Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Có lẽ ai cũng biết câu nói của dân gian “Gậy ông đập lưng ông” là kẻ dùng mưu mô, sức mạnh của mình để hại người khác, nhưng hậu quả lại hại chính mình. Nghiền ngẫm xem kẻ/nhà cầm quyền nào đã/đang gặp phải trường hợp gậy ông đập lưng ông?! Đấy là hai nước Cộng sản: Bắc Hàn và Trung cộng.
I- Nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Hàn:
Hiện nay, lãnh đạo các chức vụ tối cao của Bắc Triều Tiên (Bắc Hàn) kể từ ngày 11-4-2012: Bí thư thứ nhất Đảng Lao động, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Bắc Hàn, Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng Bắc Triều Tiên là Kim Jong-un, người Việt gọi là Kim Chính Ân, sinh ngày 8-1-1983 (33 tuổi).
Kim Jong-un là loại “Ngựa non háu đá” đã từng xử tử ông Jang Song Thaek vào tháng 12 năm 2013 là nhân vật số hai của Bắc Hàn, là chú dượng của Kim Jong-un, đã gây cho giới truyền thông xôn xao một thời.
Bắc Hàn đã thực hiện được ba vụ thử hạt nhân: Vào năm 2006, 2009 được chế tạo bằng plutonium và quả thứ ba vào năm 2013 có thể bằng uranium?! Đến ngày 06-01-2016, Bắc Hàn lại loan báo vụ thử hạt nhân lần thứ tư là quả bom khinh khí đầu tiên. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA: “Vụ thử nghiệm mà Bắc Triều Tiên nói là vụ thử nghiệm bom hydro đầu tiên của họ đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và có phần chắc sẽ dẫn những biện pháp chế tài gắt gao hơn... các nhà phân tích cho rằng diễn tiến này nêu bật tình trạng khốn đốn của ông Kim Jong Un, lãnh tụ đời thứ ba của Bắc Triều Tiên (1)”.
Dù rằng các chuyên gia về nguyên tử nghi ngờ vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên có đúng bom nhiệt hạch hay không, vụ thử nghiệm này xác định rõ ràng Bắc Hàn đang gia tăng sức mạnh vũ khí hạt nhân là một thách thức nghiêm trọng đến an ninh và hòa bình thế giới.
Sau vụ Bắc Hàn phóng hỏa tiễn sáng ngày 7-2-2016, Washington và Seoul đã thông báo kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD: Terminal High Altitude Area Defense) trên bán đảo Nam Hàn. Hệ thống phòng thủ THAAD thế nào? Đó là hệ thống hỏa tiễn đạn đạo của quân đội Hoa Kỳ được chế tạo để tiêu hủy các hỏa tiễn tầm ngắn, tầm trung và liên lục địa của đối phương. THAAD có khả năng trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM); trong đó AN/TPY-2 là một radar mạng, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000 km. Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu. Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn (2).
Hệ thống phòng thủ THAAD chẳng những sẵn sàng đánh trả mạnh mẽ khi Bắc Hàn gây chiến mà còn gây cho Trung cộng lo ngại, ngoại trưởng Vương Nghị đã lo sợ: "Người thường cũng thấy là triển khai THAAD không chỉ nhằm bảo vệ Nam Hàn mà còn có mục đích khác, thậm chí là khả năng nhắm vào Trung Quốc".
II- Nhà cầm quyền Cộng sản Trung cộng:
Tập Cận Bình (Xí Jìnpíng) sinh ngày 1-6-1953 (63 tuổi) là người đứng đầu nhà nước Trung cộng kể từ ngày 15-11-2012, đang giữ các chức vụ tối cao: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung cộng, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung cộng.
Tập Cận Bình đã có máu xâm lược từ tổ tiên của mình, như Đường Thái Tông (599-649) đã từng tuyên bố: “Ta đã chinh phục được hơn 200 vương quốc, dẹp yên bốn bề, bọn Di Man ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục (theo Đường thư)”.
Vào ngày 25-9-2015, chính Tập Cận Bình đã khẳng định tại Washington: “Những hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang triển khai ở Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) không nhằm vào hay làm ảnh hưởng bất kỳ quốc gia nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi hoạt động quân sự hóa ở Nam Sa”, nhưng ngày nay lại đem hỏa tiễn, radar vào Hoàng Sa, đúng là Cộng sản hay lật lọng đúng như cựu tổng thống Thiệu đã nói: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.
Theo RFI đưa tin: “Trên ảnh vệ tinh dân sự mà hãng ImageSat International chụp được hôm 14/02 (2016), người ta thấy hai khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa phòng không, cùng một hệ thống radar được đặt trên một bãi biển trên đảo Phú Lâm. Theo Fox News, giàn tên lửa này mới được triển khai trên đảo, vì ảnh vệ tinh chụp trước đó vào ngày 03/02 không thấy có hệ thống phòng không này. Một quan chức Hoa Kỳ đã xác nhận tính chính xác của các bức ảnh vệ tinh. Theo quan chức này, ảnh chụp được cho thấy là tên lửa được triển khai thuộc loại Hồng Kỳ HQ-9, một hệ thống phòng không gần giống với tên lửa S-300 của Nga (3)”.
Tên lửa HQ-9 có trọng lượng 1.300 kg, dài 6.8 m, trọng lượng đầu đạn 180 kg, tầm tác chiến thấp nhất là 6 km và xa nhất 200 km, do đó tên lửa HQ-9 sẽ trở thành hiểm họa cả máy bay dân sự cũng như quân sự khi bay ngang qua quần đảo Hoàng Sa.
Tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung cộng đã chế tạo theo tên lửa S-300 của Nga, HQ-9 có khả năng kiềm chế một khu vực không gian, có thể đưa đến hình thành một vùng cấm bay tại biền Đông, nhưng Hoa Kỳ đã có tiêm kích F-22 Raptor, loại máy bay tàng hình tối tân sẽ tiêu diệt nhanh chóng tên lửa HQ-9 của Trung cộng, vì sao?. Vì F-22 có thể xác định vị trí chính xác của các hệ thống phòng không di động như HQ-9 và tấn công vào HQ-9 từ khoảng cách an toàn, do sự kết hợp của tàng hình và siêu thanh; F-22 có thể tiến đến gần vị trí tên lửa đất đối không HQ-9 để ném bom trước khi radar đối phương phát hiện.
Cũng theo RFI đưa tin: Ảnh vệ tinh mới nhất vừa được công bố hôm qua (ngày 22-02-2016) cho thấy Bắc Kinh đang lắp đặt các hệ thống radar trên một số đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp tại khu vực quần đảo Hoàng/Trường Sa. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế CSIS ở Washington, hành động này của Trung cộng có nguy cơ tăng cường quyền khống chế ở Biển Đông. Theo Trung Tâm CSIS: “Việc bố trí một đài radar tần số cao trên Đá Châu Viên sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc giám sát lưu thông trên không và trên biển, đi qua eo biển Malacca ở phía bắc cũng như nhiều tuyến lưu thông chiến lược quan trọng khác (4)”.
Ngoài ra, theo Fox News, tình báo Hoa Kỳ đã phát hiện máy bay chiến đấu J-11 và J-7 của Trung cộng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung cộng đã xâm chiếm của Việt Nam vào năm 1974. Máy bay Trung cộng đến quần đảo Hoàng Sa nhằm vào thời gian Ngoại trưởng Trung cộng là Vương Nghị có cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry ở Washington vào thứ Ba, ngày 23-2-2016.
Nhìn chung, nếu Tập Cân Bình đưa lực lượng quân sự ra Biền Đông để diễu võ dương oai với mục đích khiến cho nhân dân ông chú ý vùng biển đảo này mà quên những bất ổn trầm trọng trong nước, đấy là: Người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương đã/đang quật khởi, người Tây Tạng đấu tranh âm thầm nhưng liên tục, đến nay đã có trên trăm sư sãi và dân lành tự thiêu phản đối sự cai trị hà khắc của quân Tàu?! Tín đồ Pháp Luân Công, các nhà đấu tranh dân chủ nước này luôn bất khuất chống lại chính quyền độc tài Trung cộng không ngưng nghỉ.
Ngoài ra, trước khi Hồng Kông được Anh quốc giao lại cho Trung cộng vào năm 1997 theo mô hình “Một quốc gia hai chế độ” nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cam kết và ký kết quyền tự trị và tự do chính trị tại Hồng Kông, nhưng không tôn trọng điều đã cam kết gây nên tình trạng chống đối ở đấy liên tục. Trầm trọng hơn, đồng nhân dân tệ đã trượt giá vào đầu năm nay (2016), làm chao đảo thị trường tài chánh toàn thế giới, có thể lây lan phá giá đồng tiền của các nước trên thế giới, làm các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại?!
Nếu Trung cộng vẫn ngoan cố tiếp tục bành trướng “Đường lưỡi bò” xây dựng các công trình quân sự bất hợp pháp ở Biển Đông, thì “Cái thòng lọng” mà Hoa Kỳ đã/đang triển khai chính là hệ thống phòng thủ (lá chắn) tên lửa và mạng lưới radar cực kỳ lợi hại tại Nam Hàn, Nhật Bản... sẽ giám sát ngăn chận chính xác bất kỳ một quả tên lửa đạn đạo nào được khai hỏa từ Trung cộng nhắm ra hướng Thái Bình Dương.
Rõ ràng, Hoa Kỳ đặt Hệ thống phòng thủ THAAD để đánh trả Bắc Hàn khi khởi chiến, vẫn không ngoại trừ khả năng kiềm chế Trung cộng đang hung hăng.
Ngoài ra, các nước Đồng minh đã dùng “Gậy ông đập lưng ông” theo chiến sách “Liên Hoành” và “Hợp tung” vào thời Chiến Quốc của nước Tàu, lúc đấy có 7 nước gọi là thất hùng: Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy và Tần. Vậy Liên hoành và Hợp tung là gì?.
- Liên hoành: Hoành có nghĩa là ngang, từ đông sang tây, nước Tần ở phía tây, muốn 6 nước còn lại ở phía đông hợp nhất với Tần; đấy là thuật “Liên hoành” của Trương Nghi.
- Hợp tung: Tung có nghĩa là lên xuống, bắc nam, 6 nước trên từ nam lên bắc, kết liên với nhau để chống lại nhà Tần, đấy là thuật “Hợp tung” của Tô Tần.
Chiến sách này, ngày nay các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Australia... trở thành một tổ chức quân sự rất mạnh đã/đang cầm sợi dây thòng lọng để sẵn sàng siết cổ Trung cộng nếu ngoan cố.
Nhà cầm quyền Trung cộng đã như “Kẻ cắp gặp bà già”, càng hung hăng càng bị tan tác mà thôi?!
Ngày 27-2-2016
_______________________________________
Các Websites đã tham khảo:
radar của trung quốc tại đảo hoàng sa