Tăng trưởng kinh tế che đậy sự yếu kém của các công ty nội địa trong nền kinh tế tồn tại hai hiệu quả trái ngược của Việt Nam - Dân Làm Báo

Tăng trưởng kinh tế che đậy sự yếu kém của các công ty nội địa trong nền kinh tế tồn tại hai hiệu quả trái ngược của Việt Nam

Nguyễn Diệu Tú Uyên (Bloomberg), Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) lược dịch - Nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc nhanh nhất kể từ tám năm qua vào năm nay-2015, và các hãng do ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam và làm chủ chính là động lực của sự tăng tốc mãnh liệt này trong khi các công ty nội địa lỗ lã yếu kém tụt hậu quá xa đằng sau (mà hầu hết là các công ty quốc doanh vì kinh tế quốc doanh là chủ đạo theo định hướng XHCN hiện nay tại Việt Nam.) 

Các công ty do ngoại quốc đầu tư làm chủ đạt được 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tính trong năm nay, cao hơn 44% nếu so sánh năm năm về trước, khiến nổi ám ảnh càng lúc càng tăng lên là nền kinh tế Việt Nam sẽ bị sụp đổ dễ dàng nếu các công ty nước ngoài rút vốn đầu tư ra khỏi nước. Trong lúc tư bản ngoại quốc tạo được sự gia tăng tổng giá trị xuất khẩu lên đến 21 % trong quí III năm ngoái cho nền kinh tế Việt Nam thì các công ty quốc doanh lại bị sa sút đến 10%, theo thống kê của Hải Quan Cộng Sản Hà Nội loan báo.

Khoảng cách quá xa về thành quả xuất khẩu giữa các công ty tư bản ngoại quốc và các công ty quốc doanh trong nước tạo ra một nền kinh tế tồn tại hai mặt hiệu quả trái ngược nhau khiến Việt Nam dễ đi vào khủng hoảng nếu tư bản ngoại quốc rút vốn để đầu tư vào những quốc gia khác với giá nhân công rẻ hơn. Sự dị biệt này đã từng xảy ra ở các nước láng giềng của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa. Một yếu tố khác cũng cản trở các công ty quốc doanh là tiến trình cải cách ngân hàng nhằm hạn chế nợ xấu khiến các công ty quốc doanh thiếu vốn để gia tăng đầu tư khi cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nguyễn Trinh, một kinh tế gia làm việc cho hãng tài chánh tư vấn đầu tư Natixis SA có trụ sở tại Hồng Kông bày tỏ mối lo lắng của mình về kinh tế Việt Nam như sau: " Trì trệ của nền kinh tế quốc doanh là dấu hiệu khủng hoảng trong tương lai cho nền kinh tế Việt Nam, khi mà khả năng cạnh tranh của quốc gia nay chỉ còn giới hạn vỏn vẹn trong yếu tố chi phí nhân công và đất đai rẻ mà thôi. Phát triển bền lâu vì thế sẽ bị gãy đổ. Thịnh vượng trước mắt chỉ là giả tạo và nếu nhà nước không ra tay cải thiện hiệu quả nền kinh tế quốc doanh thì khi chi phí nhân công gia tăng, đầu tư ngoại quốc sẽ rời bỏ Việt Nam (thì nền kinh tế Việt Nam chỉ còn lại hệ thống kinh tế quốc doanh trì trệ mà thôi)".

 
Hai hiệu quả trái ngược nhau trong nền kinh tế Việt Nam:

Thủ tướng Cộng Sản Hà Nội Nguyễn Tấn Dũng vào tháng trước đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 lên ít nhất là 6,5 phần trăm so với mục tiêu thiết lập trong tháng 11 năm 2014 là 6,2 phần trăm. Dự báo như thế được coi là cao nhất kể từ năm 2007.

Computer (máy điện toán,) đồ điện tử, hàng hóa may mặc và giày dép là những sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Các công ty ngoại quốc tại Việt Nam, bao gồm cả Samsung, chiếm ưu thế tuyệt đối trong việc sản xuất các mặt hàng kể trên và chiếm 99% trong tổng số trị giá 34,3 tỷ Mỹ kim xuất khấu computer và các sản phẩm điện tử khác tính từ tháng Giêng đến tháng Chín năm nay. Các công ty ngoại quốc tại Việt Nam cũng sản xuất 67% hàng hóa may mặt, giày dép với tổng giá trị xuất khẩu lên đến 25,7 tỷ Mỹ kim cũng trong cùng giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng Chín năm nay.

Về phía các công ty quốc doanh tại Việt Nam thì có ưu thế ở xuất khẩu nông nghiệp và hải sản, tuy nhiên, các ngành xuất khẩu này đang bị sa sút lỗ lã do giá cả nhu yếu phẩm giảm mạnh trên thị trường thế giới. Theo thống kê của Bloomberg, chỉ số giá cả nhu yếu phẩm của 22 sản phẩm giảm thấp nhất vào tháng Tám năm nay nếu so sánh từ năm 1999 trở đi.

Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng chính phủ than thở trong lúc họp báo vào ngày 29 tháng Mười như sau: " Các công ty (quốc doanh) của Việt Nam gặp khó khăn lỗ lã trong xuất khẩu vì giá nguyên vật liệu, nông sản và hải sản giảm mạnh trên toàn cầu. Sự giảm giá này cũng khiến cạnh tranh thêm gay gắt trên thị trường thế giới làm các công ty quốc doanh của Việt Nam gặp thêm nhiều khó khăn trong xuất khẩu”

Các quốc gia như Trung Cộng và Mã Lai vốn phát triển cơ sở hạ tầng trước Việt Nam dễ dàng vượt qua khó khăn khủng hoảng.

Sandeep Mahajan, kinh tế trưởng của Ngân Hàng Thế Giới - World Bank, làm việc tại Việt Nam so sánh như sau: "Trung Cộng lúc đầu cũng dựa vào trợ giúp đầu tư vay vốn của ngoại quốc, và rồi, kể từ cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000, sức sản xuất nội địa của Trung Cộng vùng dậy rồi sau đó càng lúc càng trở nên quan trọng then chốt cho nền kinh tế quốc dân nói chung và cho xuất khẩu nói riêng."

Lợi thế TPP của Việt Nam:

Hiện giờ, Việt Nam được coi là có nước sẽ có nhiều quyền lợi nhất khi tham gia hiệp ước Trans-Pacific Partnership (TPP) vì hiệp ước này có thể thúc đẩy GDP của Việt nam tăng lên 11% hay 36 tỷ Mỹ kim và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng đến 28% trong mười năm tới. Theo dự đoán của World Bank, kinh tế Việt Nam sẽ được cho là tăng trưởng cao nhất trong khối ASEAN vào năm 2017.

Theo Fitch Ratings Ltd., một công ty phân tích kinh tế dữ liệu lừng danh dưới quyền cơ quan kiểm soát thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, United States Stock Exchange Commission ( US SEC), vào tuần qua đã từng xếp hạng Việt Nam vào môi trường kinh doanh Non-investment grade- BB, nghĩa là môi trường kinh doanh cần phải thực thi nhiều cải tổ và còn tồn đọng nhiều xáo trộn bất ổn, đã dự đoán triển vọng kinh tế trước mắt ngắn hạn của Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể nếu hiệp ước TPP được các nước thành viên phê chuẩn.

Andrew Fennel, phó giám đốc chi nhánh của Fitch tại Hồng Kông, phân tích về hiệp ước TPP đối với Việt Nam như sau: "Đây là một lợi thế rất cần cho nền kinh tế đang cần trợ giúp để phát triển như Việt Nam. Mô hình kinh tế thiên về xuất khẩu là mô hình kinh tế mà nhiều quốc gia đã và đang đeo đuổi thực thi. Nền sản suất của Việt Nam hiện nay còn yếu kém không có nghĩa là về lâu về dài, tình trạng này sẽ còn tồn tại. Việt Nam cần thời gian để cải tổ.”

Đầu tư của công ty Samsung:

Samsung Group là tập đoàn tư bản ngoại quốc có tổng giá trị đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, lên đến 14,2 tỷ Mỹ kim tính cho đến tháng Tám, theo loan báo của tạp chí Đầu Tư (của Cộng Sản Hà Nội.) Mười tám phần trăm tổng giá trị xuất khẩu năm 2014 là từ các sản phẩm của Samsung. 

Nguyễn Trinh phân tích như sau: "Tư bản ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam vì chi phí nhân công thấp. Khi nhiều công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam khiến nhu cầu nhân công tăng lên nên chi phí nhân công sẽ tăng. Khi chí phí cho nhân công tăng mà Việt Nam lại không có ưu thế nào khác trong cạnh tranh thì các xí nghiệp nước ngoài sẽ rời bỏ Việt Nam để đầu tư vào nơi nào có nhân công rẻ hơn."




Nguyễn Trọng Dân lược dịch


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo