Phụ huynh - nguồn thu bất tận của trường tiểu học Võ Thị Sáu (TP.HCM)? - Dân Làm Báo

Phụ huynh - nguồn thu bất tận của trường tiểu học Võ Thị Sáu (TP.HCM)?

Ảnh: Dân Làm Báo
CTV Danlambao - Hàng năm, hầu hết các phụ huynh đều phải đối diện với việc thu tiền từ trường học của các con, và năm nay, ngoài việc tăng giá bảo hiểm y tế một cách chóng mặt, nhiều phụ huynh tại trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TpHCM) phải kêu trời với mức phí quá cao tại đây.

Qua tìm hiểu thông tin Danlambao được biết, trường tiểu học Võ Thị Sáu là trường công lập, nhưng mức kêu gọi đóng góp chi phí và quỹ hội cùng việc mua sắm các trang thiết bị đều dựa trên tiêu chuẩn của các trường dân lập. 

Điển hình như năm học 2014 – 2015, phòng Giáo dục quận 7 đã nhận được ý kiến phản hồi từ phụ huynh về mức phí thu 6 triệu/học sinh lớp mới, và 4 triệu/học sinh lớp cũ là quá cao nhưng sự việc vẫn tiếp tục lặp lại. 

Với những người khá giả, có điều kiện sống trong khu Phú Mỹ Hưng có lẽ đây là chuyện bình thường? Nhưng thực tế là có khá nhiều gia đình nghèo, điều kiện không sung túc đăng ký học đúng tuyến cũng phải đóng góp với mức phí trên nên họ rất bức xúc. 

Trong năm học 2015 – 2016, mức thu quỹ phụ huynh của trường tiểu học Võ Thị Sáu lên tới 3, 4 triệu đồng/người. Trả lời với báo chí, bà Nguyễn Hà Phương Thanh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho rằng: “các khoản thu chi là do phụ huynh tự vận động”. 

Các khoản thu chi từ hội phụ huynh của lớp 1 trường tiểu học Võ Thị Sáu.
Ảnh và chú thích: Vnexpress
Nhưng thực tế ít người biết rằng Hội trưởng Hội PHHS của trường Võ Thị Sáu hiện nay là người đã được Ban Giám hiệu chỉ định trước, và phụ huynh này chuyển từ trường Lương Thế Vinh qua. Việc chỉ định và áp đặt trước này dẫn tới một số hội trưởng Hội phụ huynh các khối lớp luôn ở trạng thái bị động và áp đặt. 

Bên cạnh đó, các phụ huynh không được báo cáo cụ thể nhiều khoản chi không có hóa đơn cụ thể, được báo cáo lại rất sơ sài. 

Theo thông tin từ Sở Giáo dục TpHCM, trường Tiểu học Võ Thị Sáu là trường được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 73 tỷ đồng, khánh thành từ năm học 2014 – 2015. Và là một trường công lập. 

Việc tận thu từ phụ huynh không phải là chuyện mới xảy ra lần đầu tại Việt Nam, vấn đề là tại sao Sở Giáo dục TpHCM, Phòng giáo dục Quận 7 lại im lặng khi nhận được ý kiến phản hồi từ năm ngoái? 

Nhà nước bỏ ra 73 tỷ đồng để xây dựng trường học như một kiểu đầu tư thu lợi từ các phụ huynh - những con bò sữa tiềm năng của ngành giáo dục Việt Nam? 

Và sẽ ra sao nếu các trẻ em nghèo theo học tại những ngôi trường như trường Tiểu học Võ Thị Sáu? 

Nếu phụ huynh không lên tiếng, nạn tận thu này bao giờ mới chấm dứt? 

Hiện đã có tình trạng một số trường học sử dụng các biện pháp cách ly, “xử lý” với các giáo viên hay những em học sinh mà phụ huynh có ý kiến phản đối về những bất cập trong môi trường giáo dục, phải chăng đây là lý do khiến hầu hết các bậc làm cha mẹ e ngại khi lên tiếng đảm bảo quyền lợi, công bằng cho chính bản thân và con em mình?

Một số hình ảnh trường tiểu học Võ Thị Sáu. Ảnh: Dân Làm Báo




29/9/2015


___________________________________

Đọc thêm:

Nghi giáo viên lên...tivi, lãnh đạo trường cấp 2 Ba Đình họp đòi kỷ luật!
Ngôi trường mỗi lớp phải đóng quỹ 160 triệu đồng


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo