Đế quốc Hoa Kỳ - Phải chịu thôi - Dân Làm Báo

Đế quốc Hoa Kỳ - Phải chịu thôi

George Friedman * Lê Minh Nguyên (Danlambao) dịch - "Đế Quốc" là một từ bẩn thỉu. Nhìn qua thái độ của nhiều đế quốc, thì nó không phải là vô lý. Nhưng từ ngữ đế quốc có khi chỉ đơn giản là dùng để mô tả một trạng thái, mà đa phần không hoạch định và hiếm khi có chủ ý. Đó là điều kiện phát sinh từ một sự mất cân đối lớn của quyền lực. Thật vậy, các đế quốc nào tạo ra có chủ ý, như Napoleon ở Pháp và Đức Quốc Xã, hiếm khi tồn tại. Hầu hết các đế quốc không có kế hoạch trở thành như vậy. Nó trở thành đế quốc và sau đó nhận chân ra là như vậy. Đôi khi nó không nhận ra trong một thời gian dài, và sự thất bại để không nhận ra được cái thực tế mình là đế quốc này có thể gây ra những hậu quả to lớn.

Thế chiến II và sự ra đời của một đế quốc

Hoa Kỳ đã trở thành một đế quốc năm 1945. Đúng là trong chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ, HK đã cố tình nắm quyền kiểm soát Phi Luật Tân và Cuba. Nó cũng đúng là HK đã bắt đầu tự nghĩ rằng mình là một đế quốc, nhưng thực sự thì không. Cuba và Phi Luật Tân là ảo tưởng của đế quốc, và ảo tưởng này tan biến trong Thế Chiến I, theo sau là giai đoạn của chủ nghĩa cô lập và thời kỳ Đại Suy Thoái (Great Depression).

Đế quốc HK chính hiệu xuất hiện sau đó là một sản phẩm phụ của những biến cố khác. Không có đại âm mưu. Trong một số cách nào đó, những hoàn cảnh để tạo ra nó đã làm cho nó mạnh hơn. Động tính của Thế Chiến II đã dẫn đến sự sụp đổ của bán đảo Châu Âu và sự chiếm đóng của Liên Xô và HK. Cũng cái động tính này đã dẫn tới sự chiếm đóng Nhật Bản và sự cai trị trực tiếp của Hoa Kỳ như là một thuộc địa thực tế, với Tướng Douglas MacArthur là phó vương.

Hoa Kỳ tự thấy mình là một đế quốc bất đắc dĩ, và có ý định từ bỏ nó. Đây là một mong muốn chân thật chứ không phải chỉ tuyên truyền. Thứ nhất, chính Hoa Kỳ là sự hình thành của dự án (project) chống đế quốc đầu tiên trong thời đại mới. Nguyên tắc của nó là chống đế quốc. Quan trọng hơn nữa, đế quốc làm chảy máu các nguồn tài nguyên của HK chứ không phải là nguồn gốc của sự thịnh vượng. Thế chiến II đã làm tan nát Nhật Bản và Tây Âu. Hoa Kỳ không được lợi thế kinh tế gì để chiếm giữ các nước này. Cuối cùng, Hoa Kỳ chấm dứt Thế Chiến II mà không bị thiệt hại gì nhiều do bởi chiến tranh và có lẽ là một trong số ít các quốc gia hưởng lợi từ nó. Tiền của được ăn nên làm ra ở tại Hoa Kỳ, không phải do từ đế quốc. Các binh sĩ và các tướng tá muốn trở về nhà.

Nhưng không giống như sau Thế Chiến I, HK không thể buông ra sau Thế Chiến II được. Thế Chiến I tàn phá gần như tất cả những nước tham gia. Không ai có đủ năng lực để xây dựng bá quyền. Hoa Kỳ hài lòng với việc cứ để Châu Âu đi theo các động tính riêng của nó. Thế Chiến II có kết thúc khác như vậy. Liên Xô bị tàn phá nhưng vẫn mạnh. Liên Xô bá chủ phía đông, và nếu vắng Hoa Kỳ, nó có khả năng thống trị cả Châu Âu. Điều này là một vấn nạn cho Washington, bởi vì một Châu Âu thống nhất thực sự - cho dù là một liên bang tự nguyện và hiệu quả hay do một quốc gia duy nhất thống trị - đều có đủ tài nguyên để thách thức quyền lực HK.

Hoa Kỳ không thể bỏ đi. HK cũng không nghĩ mình đang giám sát một đế quốc, và dĩ nhiên HK để cho tự trị chính trị nội bộ hơn so với Liên Xô trong khu vực của họ. Do đó, ngoài việc duy trì sự hiện diện quân sự, Hoa Kỳ tổ chức nền kinh tế Châu Âu, tạo ra và tham dự vào hệ thống phòng thủ Châu Âu. Nếu bản chất của chủ quyền là khả năng quyết định nên hay không nên đi đến chiến tranh, thì sức mạnh đó không phải nằm ở London, Paris hay Warsaw. Nó nằm ở Moscow và Washington.

Nguyên tắc tổ chức của chiến lược HK là ý tưởng ngăn chặn (containment). Không thể xâm chiếm Liên Xô, chiến lược mặc định của Washington là canh chừng nó. Ảnh hưởng của HK lan rộng khắp Châu Âu đến Iran. Chiến lược của Liên Xô là bám sát sườn hệ thống ngăn chặn này bằng cách hỗ trợ cho quân nổi dậy và các phong trào thân Liên Xô càng sâu vào sân sau của HK càng tốt. Các đế quốc Châu Âu đã sụp đổ và chia thành nhiều mãnh vụn. Liên Xô tìm cách để tạo ra một cấu trúc liên minh từ những mãnh vụn này, và HK tìm cách để đương đầu lại.

Các vấn đề kinh tế của đế quốc

Một trong những lợi thế của liên minh với Liên Xô, đặc biệt đối với các nhóm nổi dậy, là một nguồn cung cấp vũ khí rất hào phóng. Lợi thế của việc liên kết với Hoa Kỳ là được nằm trong vùng thương mại năng động cùng tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư và công nghệ. Một số quốc gia, như Nam Hàn chẳng hạn, được hưởng lợi lớn lao từ sự tiếp cận này. Những nước khác thì không. Các nhà lãnh đạo ở những nước như Nicaragua, cảm thấy họ có lợi hơn để nhận sự hỗ trợ chính trị và quân sự của Liên Xô thay vì thương mại với Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cho đến hôm nay là cường quốc kinh tế lớn nhất, với sự kiểm soát hoàn toàn các mặt biển, có căn cứ trên toàn thế giới, có hệ thống đầu tư và thương mại năng động, mang lợi cho những nước có vị trí chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ hay ít nhất có thể tận dụng được lợi thế này để mang về lợi ích. Chính vì cái điểm này, mà thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ bắt đầu hành xử như một đế quốc, cho dù không có ý thức như vậy.

Địa dư của đế quốc HK được xây dựng một phần dựa vào các mối quan hệ quân sự nhưng nó lệ thuộc rất lớn hơn vào các mối quan hệ kinh tế. Lúc đầu, các quan hệ kinh tế là khá tầm thường đối với các kinh doanh Mỹ. Nhưng khi hệ thống đã trưởng thành, giá trị của các khoản đầu tư tăng vọt cùng với tầm quan trọng của nhập khẩu, xuất khẩu và thị trường lao động. Như trong bất kỳ đế quốc thành công thực sự nào, nó không bắt đầu với một thiết kế vĩ mô hay ngay cả một giấc mơ như vậy. Sự cần thiết chiến lược tạo ra một thực tế kinh tế từ nước này sang nước khác cho đến khi một số ngành công nghiệp lớn trở nên lệ thuộc vào ít nhất một số các quốc gia. Các ví dụ rõ ràng nhất là Saudi Arabia hay Venezuela, mà dầu của họ thúc đẩy các công ty dầu khí Mỹ, và do đó - hoàn toàn nằm ngoài tầm quan trọng của chiến lược mà thông thường được hiểu - đã trở thành quan trọng về mặt kinh tế. Điều này ngẫu nhiên làm cho họ quan trọng về mặt chiến lược.

Khi một đế quốc trưởng thành thì giá trị kinh tế của nó gia tăng, đặc biệt là khi nó không cưỡng ép những người khác. Cưỡng ép vừa hao tốn và vừa xoi mòn giá trị của một đế quốc. Một thuộc địa lý tưởng là một thuộc địa mà nó không có tính cách thuộc địa gì cả, mà là một quốc gia được hưởng lợi từ các mối quan hệ kinh tế với đế quốc và tất cả những phần còn lại của đế quốc. Quan hệ quân sự chính yếu phải là sự tương thuộc lẫn nhau, hay chỉ trừ khi nào, sự phụ thuộc cần có của một quốc gia đang bị đe dọa để nhờ vào sức mạnh của đế quốc.

Đó là tại sao Hoa Kỳ rơi vào đế quốc. Đầu tiên, nó giàu có một cách áp đảo và vô cùng hùng mạnh. Thứ hai, nó phải đối mặt với một đối thủ tiềm năng có khả năng thách thức nó trên toàn cầu, ở một số lớn các quốc gia. Thứ ba, nó sử dụng lợi thế kinh tế của nó để cung ứng cho ít nhất một số các quốc gia này các mối quan hệ kinh tế, và qua đó là các mối quan hệ chính trị và quân sự. Thứ tư, các quốc gia này trở nên quan trọng đáng kể cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế HK.

Các giới hạn của đế quốc Hoa Kỳ

Cái vấn nạn của đế quốc HK là dư âm của Chiến Tranh Lạnh. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ tính toán tham gia chiến tranh với một liên minh xung quanh, nhưng HK mang gánh nặng chính của chiến tranh. Khi Chiến Dịch Bão Sa Mạc (Operation Desert Storm) nổ ra vào năm 1991, nguyên tắc cơ bản này của Chiến Tranh Lạnh đã thắng thế. Có một liên minh mà Hoa Kỳ ở vị trí trung tâm. Sau vụ al-Qaida đánh sập tháp đôi 11/9, HK quyết định chiến đấu ở A Phú Hãn và Iraq với mô hình cốt lõi này được giữ y. Có một liên minh, nhưng lực lượng quân sự trung tâm là HK, và nó được giả định rằng các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Hoa Kỳ sẽ hiển nhiên. Trong nhiều khía cạnh, các cuộc chiến hậu 11/9 đi theo khuôn khổ cơ bản của Thế Chiến II. Các nhà lập kế hoạch cho chiến tranh Iraq minh thị thảo luận về kinh nghiệm chiếm đóng Đức và Nhật Bản.

Không đế quốc nào có thể kéo dài sự trực tiếp cai trị. Có lẽ Đức Quốc Xã là ví dụ tốt nhất cho điều này. Họ cố cai trị Ba Lan trực tiếp, thu tóm lãnh thổ Liên Xô, đẩy Vichy sang một bên để cai trị không phải một nửa, mà là tất cả nước Pháp, và cứ như thế. Người Anh, thì trái lại, cai trị Ấn Độ với một lớp mỏng các cán bộ và viên chức, nhưng với một đội ngũ hùng hậu các doanh nhân cố gắng tạo sự giàu có cho họ. Rõ ràng người Anh đã làm hay hơn. Người Đức đã tự làm cho mình bị kiệt lực, không chỉ vì dàn trãi quá sức, mà còn là gởi binh sĩ và các viên chức hành chánh ra ngoài để trực tiếp giám sát một số nước. Người Anh đã có thể xoay chuyển đế quốc của mình thành một cái gì đó cực kỳ quan trọng cho hệ thống toàn cầu. Người Đức đã tự đập vỡ thân mình không chỉ vào các kẻ thù của họ, mà còn vào các cuộc chinh phục của họ nữa.

Sau năm 1992, Hoa Kỳ nổi lên như quyền lực cân bằng toàn cầu duy nhất. Đó là, nó là quốc gia duy nhất có thể triển khai sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự trên căn bản toàn cầu. Hoa Kỳ đã và đang vô cùng hùng mạnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là toàn năng. Khi nghe các chính trị gia tranh luận về Nga, Iran hay Yemen, ta có cảm giác rằng họ coi sức mạnh của HK là không giới hạn. Những giới hạn thì luôn luôn có, và các đế quốc tồn tại bằng cách hiểu biết những giới hạn này và tôn trọng nó.

Giới hạn chính của đế quốc HK cũng giống như của các đế quốc Anh và La Mã: nhân số học. Ở Âu Á - Châu Á và Châu Âu chung nhau - người Mỹ bị trở thành thiểu số ngay từ thời điểm họ đặt chân lên vùng đất này. Quân đội Hoa Kỳ được xây dựng xung quanh quân ít vũ khí tối tân (force multipliers), các vũ khí có thể tiêu diệt kẻ thù trước khi kẻ thù phá hủy lực lượng tương đối nhỏ được triển khai của HK. Đôi khi chiến lược này hữu hiệu. Qua thời gian dài, nó không thể. Kẻ thù có thể chịu nỗi sự tiêu hao lớn hơn nhiều so với lực nhỏ của HK. Bài học này đã được học ở Việt Nam và được củng cố thêm ở Iraq và A Phú Hãn. Iraq là một quốc gia của 25 triệu người. HK gửi vào 130,000 quân. Hiển nhiên, tỷ lệ tiêu hao nằm về phía quân đội HK. Các huyền thoại cho rằng người Mỹ không có gan chịu đựng chiến tranh đã quên rằng Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam bảy năm và ở Iraq cũng trong khoảng chiều dài thời gian như vậy. Quần chúng cũng khá kiên nhẫn. Các bài toán của chiến tranh mới là vấn đề. Tại một thời điểm nhất định, thì đơn giản là mức độ tiêu hao không đáng để đạt các mục tiêu chính trị.

Việc triển khai một lực lượng chính vào Âu Á là điều không nên, trừ những trường hợp đặc biệt khi một lực lượng áp đảo có thể được mang vào để chống đỡ cho một nơi nào mà điều quan trọng là để dành chiến thắng. Những trường hợp như vậy thường ít xảy ra và có khoảng cách thời gian ở giữa khá xa. Vì vậy, chiến lược duy nhất là chiến tranh gián tiếp: chuyển gánh nặng của chiến tranh sang cho những người muốn gánh chịu nó hay không thể tránh được nó. Trong những năm đầu của Thế chiến II, chiến tranh gián tiếp đã được sử dụng để hỗ trợ cho Anh và Liên Xô chống Đức.

Có hai loại chiến tranh gián tiếp. Loại thứ nhất là hỗ trợ các lực lượng bản địa có lợi ích song song với HK. Điều này đã được thực hiện trong những giai đoạn đầu của chiến tranh A Phú Hãn. Loại thứ hai là duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia. Chúng ta đang nhìn thấy hình thức này ở Trung Đông khi Hoa Kỳ di chuyển giữa bốn cường quốc lớn trong khu vực - Iran, Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - hỗ trợ một bên này, sau đó một bên khác trong hành động cân bằng triền miên. Tại Iraq, máy bay chiến đấu của HK thực hiện các cuộc không kích song song với các lực lượng trên mặt đất của Iran. Tại Yemen, Hoa Kỳ ủng hộ các cuộc không kích chống lại phe Houthis, những người nhận sự huấn luyện của Iran.

Đó là bản chất của đế quốc. Ngạn ngữ Anh nói rằng không có bạn muôn đời cũng không có kẻ thù truyền kiếp, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Câu cổ ngữ này, giống như hầu hết những câu cổ ngữ khác, là đúng. Hoa Kỳ đang trong quá trình học bài học đó. Trong nhiều khía cạnh, Hoa Kỳ quyến rũ hơn khi nó phân định rõ ràng giữa bạn và thù. Nhưng đó là một sự xa xỉ mà các đế quốc không thể tiêu tốn được.

Xây dựng hệ thống cân bằng

Bây giờ chúng ta đang nhìn thấy Hoa Kỳ tái cân bằng chiến lược của mình bằng cách học cân bằng. Một quyền lực toàn cầu không thể có đủ khả năng để trực tiếp tham gia vào quá nhiều các cuộc xung đột mà nó gặp phải trên toàn thế giới. Nó sẽ bị kiệt quệ nhanh chóng. Sử dụng những phương tiện khác nhau, nó phải tạo ra những cân bằng khu vực và cân bằng toàn cầu, mà không để xâm phạm vào chủ quyền nội bộ. Bí quyết là tạo ra những tình huống để các nước khác muốn làm điều gì mà qua đó cũng là lợi ích của Hoa Kỳ.

Nỗ lực này rất khó khăn. Bước đầu tiên là sử dụng những phấn khích kinh tế để định hình cách ứng xử của các nước khác. Nó không phải là do Bộ Thương Mại HK mà là do các doanh nghiệp làm điều này. Thứ hai là cung cấp viện trợ kinh tế cho các nước đang bị lao đao. Thứ ba là cung cấp viện trợ quân sự. Thứ tư là gửi các cố vấn. Thứ năm là gửi một lực lượng áp đảo. Để nhảy từ mức thứ tư qua mức thứ năm là một điều khó khăn nhất để am tường. Lực lượng áp đảo hầu như không bao giờ nên dùng. Nhưng khi các cố vấn và sự viện trợ không giải quyết được vấn nạn mà nó cần phải được gấp rút giải quyết, thì chỉ có một loại lực lượng được sử dụng, đó là lực lượng áp đảo. Các quân đoàn La Mã ít khi được sử dụng, nhưng khi chúng được sử dụng, chúng mang theo một sức mạnh áp đảo để đương đầu.

Những trách nhiệm của đế quốc

Tôi đã cố tình nói Hoa Kỳ là đế quốc, dù biết rằng thuật ngữ này nghe chói tai. Những người gọi Hoa Kỳ là đế quốc thường hàm ý rằng trong một khía cạnh nào đó nó xấu xa. Những người khác gọi nó bất cứ thứ gì mà họ muốn. Nhưng nó hữu ích để đối mặt với cái thực tế mà Hoa Kỳ đang thủ vai. Sự thành thật luôn luôn là điều hữu ích, đặc biệt là với chính mình. Nhưng quan trọng hơn, nếu Hoa Kỳ tự nghĩ rằng mình là một đế quốc, thì nó nên bắt đầu học những bài học của đế quốc. Không có gì nguy hại hơn việc một đế quốc sử dụng quyền lực của mình một cách bất cẩn.

Đúng là Hoa Kỳ đã không thực sự có ý định trở thành một đế quốc. Nó cũng đúng là các ý định của HK nếu có thì cách này hay cách khác cũng không phải là vấn đề. Hoàn cảnh, lịch sử và địa chính trị đã tạo ra một thực thể, nếu nó không phải là một đế quốc, thì rõ ràng là trông nó giống như một đế quốc. Các đế quốc không hẳn là áp bức. Người Ba Tư khá tự do trong quan điểm của họ. Ý thức hệ HK và thực tế HK không hẳn là không tương thích. Nhưng có hai điều phải đối mặt: Thứ nhất, Hoa Kỳ không thể để mất đi những quyền lực mà nó có. Đó là một điều không thực tiễn. Thứ hai, với một quyền lực bao trùm như vậy, nó sẽ bị dính vào các cuộc xung đột cho dù nó có muốn hay không. Người ta thường e sợ, đôi khi kính trọng các đế quốc, nhưng phần còn lại của thế giới không bao giờ yêu mến nó. Và nếu giả vờ nói rằng anh không phải là đế quốc thì cũng không lừa được ai.

Hành động cân bằng hiện nay ở Trung Đông tiêu biểu cho một sự tái cân bằng nồng cốt của chiến lược HK. Nó vẫn còn vụng về và tư duy còn nghèo nàn, nhưng nó đang xảy ra. Và đối với phần còn lại của thế giới, cái ý tưởng rằng HK đang tiến đến sẽ càng ngày càng trở nên hiếm hoi hơn. Hoa Kỳ sẽ không can thiệp. Nó sẽ quản lý tình hình, đôi khi vì lợi ích của một quốc gia này và đôi khi vì lợi ích của một quốc gia khác.


Người dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo