Vài ý nghĩ khi đọc bài ‘Đôi điều về câu lạc bộ mang tên Lê Hiếu Đằng’ - Dân Làm Báo

Vài ý nghĩ khi đọc bài ‘Đôi điều về câu lạc bộ mang tên Lê Hiếu Đằng’

Luật gia Lê Hiếu Đằng quyết định từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự ‘suy thoái biến chất’ ‘của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Trần Phan (VOA) - Bài “Đôi điều về câu lạc bộ mang tên Lê Hiếu Đằng” Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu và Huỳnh Kim Báu ký tên, được trang Bauxite Vietnam đăng ngày 12/10/2015.

Ý thứ 1: Tôi kính trọng lòng can đảm và lý tưởng của anh Lê Hiếu Đằng và các bạn những năm trước 1975… Nhưng con đường các anh đã đi có hiệu quả không?

Tôi đồng ý rằng anh Lê Hiếu Đằng “đã hiến dâng cả cuộc đời từ lúc còn thanh niên cho đến khi nằm xuống ở tuổi 70 cho lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giành lại độc lập cho đất nước, tự do dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân”.

Tuy nhiên, những dòng “nếm trải tù đày tra tấn của một chế độ do thực dân và đế quốc nuôi dưỡng” cho tôi cảm giác nặng nề của một người chưa ra khỏi cái lồng tư tưởng của chính mình để nhập vào dòng sống mới, tư tưởng mới, thời đại mới. Tôi đồng ý rằng anh Đằng và các bạn của anh có lý tưởng thật, và chính lý tưởng đó khiến các anh chống lại chế độ miền Nam mà các anh từng đinh ninh rằng đó là chế độ đang bóc lột dân chúng, đang làm nghèo đất nước, chính là “bè lũ bán nước” được “bọn cướp nước” nuôi dưỡng.

Nhưng nay thì đã thấy rõ: cái chế độ mà các anh tiếp sức dựng nên hóa ra mới chính đang bóc lột dân chúng nghiệt ngã nhất, nô lệ hóa dân chúng một cách tinh vi nhất. Nó đang cướp của dân chúng tất cả các quyền tự do để mà từ đó nó ngang nhiên dâng từng phần lãnh thổ quốc gia cho kẻ thù Trung Quốc bành trướng và ngang nhiên đàn áp dân chúng lên tiếng chống lại kẻ cướp đất và khống chế tổ quốc. Tất cả những gì tệ hại nhất mà chế độ này đang tiến hành đã được các nhà lãnh đạo chế độ Miền Nam mà các anh góp phần lật đổ khẩn thiết cảnh báo. Có thể lúc đó các anh chưa từng được được nghe những lời cảnh báo đó, hay dù có nghe các anh vẫn không tin vì “lý tưởng” đang sục sôi trong tim.

Do đó, dù tin vào lòng thành của các anh về “lý tưởng” đó, cảm thông với các anh về một thời “ấu trĩ chính trị”, tôi vẫn phải nói rằng “lý tưởng” đó chỉ là “ảo tưởng”, và con đường các anh đã đi là sai lầm. Xin đừng cho rằng tình hình đất nước loay hoay trong chậm tiến hôm nay chỉ là do một số người phản bội lại lý tưởng ban đầu. Không đâu, con người do xã hội tạo ra. Xã hội được định hướng bởi hệ thống chính trị chính thống. Nền chính trị chính thống hiện nay là nền chính trị cộng sản, chủ trương dùng gian trá và bạo lực để cướp và giữ chính quyền. Nền chính trị đó tất yếu dẫn tới độc tài và toàn trị, từ đó tới công an trị, rồi tới xã-hội-đen trị. Nền chính trị đó cướp sạch của dân các quyền tự do căn bản, khiến dân chúng thay vì là chủ nhân của xã hội, trở thành nô lệ cho các “ông vua tập thể” (lời ông Nguyễn Văn An, nguyên đảng viên rất cao cấp), có quyền hành như các “chủ nô tập thể”. Dân không kiểm soát được chính quyền, tất nhiên sẽ xuất hiện các nhà chính trị, nhà lãnh đạo lưu manh, gian hiểm và tham lam vô độ. Phong hóa suy đồi, đạo đức xuống cấp, đất nước yếu hèn và lệ thuộc, nguy hại thay, lại là lệ thuộc Trung Quốc!

Chế độ Miền Nam mà các anh “đã hiến dâng cả cuộc đời từ lúc còn thanh niên” góp phần lật đổ, giờ đây hóa ra là chế độ tiến bộ hơn rất nhiều so với chế độ cộng sản. Nó tiến bộ vì nó dân chủ, nghĩa là nó tôn trọng người dân, tôn trọng và pháp chế hóa, thể chế hóa các quyền tự do của người dân. Nó tổ chức Tam Quyền Phân Lập để bảo đảm không có sự lạm quyền và bảo đảm tính công bằng, bình đẳng trong xã hội. Chính thể dân chủ của Miền Nam, dù liên tục phải đối phó với các binh đoàn xâm chiếm từ Miền Bắc, vẫn đủ sức bảo đảm cho dân chúng các quyền tự do lập hội lập đảng, quyền tự do ứng cử bầu cử, quyền tự do ngôn luận với báo chí tư nhân… Vẫn bảo đảm một nền giáo dục vừa có tính khai phóng, vừa bảo tồn các giá trị đạo đức căn bản của dân tộc. Vẫn xây dựng nền kinh tế có GDP/đầu người cao hơn nhiều so với Miền Bắc. Vẫn bảo đảm tình tự dân tộc mẹ Âu Cơ với trăm con máu đỏ da vàng. Miền Nam, dù có vài nhà chính trị kêu gọi Bắc Tiến, chưa hề khêu gợi hận thù trong lòng dân tộc!

Tới bây giờ, sau thời gian lịch sử đủ dài để quan sát, so sánh, chiêm nghiệm bản chất hai chế độ, các anh vẫn còn gọi chế độ Miền Nam là “một chế độ do thực dân và đế quốc nuôi dưỡng” hay sao?   

Tóm lại, thực tế lịch sử và hiện tai cho thấy con đường các anh đã đi không hiệu quả. Con đường đó không mang lại cuộc sống văn minh, tự do, ấm no cho dân chúng, không mang lại nền tự chủ cho đất nước mà chỉ mang toàn những điều ngược lại!

Ý thứ 2: Tôi kính trọng anh Lê Hiếu Đằng và các bạn vì “can trường và dũng cảm trong cuộc đấu tranh hôm nay chống lại một bộ phận cầm quyền thoái hoá biến chất…”

Không phải như chế độ Miền Nam trước kia, người đấu tranh chống lại nó vẫn được nó tôn trọng và đối xử một cách quân tử, hợp pháp, công minh, chế độ cộng sản hôm nay dùng các biện pháp bất lương, phi pháp, tàn bạo, truy bức tận cùng… để đối xử với các nhà bất đồng chính kiến. Cho nên tôi kính trọng các anh, hôm nay không chịu im miệng dùng thành tích xưa để kiếm quyền và tiền, mà dấn thân vào cuộc đấu tranh lần nữa… Tuy nhiên, tôi xin được thảo luận 2 điểm:

1) Tôi có cảm giác cái Dũng của các anh, dù có chứa một hàm lượng tri thức nào đó để không thể bị xem là cái Dũng của kẻ thất phu, vẫn chưa thoát khỏi các ràng buộc để tới mức độ tự do. Tôi muốn nói các ràng buộc của quá khứ của chính các anh. Nếu hôm nay mà các anh vẫn tự hào vì đã “tỉnh táo sáng suốt chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc” (bằng cách đi theo đảng CSVN) thì các anh đã đi tới tận cùng của mức độ phản tỉnh hay chưa?

Các anh có thấy được hết cái tai họa ghê gớm đã giáng xuống dân tộc này, không chỉ trong quá trình nội chiến tương tàn của cuộc “cách mạng giải phóng dân tộc”, mà cả trong các hậu quả lâu dài và khó sửa do chính thể cộng sản gây ra cho đất nước?

2) Không phải chỉ có “một bộ phận cầm quyền thoái hoá biến chất” mà cả hệ thống đã biến chất. Trong khi vẫn biết có những cá nhân trong tập thể đó “chưa biến chất” hay “biến chất ít”, thì tôi nghĩ không có gì quá lời khi nói cả hệ thống đã biến chất. Hệ thống nào cũng có cá nhân “biến chất”. Tuy nhiên, nhìn vào tỉ lệ cao một cách đặc biệt của các cá nhân “biến chất”, và nhất là nhìn cách thức hệ thống đó xử lý các hành vi “biến chất”, người ta có thể biết chính hệ thống đó có “biến chất” hay không. Sở Giáo dục Tp HCM nói dối và bị ông Tổng lãnh sự nước Anh tại TP HCM cải chính, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói dối và bị công ty Pháp cải chính… hệ thống coi như không có chuyện gì quan trọng! Gần 300 con người bị chết trong đồn công an, cơ quan điều tra ngụy tạo chứng cứ, hủy bỏ chứng cứ… hệ thống coi như không có gì quan trọng! Tham nhũng càng lúc càng ngang nhiên, cùng khắp các hoạt động công trong xã hội và ở mức độ rất lớn, hệ thống coi như không có chuyện gì quan trọng! Hội nghị Thành Đô bị giấu kín, nhiều việc gây tổn hại tày trời cho quyền lợi kinh tế của dân chúng, cho chủ quyền tổ quốc, hệ thống coi như không có gì quan trọng! Chức sắc rất cao của Việt Nam gập người trước chức sắc Trung Quốc trong khi dân Việt bị Trung Quốc tàn sát, hệ thống coi như không có gì quan trọng!

Các anh có thấy được rằng cả hệ thống đã “biến chất”?

Ý thứ 3: Cùng hết lòng nhập vào dòng chảy của thời đại

Cần phải thấy thật rõ rằng cả hệ thống đã biến chất. Cần phải thấy được hết cái tai họa ghê gớm đã giáng xuống dân tộc này. Cần phải thấy rằng nguồn gốc của hệ thống đã biến chất đó, của tai họa ghê gớm đó nằm nơi chính thể cộng sản độc tài và toàn trị.

Nếu thấy thật rõ các điều nói trên, thì các anh có còn tự hào vì đã “tỉnh táo sáng suốt chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc” (bằng cách đi theo đảng CSVN) không? Hay nên ân hận, hối tiếc vì đã đi theo con đường đó? (tôi biết và đồng cảm rằng thời gian đó có thể là quảng đời đẹp nhất của các anh).

Để có có thể thấy thật rõ những điều nói trên, tôi nghĩ mỗi người chúng ta chỉ cần tự trả lời vài câu hỏi căn bản dưới đây:

1) Trước năm 1975, so sánh cuộc sống của Miền Bắc với Miền Nam, miền nào dân chúng sống giàu có hơn? tự do hơn?

2) Trước năm 1975, so sánh Miền Bắc với Miền Nam, miền nào chính quyền và dân chúng bao dung với người bất đồng chính kiến hơn? (xin nghe lời kể của chính anh Đằng về kỳ thi của anh trong khi anh đang hoạt động lật đổ chính quyền Miền Nam)

3) Nguy cơ mất nước, mất lãnh thổ về tay Mỹ trước năm 1975, so sánh với nguy cơ mất nước, mất lãnh thổ về tay Trung Quốc hiện nay, nguy cơ nào có thật? nguy cơ nào lớn hơn? khủng khiếp hơn?

Tôi nghĩ, chỉ khi thấy hết các điều trên, chỉ khi thật lòng ân hận về quá khứ thì các anh mới có quyết tâm tranh đấu chống lại chính thể độc tài, độc đảng và toàn trị đang bao trùm Việt Nam. Mới có thể tập hợp, mời gọi đông người đến với câu lạc bộ. Mới có thể tự làm mới, làm trẻ lại mình trong dòng chảy rạt rào của tri thức và nguyện vọng thời đại mới…

Bài này xin được kính gởi các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, những người sáng lập Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, như lời góp ý và tâm sự chân thành của một người quen biết cũ.

Trần Phan

Đôi điều về câu lạc bộ mang tên Lê Hiếu Đằng


1. Vì sao có câu lạc bộ mang tên Lê Hiếu Đằng

Anh Lê Hiếu Đằng là bạn chiến đấu thân thiết của chúng tôi, những người từng hoạt động bí mật trong lòng Sài Gòn, từng vào sinh ra tử, nếm trải tù đày tra tấn của một chế độ do thực dân và đế quốc nuôi dưỡng. Lê Hiếu Đằng đã hiến dâng cả cuộc đời từ lúc còn thanh niên cho đến khi nằm xuống ở tuổi 70 cho lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giành lại độc lập cho đất nước, tự do dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân. Cho đến khi mắc bệnh hiểm nghèo, vào những phút cuối cùng trên giường bệnh anh vẫn son sắt một lòng vì lý tưởng cao đẹp đó.

Anh đã thiết tha căn dặn, trao cho chúng tôi tiếp tục sứ mệnh cao cả mà anh đã trọn đời dấn thân. Hiểu được nỗi lòng canh cánh của anh, khi vuốt mắt tiễn đưa anh, chúng tôi hứa với anh sẽ tiếp tục thực hiện nguyện vọng của anh. Ý tưởng thành lập một Câu Lạc Bộ mang tên Anh, Lê Hiếu Đằng, là để nhằm thực hiện một trong những điều chúng tôi đang làm và sẽ làm như đã hứa với người đã khuất. Vừa qua, những sinh hoạt có tính chất thử nghiệm cho thấy đã đến lúc cần và có thể chính thức đưa Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng vào hoạt động.

2. Mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Mang tên Lê Hiếu Đằng, mục tiêu hoạt động Câu Lạc Bộ của những người trí thức và công dân yêu nước đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh không nằm ngoài lý tưởng cao cả của Lê Hiếu Đằng như đã nêu. Trước sau như một, Lê Hiếu Đằng là một trí thức yêu nước. Nhà tù và án tử hình vắng mặt của chế độ cũ không khuất phục được Lê Hiếu Đằng. Chính phẩm chất đó làm nên một Lê Hiếu Đằng kiên quyết đấu tranh chống lại sự tha hoá của quyền lực đã từng bước phản bội lý tưởng cao đẹp mà Lê Hiếu Đằng dấn thân hôm nay.

Có một Lê Hiếu Đằng tỉnh táo sáng suốt chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc để cống hiến hết sức mình mới có một Lê Hiếu Đằng can trường và dũng cảm trong cuộc đấu tranh hôm nay chống lại một bộ phận cầm quyền thoái hoá biến chất phản dân chủ, nhu nhược và hèn nhát trước chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, kẻ thù xâm lược đã phơi bày dã tâm của chúng, hòng tìm kiếm chỗ dựa cho cái ghế quyền lực đã lung lay. Tính cách nhất quán đó của người chiến sĩ Lê Hiếu Đằng làm sáng tỏ mục tiêu đấu tranh của anh. Sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người. Độc lập, thống nhất của tổ quốc phải được thể hiện trong sự thực thi dân chủ trong toàn bộ hoạt động xã hội và thực sự tôn trọng tự do của mọi công dân trong một nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân. Đó chính là mục tiêu hoạt động của Câu Lạc Bộ mang tên Lê Hiếu Đằng.

Mọi hành vi, hoạt động và lời nói đi ngược lại với mục tiêu đó là xúc phạm đến mục tiêu nói trên.

3. Phương thức hoạt động của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng

Là một định chế được hình thành bởi ý thức tự nguyện của những trí thức và công dân yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng hoạt động dưới hình thức của một tổ chức xã hội dân sự. Sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng là một sinh hoạt câu lạc bộ đúng nghĩa như vẫn có, với mục tiêu đã xác định công khai và minh bạch ở trên. Mọi thành viên tự nguyện tham gia sinh hoạt Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đều bình đẳng như nhau trong mọi hoạt động. Mọi thành viên Câu Lạc Bộ đều có thể có những nhận thức và những hoạt động, lời nói không giống nhau và có thể giữ quan điểm độc lập của mình, nhưng không được nhân danh Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng để hành động và phát ngôn, đặc biệt là những hoạt động và phát ngôn mang tính quá khích, cực đoan gây nên những hệ luỵ không đáng có, đi ngược lại với mục tiêu của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng.

Kinh phí hoạt động của Câu Lạc Bộ do mọi thành viên tự nguyện đóng góp tuỳ theo khả năng của mình. Kinh phí đó do một ban quản trị Câu Lạc Bộ quản lý và sử dụng không nằm ngoài mục tiêu đã công bố, được công khai báo cáo theo định kỳ với mọi thành viên.

Trong thời gian chuẩn bị tiến tới cuộc sinh hoạt chính thức để bầu ra Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, chúng tôi, những người sáng lập đề nghị anh Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Trí thức Yêu nước thành phố tạm giữ trách nhiệm Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10.10.2015

NHỮNG NGƯỜI SÁNG LẬP

CÂU LẠC BỘ LÊ HIẾU ĐẰNG:

Huỳnh Tấn Mẫm
Lê Công Giàu
Huỳnh Kim Báu



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo