TBT Nguyễn Phú Trọng và quan hệ tay 3 Việt-Mỹ-Trung - Dân Làm Báo

TBT Nguyễn Phú Trọng và quan hệ tay 3 Việt-Mỹ-Trung

Chân Như (RFA) - Kỳ này diễn đàn sẽ xoay quanh về chuyến thăm Hoa Kỳ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng và mối quan hệ tay 3 Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ chuyển biến ra sao. Mời quý vị cùng đến với phần nhận định chia sẻ của 3 bạn khách mời Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Tiến Trung và Trương Minh Tam sau đây.

Chân Như: Nhận định, đánh giá của ba bạn như thế nào về chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của ông Trọng? 

Thanh Nghiên: Về quan hệ Việt-Trung-Mỹ dù gì đi nữa tôi cũng xem nó là một bước tích cực trong cái mà tôi hy vọng là nỗ lực gần Mỹ xa Tàu. Tuy nhiên, VN có thật sự thoát ra khỏi quỹ đạo của Tàu hay không thì tôi chưa thấy có một điều gì cụ thể trong chuyện này cả. Về mặt nhân quyền, những tuyên bố của ông Trọng về vấn đề này chỉ chứng minh một điều trước sau như một: nhân quyền vẫn bị chà đạp tại VN. Và điều đó là đương nhiên. Có gần ai đi nữa thì thể chế chính trị ở VN vẫn là một thể chế độc đảng và người dân không có quyền chọn lựa thành phần lãnh đạo. Chỉ chừng đó thôi đủ để chúng ta nói nhân quyền vẫn bị tước đoạt. Nếu ai còn lý luận, thắc mắc về vấn đề này thì hãy nhớ đến những tù nhân lương tâm vẫn bị giam cầm Bùi Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sàm, Nguyễn Ngọc Già, Việt Khang, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng, Quốc Hùng, Hồ Thị Bích Khương, Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều người tù lương tâm khác. 

Tiến Trung: Theo Trung nhận định đây cũng là dấu mốc lịch sử, vì đây là lần đầu tiên một tổng bí thư của một đảng cộng sản sang thăm Hoa Kỳ, dù không hề có chính danh nhà nước nào. Trung nhận định cái chính của chuyến đi này của ông Trọng vẫn là mưu tìm tiếng chính danh cầm quyền, tức là khi đảng cộng sản không được dân bầu ra và uy tín xuống thấp như hiện nay, thì họ cần một chỗ dựa, một hành động để đẩy uy tín lên lại. Nó cũng được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc đang lấn lướt và đe dọa Việt Nam trên biển Đông và cũng thách thức với Hoa Kỳ về vấn đề an ninh hàng hải trên Biển Đông. Đó là động cơ của lợi ích chung để hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau. 

Trương Minh Tam: Mình rất đồng ý với nhận định của 2 bạn. Mình cho rằng chính sách trước sau như một của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay thì vẫn là chính sách thân Tàu. Tuy nhiên, những hành động lấn lướt ngày càng mạnh mẽ của cộng sản Tàu và đặt họ trong một tình thế rất là hiểm nghèo giữa một làn sóng đòi dân chủ - nhân quyền trong nước cũng như là sức ép của hội nghị Thành Đô đối với cộng sản Tàu nên buộc lòng nhà cầm quyền cộng sản họ cũng chỉ có một hình thức vuốt ve, che đậy. Mình cho rằng mục đích của chuyến đi này không nằm nhiều trong sự cải thiện được tình trạng nhân quyền ở Việt Nam mà nó chỉ là một hình thức dối lừa dư luận người dân Việt Nam. 

Chân Như: Theo Tiến Trung thì mối quan hệ tay 3 Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ chuyển biến thế nào sau chuyến thăm vừa rồi của ông Trọng? 

Tiến Trung: Cá nhân Trung nhận định thì với tuyên bố chung về tầm nhìn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Trung nghĩ Hoa Kỳ có cách để dùng ảnh hưởng sức mạnh hải quân của mình tại Biển Đông để tham gia ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, và Hoa Kỳ cũng sẽ dùng TPP để lấy đi ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế. Từ gương Việt Nam liên kết được với Hoa Kỳ thì các nước khác trong khu vực Asean như Indonesia, Malaysia, Brunei sẽ theo gương này để cùng tuyên bố chung với Hoa Kỳ và như vậy sẽ phản lại được chuyện chia rẽ của Trung Quốc trong khối Asean với việc Cambodia và Lào bị Trung Quốc ảnh hưởng. Như thế Hoa Kỳ sẽ cùng với các nước có nhu cầu muốn cùng với Hoa Kỳ để bảo vệ Biển Đông giúp đỡ về an ninh hàng hải, biển đảo sẽ trở thành đồng minh của Hoa Kỳ. Được như vậy hiểm họa Trung Quốc lấn lướt về an ninh hàng hải biển đảo các nước trong Asean sẽ được nhẹ bớt do có Hoa Kỳ tham gia vào. Trung nghĩ đó là điểm tốt. Cá nhân Trung thì mình mong muốn là ông Nguyễn Phú Trọng đã tận mắt chứng kiến được nền dân chủ của Mỹ và chính ông cũng khen đó là đất nước tươi đẹp, cũng thấy được đời sống người Mỹ sung túc và tự do hơn Trung Quốc thì ông cũng nên mạnh dạn từ bỏ khái niệm dân chủ tập trung như kiểu Trung Quốc và áp dụng dân chủ thật sự như Hoa Kỳ. 

Thanh Nghiên: Tôi nghĩ rằng nó không có cái gọi là quan hệ giữa VN-TQ-Hoa Kỳ mà chỉ có quan hệ giữa đảng Cộng sản VN với chính phủ Hoa Kỳ và đảng Cộng sản Trung Quốc. Và 90 triệu người dân Việt Nam không có một tiếng nói hay có một quyết định gì trong chuyện này hết. Vì thế, tất cả mọi chuyển biến chỉ đáp ứng quyền lợi của 3 thành phần trên. Chỉ có chuyển biến thật sự có lợi và lâu dài cho đất nước VN nếu 90 triệu người dân VN có quyền tham gia vào những hoạt động chính trị như những công dân của một nước dân chủ thực sự. 

Chân Như: Anh Trương Minh Tam, theo anh, việc xích lại gần Hoa Kỳ hơn của Việt Nam có vai trò như thế nào trong các vấn đề hiện nay tại Việt Nam, như về kinh tế, tranh chấp biển đảo và dân chủ- nhân quyền

Trương Minh Tam: Mình rất đồng ý với ý kiến vừa rồi của Phạm Thanh Nghiên. Thực chất thì chúng ta đang nằm kẹt giữa cuộc chơi của hai nước lớn đó đảng cộng sản Trung Quốc với Hoa Kỳ tại Biển Đông. Mình nhận thấy rằng dù muốn hay không thì Việt Nam mình cũng sẽ phải lệ thuộc vào một quốc gia nào đó. Tình thế hiện nay cho thấy từ sau hội nghị Thành Đô, vận mệnh đất nước chúng ta gắn chặt vào với các quyết định của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, chịu một sức ép gay gắt giữa tự do dân chủ nhân quyền trong nước của người dân đứng lên đấu tranh thì có vẻ như ĐCSVN đã buộc phải đi tìm kiếm một lối thoát cho mình. Do đó mình vẫn nghĩ rằng trong chuyến đi này của ông Phú Trọng, mình không đặt bất cứ một kỳ vọng nào vào chuyến đi của ông ấy nhưng mình cho rằng nó mở ra một cơ hội, giúp cho ông ấy phải giải quyết những vấn đề giữa các phát biểu của ông ấy trong chuyến đi này với thực tiễn ở Việt Nam mà ông ấy đang áp dụng. Đây là cơ hội cho người đấu tranh dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam tiến thêm một bước mới. Thật sự bản thân Trương Minh Tam không nhìn thấy một tia hy vọng nào từ chuyến đi của ông Trọng với những tuyên bố mà mình chỉ nghĩ rằng là chính chúng ta phải đi tìm một cơ hội để nâng bước phát triển đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam lên một bước tiến mới thôi. 

Tiến Trung: Trung nhận định rằng việc xích lại gần Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến tư duy của các lãnh đạo của ĐCSVN và việc ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ngay trước chuyến đi rằng Hoa Kỳ là đối tác quan trọng bậc nhất của Việt Nam đã cho thấy một phần nào sự chọn lựa của ĐCSVN từ nay về sau rồi. Về kinh tế, Trung tin rằng vào TPP sẽ là một cú hích lớn cho nền kinh tế Việt Nam để bắt đầu tiến trình thoát Trung về kinh tế. Về mặt quân sự mới đây trên VNExpress nói phiá Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng tiến xa hơn nữa trong vấn đề quốc phòng với Việt Nam và tạo thế xoay trục để kiềm chế Trung Quốc. Về vấn đề dân chủ nhân quyền theo Trung về lâu dài đi với Hoa Kỳ rất có lợi. Những nền độc tài châu Á trước đây như Myanmar hay là các nước khác đều chọn đi với Mỹ thì cuối cùng đều chuyển qua thể chế dân chủ cả. Vì thế, vào TPP phiá đảng CSVN cũng sẽ phải chấp nhận công đoàn độc lập. Và một điểm Trung để ý là không có tù nhân chính trị nào được thả trước chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng qua Mỹ cho thấy Mỹ cũng sẵn sàng bỏ qua vấn đề này với Việt Nam để đạt được những mục đích cao hơn Trung vừa nói trên là về kinh tế, về quân sự và cả về mặt lâu dài là vấn đề dân chủ. 

Thanh Nghiên: Tôi cũng xin bày tỏ thêm một chút quan điểm của tôi. Với tôi, chúng ta hãy so sánh một chút về tình hình biển Đông từ năm ngoái cho đến năm nay. Năm ngoái, hồi tháng 5, khi Trung cộng đưa giàn khoan HD 981 thì chúng ta thấy rằng trên thế giới, dư luận quốc tế rất là quan tâm. Tuy nhiên, sự quan tâm của họ không thật sự mạnh mẽ. Ở đây, tôi muốn nhắc đến việc Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 trở lại Việt Nam năm nay. Và trước đó thì Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng có những phát biểu mạnh mẽ và không chỉ là những tuyên bố hay phát biểu không mà chúng ta thấy hồi tháng 5 vừa rồi Hoa Kỳ cũng đã cho máy bay do thám vào vùng biển Đông và đã chạm trán với cả Trung Quốc, và lần đầu tiên họ đã cho phóng viên quốc tế vào để làm phóng sự. Sau đó, lầu Năm góc vào ngày 21 tháng 5 cũng đã tuyên bố là sẽ tiếp tục tuần tra trên không phận và hải phận quốc tế ở Biển Đông. Như vậy, sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ giúp chặn đà xâm lược của Trung cộng. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng là tất cả những động thái trên đều diễn ra trước chuyến đi của ông Trọng, tức là chủ yếu nằm trong chiến lược của Mỹ mang tính chủ động xoay trục về châu Á. Việc Việt Nam có muốn hay không, phía Mỹ vẫn thấy cần thiết là phải quan tâm vì xuất phát từ lợi ích của chính nước Mỹ và cả quốc gia liên quan và đồng thời ngăn chặn sự bành trướng của Trung cộng, vốn là mối đe dọa của Hoa Kỳ. 

Chân Như: Vậy theo chị Thanh Nghiên, chuyến thăm của ông Trọng có tác động thế nào đến nội bộ đảng Cộng sản VN? 

Thanh Nghiên: Với câu hỏi vừa rồi của Chân Như thì tôi cho rằng CSVN đang có một cơ hội rất tốt để thoát tầm ảnh hưởng của Tàu, nhưng để một thể chế độc tài được cầm quyền nhiều năm và rất nhiều những cá nhân độc tài có thể xích lại gần hơn với thế giới tiến bộ và làm quen với dân chủ là một điều rất khó và có thể nói là không thể. Điều đó không những nằm trong ý muốn thực tâm mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nội tại thực tế của ĐCS nữa, và những điều đó chỉ có họ mới giải quyết được thôi, bởi vì hơn ai hết họ hiểu điều này. Và để trực tiếp trả lời câu hỏi của Chân Như thì tôi nghĩ rằng tôi không phải là người quan tâm nhiều đến nội bộ ĐCSVN như thế nào, phe nào đánh phe nào, vì tất cả đối với tôi họ chỉ là những người nằm trong đảng phái chính trị, nhưng đã dùng quyền lực và nhà tù để mà cai trị 90 triệu người. Tất cả đều làm nên bộ máy đàn áp và ngồi trên đầu trên cổ nhân dân. Nói chung là chuyến thăm của ông Trọng có tác động như thế nào đối với đảng viên của ông ta thì không phải là điều tôi thật sự quan tâm nhiều. 

Tiến Trung: Bản thân Trung nhận xét thật ra Mỹ cũng cố tình đã mời ông Nguyễn Phú Trọng là người không có chức danh của một nhà nước để đi qua Mỹ. Ông là người quan trọng nhất trong bộ chính trị và cũng là một cây đại thụ về công tác lý luận Mác-Lê Nin, ông là giáo sư tiến sĩ ngành xây dựng đảng. Sau chuyến đi của ông và với những điều ông phát biểu rất tốt đẹp về nước Mỹ như vậy thì Trung nghĩ là có thể những việc lý luận chống Mỹ từ trước đến giờ sẽ phải thay đổi lại. Cái nữa là theo khảo sát của viện khoa học xã hội Việt Nam thì 90% dân số Việt Nam có cảm tình với Mỹ, và Trung tin rằng điều này cũng đúng với cả 3 triệu đảng viên cộng sản. Từ trước đến giờ Trung chưa nghe nói là có con cái của uy viên trung ương đảng hay của ủy viên bộ chính trị nào qua Trung Quốc học. Tất cả đều qua Hoa Kỳ hoặc thấp hơn chút xíu như là Úc với Anh hay Canada, chứ Trung chưa thấy con cái các đảng viên cộng sản chọn đi (học) ở Trung Quốc cả. Vì vậy, Trung tin rằng việc này sẽ ảnh hưởng tốt đến trong nội bộ ĐCSVN để xoay trục lý luận của đảng qua phía thân Mỹ. 

Trương Minh Tam: Mình rất đồng ý với ý kiến của Phạm Thanh Nghiên cũng như của Tiến Trung, nhưng mình cũng nhận định như Phạm Thanh Nghiên, đó là việc mình không cho là việc ĐCSVN đã đang có cái chuyển hướng để xích lại gần Mỹ, mà chẳng qua là trong tình thế cực chẳng đã trước sức ép từ phiá Trung cộng cũng như sức ép từ phía phong trào dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam mà họ cần phải có động thái. Mình cho rằng nó chỉ là một lớp diễn, chính vì thế nên mình cũng xin chia sẻ thêm một điều nữa không chỉ 90 triệu dân, 3 triệu đảng viên mà thậm chí là chính ông Trọng mình cũng không tin là ông ta có thể u mê đến mức độ không biết về một nền dân chủ ở phía Bắc Mỹ trước chuyến đi. Họ hoàn toàn đều biết được những điều gì đang xảy ra ở đất nước Việt Nam và những điều gì thế giới đã đang đạt tới. Do đó mình không quá kỳ vọng vào những phát biểu của ông ta và mình cũng tin rằng khi nội bộ của 3 triệu đảng viên họ đã biết được tất cả những điều đó thì họ cũng chả có gì thay đổi. Vấn đề là chúng ta chỉ cần tập trung vào chính những phát biểu của họ để chính chúng ta là người buộc họ phải thay đổi chứ thật sự mình không kỳ vọng , hay có sự hoài nghi về bất cứ một sự phân hoá hay chia rẽ nội bộ nào ở trong ĐCS. Thực tế thì họ có sự phân hoá, nhưng tựu chung thì họ vẫn cố gắng giữ lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin, cố gắng giữ lấy cái thân Tàu hơn là thân Mỹ để nhằm mục đích cho các lợi ích phe nhóm của họ; Họ vừa có những sự mâu thuẫn về lợi ích giữa cá nhân nọ với cá nhân kia, nhưng họ tựu chung có một mục tiêu lớn đó là cai trị 90 triệu dân. Do đó, cá nhân Tam không nhìn thấy một sự phân hoá mạnh mẽ nào trong nội bộ ĐCSVN sau chuyến đi của ông Tổng Trọng này. 

Chân Như: xin cám ơn 3 vị khách mời đã dành thời gian để chia sẻ với chúng tôi hôm nay.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo