Như một lời tự sự của mùa xuân - Dân Làm Báo

Như một lời tự sự của mùa xuân

Đỗ Trường (Danlambao) - Có một bài thơ không hẳn viết về mùa xuân, nhưng có một điều lạ, nó lại ám ảnh lòng người suốt gần bốn mươi năm qua, cứ mỗi độ xuân về. Cho đến nay, tôi cũng không thể nhớ cái tựa bài thơ, và đã đọc nó ở thư viện Đại học Đà Lạt, hay Đại học Tây Nguyên? Ấy vậy, tôi nhớ gần như hoàn toàn chính xác cả bài, dù chỉ đọc một, hai lần. Một điều chắc chắn, tác giả là người sống ở miền Nam, và nếu ngoài Bắc, thì bài thơ phải được ra đời trước năm 1954. Bởi, ngoài hồn vía, tôi còn thấy bài thơ (có hai đoạn) chép tay, kẹp trong một cuốn sách, khi bới tìm đọc đống sách xuất bản thời Việt Nam Cộng Hòa còn xót lại. Kể từ ngày biết sử dụng máy vi tính, tôi đã bỏ khá nhiều công truy tìm tác giả, nguồn gốc bài thơ, nhưng đều vô vọng.

Lời thơ dung dị, như kể về mối tình tan vỡ và tuyệt vọng, nếu ta chỉ thoáng đọc qua. Nhưng hãy đọc lại một lần nữa thôi, sự diễn biến tâm lý của con người, tình yêu ấy nằm gọn trong cái qui luật tuần hoàn của tự nhiên được bật ra. Và từ đó, mùa xuân, tuổi trẻ tình yêu lại bắt đầu một vòng hành trình với cái kết buồn thăm thẳm:

"Dạo mười sáu chỉ mê màu đỏ
Mười tám buồn thích màu tím tương tư
Và hai mươi cho đến mãi bây giờ
Yêu duy nhất một màu đen đôn hậu
Ta yêu nhau mùa xuân,
Giận hờn nhau mùa hạ
Ly biệt nhau mùa thu
Trời tỏa xuống sương mù
Anh không là chinh phụ
Em không là cô phụ
Mang mối sầu thiên thu"

Có những lúc, ta như kẻ vô thần, chẳng hề tin vào tướng số. Nhưng những gì đến và đã đi qua, nó như nhát dao chém vào số phận của cuộc đời, làm cho ta giật mình thức tỉnh.

Cha tôi mất vào một sáng mùa xuân, khi tôi còn rất nhỏ. Kể từ đó, mùa xuân với tôi chỉ còn một nửa. Thiếu cha, tôi ngơ ngác bước vào đời với quá nhiều vấp ngã. Rồi một ngày đầu xuân, tôi lại mồ côi mẹ. Vậy là mùa xuân đã đi hết trong tôi, dù ngoài kia hoa vẫn nở và pháo đã nổ. Để rồi ba mươi năm trở về khắc đậm thêm nỗi buồn và những đơn côi: Bơ vơ đến cả khi về lúc đi.

Và với tôi, có lẽ mùa xuân là thời khắc ra đi và cũng là điểm dừng, kết thúc.

Khi tôi rời xa, Hà Nội đang lập xuân. Rồi số phận như chiếc đèn cù vòng quanh. Có những lúc đã đạp ra khỏi cái vòng định vị ấy, để ngày đầu xuân, một lần nữa tôi lại phải bỏ thành phố leipzig, ra đi từ phi trường Tegel Berlin: Và tuyết rơi, mưa lại đổ, biết em nhìn mà anh không dám ngoái lại. Chúng ta phải chia tay nhau. Máy bay đã cất cánh. Bầu trời trong và xanh hơn. Trong cái bồng bềnh ấy, hình như anh đang lạc vào trong mắt em. Chợt trong anh bật lên một câu thơ: Ôi! mắt của em là cả bầu trời xanh của vũ trụ /Anh cứ đi tìm mãi/ Dù có hết đời anh/ Không bao giờ hết được/ Những gì trong mắt em... Đã bao lần như vậy, anh nguyện làm người địa chất, đi vào mắt em tìm bao điều chưa nói. Nhưng dường như, nó cứ sâu thẳm mãi không thôi. Giờ chia ly, để lại trong lòng anh thật đắng cay và trống vắng. Với em, những áng mây kia, không thể che hết những gì mà chúng ta đã đi qua: Để chiều nay em mải nhìn mãi lối đường xưa:

Ngày anh đi, trời mưa phùn và bão tuyết
Bên cửa sổ , em ngơ ngẩn đứng nhìn theo
Biết em nhìn, mà anh không ngoái lại
Sợ mình, không can đảm bước ra đi
Chiếc chăn đơn, chúng mình thường đắp
Anh để lại hơi ấm ở bên em
Sưởi cho em, những đêm dài giá lạnh
Như những ngày còn sống ở bên nhau
Khi vắng anh, ai là người nhóm lửa
Phụ cho em những bữa cơm chiều?
Khi vắng anh, ai là người đứng đợi
Đưa em về sau những buổi tan ca?
Còn đâu nữa, những giờ nghỉ giữa ca
Anh hớt hải chạy xuống tìm em trong chốc lát
Để nhìn nhau, nói những chuyện vu vơ
Thế là đủ, anh lại về phân xưởng.
Bữa cơm trưa nay, ai là người đến trước
Giữ cho em chiếc ghế cuối cùng?
Căng tin hôm nay như rộng thêm ra mãi
Chiếc ghế còn nhưng chẳng thấy anh đâu.
Đường Leipzig không còn anh nữa
Để cùng em vào những quán ăn xưa.
Ngày cuối tuần, ai đưa em vào rạp hát?
Để chiều nay em mải nhìn mãi lối đường xưa…

(Lối Đường Xưa- Đỗ Trường-1989)

Tôi không phải là thi sĩ, nên không biết làm thơ, nhưng đôi khi có một chút lay động, văn xuôi dường như khó chuyển tải, buộc phải ủ nó vào những câu gọi là thơ vậy. Vâng! Có lẽ, tình yêu và mùa xuân là hai thứ dễ làm cho lòng người xao động. Và ba mươi năm làm thân đất khách, cũng là ngần ấy mùa xuân, nỗi nhớ với những cái tết xa vời vợi hồn quê: 

“Xuân đã về, sao lòng anh hờ hững
Xuân quê người, tuyết trắng xoá ngoài hiên
Bánh chưng, pháo tết, mai, đào đủ
Lòng người choáng váng tựa men say.
Anh tìm xuân từ góc của tâm hồn…
Mơ xuân về mẹ mua tà áo mới
Đêm giao thừa, cha tặng bánh cóc con
Anh muốn tìm mảnh áo xưa còn vàng màu thuốc pháo
Kỷ niệm một thời ném pháo mừng xuân…
Chợ ngày xuân, anh cùng em đi sắm lễ
Ánh xuân hồng làm đỏ má em yêu...
Rồi anh mất một thời anh đã có
Để xuân hồng một bóng lẻ loi
Anh muốn lật những trang nhật ký
Giọt mưa buồn vẫn còn đọng y nguyên.
Anh muốn níu cả những gì còn lại
Để lòng anh đỡ trống trải, chênh vênh
Anh muốn xuân vào hồn anh như thuở ấy
Nhưng bóng xuân dần xa mãi hồn anh.

(Đỗ Trường)

Cái vòng tròn nghiệt ngã, đắng cay ấy, làm cho lòng người muốn nguội lạnh giữa trời đông. Và mùa xuân hay em cũng chỉ là những tiếng kêu tuyệt vọng trong anh. Phải chăng đó là sự kết thúc của cái qui luật vòng tròn, được bắt đầu từ mùa xuân:

"Xuân ơi! Xin em hãy đừng đến
Hãy cứ để lòng anh lạnh giá với mùa đông
Anh rất sợ xuân đến rồi tàn đi rất vội
Như người đến rồi, lại lặng lẽ ra đi…
Hãy cứ để mùa đông thành vĩnh cửu
Cây thông buồn trơ trọi giữa đồi hoang.
Đừng thức tỉnh những chồi non, chim hót.
Và xin người đừng nói những lời yêu
Vì tình ta đã chết tự bao giờ.."
(Nói Với Xuân- Đỗ Trường)

Leipzig 8-2- 2016- (Tối 1 tết Bính Thân)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo