”. Về nhà, cư dân mạng kháo nhau, khi đoàn người đi được một lúc thì thấy một cháu cờ đỏ sao vàng hớt hải chạy ngược lại, hô bạn bè, rằng lực lượng chức năng yêu cầu chúng ta làm đến đây thôi. Giải tán!
Nghe thế người ta không khỏi bật cười. Chợt nhớ đến câu: “Làm tớ thằng khôn, còn hơn làm thầy thằng dại”.
Hôm nay thêm một bạn xác nhận, có một thanh niên mặc thường phục, kéo tay một cháu cờ đỏ sao vàng bên cạnh bạn ấy ra chỗ khác. Dường như đó là một ám hiệu, nên ngoảnh đi ngoảnh lại, thoáng cái đã sạch bách cả vàng sao lẫn búa liềm.
Thực ra cũng chả có gì lạ. Bấy lâu nay, người ta vẫn đoán được, ai đứng đằng sau những kẻ chuyên đi gây sự với người biểu tình. Giờ thì là chính mồm cháu nó nói ra thôi - LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG!
Với tính cách người Việt lâu nay, chỉ muốn lo giữ yên cái nồi cơm nhà mình. Thấy có người lên tiếng giúp mình, giúp người là tốt lắm rồi. Không ra mặt ủng hộ được thì cũng đành chịu một tiếng hèn, hay vô cảm. Thậm chí những cửa hàng giải khát, bị đóng cửa, bị bắt từ chối phục vụ khách, dẫn đến mất doanh thu cũng chả ai chạy ra chửi người biểu tình. (tôi nhớ năm 2012, một cửa hàng bán cờ còn tặng không cờ cho người biểu tình).
Một học sinh lớp 9 ở Việt Nam viết: “Nhìn cái xấu cái ác mà không bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi ai lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy!” (1)
Còn ông Các Mác (Karl Marx) thì nói: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại, mà chăm chút bộ lông của mình”.
Thế mà khi có người đau cái nỗi đau của đồng loại, lo cái lo mất nước của nước nhà, lại có kẻ nhảy ra chửi bới, mạt sát, cho đó là những việc làm chống chính quyền, thoạt đầu không khỏi khiến cho người ta ngạc nhiên. Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra đây chỉ là một cái bẫy. Nếu người biểu tình mất bình tĩnh mà xảy ra cãi cọ, xô xát, thì đó chính là cái cớ để nhà cầm quyền gán cho họ cái tội gây rối trật tự công cộng. Còn chim mồi thì sẽ bình an vô sự.
Nhưng đám đám chim mồi này thực sự không nhiều. Giỏi lắm chỉ vài chục và thành phần là mấy gã dân phòng, cựu chiến binh, mà qua thái độ cục súc, vô văn hóa của họ, người ta có quyền nghi ngờ là lưu manh giả danh hơn là người lương thiện, và vài chục sinh viên trong số hàng vạn sinh viên ở thủ đô. So với mấy trăm người biểu tình thì con số vài chục chim mồi tuy ít ỏi, nhưng sự hung hăng của nó khiến người ta hiểu nó được nhà cầm quyền bảo kê. Và tri thức của chim mồi lại khiến người ta mừng. Nó chỉ có thế!
Một dư luận viên nhận định rằng, số người chống đảng và nhà nước, tính theo số người tham gia biểu tình, hay những Bloggers thì chỉ có vài trăm. Tôi bật cười vì nhận định giả ngây ngô này, nhưng cũng nói với bạn ấy: SÓNG NGẦM MỚI LÀ SÓNG LỚN!
Ảnh một cháu cờ đỏ sao vàng, cướp băng rôn của người đi tưởng niệm Gạc Ma rồi bỏ chạy. Nick Uyên Thảo Trần Lê bình tấm ảnh này bằng thơ:
Ô kìa! Ai "Chính", ai "Tà"?
"Chính" thời bỏ chạy, "Tà" thời đuổi theo"
*
Cảm xúc lần đầu
Ai nói bản lĩnh đầy mình, nhưng khi lần đầu tham gia vào một hoạt động xã hội, lại không cảm thấy có chút e thẹn?
Lần đầu đi biểu tình, mình còn thẹn thùng không dám hô. Mắt rưng rưng lệ, khi thấy mình đang đứng giữa những tiếng hô vang rền. Rồi quệt nước mắt, rồi cũng giơ nắm đấm lên. Hô xong một tiếng thì thấy hết cả ngượng ngùng, còn ráng hết sức gào thật to, cho không kém ai.
Hôm qua ra Bờ Hồ, thấy vui vì gặp nhiều người quen cũ. Thấy mình đeo ba lô, mấy đứa nhét đống ruy băng vào balo của mình, nhờ phát hộ. Thế là thấy người quen thì đưa ruy băng cho họ. Nhiều người quen lắm. Người này buộc cho người kia. Thấy cái sự ân cần trao cho nhau mới ấm lòng làm sao. Mình nhìn thấy 2 bác già không quen mặt, đang đứng nhìn mọi người thì kính cẩn hỏi:
- Các bác ra đây vì sự kiện gì thế ạ?
- À, chúng tôi ra đây hưởng ứng các bạn thôi.
- Ra thế. Vậy các bác có cần ruy băng không ạ?
- Thôi cô ạ...
- Vâng không sao. Cảm ơn các bác.
Nhưng rồi thấy mọi người xung quanh hồ hởi thắt ruy băng cho nhau, chụp ảnh cho nhau lia lịa thì hai bác lại bảo mình:
- Cô cho tôi 1 cái.
Rồi hai bác cũng nhờ người thắt, nhờ người chụp.
Đấy! Có những người đầu đã 2 thứ tóc mà vẫn còn rụt rè, e thẹn thế. Mình cảm thấy thật vui. Đến hôm nay lại được nghe cô em Tuyet Anh (2) thổ lộ, rằng hôm qua cũng là lần đầu tiên nàng ấy ra Bờ Hồ. Khi mình đưa cho nàng cái ruy băng, buộc hộ nàng lên đầu thì nàng ấy bỗng cảm thấy trong lòng rưng rưng một cảm xúc thật khó tả.
Ừ, chị đã từng như thế, nên có thể hiểu tâm trạng của em lúc đó. Khi được hòa mình vào dòng người có chung một tâm nguyện, được tự do thể hiện cảm xúc chân thành của mình - vui và xúc động em nhờ.
____________________________________________________________
Chú thích:
(1) nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=189156&zoneid=186#.VQWAM9KsWzs