Khủng bố hàng loạt tại Pháp qua lời kể của người dân Paris - Dân Làm Báo

Khủng bố hàng loạt tại Pháp qua lời kể của người dân Paris

Hiện trường vụ khủng bố ở Paris vào chiều ngày thứ sáu 13 tháng 11 năm 2015. Photo: AFP


Mặc Lâm (RFA) - Vào lúc gần 10 giờ tối hôm qua, thứ Sáu 13 2015, một loạt vụ khủng bố bắn giết đã xảy ra tại thủ đô Paris của nước Pháp khiến nơi này được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp trong sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng thế giới.

Như có chiến tranh?

Từ Paris, thông tín viên Tường An của Đài ACTD cung cấp những thông tin chi tiết qua cuộc trao đổi cùng biên tập viên Mặc Lâm.

Tường An: Thưa anh Mặc Lâm và quý độc giả của đài Á Châu Tự Do, Hôm qua, thứ sáu ngày 13, khoảng gần 10 giờ tối Paris thì trên màn hình TV gần như tất cả các kênh đều chuyến sang một cảnh hỗn loạn ở Paris với thật nhiều lính, cảnh sát an ninh và còi hụ khắp nơi.

Tại sân vận động SDF đang diễn ra trận đấu giao hữu giữa Pháp và Đức với sự hiên diện của Tổng thống François Holland. Tổng thống François Holland đã bỏ về ngay lập tức và sau đó đã họp cùng với Thủ tướng Manuel Valls và bộ trưởng bộ quốc phòng Bernard Cazenueve và tuyên bố tình trạng khẩn trương khắp nước Pháp. Đây là lần thứ 3 Pháp áp dụng đạo luật này, lần thứ nhất năm 1955 lúc chiến tranh với Algérie, và lần thứ 2 năm 2005 về các cuộc bạo động ở ngoại ô Paris.Con số tối hôm qua lúc 11 giờ nói có 3 vụ khủng bố xảy ra gần như cùng 1 lúc ở Paris. Một trong những địa điểm đó là 1 nhà hàng nhỏ ở quận ở quận 10: Le Petit Cambodge, nhà hát Bataclan ở quận 11 và 1 tiệm cafe ở bên ngoài sân vận động Stade de France.

Hôm qua, các xe taxi đã chuyên chở miễn phí và 200 người lập tức đã tình nguyện hiến máu.

Mặc Lâm: Chị có thể cho biết hôm nay báo chí đã tổng kết được bao nhiêu vụ khủng bố ngày hôm qua?

Tường An: Cho tới sáng hôm nay, tin tức từ báo chí cho biết không phải là 3 vụ khủng bố như ngày hôm qua mà có cả thảy 6 địa điểm bị khủng bố, con số người chết đã lên đến 128 người, 250 người bị thương trong đó có 99 tình trạng nguy kịch. Ở tại nhà hát Bataclan hôm qua đang diễn ra một buổi hát nhạc rock nên có rất nhiều thanh niên, sinh viên trẻ đến xem. Nhà hát này có thể chứa được 1.500 khán giả. Được biết những tên khủng bố bắt những thanh niên trẻ này làm con tin, nhưng không cần đòi hỏi gì cả mà sau đó khoảng 4 giây là chúng bắn ngay. Sau đó chúng tự sát.

Mặc Lâm: Con số người chết ở Bataclan cho tới thời điểm này là bao nhiêu, thưa chị?

Tường An: Cho tới thời điểm này được biết có 82 người chết tại nhà hát Bataclan. Một sinh viên trẻ hẹn Mẹ uống cà phê bên ngoài Bataclan, hoặc vài người bạn hẹn gặp nhau ở gần đó cũng bị bắn chết.

Cảnh sát tại hiện trường vụ khủng bố ở Paris vào chiều ngày thứ sáu 13 tháng 11 năm 2015. Ảnh chụp rạng sáng ngày 14/11/2015. AFP PHOTO.

Mặc Lâm: Còn những chỗ khác thì sao ạ?

Tường An: Con số nắm được cho tới giờ phút này, ở một số đia điểm như:

Stade de France: 4 chết, 11 bị thương.
Đại lộ Bichat: 14 chết, 11 bị thương.
Avenue de la Rebuplique: 4 chết, 11 bị thương.
Charonne: 19 chết, 13 bị thương.
Beaumarchaise: 3 chết, 4 bị thương.

Đó là về phía nạn nhân, còn về phía quân khủng bố, tin chính xác lúc này cho biết là 8 khủng bố chết, trong đó 7 trường hợp là tự sát. 3 vụ tự sát ở gần Stade de France lúc đang có trận đá banh. Người ta tự hỏi nếu 3 tên này vào được bên trong sân vận động đang có trận đấu đang diễn ra thì con số tử vong sẽ ra sao? 4 trường hợp tự sát khác ở nhà hát Bataclan, 1 tên khủng bố bị cảnh sát bắn chết.

Mặc Lâm: Chị có nhận được tin tức nào về những tên khủng bố bị cảnh sát bắt sống hay có những nguồn tin nào liên quan đến sự trốn chạy của họ hay không?

Tường An: Cho tới giờ phút này không được tin là có bắt được khủng bố nào không, hình như là chúng đã tự sát hết.

Báo Parisien chạy tựa lớn: Lần này, là chiến tranh (Cette fois, c’est la guerre).

Paris trong tình trạng báo động khẩn, 7 trạm métro bị đóng, biên giới Pháp với Đức, Bỉ, Thuỵ Sĩ cũng được lệnh đóng. Tổ chức Daesch đã đứng ra nhận họ là thủ phạm các vụ khủng bố này.

Hiện giờ ở Galery La Fayette, một cửa hàng lớn, sang trọng ở Paris đang bị giải tỏa vì có 1 kiện hàng nghi ngờ, phi trường ở London cũng bị giải tỏa với lý do tương tự. Tổng thống Pháp tuyên bố Pháp sẽ có 3 ngày quốc tang.

Tình hình căng thẳng

Mặc Lâm: Chị có liên lạc được với người Việt nào sống gần khu vực bị khủng bố không?

Cảnh sát tại hiện trường vụ khủng bố ở Paris vào chiều ngày thứ sáu 13 tháng 11 năm 2015. 
Ảnh chụp sáng ngày 14/11/2015. AFP PHOTO.

Tường An: Ở quận 10 và quận 11 thì có khá nhiều người Việt ở chung quanh đó. Tuy nhiên cho tới giờ phút này, chúng tôi không nhận được tin tức gì cho biết là có nạn nhân người Việt trong các vụ khủng bố. Chúng tôi có trao đổi với cô Đặng Thanh Hương, một cư dân ở quận 11, nhà cô chỉ cách nhà hát Bataclan khoảng 3 phút đi bộ, cô Hương cho biết:

“Tôi có đi dạo ở gân Bastille và tòa soạn báo Charlie Hebdo và tôi thấy mọi người đi lại khá là căng thẳng, họ nhìn theo xe cảnh sát. Trên đường, xe cảnh sat và xe cứu thương chạy liên tục, cứ 1-2 phút lại có 2-3 xe chạy. Place De La Repuplique, và các của hàng ở chung quanh khu Bastille thì đóng cửa hết, mặc dù bình thường họ mở đến 12 giờ đêm, nhưng hôm qua lúc tôi đi ngang khoảng 11 giờ thì bỗng hạ rèm đóng cửa và cảnh sat đang bắt đầu chặn các đường hướng về Boulevard Voltaire. Giống như lúc xảy ra vụ khủng bố Charlie Hebdo, cũng khá là căng thẳng thì tôi không biết thực sự việc gì đang xảy ra, bên cạnh đó các vụ khủng bố này xảy ra ở nhiều nơi cùng một lúc ở quận 10 và 11… thật sự… cũng khá là căng thẳng!

Hiện nay nước Pháp đang trong tình trạng báo động khẩn cấp nên tôi cũng ở trong nhà không ra ngoài.

Theo tôi được biết thì quận 11, cuối đường Boulevard Voltaire đang bị chặn lại để đón những người bị thương, cấp cứu ở đó. Các tài điện ngầm chung quanh như tàu số 5, tàu số 11, số 9 đều bị đóng, không hoạt động.”

Mặc Lâm: Xin được trở lại với chị Tường An, hiện giờ Paris đã hơn 1 giờ trưa, chị có thể quan sát và thấy được những quang cảnh chung quanh nơi chị ở có trở lại bình thường hay chưa? Và có những gì đặc biệt hơn ngày thường?

Tường An: Tôi ở ngoại ô phía Bắc của Paris, tình hình ở đây khá là yên tĩnh. Tuy nhiên những người tôi gặp trên đường phố cũng như chung quanh nơi tôi ở thì tất cả đều bàn tán về vấn đề này. Và gần nơi tôi ở thì có một trung tâm thương mại. Hiện giờ thì trung tâm thương mại đó cũng đóng cửa mặc dù hôm nay là ngày thứ bảy, và cũng sắp tới Giáng sinh, bình thường thì người ta đi mua sắm rất đông, nhưng hôm nay thì trung tâm thương mại đó cũng bị đóng cửa.

Mặc Lâm: Cám ơn chị Tường An về những thông tin của Paris mà chị vừa cho biết.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo