Ls Võ An Đôn - Theo qui định của pháp luật thì công dân từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng thực tế bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là trò diễn kịch của giới cầm quyền, người dân khó mà lọt vào sân chơi độc quyền này.
Tôi là người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đầu tiên ở tỉnh Phú Yên. Năm 2011, tôi nộp đơn xin tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, sau khi tôi nộp đơn tự ứng cử được 10 ngày, thì có thầy giáo Đào Tấn Phần, giáo viên dạy sử, Trường cấp ba Trần Quốc Tuấn cũng nộp đơn tự ứng cử cùng tôi.
Theo qui định thì người muốn ứng cử đại biểu Quốc hội phải trải qua năm bước: thứ nhất là nộp đơn xin tự ứng cử, thứ hai là lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú, thứ ba là lấy phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc, thứ tư là hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh (bước này được xem là cửa ải khó vượt qua của người tự ứng cử), thứ năm là được vào danh sách bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội.
Năm 2011, khi lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú, tôi được 100% người dân địa phương ủng hộ, sau đó lấy phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc là Đoàn luật sư, tôi cũng được 100% tín nhiệm. Đến khi hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh thì tôi bị loại, không được lọt vào danh sách bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm).
Mục đích tôi tự ứng cử đại biểu Quốc hội lần trước và lần này không phải là tôi muốn làm đại biểu Quốc hội để được hưởng nhiều bổng lộc ban phát, mà tôi muốn thực hiện quyền ứng cử của một công dân theo hiến định và muốn mọi người dân nhận thức được rằng bầu cử Quốc hội chỉ là trò diễn kịch với vở kịch vụng vờ, lộ liễu, lâu năm đã lỗi thời.
Dù biết trước rằng 99,99% người tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ bị loại, nhưng tôi vẫn tiếp tục nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 sắp tới.
Mong tất cả mọi người hãy ủng hộ tôi!