Vu khống người tự ứng cử ĐBQH - hay là chà đạp lên Hiến Pháp? - Dân Làm Báo

Vu khống người tự ứng cử ĐBQH - hay là chà đạp lên Hiến Pháp?

Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Đến 17h ngày 15.03.2016, hồ sơ của các ứng viên ứng cử đại biểu quốc hội 14 đã được các Sở Nội vụ các tỉnh, thành nộp lên Hội đồng Bầu cử quốc gia để đến ngày 20.03.2016 bắt đầu thực hiện việc lấy ý kiến cử tri đến 3 vòng dành cho các ứng viên.

Trong khi đó, trên trang Vietnamnet đăng tải bài viết 'Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử’ dẫn lời một giám sát viên cho rằng "Kỳ bầu cử đại biểu QH và HĐND lần này so với năm 2011 phức tạp hơn rất nhiều, đã hình thành phong trào tự ứng cử. Theo thông tin của tiểu ban an ninh, đứng sau người tự ứng cử có một số tổ chức phản động trong nước và nước ngoài hỗ trợ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri".

Tờ báo Vietnamnet diễn giải rằng "Một số đối tượng tự ứng cử sử dụng công nghệ để tuyên truyền vận động. Trên một số mạng internet có lượng độc giả đông đảo mấy ngày nay xuất hiện bài ca ngợi, cổ vũ và khuyến khích những trường hợp tự ứng cử, nhất là trên trang cá nhân, có những bài hô hào, ủng hộ bỏ phiếu cho họ".

Một người làm báo nhà nước chia sẻ "dưới sự chỉ đạo của ban tuyên giáo thì việc một tờ báo của đảng buộc phải viết những điều theo ý của đảng là chuyện bình thường".

Khoản 1 điều 63 trong luật Bầu cử qui định "Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội".

Vậy tại sao đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu lại có sự kỳ thị và vu khống cho người tự ứng?

Những người tự ứng cử là công dân nước Việt Nam là những nhân sĩ trí thức, những người yêu nước nồng nàn vậy tại sao lại qui kết họ bị xúi giục, chụp mũ họ là có tổ chức phản động đứng sau?.

Những người tự ứng cử đang thực hiện quyền hợp pháp của một công dân theo Hiến định. Như vậy không một tổ chức, đảng phái hay cá nhân nào có quyền ngăn cản công dân thực hiện chủ thể quyền hành chính trị của mình.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay "trong số 47 ứng viên tự ứng cử ĐBQH lần này có nhiều nhân sĩ trí thức, tiêu biểu của TP tham gia, đây là điều đáng mừng của đất nước ta khi nhân dân quan tâm vấn đề xã hội, loại trừ một số đối tượng đặc biệt khác".

Bà Bích Ngọc nói "loại trừ một số đối tượng đặc biệt khác" là loại trừ đối tượng nào? Bà này không chỉ rõ ra được ai cả.

Một người tại Hà Nội nói rằng "từ trước đến nay người cộng sản đã quen với cái thói độc tài trong việc 'đảng cử' rồi nên bây giờ họ thấy có ứng cử viên độc lập ngoài đảng có được sự ủng hộ rất lớn của người dân nên cộng sản họ rất sợ."

Người cộng sản sợ điều gì? Theo ông giám sát viên khẳng định "sẽ có một số trường hợp tự ứng cử phải đưa khỏi danh sách sau các vòng hiệp thương" và có lẽ họ sợ "lúc đó chắc chắn một số trường hợp bị loại sẽ cho là không dân chủ. Họ sẽ vận động, lôi kéo cử tri không tham gia bầu cử hoặc đi bầu cử nhưng không bầu cho ai cả".

Trong một diễn biến khác, thời gian vừa qua đã có nhiều bài viết trên các trang báo của nhà nước mang xu hướng bôi nhọ và vu khống những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội ngoài đảng cộng sản.

Đã có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội bị nhà cầm quyền gây khó khăn, trong đó Mục sư Nguyễn Trung Tôn tại Thanh Hóa là một minh chứng cụ thể.

Bầu cử Quốc hội 14 lần này có nhiều nhân sĩ tri thức, nghệ sĩ, doanh nhân và người dân không phải là đảng viên cộng sản tự ứng cử vào Quốc hội để đóng góp trí tuệ, năng lực nhằm xây dựng đất nước tốt đẹp và phồn vinh hơn.

Luật Bầu của qui định công dân có quyền tố cáo, khiếu nại về sai phạm trong việc bầu cử Quốc hội.

Bầu cử đại biểu Quốc hội có thực sự là ngày hội toàn dân với tất cả các công dân khác nhau có quyền tham gia vào tiến trình chính trị hay chỉ là ngày diễn tuồng chính trị của riêng đảng cộng sản độc tài cai trị tại Việt Nam?.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo