Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Chuẩn bị cho chuyến đi của CT/Tập Cận Bình đến Manila tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 18/11- Hình như để phòng xa tránh cảnh ngộ bị chính phủ Philippiens trả đũa lại hành vi của Trung Quốc hồi năm 2013 khi Bắc Kinh (thù hằn Philippines kiện ra tòa án quốc tế) nhỏ mọn vào giờ chót rút lại lời mời Tổng thống Benigno Aquino viếng thăm Trung Quốc mà không nói rõ lý do (Bắc Kinh không tiết lộ) dù trước đó vài tháng TQ đã ngỏ ý mời Philippines gửi một phái đoàn cấp cao như là “quốc gia danh dự” đến Trung Quốc tham dự hội chợ thương mại (Trung quốc - Asean) cuối tháng 8/2013 tại Nam Ninh (1). Cẩn tắc vô áy náy, lần này ngày 10/11 “cáo già” Ngoại giao TQ Vương Nghị phải thân hành đến Philippines “làm việc” trước như trinh sát dọn dẹp gai góc cho chóp bu Tập Cận Bình.
“Cáo già” Vương Nghị tại Philippines ngày 10/11 vừa qua. Ảnh: AP
Có lẽ cũng vì vậy mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose sau đó viện dẫn lời Vương Nghị nói rằng, chuyến đi Manila lần này của ông ta là để bảo đảm chuyến thăm của Chủ Tịch Tập sẽ diễn ra “suôn sẻ, an toàn và thành công”, Phát ngôn viên này nói sau khi Vương Nghị có cuộc họp với người đồng cấp ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại Manila.
Cũng trong chiều hướng “suôn sẻ, an toàn” cho sự có mặt của Tập Cận Bình “cáo già” ngoại giao Vương Nghị cũng đề nghị Philippines không nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần này tại Manila, Vương Nghị còn thêm rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa những tranh chấp kéo dài (biển Đông) ra diễn đàn quốc tế APEC nơi mà những đối thủ của Bắc Kinh như Washington và đồng minh có thể sử dụng để chỉ trích Bắc Kinh (CNN đưa tin ngày 10/11) .
Theo các nhà phân tích thời sự quốc tế, tránh đề cập vấn đề gai góc biển Đông sẽ giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tự tin trong vị thế “cường quốc” khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC, cũng có nghĩa không bị mất mặt trước những chỉ trích về việc Trung Quốc tự ý bồi đắp cải tạo xây dựng một loạt các đảo đá chìm nổi trên biển Đông gây ra căng thẳng mà vốn dĩ đã bị phản ứng dồn dập không ngừng từ các diễn đàn quốc gia khu vực và quốc tế gần đây.
Bắc Kinh tuồng như đã thực sự cảm thấy “ê ẩm mình mẩy” với cái lưỡi bò biển Đông khi khách quan chính họ nhận xét (dù không lộ ra) từ trước đến nay không có bất cứ quốc gia nào (kể cả các quốc gia đ/c CS anh em) đồng thuận rõ ràng với lập luận trong đòi hỏi cũng như việc làm phi lý của TQ trong vấn đề này mà cụ thể là qua hàng trăm cuộc họp, hội thảo, hội nghị chuyên đề trực tiếp hay gián tiếp, thường niên hay định kỳ, khu vực hay thế giới, không nhiều thì ít đều có những cảnh báo hoặc gay gắt chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề hành xử của Bắc Kinh trên biển Đông mà gần đây nhất tại ngay “sân nhà” Trung tâm Stanford ở Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 3.11, Khách mời, Đô đốc Harry Harris Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương (vuốt mặt mà không cần nể mũi) đốp chát thẳng thừng:
“Vùng biển và không phận quốc tế thuộc về tất cả mọi người và không phụ thuộc bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào, quân đội chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay tuần tra bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép mà Biển Đông không phải và sẽ không là một ngoại lệ” Ông Harris còn nhấn mạnh: “tuyên bố chủ quyền mơ hồ” của Trung Quốc, còn được gọi là “đường lưỡi bò” là một thách thức đối với sự tự do hàng không và hàng hải quốc tế.(AFP.)
Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) có 21 quốc gia thành viên với khoảng 2,5 tỷ dân; 19.000 tỷ usd GDP giao thương mỗi năm chiếm 47% tỷ trọng thương mại thế giới, trong đó có 2 nền kinh tế số 1 và 2, Mỹ và Trung Quốc (thành viên) thì TT/Obama và CT/Tập Cận Bình khó lòng mà vắng mặt, lần này tổ chức tại thủ đô Manila-Philippines một quốc gia “nhạy cảm” đối với Trung Quốc. Nơi mà ví như mọi nguyên thủ, quan khách tham dự hội nghị ngước mắt nhìn ra là thấy ngay Biển Đông với cái “lưỡi bò” Trung Quốc đang tung hoành dậy sóng.
Thêm nữa tòa Trọng tài thường trực quốc tế ngày 30/10 phán quyết rằng họ có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, tiếp đến là 6/11 tàu khu trục Mỹ USS Lassen và máy bay B52 Mỹ tiến vào biển Đông tuần tra, rồi ngày 12-11 Indonesia phản ứng tuyên bố rằng sẽ kiện Trung Quốc ra Tòa án Hình sự Quốc Tế (ICC) nếu Trung Quốc không trả lời thỏa đáng vấn đề tranh chấp vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna (nối liền biển Đông) của Indonesia.
Vì vậy không có gì là khó hiểu khi Bắc Kinh biết chắc mình sẽ thêm một lần nữa “cô độc” và “bầm dập” nếu biển Đông lại đưa ra “giải phẫu” trên cái bàn APEC năm nay nên nằng nặc phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa vấn đề này ra diễn đàn APEC mà “cáo già” ngoại giao TQ Vương Nghị đánh tiếng trước tại Manila ngày 10/11.
Cũng trong ngày này (10/11) tại Washington người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chắc chắn sẽ được đưa ra thảo luận bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra tại Philippines trong ba ngày từ 17 đến 19/11. Liên quan Hội nghị thượng đỉnh APEC, ngày 12/11, Nhà Trắng cho biết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là một chủ đề trọng tâm khi Tổng thống Barack Obama gặp các lãnh đạo châu Á. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ bà Susan Rice cụ thể rằng, các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ là chủ đề nổi bật trong chuyến thăm Philippines và Malaysia của Tổng thống Mỹ. (TTX-Việt Nam).
Nguyên tắc, nước chủ nhà (Philippines) có thể tùy nghi cân nhắc, uy tín cho mình, ưu tiên cho sự thành công của Hội Nghị nên đưa hoặc không vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, tuy nhiên bản chất của APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) là tổ chức quốc tế mà mục tiêu không chỉ tăng cường mối quan hệ về kinh tế không thôi còn bao gồm cả vấn đề chính trị, vì vậy bên lề APEC các hội nghị chuyên đề khác (Biển Đông chẳng hạn) cũng có thể diễn ra mà không tùy thuộc vào nước chủ nhà Philippines, đây lại chính là vấn đề quan ngại lớn trong đối ngoại của Bắc Kinh khi thành phần tham dự APEC là “thượng đỉnh” của các quốc gia sừng sỏ nhất.
Điểm lại mốc thời gian 10 năm trước khi nền kinh tế trên đỉnh cao có lúc tăng trưởng quốc gia (GNP) Trung Quốc chồm lên 2 con số với 4 ngàn tỷ usd dự trữ ngoại tệ (lớn nhất thế giới) và manh nha rượt đuổi soán ngôi nền kinh tế số 1 Hoa Kỳ, như lẽ đương nhiên, đồng bộ lớn mạnh với kinh tế là tham vọng, chiến lược quân sự chính trị.
Vị trí địa dư, ba hướng Tây, Nam, Bắc giáp Hoa Lục vốn dĩ chật chội, chỉ có hướng Đông bơi ra Thái Bình Dương là thênh thang, Trung Quốc không muốn quanh quẩn lội trong “ao nhà”, nhưng trước tiên phải làm chủ được 2 cửa biển hướng ra Thái Bình Dương là: biển Hoa Đông (Nhật Bản) và nhất là biển Đông (Việt Nam) . Với chiến thuật cả vú lấp miệng em của kẻ mạnh Bắc Kinh tùy tiện ngang nhiên dùng tàu chiến đặt từng “cục gạch” chủ quyền, (9 cục trên toàn biển Đông) và nhiều cục gạch khác trên các đảo chìm nổi bên trong, rồi dùng áp lực (kinh tế & quân sự) đơn phương tuyên bố khẳng định chủ quyền. Nhưng rồi vấp phải cái gậy “cảnh sát quốc tế” Mỹ ngáng chân và cái xương cá Philippines (kiện ra quốc tế) TQ rất bực tức nhưng cũng đủ tỉnh táo để hiểu đoàn tàu chiến của mình chưa thể sẵn sàng đương đầu với các cơn bão biển thịnh nộ từ các hạm đội hải quân Hoa Kỳ, một khi xảy ra đụng độ.
Lấp vào yếu điểm ấy: “5 năm trở lại đây, Bắc Kinh thay đổi chiến thuật, quay lại dùng một tiểu chiêu của Đại Hán ngày xưa là kế: Không đánh mà thắng (Bất chiến tự nhiên thành) do Quản Trọng thời Xuân thu Chiến quốc vạch ra nhưng biến thái theo kiểu tằm ăn dâu của Bắc Kinh ngày nay là chiến thuật “nhảy cóc” lấn chiếm từng đảo đá một bồi đắp thành các công trình pháo đài quân sự trên toàn vùng biển Đông để tương lai gần áp đảo thế lực quân sự lên toàn vùng, tự ấn định chủ quyền”.Theo Bắc Kinh đây là cách hạn chế khả năng đụng độ trực diện với Mỹ.
Tuy nhiên, khác với thời điểm 5 năm trước, hiện tại Bắc Kinh đang đối mặt với một nền kinh tế “bong bóng” sẽ vỡ tan vào bất cứ lúc nào với những đợt sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán Trung Quốc mùa hè vừa qua và trong ba ngày liên tiếp (11, 12 và 13/8) phá giá đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh đã làm chao đảo chấn động thị trường toàn cầu dấy lên lo sợ rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này đang yếu đi nhanh hơn so với ước tính cách đây vài tháng. Người ta buộc lòng phải hỏi: Tại sao một tỷ lệ tăng trưởng ngoạn mục do TQ tuyên bố (mà không một nước nào có được) lại có thể kéo theo sự tuột dốc của thị trường chứng khoán?. Số liệu thống kê tình hình hoạt động tại các nhà máy “con cưng” của Trung Quốc trong tháng 9/2015 cho thấy sức tiêu thụ trong và ngoài nước đều giảm mạnh bất chấp những nỗ lực kích cầu…
Điển hình là quả đấm thép số 1 - Đại công ty quốc doanh độc quyền sắt thép của Trung Quốc Sinosteel dù trước đó đã được Bắc Kinh đã bơm vào tới 2 tỷ USD để bù đắp lỗ lã như hiện nay đã không tìm đâu ra 315 triệu usd để trả số tiền lãi (chưa động tới vốn gốc) trong năm nay từ công khố phiếu bán ra bởi chính phủ?
Công nhân Trung Quốc bên “rừng” ống thép chưa biết sẽ xuất đi đâu.
Điều này cũng có nghĩa là thế giới không còn tin những con số của Bắc Kinh đưa ra nữa và hơn ai hết chóp bu Chủ Tịch Tập Cận Bình, người cầm trịch, giờ đây dù lạc quan đến mấy cũng đã thấy được đó là Trung Quốc chắc chắn sắp lâm vào khủng hoảng mà mức độ nghiêm trọng như thế nào thì một phần không nhỏ của nó sẽ tùy thuộc ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại mà cộng đồng thế giới đang ưu tiên thiên về khuynh hướng: “ổn định trật tự hòa bình thế giới” trong khi Bắc Kinh thì đang “cô độc” với những “cục gạch” chủ quyền trái với Luật biển (UNCLOS) gây căng thẳng thường xuyên trên biển Hoa Đông, nhất là biển Đông.
Nếu không muốn đứt giây thì đừng già néo - Nikkei Asia Review - cơ quan truyền thông lớn nhất Nhật bản ngày 12/11 bình luận: Bắc Kinh sẵn sàng “làm mềm lập trường” của Trung Quốc trong vấn đề Senkaku, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua chuyến công du Đông Nam Á vừa rồi dường như đã khởi động một chiến dịch hòa hoãn hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng đã trở nên căng thẳng sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ trong tháng 9 mà không đạt được kết quả nào, ngược lại vô hình trung gia tăng đối đầu với Tổng thống Barack Obama trong vấn đề bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đối đầu đến mức hai nước Mỹ -Trung không thể đưa ra một tuyên bố chung, việc Hoa Kỳ bắt đầu trực tiếp thách thức các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là một thực tế không thể tránh khỏi.
Dù rằng chóp bu họ Tập của Trung Quốc vẫn không từ bỏ thủ đoạn làm yếu đi sự đoàn kết trong khối Asean khi lợi dụng chính quyền quân sự Thái Lan hiện nay bị phương Tây chỉ trích mạnh mẽ sau khi đảo chính chiếm quyền tại Bangkok. Ngày 11/11/2015 Trung Quốc cho biết: Không quân Thái Lan và Trung Quốc sẽ có cuộc tập trận chung ngay trong tháng 11 này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, không quân hai nước tập trận chung. Thông báo được xem là một dấu hiệu mới cho thấy Trung Quốc muốn thay thế một khoảng trống ảnh hưởng phương Tây trong khối Asean để có thể làm lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông liên quan đến 4 quốc gia Asean Việt - Phi- Malaysia và Brunei.
Một thành viên lớn, thường trực trong HĐBA/LHQ mà phát biểu: “Biển Đông và các đảo, bãi đá trên đó vốn thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại” (Tập Cận Bình) Nhưng lắc đầu nguầy nguậy từ chối không dám ra tranh luận với một quốc gia nhỏ yếu Philippines kiện mình trước tòa trọng tài quốc tế thì chừng đó thôi (kết thân với CP/Quân Đội Thái Lan) quả là đạm bạc quá không đủ làm cho Bắc Kinh bớt cô đơn trên con đường thâu tóm biển Đông bằng thủ đoạn : “Bất chiến tự nhiên thành… cô độc” như hiện nay với thế giới.
16/11/2015