Cách phân biệt luật sư chân chính và luật sư chạy án - Dân Làm Báo

Cách phân biệt luật sư chân chính và luật sư chạy án

LS Võ An Đôn - Trong giới luật sư người ta rất xem thường luật sư chạy án, họ xem luật sư chạy án như những con sâu, con mọt, họ chỉ đóng vai trò là “Cò công lý”. Ở môi trường tự nhiên thì có hai loài cò là Cò đồng và Cò ma (Cò đồng kiếm ăn ban ngày, còn cò ma kiếm ăn ban đêm). Nhưng ở xã hội hiện nay của chúng ta có rất nhiều loại cò: Cò đất, Cò nhà, Cò sổ đỏ, Cò giấy phép xây dựng, Cò dự án… nhưng giàu có nhất và sang trọng nhất vẫn là “Cò công lý”.

*

Nhờ cải cách tư pháp mà những năm gần đây số lượng luật sư Việt Nam đã tăng lên một cách nhanh chóng, từ con số vài trăm luật sư trước đây, hiện nay cả nước đã có hơn mười ngàn luật sư.

Đội ngũ luật sư hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: luật sư được đào tạo chính quy từ các trường đại học, luật sư học chuyên tu tại chức, luật sư là cán bộ công chức nhà nước nghỉ hưu chuyển sang.

Từ nguồn gốc luật sư đa dạng như trên, cộng với hệ thống các cơ quan tư pháp không được độc lập và minh bạch, đã tạo ra một môi trường pháp lý không trong sạch và bất bình đẳng trong hành nghề luật sư. 

Những luật sư được đào tạo chính quy, có kiến thức chuyên môn giỏi, có đạo đức và tâm huyết với nghề nghiệp chưa chắc đã thành công bằng luật sư có kiến thức chuyên môn yếu, có đạo đức nghề nghiệp kém nhưng có mối quan hệ quen biết và thường xuyên ăn nhậu, mốc nối với cán bộ các cơ quan tư pháp để chạy án. Dưới đây là cách phân biệt luật sư chân chính và luật sư chạy án: 

Luật sư chân chính: là luật sư có kiến thức chuyên môn sâu, có kiến thức xã hội rộng, rất coi trọng đạo đức nghề nghiệp, khi hành nghề luôn giữ chữ tín với khách hàng, họ ít coi trọng lợi ích vật chất, sẵn sàng bảo vệ công lý và lẽ phải đến cùng. Nhìn bề ngoài họ sống rất giản dị, họ rất quan tâm đến đời sống chính trị xã hội của đất nước và quan tâm đến mọi người, họ không khoe trương hình thức.

Luật sư chạy án: là luật sư xem việc hành nghề luật sư là để kiếm tiền làm giàu cho bản thân và gia đình, họ xem khách hàng như một con mồi, họ chỉ quan tâm đến những khách hàng có khả năng tài chính, họ không quan tâm công lý và công bằng xã hội, họ có kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội kém. Nhìn bề ngoài họ là những người rất khoe trương, hình thức (Đi xe đắt tiền, dùng điện thoại iPhone, Laptop hàng hiệu, mặt họ thường hay vênh váo với đồng nghiệp vì cho rằng mình giàu có hơn)… họ dùng hình thức hào nhoáng bề ngoài để bù đắp nội dung trống rỗng bên trong. Khi tiếp xúc với khách hành họ thường khoe họ quen biết với nhiều người làm lớn, quen biết với lãnh đạo tòa án, công an, kiểm sát; họ có thể chạy từ án tù nặng thành án tù nhẹ, từ án tù nhẹ thành án treo; họ lấy phí rất cao, họ thường hay ra giá với khách hàng…

Trong giới luật sư người ta rất xem thường luật sư chạy án, họ xem luật sư chạy án như những con sâu, con mọt, họ chỉ đóng vai trò là “Cò công lý”. Ở môi trường tự nhiên thì có hai loài cò là Cò đồng và Cò ma (Cò đồng kiếm ăn ban ngày, còn cò ma kiếm ăn ban đêm). Nhưng ở xã hội hiện nay của chúng ta có rất nhiều loại cò: Cò đất, Cò nhà, Cò sổ đỏ, Cò giấy phép xây dựng, Cò dự án… nhưng giàu có nhất và sang trọng nhất vẫn là “Cò công lý”.

LS Võ An Đôn


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo