Trần Quang Thành (Danlambao) - Hội nghị trung ương 13, khóa 11 Đảng CSVN sau hơn 8 ngày làm việc đã kết thúc hôm 21/12/2015. Tuy nhiên vấn đề nhân sự cấp cao đặc biệt về tứ trụ phải chờ đến kỳ họp 14 mới có thể có câu trả lời.
Mời các bạn nghe cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai do phóng viên Trần Quang Thành thực hiện:
Trần Quang Thành: Hội nghị trung ương 13 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đánh giá như thế nào về những kết quả hội nghị đã mang lại ạ?
Nguyễn Khắc Mai: Tôi theo dõi hội nghị 8, 9 ngày nay thấy đây là hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản chuẩn bị cho Đại hội XII.
Theo diễn văn khai mạc và bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ này nó tập trung tổng kết việc góp ý kiến của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, của các địa phương cho Báo cáo chính trị. Theo báo chí đưa tin người ta nói là nhiều ý kiến hay lắm, rất thiết thực, rất cụ thể. Đó là thứ nhất.
Thứ hai là tầm quan trọng của nó người ta chọn ra ban chấp hành trung ương mới để Đại hội XII giơ tay biểu quyết thông qua. Nó hợp thức hóa sự chuẩn bị của Ban chấp hành trung ương khóa XI.
Một vấn đề rất lớn là chuẩn bị nhân sự đặc biệt và theo báo chí và như Thông tấn xã Việt Nam đưa tin những trường hợp đặc biệt này là những trường hợp của người đứng tuổi nay có thể lựa chọn để đưa vào 4 chức danh then chốt dân gian gọi là “tứ trụ triều đình” tức là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Có 2 tiêu đề nhỏ Thông tấn xã Việt Nam đưa lên là “Phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực” và “Tích cực hội nhập quốc tế”.
Tôi bình luận như thế này:
Hội nghị 13 làm việc không hợp, bí mật với dân. Chỉ cho xã hội biết đầu đề họ làm gì thôi. Còn nội hàm thì không ai biết họ làm thế nào.
Ví dụ nói là rất nhiều ý kiến đã đóng góp cho đại hội. Các ý kiến ấy phân loại về sửa đổi đường lối có bao nhiêu ý kiến? Có bao nhiêu ý kiến sửa đổi đường lỗi theo kiểu A? Có bao nhiêu ý kiến sửa đổi đường lối theo kiểu B v.v...? Như vậy xã hội mới biết họ góp ý như thế nào một cách rõ ràng. Bây giờ ông chỉ nói tôi họp tôi bàn chuyện tổng kết góp ý kiến. Chẳng ai biết ý kiến đó là ý kiến gì.
Nhân sự sao cứ phải giữ bí mật? Chúng tôi chọn những ông này đây. Chúng tôi xin có trách nhiệm mấy trăm ông này. Đề nghị với toàn Đảng mấy trăm ông chúng tôi chọn đúng hay sai, hay hay dở thế nào góp ý kiến cho chúng tôi. Điều này cũng không dám nói.
Công việc làm bí mật với nhau. Công bố nội bộ của Ban chấp hành, của Bộ Chính trị, củ Ban Bí thư. Tính chất công việc của toàn đảng nó bị mờ nhạt. Nó trở thành hình thức.
Tôi theo dõi việc chọn lựa nhân sự của các đảng cầm quyền như ở Mỹ chẳng hạn. Với chức danh Tổng thống thì đảng Cộng hòa có đến ngót chục người ra tranh cử, đảng Dân chủ cũng được dăm bảy người ra tranh cử. Và họ ra tranh cử có bài bản, có tư duy chiến lược, có phương thức hành động, có chương trình hành hành động của mình ưu tiên cho cái gì, tập trung cho cái gì rất rõ ràng. Và đảng của họ chi tiền, họ phê bình, họ bài bác rồi họ chọn lấy người xứng đáng nhất cho họ. Và những người ấy cũng được xã hội giám sát, bình luận, phê phán, nhận xét. Chương trinh của họ được đưa ra người ta chê chỗ này, khen chỗ kia v.v... Rồi cuối cùng người ta chọn lựa.
Cách làm việc của Hội nghị Ban chấp hành trung ương 13 nó rất là cũ kỹ, cũ rích mà ông Hồ đã nói là hư hỏng và cũ kỹ. Thế mà vẫn dùng phương thức hư hỏng và cũ rich để làm việc thì tôi tin là hiệu quả nó không lớn, hiệu quả không tốt và không có đóng góp gì xứng đáng cho tiến trình mới của dân tộc.
TQT: Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Hội nghi TƯ 13 có đặt vấn đề chọn lựa nhân sự đặc biệt nhưng vẫn chưa đi đến chỗ nhất trí phải kéo sang hội nghị TƯ14. Tại sao lại như vậy?
NKM: Là vì đang có tranh chấp, tranh giành giữa 4 người ấy. Hoặc trong số 4 người ấy đang có sự tranh chấp và ý kiến khác nhau nó chưa ngã ngũ.
Hai là hồ sơ cũng chưa hoàn chỉnh. Người ta vẫn đưa hồ sơ về nhân thân, về công kích v.v... để góp phần vào tranh chấp vị thế nào. Đấy là cái lựa chọn.
Gọi là trường hợp đặc biệt, nghĩa là trường hợp cao tuổi. Những người gọi là ngoài tuổi, quá tuổi qui định. Nếu trường hợp đặc biệt chỉ là vấn đề những người cao tuổi thì tôi cho đấy là là vấn đề hạ sách. Thượng sách là ta lựa chọn 4 chức danh quan trọng của Đảng để trở thành 4 chức danh có ý nghĩa Nhà nước. 4 chức danh ấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội nếu làm đàng hoàng văn minh, khoa học phải có tranh cử. 4 ông ấy phải có chương trình hành động. Có đưa ra tư duy chiến lược của mình để đổi mới nhà nước, để đổi mới xã hội, để thoát Trung để có thể chơi được, quan hệ tử tế được có lợi cho dân tộc khi mình mở rộng các quan hệ quốc tế ở khu vực ASEAN, ở châu Á, và trên toàn cầu. Ông Chủ tịch Quốc hội phải nói rõ nếu tôi ở lại Quốc hội tôi phải sửa đổi để có một quốc hội chuyên nghiệp, chứ không phải là một thứ quốc hội nghiệp dư, họp hết ý kiến, thừa thời giờ thì về chơi bời thì không đúng. Tất cả các dự luật đều do bên hành pháp chuẩn bị. Không có anh nghị sĩ nào, chị nghị sĩ nào có thể cùng nhau tập họp một nhóm tạo ra một dự luật đưa ra Quốc hội tranh luận. Ông Thủ tướng cũng thế, phải làm rõ vấn đề nhân quyền, dân quyền; vấn đề nông dân, vấn đề công nhân hiện nay như thế nào? Tại sao sau mấy chục năm gọi là cách mạng, gọi là thắng lợi huy hoàng rực rỡ mà 2 giai cấp nông dân, công nhân có cái đời sống thê thảm như vậy. Lương công nhân bây giờ chỉ sống đủ 70% nhu cầu, còn 30% là phải đi kiếm thêm bên ngoài. Đấy là tôi nói lương cơ bản. Như thế là rất xấu hổ. Công chức thấp rất khốn khổ. Đây là nỗi nhục của chế độ so với nhân dân các nước ASEAN họ có đời sống của người dân thường cao hơn mình rất nhiều. Tôi thấy muốn chuẩn bị trường hợp hợp đặc biệt phải nghĩ như vậy và phải có 16 người tranh cử 4 chức danh này. Ít ra là như vậy. 16 người ấy lựa chọn trong Đảng. Tôi nói cứ học phương thức của Vua Hùng thứ VI đi khi có giặc xâm lăng ông cho người vác loa đi khắp thôn cùng, xóm vắng ‘Loa, loa, loa ai xứng đáng làm Tổng bí thư đổi mới được Đảng, đổi mới được đất nước, phục vụ nhân dân được đàng hoàng, thoát được lệ thuộc Trung Hoa xin ra ứng cử loa, loa,loa!”. Chủ tịch nước cũng thế, Thủ tướng cũng thế, Chủ tịch Quốc hội cũng thế. Tiền nhân mình đã có phương thức làm rất đẹp chọn ra được một con người bây giờ được tôn thờ như một vị thánh hiền của chúng ta - Đó là Thánh Gióng - Đấy là phương thức lựa chọn, tìm tòi ở trong dân, chứ không phải là tìm tòi ở trong triều đình. Hiện nay phương thức chúng ta đang làm là phương thức hủ lậu do Nga Xô, Trung Cộng nó bầy cho mấy chục năm nay, bây giờ vẫn giữ như thế. Trong khi cai gọi là văn minh, văn hóa tiên tiến của tiền nhân thì quên đi không biết làm. Đấy là tôi nói 4 trường hợp đặc biệt.
TQT: Đại hội nào cũng nói là phải chọn những người có đức, có tài; có phẩm chất đầy đủ; có năng lực đầy đủ. Đại hội nào cũng nói người được chọn là đúng qui trình chặt chẽ. Nhưng mà sau đại hội kết quả là những người làm việc đất nước ngày càng tụt hậu không tiến kịp cường quốc năm châu. Vậy qui trình thế nào là đúng, đạo đức; phẩm chất, năng lực thế nào là đủ thưa nhà nghiên cứu, Nguyễn Khắc Mai?
NKM: Tức là người ta nói được ngoại biên. Ví dụ như người có đức, có tài. nhưng thế nào là đức trong tình thế hiện nay. Thế nào là tài trong tình thế hiện nay phải làm cho rõ...
Người ta khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là nó vô vọng, nó không đúng. Thực tế, chứng minh là nó sai. Đường lối này nó đã kìm hãm dân tộc này ngày càng tụt hậu xa so với các nước xung quanh ta. Ai cũng thấy cái này. Vấn đề đức, tài để thoát khỏi tình trạng này là những gì? Nói đức, tài chung chung thì người ta chọn lựa sẽ tùy tiện. Ta cũng từng biết nỗi vất vả của dân tộc này đã phải chấp nhận những người đứng đầu rất hèn hạ; văn hóa rất thấp; nhân cách rất thấp. Đấy là sự lựa chọn đức và tài. Cho nên vấn đề đức và tài phải có nội hàm, phải có nội dung cụ thể từng thời kỳ. Và tôi nói nó phải thuận thiên thời, thuận địa lợi, thuận nhân hòa. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa của hôm nay. Của tiến trình văn minh nhân loại hiện nay. Của sự dân chủ phổ biến. Của sự tôn trọng nhân quyền. Của sự phát triển văn hóa. Của vấn đề tự lực, tự cường của mỗi dân tộc trong từng khu vực. Điều kiện xã hội hôm nay nó cho phép các dân tộc nhỏ nhờ được thừa hưởng sự phát triển văn minh mới của nhân loại trong thế kỷ tin học phát triển, cải thiện số phận của mình hết sức dễ dàng. Tài và đức nó phải như vậy. Thế còn cứ khư khư giữ tiến lên chủ nghĩa xã hội ; định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng mà ăn tàn, đái nát, bóc lột tận cùng thiên nhiên, bóc lột tận cùng lao động xã hội. Thế thì hay ho gì mà kiên trì cái tư duy chiến lược ấy.? Vấn đề đạo đức phải như vậy. Không có cái đạo đức chung chung; không có cái tài năng chung chung. Tài năng bây giờ là làm sao anh thoát dược cái ách lệ thuộc Trung Hoa hiện nay. Thoát được cái thế nó kìm hãm mình bằng cách nó chẹn họng mình ở ngoài Biển Đông. Cứ ú ớ như lâu này thì Biển Đông coi như âm thầm cho bọn Trung Quốc nó hành động, nó khống chế thì tài năng cái nỗi gì, đạo đức cái nỗi gì, lòng yêu nước cái quái gì?
Người ta thông tin hội nghị này là tổng kết sự góp ý kiến của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, của các địa phương. Nhưng mà không ai biết bao nhiêu ý kiến về sửa đổi đường lối và sửa đổi theo đường lối nào? Bao nhiêu ý kiến sửa về đường lối chiến lược hiện nay, về tiến độ kinh tế v.v... Phải nói cho rõ như là thông tin hàng triệu người đóng góp ý kiến. Thế nhưng mà là những ý kiến loại nào phải nói cho rõ.
Tôi nghĩ cách làm của hội nghị trung ương nó vẫn cũ. Tôi vẫn cho là cũ rích, rất rích.
Thông tấn xã Việt Nam có đưa là sẽ hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực... Nhưng muốn kiểm soát quyền lực phải đặt nó trong một cái nền dân chủ phát triển trong Đảng. Đảng phải tôn trọng những ý kiến khác nhau của các đảng viên thường và trong họ có những người có trí tuệ, có cống hiến, có vào sinh ra tử, có đạo đức. Có lắng nghe, tôn trọng những ý kiến ấy và biến nó thành phương thức có nhiều khuynh hướng, có nhiều tư duy, có sự đa dạng các suy nghĩ tư tưởng để mà hành động. Có tôn trọng những cái ấy thì kiểm soát quyền lực trong Đảng mới tốt. Như hiện nay Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương khóa cũ lại chuẩn bị một danh sách cho Đại hội XII. Đại hội chỉ là hình thức giơ tay biểu quyết thông qua cho nó có hình thức. Cái sự chuẩn bị nhân sự như vậy của Ban chấp hành trung ương làm sao mà kiểm soát được quyền lực.
Kiểm soát quyền lực về nhà nước thì tư duy về tam quyền phân lập phải rõ ràng, rành mạch. Khái niệm ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra là sự phân công giữa 3 cơ quan quyền lực thì là vô nghĩa. Một đằng là triết lý phân quyền, phân lập chia quyền. Một đằng đưa ra đánh tráo khái niệm là phân công. Tất nhiên bộ máy quốc hội nó phải làm việc khác với tòa án. Nó phải khác với hành pháp. Nó không phải là đi thu thuế, đi đo đất, đi làm hải quan. Sự phân công ấy là dĩ nhiên. Tưởng là sự phân công ấy là hay ho lắm nhưng thực chất là sự đánh tráo khái niệm để xóa mờ cái cơ chế hợp lý mà nhân loại đã phát hiện là tam quyền phân lập thế thì mới kiểm soát được quyền lực. Và như vậy là anh nói nhằng nói cuội để tự anh tiếp tục kiểm soát quyền lực và tự anh nắm lấy quyền lực.
Tổng bí thư Đảng có được sự giám sát của toàn Đảng không? Không... Thế thì làm sao kiểm soát được quyền lực. Bộ Chính trị có được đặt ra trong sự giám sát của toàn Đảng không? Không. Tôi nhớ lại ông Ăng-ghen đã từng cay đắng nói phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị cớ sao các đảng viên thường hay coi việc đám quan chức của mình là đầy tớ để bảo ban, phê bình thì điều tế nhị quay ra coi họ là một đám quan liêu không bao giò mắc sai lầm. Phương thức xây dung ban lãnh đạo của các đảng cộng sản từ Nga Xô, đến Trung Cộng, đến Việt Nam, đến Cuba, đến Triều Tiên v.v... đều theo một cái kiều hình thành một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm. Anh cứ tưởng tượng đi trong cái đám lãnh đạo ấy có anh nào tự nhận mình mắc sai lầm không? Không thấy có anh nào cả... Nhưng mà họ có sai lầm. Luôn luôn có những kết luận sai lầm và họ đã đẩy nhân loại vào những thảm họa và châu Âu đã kết luận đó là tội ác phản nhân loại. của hệ thống này. Đấy là những vấn đề đã đặt ra từ cuối thế kỷ thứ XIX khi Mác và Ang-ghen đưa vào hoạt động của Đệ nhị quốc tế, của các đảng cộng sản. Trong nhiều năm nay không ai làm được việc này cho nó tử tế, cho nó đến nơi đến chốn, có bài bản. Có 2 tiêu chí khoa học và đạo đức đều vi phạm thì làm sao kiểm soát được quyền lực trong tình hình vô đạo đức, vô văn hóa.
Ý kiến của tôi đề xuất là phải “Loa, loa, loa thưa toàn Đảng, thưa đồng bào ai có tài, ai có đức, có thể thoát Trung, có thể đổi mới, có thể xây dựng nhà nước văn minh tiến bộ xin ra ứng cử!”
TQT: Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai.
danlambaovn.blogspot.com