Hồi ức ngày ra khơi đi tìm tự do - Dân Làm Báo

Hồi ức ngày ra khơi đi tìm tự do

Lê Hải Lăng (Danlambao) - Khi ra khỏi nhà tù gọi là cải tạo, tôi bị nhà nước đảng tước mất mọi thứ quyền sống. Công an khu vực kiểm soát gắt gao từng bước đi kể cả muốn cuốc bộ ra chợ cũng phải báo cáo. Phải đợi đến mấy tháng sau từ ngày về địa phương trình diện, chờ có cuộc họp tổ dân phố, không còn bị ai lên án đấu tố, lúc đó tôi mới được trao trả quyền hội nhập mà chúng gọi là quyền công dân.

Trong thời gian ở tù đã là một cực hình, về trong cái nhà tù lớn lại đối diện chứng kiến với muôn vàn cay đắng, xót xa đày đọa mà người dân gánh chịu cái tròng trong cổ. Tù thì bị bọn quản giáo cai tù hành hạ xem con người khác chiến tuyến như là súc vật, tù nhân dù sống dưới bàn tay của bọn đội lốt người có lắm lúc đi phá rừng đốt rẩy gặp thú muông chim trời cất tiếng hát để rồi nhìn thân phận cá trên thớt của mình mà đau đớn xé gan, rồi nhớ mồn một và tiếc nuối xã hội miền Nam chan hòa nhân bản. Còn gì xót xa hơn trong tù, có những đêm khuya mưa rừng ếch nhái kêu đánh thức dậy cho hồn lâng lâng thở than với trời đất. Có những ngày nắng nhìn chim nhảy tung tăng trên cành bên mái lều để ngậm ngùi nhìn chân mình bị xiềng với cái tội lao công không đặt chỉ tiêu vì đói khát bệnh hoạn.

Khi cựa quậy tấm thân quằn quại, rách nát nơi cái nhà tù lớn, mới nhận chân được giá trị làm người sơ đẳng nhất cũng bị đảng CSVN tước đoạt toàn diện. Chúng bắt dân chúng mở hai lỗ tai để nghe điệp khúc tuyên truyển hàng ngày về cái bánh vẽ XHCN qua tiếng loa phường. Chúng xiết chặt hầu bao bằng chính sách hà khắc kinh tế để dể bề cai trị. Chúng cho dân ăn bao nhiêu trái cấm mà chúng đã bao nhiêu thời kỳ lừa gạt hô hào trơ trẽn trên miệng lưỡi, loa đài, băng rôn, khẩu hiệu…

Chúng cấm tự do báo chí (chỉ có báo đảng), cấm tự do đi lại (phải xin phép xuất nhập làng, phố), cấm hội họp, lập hội, lập đoàn (chỉ có hội đảng lập, mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên cộng sản…) cấm đòi hỏi dân chủ (vì chỉ có đảng mới đủ quyền lực độc tài cai trị) cấm đề cập, hội luận về nhân quyền (đảng đã có nhà tù khắp hang cùng ngõ hẽm) cấm làm ăn buôn bán kinh tế tư nhân (đảng đã có hợp tác xã, các trạm kiểm soát bắt bớ tịch thu trên tất cả các tuyến đường giao thông) cấm tự do tôn giáo (đảng đã thiếp lập tôn giáo quốc doanh do công an trà trộn trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành) Đảng bày ra mưu kế chụp mũ tội này tội nọ lên đầu dân để cướp cạn tài sản. Nơi nào người dân cũng nguyền rủa đoàn quân đói ăn thiếu uống lấy cớ “phỏng giái” Vẹm Vô Vơ Vét Vác Về. Đảng coi dân như súc vật trong quyền sinh sát của đảng muốn bắt ai giết ai thì giết. Đảng trả thù man rợ với hàng trăm ngàn quân dân cán chính miền Nam, bằng cách mở trại tù khắp nước bắt họ trình diện đi làm khổ sai trong cái gọi là trại cải tạo, có người chẳng có ngày về, có người sau nhiều năm tháng dài bị hành hạ được trở về với tấm thân tàn phế. Đó là chưa kể đảng ép buộc lùa bắt dân đi kinh tế mới nơi vùng khỉ ho cò gáy để có cơ hội chiếm đoạt tài sản, rồi đưa gia đình cán bộ của đảng từ Bắc vào chiếm ngụ bất hợp pháp bằng báng súng của kẻ cướp.

Trong cái hoàn cảnh người dân hoàn toàn mất tự do, quyền căn bản con người bị đảng độc tài phủ nhận. Hơn ai hết người miền Nam đã sống dưới 20 năm ròng rã trong cái thể chế sinh hoạt dân chủ tự do dù là chưa toàn bích, cho nên thấy cộng sản tới đâu người dân bỏ chạy trối chết tới đó. Họ nói với nhau nghe nếu cái cột đèn đi được thì cũng đi tìm tự do huống hồ là người. Dù phải chết vượt rừng vì đói khát, dù phải chết giữa biển vì sóng gió, dù phải mất mạng sống trong vòng tay hải tặc. Nhưng có cơ hội người ta vẫn tìm cách trốn chạy cho khỏi cái nhà tù vĩ đại để được hưởng không khí tự do ở một nơi nào đó mà không có cái đảng cộng sản ác ôn côn đồ cai trị. Tôi cũng nằm trong số những nạn nhân cộng sản dù đã kiệt sức khi ra khỏi trại tù cũng bằng mọi giá bỏ nước ra đi tìm sự sống trong cái chết, sau những năm tháng trầy da cháy thịt trong bàn tay tập đoàn quỷ đỏ.

Chuyện tổ chức ra đi, tôi được may mắn một người bạn thân giới thiệu đưa vào nhóm phụ trợ vòng ngoài như phân bố người lo dự trữ lương thực và dầu mỡ. Ba bốn người nòng cốt trong ghe khi ra biển đánh cá lo tính toán ghe phải mua vật liệu phụ tùng gì để thay thế. Rồi họ giao trách nhiệm cho nhóm trên bờ lo phân công đi Sài Gòn tìm mua, cũng như chia công việc cho ai là người lo việc chôn dầu, dấu gạo muối và các thùng nước uống tại bờ biển. Vì thông thường ghe đi đánh cá phải qua cửa công an kiểm soát cho nên lượng dầu, đồ ăn, thức uống mang theo quy định để khỏi bị nghi kỵ bắt giữ điều tra. Ông chủ ghe cũng bàn bạc nội bộ nhóm tổ chức là hạn chế tối đa người tham dự đem theo bạn bè để khỏi bị bể mánh. Ngay cả chính ông cũng phải để lại con cháu nhỏ và bà vợ cho trường hợp tình huống xấu lỡ bị bắt. Ông không muốn nhận khách lạ để kiếm tiền. Tuy nhiên riêng tôi qua trung gian người bạn cố thuyết phục với ông chủ ghe là tôi môi giới hai người ở Sài Gòn ra. Họ sẽ phụ góp tượng trưng vài ba cây vàng để chuyến đi nhở gặp xui xẻo bị bắt lại thì có sẵn mà xoay xở trong trường hợp bất khả kháng. Ông chủ ghe bằng lòng đề nghị này.

Khi còn mấy ngày nữa là tới giờ G khởi hành. Tôi vô Sài Gòn mấy hôm trước đó. Tôi chờ tới ba ngày mà người khách chính là ông chủ nhà in ở đường CMTT đi dự đám tang bà con ở Bình Tuy chưa về. Và người khách thứ hai ở Long Khánh tôi đã dặn dò trước đó là có mặt sẵn một tuần tại SGN trong thời gian tôi vào bốc ra Phan Thiết. Tuy nhiên tôi càng nóng lòng bao nhiêu muốn nấn ná chờ đợi thêm, thì người quen tôi định đem ra theo trong chuyến đi, anh ta thúc giục tôi là không nên chờ đợi nữa biết đâu lại bị trễ chuyến thì sao. Tôi nghe có lý. Thế rồi 2 anh em chúng tôi lên bến xe trực chỉ theo Quốc lộ 1 ra Trung.

Về tới nơi, tôi nhận tin tức của người bạn thân trong nhóm tổ chức là buổi tối cùng ngày đó, tôi tới nhà một người trong khu vực đang tổ chức ăn giỗ có mời giới chức hành chánh địa phương.

Tôi và người bạn SGN ăn mặc lếch thếch ra vẻ dân đi đánh cá cắm đầu cắm cổ đi. Khoảng đường đi bộ không bao xa mà sao tôi nghĩ như là đi vào thế giới giữa sự sống và cái chết. Tôi cứ khấn nguyện trong lòng đừng gặp ai nhận diện mình rồi đâm khả nghi báo công an. Khi tới được địa điểm tạm trú, từ nơi này bóng đêm phủ tối u mù, chúng tôi được có người đưa đến trong một nhà thoai thoải quanh bãi biển để nằm chờ qua đêm. Hai mẹ con bà chủ nhà này đã đào sẵn một cái hầm cách nhà họ khoảng 100 mét. Họ đưa chúng tôi tới cắm chân chỗ này, rồi dặn dò chờ sáng họ sẽ ra đánh thức đem ra bãi đáp.

Lúc trời còn đang lờ mờ. Tiếng gà gáy từ trong xóm dân chài vọng ra mỗi lúc mỗi tăng thêm, cũng là lúc chúng tôi được dẫn ra điểm hẹn. Tôi thấy đàn ông đàn bà con nít đang tập trung quây quần dưới các tàng cây, phiến đá. Hai người thanh niên cầm hai cây đèn măng sông đưa qua lại báo hiệu cho chiếc ghe chạy ngoài kia biết để vào đúng bãi đáp. Chiếc ghe chạy qua chạy về hai ba lượt mà không thấy quay mũi vào. Một người nói rằng hay là ngoài kia nhìn vô không thấy đèn mật hiệu. Thế là một người nhanh nhẩu cầm đèn bin chạy một mạch ra giữa khoảng trống gần khu nước biển chạm bờ để ra hiệu lệnh như đã bàn tính trước. Không biết có một duyên cơ nào đó mà chiếc ghe thay vì đang cố chạy ra khơi vì nghi ở trong bị lộ? lại quay đầu vào bờ. Thế là mạnh ai người ấy cố sức lội ra bám vào thành ghe để được kéo lên. Khi chiếc ghe bắt đầu trực chỉ ra hướng hải phận quốc tế, cũng là lúc mặt trời nhấp nhá ánh hồng ban mai ở tận cuối chân trời nào ấy. Chuyến hải hành đi tìm tự do về phương trời lạ bắt đầu.

Mới lênh đênh trên biển ngày thứ nhất. Đếm cả thảy trong ghe là 24 người vừa lớn vừa trẻ nhỏ. Chủ ghe và thành phần cốt cán thuyền viên hầu như phần đông để vợ con ở lại vì họ muốn thoát thân khỏi bị lộ. Thế mà người đi theo có kẻ lại mang được cả gia đình. Khi mọi người được ngủ một đêm ngon lành, bỗng chốc ngày thứ nhì tàu trườn mình giữa biển cả mênh mông dưới bầu trời xanh thẳm, ai nấy nhìn nhau tự nhiên lo âu vì cái tin động trời mà người con trai lớn (thuyền nhân làm biển) của ông chủ ghe sau khi kiểm soát lương thực, nhiên liệu tuyên bố rằng người phụ trách nước, người lo chôn dầu, người tải gạo này nọ. Tất cả nguồn sống đã để lại bãi, trong ghe chi có đồ dự trữ dùng đi biển đánh cá mà thôi. Thế rồi người lớn mạnh ai người ấy chắp tay cầu nguyện, hoặc chống cằm suy nghĩ. Một người đứng ra nói:

- Về lại cũng bị tù mà chết, tiếp tục thả trôi theo chiều gió nổi bồng bềnh nơi hải phận quốc tế thế này biết đâu có tàu buôn thả đồ ăn thức uống, như những người đi trước có tin đồn gởi về.

Ông chủ ghe đã khéo léo nổ máy chạy rồi dừng từng lúc theo làn sóng và gió đưa đẩy. Qua ngày thứ tư thấy lượng nước trong bồn và dầu không thể đi xa hơn, lại thấy nhiều tàu đi qua lại mà không ai đoái hoài. Khi thấy tàu thì cố tình cho ghe chạy tới may ra họ đặt ống dòm thấy chữ SOS với mấy dòng cần nước, dầu, đồ ăn bằng tiếng Anh treo trước mũi ghe. Nhưng càng nổ máy chạy theo tốn thêm dầu lại càng thất vọng. Ông chủ ghe nhìn vào lũ trẻ rồi nói:

- Dầu đủ thả trôi và chạy vào lại, vì sự sống của con nít hơn là người lớn, có sao chăng nữa người lớn cũng đã hưởng mùi nhân thế…

Một số trai tráng lao nhao:

- Nhất định không có quay đầu vô… còn nước còn tát… chết giữa biển cho cá ăn còn hơn chết trong tay bọn côn đồ công an ăn thịt sống đồng loại.

Trong lúc trên ghe chia làm hai phe, một phe đòi tiếp tục thả trôi nhờ trời đất tạo hóa xoay vần vận mạng, phe kia đòi về. Người bạn Sài Gòn đưa ra ý kiến ngộ nghĩnh tưởng như đùa:

- Lấy củi đốt lửa lên và yêu cầu tất cả đàn bà con gái dù có hay không có tháng cũng phải bước qua để xông phong long tẩy uế.

Thế là tiếng trầm trồ nổi lên, có những nụ cười tủm tỉm thoát ra trước cảnh tuyệt vọng. Và tiếng đồng thanh vang cao giữa tiếng sóng gào:

- Phải đấy! Phải đấy! Phải làm ngay đi thôi! Hoan hô ý kiến này!

Thế rồi những đốm lửa đỏ lên bập bùng tí tách. Tiếng khóc của vài ba đứa trẻ đói sửa vọng lên hòa với bước chân nặng nề của những bà mẹ, bà chị, cô em nhảy qua củi cháy gây nên cảnh tượng lửa trại mà lứa tuổi thời học sinh như tôi một thời thích thú vui thú. Nhưng hôm nay là ngày mọi người đang đùa giỡn với tử thần.

Bốn ngày trôi qua không có hơi hám của sự sống giữa cái chết. Chiếc ghe đang cạn dầu thả trôi không bờ bến. Cái la bàn trước máy chỉ con số độ theo hướng gió đưa đẩy chiếc ghe. Sóng vẫn vổ ì ào, nước vẫn xanh trời cũng trong xanh. Hai mươi bốn cái trái tim đang đợi giờ tuyệt mệnh hiển hiện trước mặt. Bất ngờ thay thấy xa xa một rồi hai con tàu đang đi về hướng của mình. Ông chủ ghe hét lên:

- Tụi thanh niên chúng bây đâu, hãy nhanh chân ra trước mũi và đằng sau lái phất cờ kêu cứu lẹ lên!

Khi tất cả thất vọng buồn bã nhìn chiếc tàu này tới chiếc nọ ngược xuôi mà chẳng ai đoái hoài. Thì cũng là lúc dưới ánh sáng ban trưa lóe lên những lốm đốm dật dờ ẩn hiện trên mặt đại dương. Gặp xuôi chiều gió chiếc ghe đã trôi gần tới vật lạ.

Không bao lâu những người giỏi bơi lội cố gắng bơi thật xa để vớt về vài ba cái bao ny lông đựng nước và thùng đựng dầu cùng vài ba cái thùng trái cây, thì cũng là lúc ánh sáng cuối đường hầm đang hé lộ.

Trên ghe người đạo Công Giáo thì cầu nguyện cám ơn Đức Chúa, người đạo Phật thì niệm Nam mô. Rõ thật là sắp chết đuối gặp phao cứ. Dù lương thực, nhiên liệu tàu bè đi qua lại thả ra trôi giạt không gom được hết, nhưng 24 người đủ để lót dạ sau những ngày nhai bo bo uống từng giọt nước cặn bã cuối đáy thùng. Hầu như lúc này mọi người nhìn nhau có chút mừng thầm biểu hiện qua bờ môi nhấp nháy.

Chiếc ghe có được chút dầu thế rồi vừa chạy vừa canh chừng tàu bè để chạy theo mà xin thêm lương thực, nhiên liệu để tiếp tục hải trình. Qua ngày thứ năm bắt gặp một chiếc tàu mang chữ Nga đi ngược chiều về hướng Bắc. Tin vào Nga là nước lớn, một số người cổ võ ông chủ ghe cho ghe cập vào mạn tàu khi tàu dừng lại chờ ghe tới. Họ bỏ dây thang xuống và ra lệnh cho mình lên, về phía mình thì ra hiệu bằng tay chỉ vô miệng và gõ vào cái thùng trống ra hiệu xin dầu. Chưa ngã ngũ ra sao, bỗng ở trên tàu có người bắc ống loa nói vọng xuống với giọng lờ lợ:

- Uống nước nhớ nguồn về đi!

Cả ghe xôn xao tá hỏa tam tinh, người lái vội vàng de lui và cố cắm đầu chạy một mạch về hướng có mấy chiếc tàu khác đang đi. Có tiếng ở trong ghe:

- May mà có mấy chiếc tàu ở đằng xa kia tụi nó sợ. Nếu không thì nó đục ghe bắt hết chở về Bắc thì chết cả đám.

Ông chủ ghe bình tĩnh nói:

- Khu vực này chắc gần địa phận mấy nước không cộng sản, cho nên tàu đi hướng vô hướng ra nhiều, từ từ việc đến sẽ đến đứng nóng mà hư bột hư đường.

Quả đúng như lời đoán của ông chủ ghe. Đang bồng bềnh nổi trôi qua ngày thứ sáu giữa đại dương bao la, đếm trên tay tới ngày thứ bảy chiếc ghe lại đi lọt vào đường đi ngược chiều của một chiếc tàu Đài Loan. Họ chạy chậm rồi dừng tàu lại. May thay trong ghe có mấy người là người Việt gốc Hoa trao đổi hỏi han giúp đỡ. Tàu thả xuống cho mấy bao gạo, đưa vòi nước chạy vào bể chứa của ghe, cấp phát cho mấy thùng dầu. Rồi họ chỉ tọa độ trên la bàn để vào Nam Dương xin thêm dầu rồi đi Mã Lai (họ nói không cho được nhiều dầu vì phải công tác xa) Họ chỉ cho vị trí đang đứng là gần Nam Dương nhất.

24 mạng người đã thấy sự sống trở về. Chiếc ghe từ giã con tàu ân nhân rồi chạy chậm chạp giữa trời xế chiều tới qua đêm trong khu vực biển lặng ít sóng. Lúc mặt trời ló dạng cũng là lúc thấy bờ ở đàng xa lồ lộ. Chiếc ghe theo hướng la bàn tiến về một cảng nào đó của Nam Dương. Cũng may làm sao tới trưa gặp một chiếc thuyền độc mộc. Hai bên không hiểu tiếng nhau khi phía mình bưng cả người và thuyền lên ghe thì người Nam Dương này run lập cập. Phải ra nhiều hiệu và mình chia nhau xin thuốc hút của người ngư dân ND, lúc đó ông ta mới an tâm chỉ đường vào cảng chứ không phải bắt cóc đi như lầm tưởng.

Thấy ghe lạ vào, quan chức hành chánh địa phương Nam Dương xuống ghe và sau khi kiểm tra qua loa đã cho áo quần và thuốc hút, dầu chạy máy theo như yêu cầu. Cảm phục những tấm lòng nhân đạo, ông chủ ghe đã để lại tất cả vật dụng hành nghề đánh cá tỏ tấm lòng tri ân dân địa phương.

Theo luật họ không cho ai lên bờ và buổi tối mình phải ra khơi đi hướng Mã Lai. Trước khi tàu giang cảnh của họ mở dây cột neo. Một người trong ghe giỏi về quân sự đã qua nhận xem bản đồ tọa độ xuất bến. Khi người này về nói với tài công là đi hướng 160 độ gì đó. Ông tài công nghi ngại và nói rằng hôm kia ông tàu Đài Loan nói đi hướng 190 độ mà, sao mà chệch xa quá vậy. Thế là tôi và một bạn thanh niên vội vàng bước lên tàu Nam Dương nhờ xác định lại. Thật là số trời, khi cái thước đo đặt xuống bàn bản đồ, nếu đi như người kia nói thì toàn là gặp đá san hô khi vừa ra khỏi bến.

Nghe vậy ông chủ ghe nói:

- No rồi đừng bất cẩn để chết lạt nhách.

Thế rồi ông cách cử hai người ngồi túc trực coi la bàn chạy theo số độ mà người quan chức giang hải Nam Dương ghi rõ ràng ra giấy trắng bằng chữ đậm.
Qua một đêm chiếc ghe chạy thong thả chành chạch. Rồi trời lại sáng. Ghe càng chạy tới lúc mặt trời chiếu thẳng đứng trên đầu, một vài đàn chim biển vần vũ bay, bờ trước mắt lại hiển hiện càng gần. Mọi người nhảy tung lên mừng rỡ reo hò khi thấy đằng kia có những cây dừa thẳng hàng đứng phơi mình dưới nắng. Vài ba chiếc tàu đánh cá vượt biên loại hai tầng của ai đó đang nhấp nhô phơi trần thân thể trơ trụi trên bờ biển Mã Lai. Cửa thiên đường trong mắt tôi rộng mở một cách kỳ lạ. Người bạn thanh niên trẻ tuổi hơn đứng trước mũi ghe sấn tới vỗ vai tôi, rồi hai đứa tự nhiên phá lên cười ngất ngưởng đến chảy nước mắt. Chưa bao giờ đời tôi có một niềm vui khôn tả thế này, như người mẹ mừng nhìn đứa con mới sinh ra chào nhân thế khỏi bụng của mình.

Sau chín ngày tám đêm. Những đứa trẻ bắt đầu được ăn no ngủ kỹ. Tôi hình dung tương lai huy hoàng rực rỡ trên mái đầu xanh mà cha mẹ chúng đã khổ nhọc sống chết bồng bế ra đi. Tôi nghĩ trong đầu rằng là đã thoát khỏi nanh vuốt cộng sản, nhìn lại chặng đường sống bầm dập quằn quại trên quê hương của mình, mới biết rõ cái chủ thuyết bạo lực ác ôn đã triệt hạ mầm mống sinh sống của con người một cách có hệ thống. Chúng vì say sưa chiến thắng trên nước mắt và máu của anh em cùng con mẹ Việt một cách cuồng bạo không tưởng mà chẳng biết đang dẫn dắt dân tộc vào tận cùng ngõ cụt của cái gọi là tiến lên XHCN không lối thoát. Trong nước, từ địa phương nhỏ tới trung ương lớn người nắm quyền xử sự hơn cả băng đảng xã hội đen, cướp của giết dân bằng nhiều thủ đoạn tàn bạo đê hèn. Ra khỏi địa ngục đỏ, gặp người nước khác màu da chủng tộc giúp đỡ mới biết loài cộng nô như vi trùng ung thư chỉ được sinh sản nảy nở trên tế bào cơn bệnh người mẹ Việt. Chúng là tập đoàn cộng sản chỉ biết dùng bạo lực cai trị để sống vương giả, nhảy múa hoan ca say sưa trên xác chết đồng bào của mình.

Ai trải qua tận cùng đau khổ do đảng cộng sản độc tài gây ra, mới nhận chân giá trị đích thực của hai chữ Tự Do. Lênh đênh đi tìm nơi có đủ pháp luật bảo vệ cho mình thực hiện quyền làm người, mưu cầu hạnh phúc cũng dễ dàng cho cá ăn như chơi trên biển cả mênh mông sóng gió. Ai lánh nạn hoặc chống lại độc tài cộng sản cũng phải chấp nhận trả giá nào đó khi đo mức độ giữa chết và sống trong gang tay bé nhỏ của mình.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo