Trần Văn Giang (Danlambao) - Lời mở đầu: “Chỉ có hai thứ chắc chắn xẩy ra trong đời sống; đó là chết và thuế.” (In this world, nothing can be said to be certain, except death and tax. - Benjamin Franklin). Có người cho rằng câu nói này của Benjamin Flanklin, người thì lại cho là lời của Mark Twain; người cho là của Daniel Defoe. Bài này không bàn về nguồn gốc của câu nói mà chỉ xin bàn thêm một chút về ý nghĩa của nó.
Tuy cùng hiện diện trong đời sống, nhưng “Thuế” và “Chết” có nhiều điểm khác nhau hơn là tương đồng: Chết chỉ xẩy ra một lần trong đời nhưng thuế thì xẩy ra hàng năm; Chết thì không xin gia hạn được như thuế. Chết chỉ liên hệ với thuế trong hai trường hợp: Thuế Chết (“Death tax” - tôi sẽ nói thêm ở phần dưới) và khi được nhận giấy báo bị thiếu thuế nhiều qua rồi đột quỵ vì tim ngừng đập. Nói vậy chớ sở thuế không bao giờ muốn quý vị chết đâu: Anh phải sống… để còn có người đóng thuế.
Thuế
“Trước khi người da trắng đến đây, dân da đỏ chúng tôi không phải đóng thuế và phụ nữ phải trông coi con cái và làm hết mọi chuyện trong nhà.” (Người viết đọc thấy trên vách tường ở bên trong một “Gift Shop” của dân đa đỏ ở Thành phố Albuquerque, Tiểu bang New Mexico, USA)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam cho đến khi 26 tuổi, là lúc quân cộng sản đang xếp hàng vào Sài Gòn, thì vội vàng bỏ lại tất cả và chạy ra biển Đông; trôi dạt thêm vài quốc gia, cuối cùng được tị nạn tại Hoa Kỳ. Trong suốt 26 năm trời ở Sài Gòn, tôi chưa phải khai thuế lần nào (!) và cũng chưa hề thấy cái Tờ Giấy/Phiếu Khai Thuế (Tax Form) hình thù như thế nào! Sau khi định cư trên đất Mỹ mới thấy đời sống ở một nước văn minh có đủ các loại thuế. Bên phải, bên trái, trước mặt, và sau lưng đều có thuế: Thuế hóa đơn (Sale tax), Thuế lợi tức (Income tax), Thuế tội lỗi (Sin tax - đánh trên rượu, thuốc lá và tiền thắng lottery, thắng cờ bạc), Thuế Chết (Death tax - đánh trên tài sản gồm động sản và bất động sản qua “di chúc,” khi chết được chuyển lại cho người thừa kế, con hay cháu). Đất Mỹ quả đúng là miền đất hứa (promised land), đất của cơ hội (land of opportunities): Mọi người đều có đầy đủ cơ hội để đóng thuế mệt nghỉ. Dầu gì, tôi thấy Chính phủ Hoa kỳ cũng chu đáo (!) biết chăm lo đến người dân của họ bằng cách, mỗi năm, in ấn sẵn và phát cho họ các “Phiếu đóng thuế” (Tax forms) miễn phí (!) Ngoài các quyền tự do căn bản của một nước thực sự dân chủ, công dân Hoa kỳ còn có toàn quyền lựa chọn cách trả thuế như thế nào: Bằng tiền mặt, ngân phiếu, Money order hay thẻ tín dụng… Tất cả đều tốt! Nước văn minh có khác!
Chỉ cần nhìn chung quanh. Nhờ có thuế mà đời sống, sự giáo dục, các mục giải trí của công dân và các tiện nghi công cộng mới có ý nghĩa, đáng đồng tiền bát gạo. Vâng. Tự do sinh ra và “được” đánh thuế cho chết luôn (“Born free and taxed to death”)… Nhưng mà thà đóng thuế tới lúc chết mà sống đời sống đáng sống, có nhân phẩm còn hơn sống không phải đóng thuế xu nào để phải sống đời khổ sở; ăn lông ở lỗ suốt đời này qua đời khác không hơn gì súc vật.
Hiển nhiên, Hoa Kỳ không phải là xứ phát minh ra thuế. Thuế đã có từ lúc con người bắt đầu biết sống đời sống văn minh hơn; có nghĩa con người và trí tuệ đã dần dà tiến phát triển tử 4000-5000 năm chứ không còn chịu sống như khỉ, vượn, đười ươi nữa. Cũng nên biết đối với người cộng sản thì sự tiến hóa này có vẻ chậm chạp hơn… Đến giờ này, thế kỷ 21, cộng sản vẫn còn sống y như khỉ, giỏi lắm thì cũng chỉ mới bắt đầu thoát ra cái cốt khỉ. Thật khôi hài khi nhìn thấy họ “nhiệt liệt” tự sướng hết biết. Cs gọi là cái tiến hóa “từng bước đi lên xã hội chủ nghĩa tôn ngộ không” đó là “văn hóa đảng!” Kinh thật!
Hình thức Thuế đầu tiên của nhân loại thấy từ Mesopotamia đã trên 4500 năm. Lúc đó con người trả thuế bằng gia súc, nông phẩm, dụng cụ vì tiền tệ chưa có trên mặt quả đất. Người cổ bán khai đã biết cách đánh thuế trên bất động sản (Estate tax) và thuế di sản (Death tax). Các tài liệu khảo cổ cho thấy người Ai cập đánh 10% “Thuế Chết” trên tài sản chuyển nhượng lại cho con cháu khi chết từ 700 năm trước Công nguyên. Người Tàu đã có thuế Nông nghiệp từ trên 2600 năm rồi. Các loại thuế cũ xưa như vậy (Thuế đất, thuế nông nghiệp, thuế chết), dù đã thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn còn được dùng ngày nay.
Thuế của Hoa kỳ có thể truy ra gốc gác từ thời Hoa Kỳ còn là thuộc địa của Đế quốc Anh (“British Empire” - Where the sun never set because nobody trusts the British under the dark!?) Đế quốc Anh đánh thuế rất nặng trên các nước thuộc địa dưới ánh sang mặt trời chứ không riêng gì Hoa kỳ. Dân Hoa kỳ bắt đầu phản kháng, đòi đế quốc Anh giảm hay bỏ bớt thuế. “Boston Tea Party” là một phong trào chống thuế nổi bật nhất của lịch sử Hoa kỳ. Cho đến khi Hoa kỳ dành được độc lập từ Anh quốc (ở cuối thế kỷ 18) thì ngay sau đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một luật thuế mới đánh trên bất động sản và thuế chết. Mãi đến năm 1861 mới có sự ra đời của Thuế Lợi Tức (Income tax) đánh trên thuốc lá, nữ trang, đồ trang sức để lấy tiền tài trợ cho cuộc chiến tranh Nam – Bắc. Năm 1862 Quốc hội Hoa kỳ phê chuẩn “Bộ Luật Thuế Nội Địa” (“Internal Revenue Act”) và đồng thời lập ra Sở thuế nội địa gọi là “The Bureau of Internal Revenue.” Cơ quan này là tiền thân của “Sở thuế nội địa” IRS quen thuộc bây giở (viết tắt của “Internal Revenue Services”). Thật ra, Sở thuế liên bang đã bị dẹp bỏ rồi lại được tái lập rất nhiều lần… Mãi đến tháng 2 năm 1913, qua “Bản Tu chính hiến pháp thứ 16” (16th Amendment) Quốc hội Hoa kỳ mới chính thức được phép đánh thuế lợi tức cá nhân (Personal Income tax). Năm 1914, lần đầu tiên Sở thuế Nội địa phát hành bản “Giấy / Phiếu khai thuế cá nhân” (còn gọi là “Form 1040”). Lúc đó (năm 1914) luật thuế lợi tức cá nhân chỉ dài có đúng 1 trang giấy… Luật thuế từ đó mỗi ngày trở nên phức tạp thêm… Ngày nay luật thuế lợi tức có gần 9000 mục và dày 174 trang.
Tình trạng thuế má còn sinh ra nhiều thảm kịch của xã hội: Gian lận, khai gian và trốn thuế bằng mọi cách.
Nên biết thêm, Thuế cũng thấy có đề cập trong Kinh thánh Bộ Tân ước (New Testament) của Thiên Chúa Giáo. Giới tăng lữ cao cấp (High Priests) của Do thái giáo khi đối chất với Chúa Giê-su, họ muốn chứng tỏ Chúa Giê-su không phải là người thông minh như mọi người vẫn nghĩ; đồng thời họ cũng muốn nhân cơ hội đối chất làm Chúa Giê-su phải lúng túng không trả lời ổn thỏa. Họ hỏi Chúa Giê-su là:
- “Nay nước Do Thái bị người La mã chiếm đóng thì người Do Thái có nên đóng thuế cho Hoàng đế La Mã không?”
Chúa Giê-su lấy một đồng tiền dùng để trả thuế cho triều đình La Mã rổi chỉ vào đồng tiền mà hỏi ngược lại:
- “Các người có biết đây là hình của ai (trên đồng tiền) không?”
Mọi người nhao nhao trả lời:
- “Hình của Caesar” (Hoàng Đế La mã lúc đó).
Chúa Giê-su nói với họ:
- “Của Caesar thì hãy trả nó lại cho Caesar; cũng như cái gì của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa.” (*)
Dùng đồng tiền La Mã và câu trả lời bất hủ “Cái gì của Caesar thì trả lại cho Caesar” Chúa Giê-su đã ám chỉ là trên phương diện chính trị, người Do Thái đã chấp nhận sự thống trị của đế quốc La Mã thì phải tuân theo luật lệ (đóng thuế) của chính quyền La mã; miễn sao người Do Thái đừng bỏ niềm tin tôn giáo của mình là được (“and (give back) to God what belongs to God.”)
Chết
“Chết không phải là phản nghĩa của Sống. Chết là một phần của (đời) Sống.” Khuyết danh
Thuế có thời hạn, giới hạn và quy luật. Chết thì vô biên không có phép tắc luật lệ gì hết ráo. Nhiều trường hợp chưa sinh ra bào thai đã chết ngay trong bụng mẹ rồi; hoặc Ông Bành tổ sống 767 tuổi (theo sử bố láo của Trung hoa). Cách chết cũng đa dạng: chết từ từ hoặc lăn quay ra bất đắc kỳ tử; chết trong nhà thương, viện dưỡng lão; chết vì bị khủng bố, ám sát, tai nạn, trận mạc, từ hình… Chết dưới nước, trên trời, dưới hầm, trên giường, thượng mã phong…
Chết được định nghĩa như thế nào cho phải? Định nghĩa đơn giản bình dân giáo dục nhất là: Đời sống đã chấm dứt (Life ends). Tim ngừng đập. Hết thở. Ậy! Trên phương diện ý tế, có nhiều khi tim đã ngừng đập từ khuya và hết thở hẳn hoi rồi mà nhân viên cấp cứu vẫn có thể làm hồi sinh được. Nhiều tôn giáo còn cho rằng con người không bao giờ chết – Con người đi từ cõi tâm linh này qua cõi tâm linh khác.
Diễn tiến của sự chết (từ từ)
Tim ngừng đập, sau đó cơ thể có các chuyển động không kiểm soát được. Mặt và tai lạnh vì máu bắt đầu ngừng luân lưu. Nước dãi và nước mũi có thể sẽ trào ra. Người chết thở hắt ra có âm thanh như tắt nghẹn vì hơi dần dần bị ngắn lại. Phổi khép lại. Óc hoàn toàn ngừng hẳn việc phát ra các tín hiệu chỉ huy các hoạt động (electrical activities) tự nhiên của cơ thể:
Ở Phút Zero: Trên phương diện y tế, sự chết đến ngay sau khi óc hoàn toàn ngưng điều khiển việc hấp thu dưỡng khí. Ngay sau đó tất cả các phận sự (functions) của cơ thể đóng lại kể cả sự lưu thông của huyết mạch. Tròng mắt nhìn cứng như thủy tinh (glassy appearance). Nhiệt độ cơ thể giảm nhanh, sờ thấy lạnh vì máu không còn luân chuyển nữa.
Ở Phút Thứ Nhất Đến Phút Thứ 9: Vì máu hoàn toàn ngưng luân chuyển, cơ thể bắt đầu đổi màu. Óc đã ngưng hẳn các hoạt động làm cho bắp thịt không còn khả năng co thắt cho nên các chất thải của cơ thể có thể thoát ra lúc này. Con mắt thụt sâu vào vì áp huyết không còn. Con ngươi không có phản ứng gì với anh đèn chiếu vào và bắt đầu kéo mây (cloud) bởi vì “Potassium” vỡ ra từ hồng huyết cầu. Sự kéo mây này có thể kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ… Các chuyên gia giảo nghiệm tử thi có thể căn cứ vào mức độ kéo mây ở mắt để biết tử thi chết lúc nào.
Chết xem ra ghê rợn thật. Không có cái chết nào, ngay cả trong thơ phú, có thể gọi là đẹp, thơ mộng. Xinh đẹp và khiêu gợi như Hoa hậu Hoàn vũ hay tài tử Marilyn Monroe; hoặc xấu xí gian ác như boác Hồ, boác Mao, boác Lê, boác Sít thi khi chết cũng thở hơi cuối cùng hắt ra và vãi ra quần tùm lum vậy thôi. Chân lý và thực tế đó không bao giờ thay đổi.
Có nhiều con người sống vô dụng, sống thừa, vegetation, coma; sống trên máu, nước mắt, và mồ hôi của người khác có một điểm giống nhau là: tuy đang sống (đời sống chưa chấm dứt, tim vẫn đập và mũi vẫn thở) mà giống như đã chết từ lâu rồi – Còn được gọi là “Chết mà biết thở…”
Sống và Chết luôn luôn được đề cập song song với nhau; chứ không riêng gì phải là “Thuế và Chết.” Cụ Phan Bội Châu đã có nói qua về vấn đề “Sống mà như thế đừng nên sống - Sống tủi làm chi, đứng chật trời” này qua bài thơ “Sống”:
Sống tủi làm chi đứng chật trời!
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười.
Sống tưởng công danh, không tưởng nước,
Sống lo phú quý, chẳng lo đời.
Sống mà như thế, đừng nên sống!
Sống tủi làm chi, đứng chật trời.
(“Sống” – Cụ Phan Bội Châu)
Nói về “Chết” là tôi nghĩ ngay đến trên 2000 dân Huế vô tội bị cộng sản quang vinh cắt mạng trong Tết Mậu Thân 1968 (có tài liệu nói đến nay gần 6000 người vẫn còn được ghi là mất tích!) Cũng vào dịp Tết Mậu thân 1968 này, boác Hồ đã mần thơ nhắn nhủ bộ đội cs là: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…” Cái kết quả “hơn cả mấy xuân qua” thật vĩ đại, đáng được ghi vào lịch sử loài vật. Xin mời quý vị đọc qua những cái chết của đồng bào vô tội ở Huế Tết Mậu Thân 1968 vì thành tích “hơn cả mấy xuân qua” của csvn trong bài thơ hãi hùng “Mậu Thân Anh Nhớ gì không” sau đây của Ý Nga:
Tím đen, xác rỉ nước vàng
Người tan nát mặt, họ hàng biết ai?
Chặt ngang cổ, bổ ngang tai
Đâm bàn tay thủng, kẽm gai xâm vào*
Cọc tre xuyên đến đỉnh đầu
Cụm năm người chết, cụm xâu cả mười
Sình trương bao xác đứng ngồi
Máu me rùng rợn, rã rời, trơ xương
*
Mưa rơi ray rứt đoạn trường
Con thơ khóc Mẹ, vợ thương khóc chồng
Mảnh nào nhận dạng bà, ông?
Mảnh nào rửa thối động lòng quật khai!
*
Cát Xuân, Điên Đại, Đá Mài,
Bãi Dâu, Hương Thủy, Phú Bài, Bao Vinh
Trường Tiền, An Cựu bao tình
Đông Ba, Đại Nội: tử, sinh não nùng
Đạn xuyên ót, sọ vỡ tung
Máu me kinh hãi buồn giòng sông Hương!
Huế nào khăn trắng tang thương
An Hòa, Thành Nội tai ương đã từng
*
Mưa thê thiết, xác trợn trừng
Đường nào cũng máu! Lệ từng con tim!
Đạn bay tứ hướng truyền âm!
Cha con, chồng vợ gọi thầm tên nhau
Truồi, Gia Hội, Phú Văn Lâu
Thủ tiêu, ám sát, chặt đầu, cuốc phang
*
Chết! Không ai thắp nén nhang*
Chết oan vô tội hàng hàng thây dân
Chết! Không hòm gỗ che thân
Chết! Không giọt lệ thân nhân sụt sùi
*
Áo Vàng, chùa Huế, bao nơi…
Nơi nào không có máu sôi trong hồn?
Huế đau! Em nhớ Saigon!
Nhà em cũng cháy, chỉ còn tàn tro
*
Anh linh yên giấc ngàn thu!
Chúng tôi còn sống chẳng mù lương tri
Không chờ… Tết mới… nhớ về
Mỗi ngày mỗi nhớ! Trăm bề tâm đau!
(“Mậu Thân Anh Nhớ gì không” - Ý Nga)
Lời cuối
Chỉ nhìn nhanh chung quanh đời sống hàng ngày của chính bản thân, tôi thấy có nhiều thứ khác cũng sẽ “chắc chắn xảy ra” chứ không phải chỉ riêng có “Thuế” và “Chết” như ông Franklin đã đề cập. Thí dụ “Rác,” “Tứ khoái…” (là đã có thêm 4 món rồi), “Gian lận,” “Tham lam,,” “Khoe khoang…” Rồi mỗi người, theo kinh nghiệm riêng, sẽ có thêm “những cái chắc chắn sẽ xẩy ra” khác; và danh sách sẽ dài vô hạn. Điều đáng nói từ câu nói của ông Franklin là “Thuế” đã làm cho nhiều người của công chúng như tài tử xi-nê, cầu thủ thể thao chuyên nghiệp, chính trị gia lỗi lạc phải vào tù, thân bại danh liệt.
Sở Thuế IRS kể ra là tổ chức còn đáng sợ hơn cả Gang đảng Mafia với đủ súng ống và tội ác. Thí dụ: Chính phủ Hoa kỳ không thể nào bắt giam Trùm Mafia Al Capone ở Chicago được vì không có ai có can đảm đứng ra làm nhân chứng (Witness) để tòa án Liên Bang kết tội Al Capone. Cuối cùng chỉ có Sở Thuế IRS là đủ khả năng diệt trừ một tay găng-tơ máu lạnh qua việc tìm ra hắn trốn thuế…
Vả lại Mafia giết một người là xong phim; nhưng sở Thuế (IRS) không (chưa) để cho người chết yên giấc ngàn thu đâu hà. IRS còn tiếp tục đánh thuế tài sản của người đã chết hẳn hòi, chết từ khuya, từ thuở nào…
Đời thật là vô thường (Life is so impermanent). Không có cái gì có thể gọi là “chắc chắn” được!
(Viết vào Mùa Thuế 4/2016)
(*) Chú thích
“Sau khi họ trả lời là ‘Caesar’ thì Chúa Giê-su nói với họ rằng: ‘Hãy trả cái gì của Caesar cho Caesar và cái gì của Thiên Chúa lại cho Thiên Chúa.’ ”
("Caesar's," they replied. Then he said to them, "So give back to Caesar what is Caesar's, and to God what is God's.")
Chúa Giê-su nói với họ rằng: “Hãy trả cái gì của Caesar cho Caesar và cái gì của Thiên Chúa cho Thiên Chúa.”
(He said to them, "Then give back to Caesar what is Caesar's, and to God what is God's.")
“Hãy trả cho người chủ nợ cái mà mình còn thiếu nợ họ: Nếu thiếu thuế thì trả thuế; thiếu lợi nhuận trì trả lợi nhuận; thiếu sự kính trọng thì trả sự kính trọng; thiếu danh dự thì trả danh dự…”
(Give to everyone what you owe them: If you owe taxes, pay taxes; if revenue, then revenue; if respect, then respect; if honor, then honor.)