VOA - Nhiều người sử dụng mạng xã hội đã lên tiếng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận từ chức, sau khi ông nhận trách nhiệm về các bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên mà ông gọi là “trận đánh lớn” và “sẵn sàng trả giá”.
Hàng nghìn người đã “like” (thích) trang Facebook có tên gọi “Chúng tôi yêu cầu cách chức ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận”.
Một “status” (dòng trạng thái) trên trang này viết: “Ông Luận là 'tư lệnh ngành' Giáo dục, ông coi cải cách giáo dục lần này là 1 trận đánh lớn và ông thừa nhận đã có sai sót và xin rút kinh nghiệm. Như thế là chưa đủ. Dây kinh nghiệm không đủ dài cho ông rút. Yêu cầu ông từ chức, nếu không ông sẽ phải bị cách chức”.
Trước đó, báo chí trong nước dẫn lời người hiện đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam tuyên bố nhận trách nhiệm về những bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên gây phiền hà, tốn kém cho người dân.
Bộ Giáo dục & Đào tạo từng cho biết có hơn 560.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong đợt 1.
Ngoài ra, theo thống kê, trong số hơn 400 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, và có 108 đại học và 21 cao đẳng có số thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Truyền thông trong nước những ngày qua đã tốn nhiều giấy mực để viết về đợt “cải tổ giáo dục” này.
Có thể đọc được những hàng tít như: “Kiệt sức với xét tuyển đại học”, “Vỡ trận xét tuyển đại học”, “Thuê xe cấp cứu đi rút hồ sơ đại học” hay “Phụ huynh bật khóc ngày cuối xét tuyển đại học”.
‘Trách nhiệm lớn’
Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo được trích lời nói trong cuộc họp báo hôm 21/8: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này".
Theo báo chí Việt Nam, ông Luận đồng thời công bố những chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển thứ 2.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Trần Xuân Nhĩ, cựu Thứ trưởng Giáo dục & Đào tạo Việt Nam, nói rằng việc tổ chức xét tuyển như vừa qua “đỡ tốn kém hơn trước”.
“Tuy nhiên việc tuyển sinh đợt một khá lộn xộn, và Bộ trưởng Giáo dục đã nhận trách nhiệm về mình rồi đấy,” ông Nhĩ nói.
Về lời kêu gọi ông Luận từ chức của cư dân mạng, cựu quan chức giáo dục nói: “Bây giờ mới một việc như vậy mà đã yêu cầu từ chức thì chưa nên, chưa hay lắm. Nên để xem Bộ trưởng có sự sửa đổi như thế nào đã”.
Trong khi đó, nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã thay hình đại diện bằng tấm ảnh cầm bảng với nội dung “yêu cầu cách chức ông Luận”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Việt Nam để phỏng vấn.
Trước đây, nhiều cư dân mạng ở Việt Nam cũng đã từng mở chiến dịch kêu gọi Bộ trưởng Y tế từ chức sau khi nhiều trẻ em tử vong vì tiêm vaccine.
*
Cư dân mạng đòi Bộ trưởng Luận từ chức
Tấm ảnh phụ huynh khóc ròng vì nộp hồ sơ cho con
trong xét tuyển đại học đợt một được nhiều người chia sẻ trên Facbook
Báo trong nước đăng tải thông tin Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ‘nhận trách nhiệm về bất cập trong xét tuyển đại học đợt một’.
VnExpress tường thuật ông Luận thừa nhận ‘những bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên gây phiền hà, tốn kém cho người dân, đồng thời công bố những chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển thứ hai’.
Báo này viết: “Việc để thí sinh đăng ký tới bốn ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh".
"Báo cáo cho thấy, có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học."
"Nhiều người phải đi lại, chờ trực tại các trường đại học gây nên sự tốn kém, phiền hà".
Ông Luận được VnExpress dẫn lời giải thích “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp.
Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này".
Nhưng trên các mạng xã hội, có ý kiến đòi ông Luận từ nhiệm.
Các facebooker còn lập fanpage ‘Chúng tôi yêu cầu Phạm Vũ Luận từ chức’ với hàng ngàn lượt like.
Nhân chuyện thời sự, người ta nhắc lại chuyện ông Luận từng nói 'Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn' trong một bài báo trên VnExpress cách đây gần hai năm.
"Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn", ông Luận được VnExpress dẫn lời.
‘Cần thay ngay Cục trưởng Cục khảo thí’
Hôm 22/8, trả lời phỏng vấn của BBC, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh, cho biết:
“Tôi không tán đồng việc người ta kêu gọi thay Bộ trưởng Giáo dục vì trong lúc này vẫn cần người lèo lái.
Nhưng tôi thấy cần thay ngay ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục”.
Theo ông Cường, việc xét tuyển ‘gây hoang mang, hỗn loạn, bất an cho toàn xã hội trong mấy ngày qua có nguyên do chính yếu là Cục trưởng Cục khảo thí chưa có kinh nghiệm làm tuyển sinh.
"Việc Bộ để Cục khảo thí ôm đồm quản lý dữ liệu, cho thí sinh chọn bốn nguyện vọng trong một đợt phá vỡ hệ thống hướng nghiệp."
"Tôi cho rằng nếu không thay ngay Cục trưởng Cục khảo thí thì với cách làm này tình trạng đợt xét tuyển thứ hai cũng không khá gì hơn", ông Cường nói.
Các báo trong nước ví von ‘sự gay cấn, căng thẳng, lo lắng, rút ra nộp vào của đợt xét tuyển một không khác phiên giao dịch của một sàn chứng khoán’.
Hôm 21/8, báo Tuổi Trẻ đăng bài về một phụ huynh ở Hà Tĩnh phải thuê xe cấp cứu 115 đi ra Hà Nội để rút và nộp hồ sơ cho con.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh, xác nhận vào ngày 20/8 đơn vị này có một chiếc xe được thuê ra Hà Nội để làm thủ tục hồ sơ xét tuyển đại học, báo này viết.