Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Chính phủ của Tổng Thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ có ba mục tiêu tại châu Á Thái- Bình Dương mà mọi chiến lược an ninh hàng hải phải đảm bảo ba mục tiêu này. Ba mục tiêu đó là:
1. Tự do đi lại hàng hải
2. Ngăn ngừa xung đột và xâm lấn
Để đủ khả năng hiện ba mục tiêu này trong bối cảnh nguy cơ xung đột tại châu Á Thái Bình Dường ngày càng gia tăng, Hoa Kỳ cần phải thực hiện ba chiến lược sau đây:
1. Gia tăng hiện diện hải quân tại châu Á Thái Bình Dương.
2. Duy trì và thắt chặt mối quan hệ đồng minh quân sự đối với các nước trong vùng.
3. Hỗ trợ một quy chế luật lệ thống nhất từ lãnh hải đến quyền lợi khai thác kinh tế cho hàng hải áp dụng chung đối với mọi quốc gia liên quan trong vùng.
I. Gia tăng hiện diện hải quân Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương
Không có một quốc gia nào trong vùng nghi ngờ về khả năng hiện đại lực lượng Không-Hải của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự lớn mạnh quá nhanh của hải-quân Trung Quốc khiến niềm tin của các nước trong vùng về khả năng của Hoa Kỳ có thể duy trì ổn định hòa bình trong vùng bị giảm sút nghiêm trọng kể từ năm 2000 trở đi.
Để củng cố niềm tin cho các nước trong vùng Đông Nam Á, Hoa Kỳ đã buộc lòng phải duy trì sự hiện diện thường trực năm chiếc Hàng Không Mẫu Hạm trong tổng số 11 chiếc mà mình có tại châu Á Thái Bình Dương, nâng tổng số chiến đấu cơ cho Hải quân lên khoảng gần 600 chiếc để có thể đối chọi với lực lượng không quân của hạm đội Nam Hải của Trung Quốc với tổng số chiến đấu cơ xấp xỉ khoảng trên 500 chiếc.
Tuy nhiên, sự hiện diện áp đảo về Không-Hải tại vùng biển châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ khó có thể làm Trung Quốc chùn bước trong đối sách "tằm ăn dâu" lấn chiếm lãnh hải từ từ và ức hiếp các nước trong vùng. Thực tế, Phi Luật Tân đã buộc lòng phải đem mọi va chạm tranh chấp về lãnh hải với Trung Quốc ra tòa án quốc tế đủ cho thấy các nước trong vùng vẫn bị áp lực đe dọa quân sự từ Trung Quốc ngày mỗi tăng chứ không hề giảm đi.
Mối liên hệ kinh tế sâu rộng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ càng làm cho các nước trong vùng châu Á Thái Bình Dương nghi ngờ Hoa Kỳ sẽ thật sự có hành động can thiệp quân sự dứt khoát để chấm dứt sự hung hăng lấn hiếp của Trung Quốc lên các nước này về mặt lãnh hải.
Hơn thế nữa, Hoa Kỳ không định nghĩa rõ rệt về mặt quân sự, tình huống căng thẳng như thế nào thì Hoa Kỳ mới thật sự có hành động quân sự để ngăn chặn Trung Quốc; và khi can thiệp quân sự thì "military protocol" tức đối sách quân sự ngăn chặn của Hoa Kỳ sẽ như thế nào để tình hình chiến sự trong vùng không leo thang như Hoa Kỳ hứa hẹn.
Để trấn an các nước trong vùng, giới chiến lược gia quân sự của Hoa Kỳ lật đật loan báo về một đường lối chiến lược quân sự không cần giao tranh trực tiếp lan rộng và leo thang với Trung Quốc nhưng vẫn đủ khả năng kềm hãm Trung Quốc và chấm dứt tham vọng lấn hiếp của Trung Quốc lên các nước trong vùng. Chiến lược này gọi là chiến lược "Offshore Control" mà còn gọi là "Phong Tỏa Hải Lộ."
Chiến lược “Offshore Controll” của Hoa Kỳ bao gồm một hệ thống các đối sách chiến lược quân sự (military strategic protocol), dựa vào ưu thế tuyệt đối của lực lượng Không-Hải Hoa Kỳ để phong tỏa xiết chặt mọi giao thông hàng hải trọng yếu cho nền kinh tế Trung Quốc, trong đó, có việc xiết chặt con đường vận chuyển trên 80% lượng dầu hỏa nhập khẩu cho nên kinh tế Trung Quốc qua ngã eo biển Malacca Straight giữa Singapore và Mã Lai.
Những nơi hải lộ bị phong tỏa dù rằng rất then chốt trọng yếu có thể làm kinh tế chính trị Trung Quốc ngã quỵ kéo theo quân sự bị tê liệt nhưng lại hoàn toàn nằm xa ngoài khả năng kiểm soát của Hải quân Trung Quốc và nằm sâu trong lãnh thổ của đồng minh Hoa Kỳ khiến Trung Quốc không thể ngang nhiên ngang ngược xâm lược trước công pháp quốc tế hoặc không đủ khả năng quân sự trải rộng khắp để xâm lược.
Những chiến lược gia Hoa Kỳ ủng hộ chiến lược quân sự "Offshore Control" cho rằng chiến lược này có những ưu điểm quan trọng sau đây:
1. Giúp Hoa Kỳ né tránh một cuộc đụng độ Không Hải trực diện với Trung Quốc có thể dẫn đến leo thang chiến tranh hạch tâm
2. Hạn chế chiến phí và giảm thiểu tối đa thiệt hại nhân mạng cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh
3. Tiêu diệt tham vọng của Trung Quốc thông qua việc làm tê liệt kinh tế Trung Quốc dẫn đến sụp đổ chính trị cho nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế Trung Quốc còn nguyên không bị phá hủy bởi bom đạn.
Nếu thực sự Hoa Kỳ quyết tâm theo đuổi chiến lược “Offshore Controll” thì các nước trong vùng đã thấy rõ Hoa Kỳ không muốn nhìn thấy một chiến thẳng quân sự Không- Hải rõ rệt mà chỉ sử dụng ưu thế quân sự của mình cho mục tiêu kềm hãm kinh tế chính trị Trung Quốc mà thôi. Điều này khiến các nước trong vùng châu Á Thái Bình Dương lúng túng trong đối sách ngăn chặn hải quân Trung Quốc vi phạm lãnh hải vì nếu các nước trong vùng sử dung quân sự để ngăn chặn Trung Quốc lấn hiếp vi phạm lãnh hải trực tiếp thì sẽ làm đồng minh của mình là Hoa Kỳ lâm vào thế phải phát hỏa để hổ trợ can thiệp.
Chiến lược “Offshore Control” không ghi rõ, xác định rõ là sự căng thẳng xung đột do Trung Quốc gây ra phải ở mức độ nào thì chiến lược Offshore Control mới được đem ra áp dụng. Về phần Hoa Kỳ, để tránh bị đẫy vào thế buộc phải tiến hành phong tỏa ngoài ý muốn, các chiến lược gia Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hoàn toàn giữ kín định nghĩa tình huống như thế nào thì Hoa Kỳ chính thức thi hành chiến lược Ofshore Control.
Trung Quốc cũng thấy được sự lung túng của các nước trong vùng khi cùng với Hoa Kỳ đeo đuổi chiến lược “Offshore Control” nên thường xuyên xâm phạm lấn chiếm vùng biển Nhật Bản, Phi Luật Tân và Việt Nam, v.v... theo kiểu từ từ tằm ăn dâu mà Hoa Kỳ và các nước có liên quan hoàn toàn bó tay, ít ra cũng là vào giai đoạn này.
Kể từ năm 2010, Hải-quân Nhật Bản đã lung túng thấy rõ khi tìm kiếm cho mình một đối sách không khai hỏa mà vẫn có thể đuổi tàu hải-giám Trung Quốc ra khỏi lãnh hải. Trung bình mỗi tháng, tàu hải-giám Trung Quốc có thể xâm phạm sâu trong lãnh hải Nhật bản lên đến trên hai chục lần. Vào ngày 25 tháng 11 năm 2013, Hoa Kỳ buộc lòng phải uyển chuyển đối sách, ra mặt can thiệp cho hai chiếc oanh tạc cơ B-52 bay ngời ngời trước họng súng của Hải quân Trung Quốc để xóa bỏ tuyên bố vùng cấm bay của Trung Quốc tại khu vực Điếu Ngư, giải tỏa bớt sức ép quân sự của Trung Quốc lên Nhật Bản tại vùng này.
Hành động Hoa Kỳ đối đầu công khai với Trung Quốc vào ngày 25 tháng 11 năm 2013 làm phấn chấn tinh thần các nước trong vùng và khiến Trung Quốc giảm hẳn nỗ lực hung hăng lấn hiếp Nhật Bản về lãnh hải khiến giới chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã phải bắt đầu âm thầm rà xét lại đối sách quân sự của mình tại Châu Á thái Bình Dương kể từ năm 2014 đến nay, mà trong đó, việc thay đổi Tư Lệnh Hải quân Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương cũng như việc thay đổi các vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là một thí dụ rõ ràng trong việc điều chỉnh sách lược quân sự của Hoa Kỳ tại vùng này.
II. Duy trì và thắt chặt mối quan hệ đồng minh quân sự đối với các nước trong vùng châu Á Thái Bình Dương
Chiến lược quân sự “Offshore Control” của Hoa Kỳ chỉ có thể hữu hiệu thành công nếu các quốc gia trong vùng châu Á Thái Bình Dương liên kết chặt chẽ và có mối quan hệ sâu rộng với Hoa Kỳ về mọi mặt từ chính trị, kinh tế đến quân sự, nếu không, thì các quốc gia trong vùng tham gia chiến lược này sẽ bị Trung Quốc áp lực, lôi kéo tách rời khỏi sự liên kết với Hoa Kỳ một cách dễ dàng.
Mặc dù sức mạnh Không-Hải Trung Quốc không mạnh như Hoa Kỳ nhưng cũng đủ để làm các nước liên quan trong vùng (ngoài trừ Hoa Kỳ) suy nghĩ, cân nhắc và cảm thấy thiết lập một nền hoa bình dù bị quy lụy, đe dọa với Trung Quốc vẫn có lợi hơn là phải đối đầu trực diện với Trung Quốc. Trung Quốc lợi dụng tâm lý lưỡng lự này của các nước trong vùng châu Á Thái Bình Dương ra sức gia tăng áp lực quân sự, đẩy mạnh sự hiện diện lực lượng Không-Hải của mình trên toàn cỏi biển Đông một cách hung tợn hiếp đáp bất chấp mọi luật lệ của Liên Hiệp Quốc về hải phận.
Mối liên hệ kinh tế sâu rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc càng làm cho các nước có liên quan nghi ngờ quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế Trung Quốc. Tâm lý nghi ngờ này khiến các nước trong vùng xích lại gần nhau để đối phó Trung Quốc rất chậm chạp lỏng lẻo và rời rạc trong suốt bao năm qua kể từ năm 2001.
Hơn nữa, chiến lược "Offshore Control" của Hoa Kỳ vẫn chưa thật sự hình thành rõ nét ở Đông Nam Á vì các quốc gia trong vùng vẫn còn lo sợ về bài học của cuộc chiến tranh Việt Nam và vẫn chưa thật sự tin tưởng Hoa Kỳ. Bài học "chiến tranh Việt Nam" khiến cho các nước trong vùng Đông Nam Á thấy rõ là Hoa Kỳ sẵn sàng bỏ rơi đồng minh thân cận là Việt Nam Cộng Hòa không can thiệp khi Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974 sau khi đã có những thỏa ước tốt đẹp với Trung Quốc.
Việc Hoa Kỳ thất hứa không viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa tự vệ trước sự xâm lăng của Cộng Sản sau khi đã có những thỏa hiệp tốt đẹp với Trung Quốc thông qua bản Thông Cáo Chung tại Thượng Hải – 28-2-1972, càng làm cho các nước trong vùng Đông Nam Á lo sợ về một viễn cảnh xấu là nếu tham gia chiến lược "Offshore Control" của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc thì tương lai sẽ hứng chịu thảm cảnh khốc liệt gây ra bởi Trung Quốc do bị Hoa Kỳ bỏ rơi nếu Trung Quốc & Hoa Kỳ đã đạt được những thảo hiệp tốt đẹp và không còn cần thiết phải duy trì chiến lược "Offshore Control" căng thẳng với Trung Quốc nữa.
Trung Quốc dùng quyền kiểm soát của mình tại quần đảo Hoàng Sa suốt 40 năm qua để làm bàn đạp tuyên bố chủ quyền của mình tại Trường Sa và cướp đi lãnh hải của các nước Đông Nam Á một cách từ từ theo kiểu tầm ăn dâu. Nếu Trung Quốc vẫn chưa kiểm soát được đảo Hoàng Sa thì ngày nay, theo chiến lược gia các nước trong vùng Đông Nam Á, Trung Quốc rất khó mà biện minh cho mọi hành động tuyên bố chủ quyền lãnh hải trên đảo Trường Sa vốn đang tạo ra căng thẳng trên toàn vùng biển Đông Nam Á như hiện nay.
Vì vậy, chính phủ Obama trong hơn bảy năm qua đã phải ráo riết gia tăng các nỗ lực ngoại giao để trấn an, gây niềm tin đối với các trong vùng Đông Nam Á và thể hiện rõ quyết tâm của Hoa Kỳ hiện diện tại vùng này với vai trò lãnh đạo nhằm duy trì hòa bình và dứt khoát can thiệp để chấm dứt mọi hành động đe dọa của Trung Quốc lên các nước trong vùng. Thông điệp của Hoa Kỳ rất cương quyết và rõ ràng: “mối bận tâm hàng đầu của Hoa Kỳ không phải là Do Thái hay vùng Vịnh nữa mà chính là biển Đông và Đông Nam Á.”
Nhằm trấn an nghi ngờ của các nước trong vùng Đông Nam Á, chính phủ Obama ráng nỗ lực lôi kéo các trong vùng vào Hiệp ước Đối Tác Kinh Tế Thái Bình Dương, TPP – Trans Pacific Partnership, nhằm đảm bảo cho các nước này một tương lai kinh tế ổn định không bị cô lập nếu làm đồng minh với Hoa Kỳ về mặt quân sự để đối trọng với Trung Quốc. Đây cũng là một ngầm ý của Hoa Kỳ cam kết sẽ không bỏ rơi các nước đồng minh như quá khứ đã từng xảy ra đối với Việt Nam Cộng Hòa.
Dù vậy, niềm tin không thể một sớm một chiều mà có, nhất là lịch sử đen về một lần Hoa Kỳ thất hứa và bội phản đồng minh Việt Nam Cộng Hòa còn đó.
III. Hỗ trợ một quy chế luật lệ thống nhất từ lãnh hải đến quyền lợi khai thác kinh tế cho hàng hải áp dụng chung đối với mọi quốc gia liên quan trong vùng Đông Nam Á:
Hiện tại, nỗ lực thỏa thuận đi đến những nguyên tắc ứng xử chung cho lãnh hải và khai thác lãnh hải của Hoa Kỳ cùng các nước trong vùng Đông Nam Á bị thất bại hoàn toàn vì Trung Quốc thấy không có lý do gì tuân thủ các nguyên tắc này và mọi áp lực điều hoàn toàn không đủ để Trung Quốc chùn bước.
Việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu HD -981 vào lãnh hải của Việt Nam để thăm dò dầu khí cũng như xây dựng phi trường quân sự trên các đảo Trường Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm kể từ năm 1981 từ Việt Nam làm cho cả Hoa Kỳ và các nước trong vùng cảm thấy thất vọng trước những điều khoản qui tắc ứng xử chung tại biển Đông được bàn thảo và nêu lên trước đây.
Vị Trí Dàn Khoang HD-981 Trung Quốc tại lãnh hải Việt Nam
Vấn đề mà các nước trong vùng ở Đông Nam Á nêu lên là không phải Hoa Kỳ không đủ sức để áp lực Trung Quốc rút giàn khoang HD- 981 hay áp lực Trung Quốc ngừng xây các phi trường quân sự trên các đảo không thuộc chủ quyền của mình và vẫn còn đang trong vòng tranh chấp mà vấn đề là ở chỗ các nước này muốn nhìn thấy Hoa Kỳ có một đường lối chiến lược rõ rệt hơn để những hành động hung hăng hiếu chiến như thế không thể tái phạm từ phía Trung Quốc. Điều này khiến Hoa Kỳ rất lúng túng vì mọi đối sách mà Hoa Kỳ đang thực thi để đảm bảo hòa bình tại biển Đông chưa đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải hành xử có trách nhiệm theo khuôn khổ qui chế luật pháp của quốc tế.
Việc Trung Quốc dám thách thức phi cơ tuần tra thám sát của Hoa Kỳ bay ngang Trường Sa để chụp hình các phi đạo quân sự mới xây của Trung Quốc trong năm nay khiến nước Mỹ bàng hoàng vì sau khi chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến vào năm 1945, thì đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ bị thách thức công khai như thế trong vùng biển Đông Nam Á từ phía Trung Quốc. Phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Hồng Lỗi còn giận dữ tuyên bố công khai hành động của Hoa Kỳ trinh thám phi trường quân sự Trung Quốc xây là vô trách nhiệm. Điều này khiến các nước vùng Đông Nam Á rất hoang mang và mong đợi Hoa Kỳ có phản ứng rõ rệt. Giới chức quân sự của Hoa Kỳ đã phải lật đật tuyên bố công khai Hoa Kỳ sẽ không nhượng bộ Trung Quốc tại biển Đông để trấn an các nước trong vùng.
Tuy nhiên, việc khẩu chiến qua lại giữa giới chức quân sự Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khiến các nước trong vùng thấy rõ mọi nỗ lực thỏa thuận để đề ra và áp dụng những nguyên tác ứng xử tại biển Đông sẽ chỉ là dã tràng xe cát mà thôi.
Từ tâm lý thất vọng đó, để tự bảo vệ lấy quyền lợi quốc gia, các nước trong vùng chuyển sang đối sách tự mình thách thức sức mạnh ngoại giao và quân sự Trung Quốc như Phi Luật Tân kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế, Mã Lai cho bắn chìm các tàu đánh cá tình nghi là của Hải Giám Trung Quốc ngụy trang, vân vân ...
Tâm lý này của các nước trong vùng khiến mọi nỗ lực dàn xếp để có thỏa thuận chung về lãnh hải tại biển Đông của Hoa Kỳ ngày một khó khăn và đẩy Hoa Kỳ vào tình huống bị động phải đối phó tháo gỡ những xung đột bộc phát bất ngờ ngoài dự kiến hơn là chủ động dàn xếp một đối sách chu toàn cho nền hòa bình tại biển Đông. Càng lúc, Hoa Kỳ càng bị cuốn hút vào những căng thẳng quân sự và mọi chiến lược ngoại giao cho nền hòa bình tại biển Đông đang bị đổ vỡ từng phần.
IV. Kết:
Những mong mỏi nhanh chóng có được những thỏa hiệp lãnh hải tại biển Đông nói riêng và tại châu Á Thái Bình Dương nói chung đã hoàn toàn tan thành mây khói. Trung Quốc không có lý do gì phải tôn trọng mọi thỏa hiệp thương thảo vì sức ép của Hoa Kỳ chưa đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải hành xử có trách nhiệm tại vùng biển này.
Sự gia tăng hiện diện sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ tại biển Đông nói riêng và tại châu Á Thái Bình Dương nói chung tuy vô cùng quan trọng nhưng chưa đủ để Trung Quốc chùn bước trong tham vọng lấn chiếm lãnh hải của mình. Mối liên hệ kinh tế sâu rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc làm các quốc gia trong vùng nghi ngờ chiến lược "Phong Tỏa Hải Lộ" hay còn gọi là "Offshore Control" của Hoa Kỳ có thể được đem ra thực thi đến nơi đến chốn để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các thỏa hiệp quốc tế về lãnh hải tại châu Á Thái Bình Dương, và nhật là tại biển Đông.
Những nỗ lực khẳng định niềm tin của các nước trong vùng đối với thành tâm của Hoa Kỳ cố gắng duy trì và bảo vệ sự ổn định vùng Đông Nam Á trước sự hiếu chiến của Trung Quốc chưa thật sự được hiệu quả như ý Hoa Kỳ muốn.
Sự phản bội của Hoa Kỳ đối với Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh chí thành và thân cận, để đổi lấy những thỏa hiệp tốt đẹp từ Trung Quốc, vẫn còn là bóng đen ám ảnh giới lãnh đạo các quốc gia trong vùng khiến sự liên kết liên mình hiện nay giữa các nước và Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc còn quá rời rạc lỏng lẻo.
Điều này khiến mục tiêu của Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương, bao gồm tự do đi lại hàng hải, ngăn ngừa xung đột và xâm lấn cũng như duy trì công pháp quốc tế về hàng hải càng trở nên khó khăn để thực hiện hơn .
5/9/2015
(Bài viết dành riêng gởi tặng Dân Làm Báo)