Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - "...Cuộc chiến đã lùi xa hơn 40 năm nhưng vết thương tật cùng sự mất mát thiệt thòi của các chú vẫn còn đeo bám các chú mãi đến bây giờ. Thật là trớ trêu, ngày xưa trong chiến tranh họ không quản ngại hy sinh sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương và một phần thân thể của mình. Ngày nay cũng chính trên mảnh đất quê hương này, họ lại phải lang thang khắp nẻo đường góc phố để mưu sinh; người bán vé số, kẻ làm nghề bơm vá ruột xe, người lượm rác còn có những người phải xin ăn..."
*
20/06/2015 - Sớm hơn những lần trước, lúc 5 giờ 30 chúng tôi- những Thiện Nguyện Viên (TNV), đã tới văn phòng Công Lý & Hòa Bình (vp CL & HB) thuộc Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT). Thật “bất ngờ” nơi đây các chú Thương Phế Binh (TPB) đã đến trước tự bao giờ.
Gặp chúng tôi trên môi các chú tất cả đều nở nụ cười, hớn hở người vẫy tay, người đứng dậy lần lượt bắt tay chúng tôi, không khí bắt đầu trở nên nhôn nhịp hơn - Một buổi sáng tràn ngập tình yêu thương.
Đợt khám chữa bệnh này tuy qui mô nhỏ hơn nhiều so với những lần trước, nhưng hình ảnh và giá trị của nó vẫn nguyên vẹn. Chị Tân, một TNV nói:
“Vì hoàn cảnh diễn ra ngoài ý muốn nên các quí cha ở DCCT không thể tổ chức buổi khám chữa bệnh với qui mô lớn, nhưng bản chất tự nguyện cũng như tinh thần trách nhiệm của anh chị em TNV luôn đặt trên hàng đầu. Chúng tôi nhận thức được rằng dù có tổ chức lớn hay nhỏ không quan trọng, điều quan trọng nhất ở đây là, việc làm chúng ta đang thực hiện vẫn mang đậm giá trị nhân văn và tình yêu thương.”
Anh Hà Cao Trực cũng là một TNV nhận được thông tin chương trình khám chữa bệnh được tái khởi động, anh nói trước ngày đó anh phải trằn trọc suốt đêm cứ mong mau trời sáng để cùng mọi người đi lên nhà Thờ. Anh tâm sự:
“Tôi cứ nghĩ rằng việc khám chữa bệnh cho các bác các chú TPB trên nhà thờ DCCT, chắc mình không còn có cơ hội để phục vụ nữa rồi.”
Như mọi lần, sau khi sắp xếp chỗ ngồi cho các chú, tôi thường trộm nhìn lén lên những phần thân thể của các chú bị mất để làm động lực sống cho chính mình, nhưng lần này không biết vì sao tim tôi đau nhói, lặng thinh một hồi tôi thầm câu cầu nguyện:
"Lạy Chúa thương xót chúng con, xin Ngài ban cho chúng con và các quí cha DCCT nhiều ân sủng, ban cho chúng con được nhiều cơ hội hơn để được quan tâm và chia sẻ với những Con Người đã không tiếc xương máu mình để bảo vệ quê hương."
Vâng cuộc chiến đã lùi xa hơn 40 năm nhưng vết thương tật cùng sự mất mát thiệt thòi của các chú vẫn còn đeo bám các chú mãi đến bây giờ.
Thật là trớ trêu, ngày xưa trong chiến tranh họ không quản ngại hy sinh sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương và một phần thân thể của mình. Ngày nay cũng chính trên mảnh đất quê hương này, họ lại phải lang thang khắp nẻo đường góc phố để mưu sinh; người bán vé số, kẻ làm nghề bơm vá ruột xe, người lượm rác còn có những người phải xin ăn...
Được ngồi trò chuyện cùng các chú, tôi mới cảm nhận hết bản chất yêu đời và lạc quan của các chú, của những người lính VNCH. Nguyễn Hữu năm nay đã 65 tuổi, trước năm 1975, chú đi lính thuộc đại đội 2/729, binh chủng Địa Phương Quân, quân lực VNCH. Vào 21/07/1974 trong trận đánh tại Trà Ôn, quận Đống Đa, chú đã gởi lại chiến trường đôi chân của mình.
Vậy mà có lần tiếp xúc nói chuyện cùng chú, tôi chưa hề nghe đến câu than oán gì trong cuộc sống.
“Từ trước đến nay tôi vẫn bán vé số để tự nuôi sống bản thân”, chú Hữu cười dõng dạc nói, “số tôi trời thương lắm, ngày nào vé số cũng hết sớm chưa có lần nào “ứ hàng” hết”.
Điều mà tôi học ở chú lúc đang nói chuyện là, chú bao giờ cũng biểu lộ thái độ lạc quan yêu đời, đôi mắt sáng luôn gợi đến sự thiện cảm.
Tôi thật vô duyên khi lỡ lời hỏi chú: “chắc là chú phải đi đứng khó khăn lắm hả chú.”
Không những không tỏ ý khó chịu khi nghe câu hỏi thừa của tôi mà còn cười vui vẻ và nói: “dĩ nhiên rồi cháu ơi, nhưng cũng còn đỡ hơn rất nhiều người” song chú đưa tay chỉ về hướng một người đối diện, “đó cháu thấy không, ông tên Nghiệp mặc áo xanh bên bển đó, một mắt thì không thấy gì và mắt còn lại bị mờ hết 50%, vậy mà ổng vẫn sống vui vẻ từ ngày này đến ngày khác huống hồ chi chú... khà khà.”
Chú Phan Đại Nghiệp sinh năm 1954 tiểu đoàn 2, trung đoàn 54, sư đoàn 1 bộ binh, mắt phải của chú bị tổn thương rất nặng và mắt trái đã lìa xa chú vĩnh viễn sau trận đánh tại Phú Lộc – Thừ Thiên Huế.
Ít nhiều vết thương cũng ảnh hưởng đến não trạng của chú. Không ai đoán được tâm trạng của chú Nghiệp buồn hay vui qua gương mặt lúc nào cũng lộ nét ưu tư thoáng buồn ăn nói rất chậm rãi.
Bằng nụ cười trắc ẩn chú nói với tôi: “Thế hệ của các chú đã đi qua rồi… đất nước này chỉ trông vào thế hệ các cháu, các cháu hãy mạnh mẽ lên đường hoàng chính chính hãy bảo vệ lấy non sông, đừng để người ngoài ăn hiếp”
Vâng, con xin hứa các chú các bác cứ an tâm, không phải riêng con mà là cả dân tộc Việt Nam này chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn, quyết không để bọn ngoại bang nào ăn hiếp.
21/06/2015