Hành xử kiểu VTV? - Dân Làm Báo

Hành xử kiểu VTV?

Tháng Chín (Danlambao) - Liên quan đến việc xử lý chuyện vi phạm bản quyền giữa Đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) và ông Bùi Minh Tuấn (chủ tài khoản Youtube mang tên Yamaha Trung Tá), hôm ngày 6/3/2016, ông Tuấn thông báo trên Facebook cá nhân của mình về việc sẽ tường thuật trực tiếp buổi hẹn làm việc với đại diện của VTV ngay tại nhà ông. Tuy nhiên sau đó, VTV đã hủy cuộc hẹn.

Lý do mà VTV đưa ra là vì ông Bùi Minh Tuấn “đã liên tiếp thông tin tới báo chí, thông báo sẽ tường thuật trực tiếp cuộc gặp gỡ giữa hai bên trên Youtube, mời cơ quan báo chí tới tham dự..., thậm chí ông Tuấn còn tuyên bố "nếu người đại diện của VTV có mang tiền đến bồi thường hay có ý định tiêu cực nào khác, tôi sẽ huỷ buổi làm việc"... (1)

Báo Tuổi Trẻ có trích đăng đoạn thư mà Trưởng ban Kiểm tra của VTV gửi cho ông Tuấn như sau:

“Chị là Trưởng Ban Kiểm tra - Đài Truyền hình Việt Nam, người đã dự định có cuộc gặp với em tại Quảng Trị ngày 6-3-2016 (gọi là Chị cho thân tình nhé). Cuộc gặp mà chị hẹn với Tuấn cũng là công việc bình thường của chị. Là người làm công tác kiểm tra, khi có đơn thư phản ánh hay khiếu nại, tố cáo về những vi phạm của các nhân viên trong Đài, chị vẫn thường đến các cơ sở để lắng nghe, làm rõ thông tin, giúp cho việc giải quyết.

Với Tuấn, là người đã từng giải quyết công việc đôi lần qua văn bản, gặp gỡ cũng là sự chân tình, tôn trọng lẫn nhau. Chị nghĩ điều đó đáng để được trân trọng. Tuy nhiên, hôm nay qua một số báo, chị được biết em tuyên bố sẽ quay phim, truyền hình trực tiếp buổi làm việc này trên Youtube... và: "nếu người đại diện của VTV có mang tiền đến bồi thường hay có ý định tiêu cực nào khác, tôi sẽ hủy buổi làm việc"!

Em nghĩ về chị, về VTV như vậy sao? Chị gửi thư này xác nhận lại thông tin, nếu đúng đó là lời phát biểu của em, chị nghĩ cuộc gặp là không cần thiết và không phù hợp nữa. Đài THVN sẽ gửi văn bản xác nhận những chương trình có sự vi phạm bản quyền và xin lỗi Tuấn. Trường hợp còn vướng mắc, sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chị nghĩ bay vào Quảng Trị thăm em, trao đổi trực tiếp thân tình để lắng nghe và thông cảm lẫn nhau, hoặc bàn cho một sự phối hợp tốt đẹp... Điều đó hơn một lời xin lỗi. Nhưng điều đó không có chỗ cho sự nghi kỵ, đối phó, thiếu tôn trọng nhau hay một mục đích gì khác.

Chị thừa nhận với Tuấn rằng sự vi phạm là đáng phê phán, nhưng nhân đây chị muốn nhắc với Tuấn rằng, không phải các khiếu nại của Tuấn không được quan tâm giải quyết như cách mà Tuấn đã cung cấp cho các báo. Chẳng hạn, ngày 11-8-2015, chị có công văn gửi Tuấn thông báo việc giải quyết Đơn khiếu nại của Tuấn, đồng thời yêu cầu đơn vị liên quan xử lý sự việc, thì ngày 14-8-2015 Tuấn có văn bản gửi lại, thông báo đã đồng ý cho việc sử dụng tư liệu, đề nghị Ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam không tiếp tục giải quyết khiếu nại nữa..." (1)

Khó có thể tin rằng đến cả cái tên của một người được xem như chịu trách nhiệm quan trọng của đài truyền hình quốc gia mà báo chí không thể công bố? Kiểu xưng chức danh nghiễm nhiên thay cho họ tên cụ thể của một người chịu trách nhiệm xử lý sự việc chỉ có ở các bản tin của hệ thống độc tài toàn trị. 

Đọc qua thư của Trưởng ban kiểm tra VTV gửi ông Bùi Minh Tuấn người ta hoàn toàn có thể nhận ra kiểu hành xử thiếu chuyên nghiệp và tự cho mình ở chiếu trên của VTV. 

Có thể với VTV việc không khai thác thu phí trên server Youtube nên chuyện vi phạm bản quyền trong khi duyệt bài là “có thể chấp nhận”?

Có thể VTV suy nghĩ hồn nhiên rằng việc lấy hình ảnh bản quyền của ông Bùi Minh Tuấn đăng trên sóng truyền hình quốc gia là một cách quảng bá cho đất nước nên có thể thông cảm nếu thiếu sót chuyện để tên tác giả?

Chưa tính đến một số cá nhân đang làm việc tại VTV đã có lời miệt thị nghề nghiệp của ông Bùi Minh Tuấn, hay ví von chuyện ông Tuấn kiện VTV là để nổi tiếng thì cách xử lý khủng hoảng vừa qua của VTV cho thấy chuyện tác quyền khi khai thác tư liệu của người khác ít khi được tôn trọng. Nếu bị phát hiện, thay vì xin lỗi công khai như yêu cầu của khổ chủ, VTV thường chọn cách “bảo ban”, “khuyên giải” như đã làm?

Bùi Minh Tuấn có sai khi thông báo sẽ truyền hình trực tiếp với đại diện của VTV hay không?

Đây là thái độ công khai minh bạch, một hình thức tuyên bố rõ ràng với tình trạng vi phạm bản quyền của Đài truyền hình quốc gia thẳng thắn và văn minh.

Nói một cách khác, ông Tuấn đã sử dụng Youtube để tự bảo vệ mình một cách chính đáng trước sự độc quyền phát sóng của VTV sau nhiều lần vi phạm và im lặng.

Với thời đại Internet hiện nay, cách vận hành và xử lý vi phạm không còn tùy thuộc vào quyết định của VTV nữa. 

Nói một cách khác, không thể đem lối cư xử làng xã mông muội để trả lời với thế giới văn minh.

Facebooker Nguyen Tieu Quoc Dat đã so sánh buổi tường thuật trực tuyến của ông Bùi Minh Tuấn như một “phiên tòa online” bởi sau gần một năm cảnh báo và nhắc nhở VTV, điều ông Tuấn cần là “một lời xin lỗi công khai” và thái độ hành xử đúng mực của những người có trách nhiệm tại VTV.

Việc VTV không tham gia "phiên tòa" cho thấy, họ không đủ tự tin trước quan tòa; họ đã mất tính chính danh để đối thoai với ông Tuấn; họ đã bỏ mất cơ hội đạt thỏa thuận riêng với ông Tuấn nhiều lần. Nên họ chí có một con đường là từ chối”. (2)

Người ta sẽ không quan tâm đến việc Bùi Minh Tuấn cư xử thế nào trong cuộc chiến bản quyền lần này nhiều bằng cách VTV nhận sai và sửa lỗi.

Và rõ ràng, trong thế giới thông tin đa chiều hiện nay, khi mỗi người có thể là một trang dân báo thì việc kiên quyết nói không với chuyện vi phạm bản quyền như ông Bùi Minh Tuấn đã làm là một hành động dũng cảm, đáng được cổ vũ.



____________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo