Lê Dủ Chân (Danlambao) - Để xây dựng thành công một thể chế dân chủ, trước mắt đòi hỏi chúng ta phải có một cái nhìn thực tế về quá trình xây dựng nên nền dân chủ đó. Thực tế ở đây là:
- Không phải chúng ta muốn dân chủ là có dân chủ ngay. Xây dựng dân chủ là một quá trình giằng co liên tục đầy máu và nước mắt giữa nhân dân và chế độ độc tài đương quyền để giành lại quyền làm chủ đất nước cho toàn dân. Nó đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh của toàn xã hội, không phải là bổn phận hay trách nhiệm của riêng một cá nhân hay một đoàn thể nào.
- Dân chủ không phải là một thực thể có sẵn, nó là kết quả của một quá trình xây dựng do đó cần phải có thời gian. Sự quyết tâm và sự trưởng thành về nhận thức chính trị là hai yếu tố sẽ quyết định thời gian xây dựng dân chủ của một dân tộc lâu hay mau, ngắn hay dài.
- Dân chủ phục vụ cho cộng đồng không phục vụ cho cá nhân do đó đừng đòi hỏi dân chủ phải thỏa mãn ý muốn riêng lẻ của mỗi cá nhân hay mỗi đoàn thể.
- Dân chủ là một thể chế, nó giống như một con người dù tốt cách mấy cũng phải có khuyết điểm bởi vì là con người, là thể chế thì không thể hoàn hảo một cách lý tưởng.
Lịch sử của nhân loại rất hiếm có một dân tộc nào may mắn có được một nhà nước dân chủ ngay từ khi lập quốc.
- Người Mỹ được người Anh công nhận chủ quyền vào năm 1783 mãi cho đến 1788, phải mất đến 5 năm mới thông qua được hiến pháp Hoa Kỳ và đến 1789 mới có được Thượng Viện, Hạ Viện và Tổng Thống đầu tiên của nền Cọng Hòa.
- Người Pháp làm cách mạng dân chủ năm 1789 nhưng phải đến 84 năm sau, năm 1873 nền đệ tam cộng hòa Pháp mới được chính thức thành lập sau khi người Phổ cuối cùng rút ra khỏi nước Pháp.
- Cách mạng dân chủ Tiệp Khắc bùng nổ vào ngày 16 tháng 11 năm 1989 và phải 7 tháng sau dân tộc này mới tổ chức được cuộc bầu cử tự do, dân chủ, đa đảng vào tháng 6 năm 1990 để thành lập chính phủ mới.
- Tương tự như Tiệp Khắc quân đội Romania đã quay súng lật đổ chế độ chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa do Nicolae Ceausescu đứng đầu vào tháng 12 năm 1989 và phải đến năm 1991 hiến pháp mới mới được phê chuẩn qua cuộc trưng cầu dân ý để chuyển sang chế độ đa nguyên, đa đảng.
- Hàn Quốc được thành lập vào năm 1953, là một quốc gia khi mới thành lập đã có xu hướng dân chủ tuy nhiên mãi tới năm 1987 tức là phải trải qua 34 năm thăng trầm, khi hiến pháp nước này được sửa đổi thì người dân Hàn Quốc mới giành được quyền trực tiếp bầu cử người lãnh đạo quốc gia cho mình.
- Gần đây nhất tại Miến Điện, sau một thời gian dài 50 năm bị cai trị bởi chế độ độc tài quân phiệt, chính phủ ông Thein Sein phải mất 4 năm từ 02/2011 đến 11/2015 mới tổ chức được cuộc tổng tuyển cử có tự do tranh cử đầu tiên trong vòng 25 năm qua.
Đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể như trên để chúng ta thấy rằng một quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ một thể chế độc tài, dù dưới bất cứ hình thức nào, qua thể chế dân chủ dù bằng phương pháp hòa bình, lật đổ hay đảo chánh đều phải kinh qua một thời gian chuyển tiếp được điều hành bởi một tổ chức nhà nước trung gian thường được gọi là CHÍNH PHỦ BẢN LỀ.
Chính phủ bản lề có thể được thành lập từ:
- Một cuộc chính biến (thay đổi chính quyền bằng thủ đoạn chính trị): biến cố chính trị do các thành viên của chế độ đương quyền làm nên nhằm thay đổi chính quyền theo chiều hướng của mình.
- Một cuộc đảo chánh (Thay đổi chính quyền bằng sức mạnh quân đội): Dùng quân đội giải tán nhà nước hiện hành, thành lập chính phủ do quân nhân nắm quyền.
- Một cuộc tổng nổi dậy (thay đổi chính quyền bằng sức mạnh của nhân dân): nhân dân tự đứng lên làm cách mạng, ôn hòa hay bạo động lật đổ chính quyền sau đó đưa những người được tín nhiệm trong các phong trào nổi dậy lên nắm chính quyền.
- Một cuộc nội chiến (thay đổi chính quyền bằng chiến tranh): Sau khi kết thúc chiến tranh, phe thắng trận thành lập chính quyền để điều hành quốc gia.
CHÍNH PHỦ BẢN LỀ chưa phải là một chính quyền của thể chế dân chủ, bởi vì nó không được dựng lên bằng lá phiếu của người dân. Thành viên của chính phủ này chỉ là những người đại điện cho khuynh hướng chính trị muốn thay đổi chính thể quốc gia, đổi mới cơ cấu, nhân lực nhà nước để điều hành đất nước tốt hơn theo chủ quan của họ. Thời gian tồn tại của chính phủ bản lề lâu hay mau, dài hay ngắn tùy thuộc vào những yếu tố cơ bản sau:
- Tinh thần hướng tới dân chủ của chính bản thân nó.
- Áp lực của nhân dân.
- Áp lực của cộng đồng quốc tế.
- Hoàn cảnh thực tế của quốc gia trong thời điểm đó.
Trách nhiệm của chính phủ bản lề bao giờ cũng khó khăn hơn một chính phủ bình thường, bởi vì ngoài nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành guồng máy quốc gia, ổn định xã hội, bảo vệ an ninh trật tự cho nhân dân, bảo vệ tổ quốc chính phủ bản lề còn có một trách nhệm cấp thiết khác phải làm là từng bước xây dựng nền móng dân chủ cho thể chế mới, thông thường bằng những biện pháp sau:
- Ban bố các sắc lịnh thay thế và hủy bỏ các điều khoảng sai trái phản dân chủ, hạn chế tự do, bóp nghẹt dân quyền và nhân quyền trong hiến pháp, hệ thống luật pháp của chế độ cũ.
- Lần lượt thả tất cả những người tù chính trị, tù lương tâm, những người chống đối chế độ củ bị giam giữ lâu nay.
- Giải tán Quốc Hội của chế độ cũ.
- Tổ chức bầu cử Quốc Hội mới với sự tham gia trực tiếp ứng cử và bầu cử của toàn dân để thảo ra bản hiến pháp và luật pháp mới đúng theo nguyện vọng của nhân dân.
- Tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra nguyên thủ quốc gia do hiến pháp mới quy định.
- Bàn giao trách nhiệm lãnh đạo Quốc Gia cho chính phủ mới do nhân dân bầu lên.
Sau 70 năm cai trị, đảng cộng sản đã mang lại cho tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam hai điều tồi tệ nhất trong lịch sử nước nhà đó là:
- Một thể chế chính trị độc tài, độc đảng: Chế độ cộng sản.
- Một nhà nước hoàn toàn lệ thuộc và ngoại bang: Nước Tàu.
Để làm nền tảng cho tiến trình xây dựng một thể chế dân chủ trong nay mai, CHÍNH PHỦ BẢN LỀ dù được lập nên bằng bất cứ phương pháp nào, dưới bất cứ hình thức nào và do bất cứ lực lượng nào thì mục tiêu chiến lược của nó phải hướng tới là:
- Hủy bỏ sự độc quyền cai trị của đảng cộng sản Việt Nam trong 70 năm nay.
- Từng bước giảm nhẹ sự lệ thuộc vào ngoại bang nhất là nước Tàu trên các mặt văn hóa, tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội... Có như thế tổ quốc Việt Nam mới được cường thịnh, dân tộc Việt Nam mới có được thực sự độc lập, tự do, hạnh phúc như 90 triệu người Việt đang mong đợi.
Trách nhiệm lịch sử này ai sẽ đứng ra gánh vác? Đảng cộng sản Việt Nam hay dân tộc Việt Nam? Câu trả lời sẽ quyết định vận mệnh của đảng cộng sản Việt Nam trong tương lai: Được hạ cánh an toàn hay là tội đồ của dân tộc.
18/09/2015