Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - ...Làm sao tôi quên được những ánh mắt mờ đục nhưng vẫn còn cháy bỏng khát vọng tự do của những người anh, người bạn trước lúc ra đi, xoáy vào tâm can tôi vết hằn sâu thẳm. Những lời nói không thốt nổi thành lời trên đôi môi tím tái, cay đắng, xót xa và vô vọng. Những gương mặt đầm đìa nước mắt của chúng tôi - những người còn sống - đã hòa vào giọt nước mắt khô cằn nơi khóe mắt của người sắp chết - để xót xa cho hoài bão chưa thực hiện được. Và tôi không bao giờ quên lời dặn dò của bác, cho dù khi chiến đấu để sống còn trong nhà tù nhỏ, hay tranh đấu để tìm đường sống cho dân tộc ở nhà tù lớn: “đừng vì bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào đó mà đan tâm bán rẻ anh em đồng đội mình nghe chưa.”...
*
Đã gần 2 năm trôi qua kể từ ngày tôi được ra khỏi nhà tù nhỏ để cùng với 90 triệu đồng bào quay cuồng trong nhà tù lớn hình chữ S. Hai năm, ngày và đêm với biết bao ký ức đau buồn, bao nỗi ám ảnh chốn ngục tù cứ dai dẳng đeo bám trong tôi.
Suốt mười bốn năm tù giam nghiệt ngã, tôi đã từng chứng kiến nhiều cái chết oan nghiệt, tức tưởi của những bạn tù. Hôm nay còn vật vã trong cơn đau, ngày mai thân xác rã rời, vừa mới tươi cười tâm sự hôm ấy, hôm sau bạn tù lại báo tin “bạn đã chết rồi!”
Ngày 29/8/2001, anh em “chung vụ” chúng tôi bị giải về K3, trại giam Xuân Lộc - Đồng Nai, nâng tổng số tù K3 lên hơn 100 tù nhân. Phần lớn những người có mặt trước đây đều đã “chung” án được từ 10 năm trở lên.
Nơi đây, bọn cai ngục đưa chúng tôi vào khu giam giữ “đặc biệt” dành cho tù nhân chính trị. Những người tù chính trị lúc bấy giờ rất đơn độc, bị đối sự tàn tệ. Chúng tôi phải sống trước những áp lực rất lớn từ những “chính sách đặc biệt” vô cùng hà khắc của trại tù đặt ra. Bọn họ luôn áp dụng "chính sách" bằng nhiều hình thức khác nhau, sử dụng mọi thủ đoạn hòng bóp nghẹt ý chí lập trường của người tù chính trị, buộc chúng tôi phải uy phục trước sức mạnh của bạo quyền. Thái độ của cai tù đối với chúng tôi đã được thể hiện qua câu nói của Lại Xuân Hùng, giám thị trưởng K3, trại giam Xuân Lộc: “các anh ở đây đừng có hòng chống đối, cái chết của các anh chúng tôi chỉ cần tốn một tờ giấy là xong.”
Giữa những hung tàn và đày đoạ của các cai ngục ấy, sừng sững một con người bất khuất: bác Dương Minh Tân...
Bác Dương Minh Tân dáng người gầy còm xanh xao, đi không vững vì căn bệnh lao phổi cùng những cơn hen xuyễn từ lâu không được điều trị, ngày đêm tấn công vào thể trạng của bác.
Đã gần 10 năm nay bác không có ai là thân nhân gia đình đến thăm viếng. Phần cơm tù ít ỏi với thức ăn “rau muống già luộc muối” làm chủ đạo nên thể trạng của bác ngày càng suy kiệt. Nhờ có sự đùm bọc chia sẻ của anh em bạn tù bác nên bác đã sống lay lắt qua những năm tháng tù đày.
Một hôm, vào khoảng giữa năm 2003, như được linh cảm báo trước, bác gọi một vài người trẻ chúng tôi đến cùng trò chuyện. Qua hơi thở nặng nề, lời nói thường xuyên bị gián đoạn bởi cơn ho, bác đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng như những trận đánh oai hùng của bác cùng đồng đội nơi chiến trường.
Đôi lần tôi bắt gặp đôi mắt bác thiêm thiếp vì mệt, nhưng bác vẫn cố giữ chúng tôi ở và kể tiếp về những tấm gương bất khuất của những bạn tù của bác trước đây. Bác nói, từng câu ngắt quãng “chắc bác không sống đến ngày về đâu, nhưng đến nay bác chưa bao giờ làm gì hỗ thẹn với lương tâm đối với đồng đội, đối với đất nước này.”
Trong tình trạng sức khỏe của bác yếu như thế này, mà bác vẫn tranh thủ cuộc trò chuyện để gởi gấm tâm tư hoài bão của mình đến với chúng tôi, “đừng vì bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào đó mà đan tâm bán rẻ anh em đồng đội mình nghe chưa.”
Đến chiều hôm đó chúng tôi từ hiện trường lao động về, thì được nghe bác đã đi cấp cứu rồi và chuyển ra K2 để điều trị. Kể từ đó tôi cứ luôn nghe ngóng thông tin về bệnh tình của ra sao.
Cuối cùng rồi sự thật đã đến như xé nát lòng tôi. Bác Dương Minh Tân đã qua đời vào tuổi 63 tại khu điều trị K2, trại giam Xuân Lộc, không một người thân gia đình cũng không có bạn bè đồng đội bên bên cạnh trước lúc lâm chung.
Sau này, có người quen từng ở chung khu điều trị với bác cho biết: “Bác Tân lẽ ra chưa chết đâu, nhưng vì bác thiếu ăn nên mới chết sớm thôi.”
Cho đến bây giờ tôi cũng không biết thi hài bác được chôn cất ra sao, và cũng chưa tìm được liên lạc đến thân nhân gia đình của bác.
Xin bác hãy ngủ yên, con nguyện sẽ là người con trong gia đình của bác và mong bác hãy xem hàng triệu đồng bào Việt Nam chính là người thân của bác. Tất cả mọi người luôn yêu thương và tưởng nhớ đến bác. Xin bác hãy ngủ yên.
Tôi vẫn không thể nào quên được những hình ảnh và lời nói của bác Tân cũng như gần 20 người bạn tù đã chết.
Làm sao tôi quên được những ánh mắt mờ đục nhưng vẫn còn cháy bỏng khát vọng tự do của những người anh, người bạn trước lúc ra đi, xoáy vào tâm can tôi vết hằn sâu thẳm. Những lời nói không thốt nổi thành lời trên đôi môi tím tái, cay đắng, xót xa và vô vọng. Những gương mặt đầm đìa nước mắt của chúng tôi - những người còn sống - đã hòa vào giọt nước mắt khô cằn nơi khóe mắt của người sắp chết - để xót xa cho hoài bão chưa thực hiện được.
Và tôi không bao giờ quên lời dặn dò của bác, cho dù khi chiến đấu để sống còn trong nhà tù nhỏ, hay tranh đấu để tìm đường sống cho dân tộc ở nhà tù lớn: “đừng vì bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào đó mà đan tâm bán rẻ anh em đồng đội mình nghe chưa.”
Vĩnh biệt bác Dương Minh Tân và những người bạn tù bất khuất.
08.08.2015