Một vài tình huống cần xử lý khi đối mặt với công an - Dân Làm Báo

Một vài tình huống cần xử lý khi đối mặt với công an

Mẹ Nấm (Danlambao) - So với nhiều người, tôi không có kinh nghiệm khi lực lượng công an sử dụng bạo lực, vì vậy, những tình huống tôi chia sẻ ở đây là trường hợp của cá nhân tôi và của những anh chị em, bạn bè cùng tranh đấu, rất mong nhận thêm những chia sẻ của bạn bè.

1. Tình huống 1: Xô xát có chủ đích do an ninh gây ra.

Đây là tình huống bạn cần giữ bình tĩnh để quan sát đánh giá tình hình và tránh mắc bẫy. 

Hôm chúng tôi tuyệt thực công khai tại công viên, an ninh đã sử dụng lực lượng thanh niên xung kích đến nhắc nhở khi bạn tôi để chân lên cỏ, sau đó có 3 tên công an thường phục ập đến ngay lập tức để gây chuyện bằng cách tấn công một người trong nhóm chúng tôi. Tất cả chúng tôi im lặng xem họ diễn trò, các câu hỏi mà chúng tôi sử dụng trong trường hợp này khi xung quanh toàn công an, dân phòng và CSGT đó là: "Tại sao công an không can thiệp khi thấy xô xát?”“Công an đánh người!”. 

Tuyệt đối không tranh luận, không cãi cọ, không chống đối trong lúc này, đừng để họ đạt được mục tiêu là tống cho bạn cái án: “Gây rối trật tự công cộng”.

Hãy thể hiện hình ảnh: Một người im lặng, ôn hoà và không có động cơ gây rối.

2. Tình huống 2: Khi cơ quan an ninh sử dụng CSGT để chặn xe gắn máy, xe hơi trên đường:

- Đối với xe gắn máy: Khi thấy CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, bạn cần bình tĩnh, chạy chậm, chuẩn bị dụng cụ ghi âm, ghi hình và các giấy tờ cần thiết như bằng lái, CMND trước khi xuống xe. Nên lưu ý CSGT phải thực hiện đúng tác phong, điều lệ và quy trình kiểm soát như: chào hỏi, thông báo lỗi. Bạn có quyền chứng minh mình không phạm lỗi và yêu cầu cho xem bằng chứng. Nên nhớ cất kỹ chìa khoá xe đề phòng bị giật bất ngờ. Nếu không chứng minh được lỗi vi phạm, thì CSGT không có quyền dừng xe của bạn, nên nhớ điều này để luôn giữ bình tĩnh, công khai đối đáp cho tất cả những người xung quanh theo dõi. Thái độ của bạn trong đám đông lúc này là rất quan trọng.

- Đối với xe hơi: Vì tôi không có xe hơi, nên các tình huống xảy ra đối với tôi thường là do tài xế taxi chạy quá tốc độ, hay quên cài dây an toàn. Ở trường hợp này, bạn nên ngồi yên trong xe, chuẩn bị sẵn dụng cụ ghi âm, ghi hình. Sẽ có người bên phía an ninh đến mở cửa xe và yêu cầu bạn xuống xe. Bạn cần bình tĩnh, nói rõ lý do bị chặn cho tài xế biết, và bất tuân bằng cách để họ tự khiêng, lôi, giằng co hay làm đủ mọi cách đưa bạn ra khỏi xe. Tôi chọn cách bất tuân không chống cự để đỡ mệt. Và để những người quan sát như tài xế có thể hiểu vấn đề hơn, tôi thường đề nghị họ tuân thủ luật giao thông: chạy đúng tốc độ, thắt dây an toàn cẩn thận. Nếu bị chặn thì thông báo ngay với họ tôi là mục tiêu chứ không phải họ.

Kết quả của hai tình huống trên đương nhiên là tôi luôn ở trong đồn công an sau đó. Và thái độ duy nhất tôi thể hiện là sự bất tuân, không tự đi, không phản ứng, không đôi co, không tranh luận. Không cần phải phí sức khi họ đã cố lôi bạn về đồn, hãy tận dụng quyền của bạn để họ phải phí sức nếu muốn đạt mục tiêu.

3. Tình huống 3: Trong đồn công an, ta nên làm gì?

Trước đây, khi tôi nghĩ rằng cần tranh luận để làm rõ phải trái đúng sai khi an ninh vi phạm quyền tự do đi lại của mình để nhằm thay đổi tình trạng này, tuy nhiên sau một thời gian nhận thấy khó có thể nói lý lẽ khi họ đã xác định mục tiêu là ngăn cấm mình đi lại thì cách duy nhất tôi chọn là im lặng và nghỉ ngơi. 

Bạn có thể nằm, ngồi trên sàn nhà, hay trên ghế sao cho thoải mái nhất, vì hãy nhớ họ BẮT bạn vào đây chứ bạn không có nghĩa vụ phải LÀM VIỆC với họ khi họ VI PHẠM PHÁP LUẬT.

Tôi từ chối mọi sự giao tiếp, các câu hỏi có mục đích hoặc đơn giản chỉ là xã giao. 

Bất tuân dân sự ngay cả trong đồn công an là không bao giờ làm theo ý họ. 

Phát huy tối đa quyền im lặng để giữ năng lượng cho bản thân. 

Rất tốt nếu bạn có mang theo sách và đem ra đọc trong tình huống này.

Nếu có bị đánh, hãy chuẩn bị tâm lý sẵn để không chống cự, một số câu hỏi mà bạn có thể sử dụng trong tình huống này: “Anh (chị) là ai? Sao đánh tôi?”. Chỉ như thế. 

Đây là lúc bạn cần tỉnh táo nhất và nên biết rằng họ có thể quan sát, quay phim chụp hình bạn để làm tư liệu.

Chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ bị giữ quá 24 tiếng,và nhớ yêu cầu bật điện thoại để liên hệ với người thân.

Đấu tranh để đòi đảm bảo quyền tự do thông tin là nhiệm vụ của bạn trong lúc này.

Đừng bao giờ tự rời đồn công an theo ý họ muốn, hãy nhớ, bạn không tự vào đồn, vì vậy bạn sẽ không tự ra về. 

Đừng để họ đạt được mục tiêu, thích thì bắt, xong việc thì thả bạn tự về.

Trên đây là ba tình huống tôi thường gặp nhất và một số cách xử lý. 

Tôi nghĩ rằng bình tĩnh và giữ im lặng khi cần thiết là vũ khí mà bạn có thể áp dụng hữu hiệu trong 3 tình huống trên.

Đây là câu chuyện của chúng tôi, hy vọng nhận được chia sẻ của các bạn.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo