May quá, Lê Văn Tám còn "sống"
Bút Che Kỳ Cục - Hồi miền Nam mới bị “phỏng” thì tui đang học nửa niên học lớp Đệ thất trường trung học La San Bá Ninh (Nha Trang). Con nít mà, sợ đến teo dế nên lửa chỉ cháy sem sém. Các trường học lúc đó cho học sinh nghỉ để dành làm chỗ tiếp nhận thác người chạy giặc từ miền Trung vào.
Sau khoảng hai tuần thị uy bắn hết du đãng này đến hốt “tàn dư chế độ cũ” gồm đủ mọi loại thành phần công – binh -cán – chính rồi xoay qua hốt giới tăng lữ. Các frères của dòng cũng bị hốt lên xe dodge chở đi đâu hổng biết nhưng chắc chắn là nơi đến của quý Ngài sẽ không có ánh sáng ấm áp vào mỗi sớm mai. Nhà dòng Chúa Cứu Thế bị trưng thu để “cải tạo” lại thành Nhà nghỉ Hải Yến (sau này sửa lại là khách sạn cho hợp với trào lưu “văn minh hoá” của miền Nam.
Tui chỉ nói sơ vậy thôi chớ chuyện chính là chuyện học hành dưới mái trường XHCN kià.
Trước khi bị “phỏng” thì các trường trung học nào dạy Anh ngữ rất thường dùng bộ English for today nhưng trường dòng La San thì chọn sách của soạn giả Việt Nam, GS Lê Bá Kông, đó là bộ Let’s learn English. Mà học bộ sách nào cũng mặc kệ. Mấy ổng ghét “tiếng đế quốc” Anh Pháp nên thay vào đó là tiếng Nga vĩ đại. Anh văn, Pháp văn trở thành bộ môn “nhiệm ý” nghiã là thích thì học, không thì bọn tui leo tường chạy ùm tắm biển cho hết giờ đó rồi quay về học tiếp môn khác mà không sợ bị la phạt bởi các thầy cô môn sinh ngữ Anh Pháp bị rẻ rúng như cá ươn chợ chiều. Còn môn Công dân giáo dục bị dẹp bỏ để thay vào là những tiết chính trị và có cả giờ sinh hoạt – kiểm điểm “phê và tự phê” cuối tuần. Mỗi lớp chia ra nhiều nhóm HS sống cùng phường với nhau. Rồi từng nhóm đó lại phân ra từng tổ nhỏ ít nhất là ba người để THEO DÕI NHAU. Trong hàng ngũ giáo viên cũng tổ chức như vậy. Riết rồi ai ai cũng nghi ngờ nhau, niềm tin giữa con người trở thành phù phiếm nhưng buộc phải biết để dành về một hướng : TUYỆT ĐỐI TIN ĐẢNG.
Trong mục đích là đào luyện cho mầm non miền Nam trở thành con người mới XHCN biết yêu “bác” và tính siêu việt của chế độ cho nên tụi tui phải học đến thuộc lòng những gương yêng hùng cách mạng đại loại như anh Bế Văn Bồng, anh Kim Đồng Nông Rau Dền, chị phụ nữ xếch xi mặc mỗi cái lai quần đi đánh giặc Nguyễn thị Út Tịt hoặc anh hùng barbecue Lê Văn Tám. Đại loại là vậy. Ngoài đời thực thì tranh đua nhau để có được những danh hiệu oách như “cháu ngoan bác Hồ” hoặc chí ít cũng phải là “dũng sĩ… giấy vụn” (để dành dịp khác kể). Đứa nào mà được vậy thì oách lắm, tự cảm thấy mình GẦN HƠN với các yêng hùng của đảng và rồi từ từ biến thành tay sai, công cụ bậc thấp, cho đảng lúc nào cũng chẳng hay. Lịch sử tụi tui học thời đó còn học các trận đánh “ta thắng, địch thua”, “ta anh hùng, giặc hèn nhát” v.v… Bị nhồi nhét mãi rồi cũng đến ngày chán ghét cái gọi là “sử” này.
Cái gọi là “sử” kiểu vẹm cũng rất ư tùy hứng. Đơn cử như năm 1979 răng cắn môi toé máu thì hai tiết lịch sử và chính trị này phải “update” để học các bài in ronéo từ Bộ GD chuyển xuống. Dịp này các vị tiền nhân như Hai Bà Trưng, Hưng Đạo Đại Vương, Lê Lợi, Quang Trung bỗng “sáng giá” và con nít tụi tui cũng bị lôi vào cơn lên đồng tập thể do đảng vẹm phát động. Lòng căm thù bọn bành trướng Bắc Kinh dâng cao cực độ đến nổi trong lớp tui có hai đứa bạn Hoa kiều cũng cảm thấy reng rét (!) tuy rằng tụi nó cũng “hăng say” tố bọn bành trướng Bắc Kinh không kém cạnh.
Năm 1981 tốt nghiệp trung học, không tranh nổi ĐH thì Ba đem tui gia nhập vào “hàng ngũ tiên phong – giai cấp công nhân” học nghề tiện – phay (tourneur – fraiseur). Thời điểm đó phe mình bị nướng bên Miên nhiều mà ở tuyến biên giới phiá Bắc chiến sự quá ác liệt. Mặc dù không tin tưởng đám con “Ngụy quân – Ngụy quyền” nhưng vì thiếu hụt quân số trầm trọng cộng với những tính toán nhờ tay bọn Miên cộng tiêu diệt mầm mống phản động này nên đảng vẹm lệnh Tổng động viên. Con cái những quân nhân VNCH đang “học tập cải tạo” ở chốn rừng thiêng nước độc thì càng tỏ ra hăng hái để “kiếm điểm” trong hy vọng biết đâu nhờ đó mà đảng vẹm bớt cho phụ huynh mình một phần thời gian tù đày. Tui đã được 18, đủ tuổi khám tuyển nghiã vụ nhưng vì nhà bị mất nguồn kinh tế, đói xanh cả mặt vàng cả mắt nên nhà nước chê tui ốm yếu cộng thêm cận thị mà tui thoát nạn đi “ngủ” bên Miên. Thằng em họ trúng tuyển sang đó ba năm mà trở về lành lặn không một vết sẹo cứ như chuyện cổ tích !
Năm tiếp sau đó (1982) tui được nhà máy đưa đi Tiệp Khắc lao động. Dĩ nhiên có piston trong vụ này mà tui sẽ kể vào một dịp khác.
19 tuổi ngơ ngác dưới vòm trời XHCN anh em Đông Âu, tui đã từng thầm ước mơ VN trở nên như họ là đủ rồi. Mẹ kiếp ! khi bập được ngôn ngữ để khứu với dân bản xứ thì hỡi ôi… mới biết được họ cũng đã từng có một quá khứ huy hoàng cũng như miền Nam mình đã từng có. Họ không chửi Nga Sô công khai nhưng ghét thì ra mặt.
Ở cùng ký túc xá có cả đoàn “thực tập sinh” (TTS) là những người từ miền Bắc đủ thành phần công an chuyển ngành, bộ đội phục viên và kể cả kỹ sư… thất nghiệp sang. Trong mấy chục người đoàn TTS này tui thân với ba ông anh cũng nhờ cái tài vặt vẽ vời và từng tứng tưng ca hát nhạc vàng hàng cuối tuần. Một ông KS công nghệ tên Phan Hà Bắc thuộc gia đình địa chủ trong quá khứ nên không thể là đảng viên (ĐV) được. Tay này mà có rượu vô thì chửi như Chí Phèo tuy nhiên rất hiền, không phá. Tui “chạm” được vào nỗi đau CCRĐ từ đó. Còn lại là hai anh đều tên Sơn. Sơn “Thọt” và Sơn “Ca”. Anh Trần (Anh?) Sơn từng là chính trị viên, đi xẻ Trường Sơn nửa chừng thì miểng bom cứa gân chân nên phục viên về lại Hà Nội. Anh Chế Viết Sơn từng là văn công, có giọng nam trung (baritone) tuyệt vời. Cả hai đều là đảng viên rất “lửa” ở vùng tui. Vậy mà khi gặp tui thì mấy ảnh “nguội” hẳn, mấy anh em thường luộc bao tử heo trộn hành tây và dấm để nhậu vodka cuối tuần. Ai cũng thích nhạc tiền chiến và đặc biệt anh Sơn “thọt” ngâm thơ Đinh Hùng bá chấy. Rượu vào, lời ra. Lời ở đây ngoài thi ca âm nhạc còn có cả chủ đề cấm kỵ thời ấy: chính trị. Nó bao gồm từ hậu trường các nhân vật cộm ở TW, ai thân Tàu, ai thân Nga, ai buôn súng (tàn ác), ai buôn người (bán ghế) và cả một quá khứ ghê rợn của CCRĐ, của vụ án văn chương báo chí Nhân Văn – Giai Phẩm cứ thế trải dài không có điểm dừng ! Thằng nhóc như tui chỉ biết nghe, nghe và nghe. Dĩ nhiên mấy ổng cũng có hỏi về cuộc sống ở miền Nam mà, tiếc quá, thời “Mỹ Nguỵ” ấy tui vẫn còn là con nít. Tui chỉ kể rành rọt những gì tui được hưởng từ gia đình, thấy gì ở xóm giềng quanh tui mà thôi.
Cặp mắt tui sáng ra là nhờ các anh ấy. Qua đó những anh hùng lấp lỗ châu mai, lấy thân chèn pháo, bó đuốc sống v.v… đều nhồng nhổng chuyện phịa trắng trợn. Duy chỉ có về ông Hồ là các anh ấy hầu như không dám đụng đến, chỉ qui một chút trách nhiệm “bác hơi lơ đễnh” trong vụ CCRĐ mà để Trường Chinh Đặng Sưng Khu qua mặt (!) Chú thích nhỏ: tên thật, người thật bởi vì tui đoan chắc rằng bây giờ các anh cũng đã lên hàng lão và thời nay mấy ảnh cũng hết còn sợ đảng CS như trước. Riêng anh KS Phan Hà Bắc thì tui mất hẳn liên lạc từ lúc anh vượt được sang Đức ngay sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Sau đó một năm (1990) tui cũng bùng được qua Pháp. Hy vọng nếu vô tình đọc được bài này xin các anh liên lạc với thằng em Tuấn Nha Trang đoàn CK 340, thành phố Martin.
Nói tràng giang rồi thì tui cũng phải quay lại vấn đề chính đó là vì sao sinh viên – học sinh (SV HS) hiện nay đều quay lưng với bộ môn này. Cho phép tui trả lời gián tiếp bằng một điển tích Tàu nghen. Thời Xuân Thu, Tễ tướng Thôi Trữ giết Tề Trang Công xong lệnh cho ông quan chép sử (tên gì quên rồi, xin ai đó hiệu đính dùm) phải viết rằng Vua Tề vì bệnh mà băng hà. Quan thái sử trả lời (đại khái là) lịch sử không thể bị bóp méo. Quan Thái sử cứ thế mà viết ngày đó, tháng đó, năm đó Tề Trang Công bị Thôi Trữ giết. Dĩ nhiên Thôi Trữ giận lắm, truyền chém đầu. Người em tiếp tục việc của ông anh chép sử cũng viết y chang “Ngày… tháng… năm… (đó) Thôi Trữ giết vua”. Đầu ông này cũng au revoir cổ. Ông em út cũng là quan Thái sử và vẫn cương trực giữ trọn sự thật. Ông nói với Thôi Trữ rằng : “Ông có thể chém hết đầu quan Thái sử nhưng không thể giết được sự thật!”. Thôi Trữ ngao ngán và tha cho tội chém. Đã vậy vẫn chưa xong đâu. Khi ông quan Thái sử “Út” trên đường về Sử quán thì gặp một ông quan chép sử khác xăm xăm đi tới mà ngạc nhiên hỏi “Ông đi đâu vậy ?”. Ông kia điềm nhiên trả lời “Ta nghĩ cả ngươi cũng bị chém như hai ông anh nên phải đến gặp Thôi Trữ để tiếp tục viết về việc hắn thích quân.”
Thế đó! Ngẫm thấy rằng người chép sử ngày xưa rất công mình, cương trực mà xem cái chết tựa lông hồng để giữ gìn sự thật. Còn bọn chép sử thời CS cho dù bên Tàu hay bên nước Nam ta đều rặt một phường “SỦA GIA” khem khép gặm xương mà tô son trét phấn lên bộ mặt bỉ ổi, tàn bạo của bọn vô thần CS. Tệ hơn, chúng còn rặn ra những hình tượng ảo ngỏ hầu dán râu, tậu chân cho giun hoá thành rồng. Ngày nay ai cũng biết Lê Văn Tám là cái thứ đất sét do Trần Huy Liệu nặn ra vậy mà đẩu đâu cũng tượng đài, công viên và thậm chí có cả biển đường mang tên “nhân vật kháng chiến” Lê Văn Tám. Tui đã từng đọc rằng trước khi chết thì “sủa gia” Trần Huy Liệu vì cắn rứt chút lương tâm còn sót lại mà có nhờ Phan Huy Lê “giải quyết hậu quả” dùm. Nhưng ông này có cược vàng ròng cũng không dám sửa “lịch sử của đảng”.
Phan Huy Lê là ai ? Theo tự điển mở Wikipedia thì ông này mang hàm giáo sư kiêm nhà giáo nhân dân kiêm Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam (cộng sản), là “một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam CS”. Thuộc dòng dõi Thượng thư Phan Huy Ích, nhà Bác học Phan Huy Chú và Thượng thư Phan Huy Vịnh. Thế nhưng không phải rồng nào cũng ấp trứng ra rồng cả. Phan Huy Lê dưới mắt tui cũng chỉ là loại “SỦA GIA” của cái gọi là nhà nước CH XHCN và đảng CS Vẹm mà thôi.
Nay đọc trên báo Tuổi Trẻ Online biết được Cuốc Hụi không cho phép bỏ môn lịch sử (http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151127/quoc-hoi-khong-cho-phep-bo-mon-lich-su/1010689.html) với số phiếu áp đảo (xin xem hình ở dưới) thì tui mân mê ria tự hỏi con số 6 (sáu) đại biểu (ĐB) không tán thành (giữ môn này) và 2 (hai) ĐB bỏ trắng trên tổng số 456 (bốn trăm năm mươi sáu) ĐB tham gia thì đó là NHỮNG THẰNG NÀO ? Là tay sai cho Tàu ? Hùa theo Phạm Vũ Luận ép dân mình học tiếng Hán để học sử Tàu?
Đành rằng (cái gọi là) lịch sử của VN hiện nay chủ yếu phục vụ cho bọn cộng phỉ nhưng cái cách công khai ủng hộ loại bỏ bộ môn này thì quả ư là trơ trẻn, không thể nào tha thứ được.
Cuối cùng thì tui cũng thở phào mừng cho “cây đuốc sống Lê Văn Tám” không phải bị đảng bóp mũi chết thật sự mà “NÓ” vẫn lập loè theo nhịp thở của đảng cộng phỉ trong cơn hấp hối.
Phải ráng nín nhịn để viết một lèo cho “hả giận” xong thì tui liền túm quần chạy vào “lăng bác”. Xó ri quý bà con.
Strasbourg, ngày 28/11/2015
Bút Che Kỳ Cục