“Bầu cử ở ta cũng có cái giống Mỹ chứ... ở đâu mà chẳng là Đảng Cử Dân Bầu...”
- Canada vừa tổng tuyển cử lần 42, cuối năm 2015. Có 25 chính đảng ra tranh cử, kể cả đảng cộng sản. Nhiều đảng nhỏ chỉ ra tranh cử ở một số đơn vị bầu cử.
Tổng sổ ứng cử viên là 1792 tranh nhau 338 ghế quốc hội. Kết quả đảng Tự Do chiếm quá bán. Các đảng nhỏ và các ứng cử viên độc lập không giành được ghế nào.
Thỉnh thoảng cũng thấy một, hai dân biểu độc lập trong Quốc hội. Đó là các dân biểu bất mãn, tự rời đảng, hoặc bị khai trừ, trở thành dân biểu độc lập.
- Ở Pháp tổng tuyển cử năm 2012 có tổng số 6630 ứng cử viên ra tranh cử 577 ghế Quốc hội, trung bình 11 ứng cử viên cho mỗi đơn vị bầu cử.
Thường phải bầu cử vòng 2, một tuần lễ sau, giữa 2 ứng cử viên được nhiều phiếu nhất trong vòng đầu. Các người tự ứng cử đều thất cử.
- Năm 2016 cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam cộng sản đều tiến hành tổng tuyển cử.
Hiện tại ở Hoa Kỳ là Quốc Hội thứ 114, có 435 dân biểu ở Hạ viện và 100 Thượng nghị sĩ ở Thượng viện. Đảng Cộng hòa chiếm đa số, 247 ghế ở Hạ viện, 54 ghế ở Thượng viện.
Các ứng cử viên độc lập và các đảng nhỏ, rất nhiều, không chiếm được ghế nào.
- Ở nước CHXHCN VN ngày 22/5/2011, các cử tri VN đã tham gia cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) để chọn 500 đại biểu từ 827 ứng cử viên trong cả nước.
Như vậy, có rất nhiều đơn vị bầu cử chỉ có một ứng cử viên tranh cử. VN thiếu nhân tài?
Tuy vậy có 4 người tự ứng cử trúng cử. Điều này chứng tỏ, năm 2011, tự ứng cử ở VN bước đầu đã được nhân dân ưa thích và nhận thấy là cần thiết.
*
- Hiến pháp mọi nước đều cho có quyền cử tri là có quyền ứng cử, dù quyền ứng cử khó hơn.
Ở Anh Quốc ví dụ, không thể là đại biểu Quốc hội nếu là viên chức nhà nước, tu sĩ, công an cảnh sát, quân nhân, vỡ nợ chưa phục quyền, tù giam quá một năm, hoặc trước có bị xử vi phạm luật bầu cử. Ngoài ra không điều gì khác có thể ngăn cản công dân ra tranh cử.
Trên thực tế, lúc vận động tranh cử nếu ứng cử viên bị phanh phui có tai tiếng về nhân phẩm hoặc ứng cử bất hợp lệ thì dù có tài, các cử tri sẽ không bầu cho.
Để hợp lệ, Tướng El-Sisi đã rút lui khỏi quân đội vào ngày 26/3/2014, công bố ông ra tranh cử tổng thống trong tháng 5/2014 và đắc cử tổng thống Ai Cập sau đó [1]
- Nguyên tắc Đảng cử dân bầu. Quốc hội hoạt động trên cơ sở đa số quyết định nên chỉ có chính đảng mới hội đủ số đại biểu quá bán để triển khai chương trình của mình.
Một đại biểu độc lập, dù hay giỏi cũng thúc thủ, vì lẻ loi.
Hệ luận là các cử tri luôn bầu cho ứng cử viên được chính đảng đề cử - đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ nếu là ở Mỹ - và gạt bỏ các người tự ứng cử.
Đảng Cử, Dân Bầu ở các nước dân chủ là vậy. Có nhiều đảng cử nên tự ứng cử không cần thiết.
Mọi ứng cử viên, đến ngày bỏ phiếu, số phận toàn dân sẽ quyết định. Chẳng ai quyết trước.
Mặt khác, ở cấp thành phố trở xuống, sự quản lý mang tính “nội trợ”, lo về nhà cửa, chợ búa, đi lại, cống rãnh, điện nước, phòng cháy, công viên, giải trí... trên một địa bàn giới hạn nên các thị trưởng, hội đồng thành phố v.v... cũng ít, mọi người phải tự ứng cử, đảng không đề cử.
- Ở nước CHXHCN VN bầu cử cũng áp dụng “Đảng cử dân bầu” là nguyên tắc chung.
Như mọi nơi, các cử tri VN bỏ phiếu cho ứng cử viên được chính đảng đề cử.
* Sự khác biệt là ở nước VN chỉ có một đảng duy nhất, danh xưng là “Đảng ta”, áp đặt.
* “Vẽ rắn thêm chân” Đảng ta pháp định Mặt trận tổ quốc (gọi tắt là “Mặt Trận”) là chủ thể duy nhất lập danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
“Mặt Trận” là cơ quan ngoại vi của “Đảng ta”, đứng đầu là một ủy viên bộ chính trị đcsvn.
“Mặt Trận” sẽ tổ chức hiệp thương (họp thương nghị) ba vòng, loại bỏ công dân tự ứng cử căn cứ vào ý kiến đấu tố của nhóm cử tri được chọn lọc kỹ trước.
Đây là một trong những mánh khóe để “Mặt Trận” bức tử các người manh nha tự ứng cử.
Mỗi đơn vị bầu cử có khoảng 200.000 dân. Người không phiếu nơi này, nhiều phiếu nơi khác, ai cũng vậy, xô đi bù lại, cộng tất cả thì mới định ra kẻ có tổng số phiếu nhiều nhất, đại diện hợp pháp cho toàn đơn vị bầu cử 200.000 dân.
Chỉ đếm gian phiếu của nhóm nhỏ vài chục người rồi qui ra là kết quả chung, đại diện toàn thể, gạt bỏ người ta, làm vậy mà được ư?
Điều này làm tôi nhớ xưa thi Tú Tài bán phần Pháp, nếu bài luận văn tiếng Pháp có kém điểm là thí sinh tự động bị loại, không được chấm các môn khác: toán, lý hóa... hay dở không cần biết.
Bầu cử mà cũng có điểm loại ư? Nhưng đó là cách làm của Đảng ta do dân, vì dân, thay dân.
Ông trùm cs Stalin đã chẳng dạy bảo: “Người đếm phiếu quyết định mọi việc” hay sao? (2)
Ở các nước dân chủ thì ban bầu cử hoạt động độc lập với chính quyền (luật hồi tỵ).
- “Bầu cử ở ta cũng có cái giống Mỹ chứ... ở đâu thì cũng là Đảng Cử Dân Bầu, các người tự ứng cử ở đâu rồi cũng đều bị loại, chóng hoặc chầy.”
Ở ta thì các người tự ứng cứ chết yểu sớm, hoặc do “Mặt Trận” nạo thai. Song cơ hội sống sót là có, nhiều dần, lớn mạnh, nhờ khoa học, kỹ thuật, thông tin phổ quát...
Đảng cử dân bầu, csvn - công dân tự ứng cử là đáp án hợp pháp, hợp lý, tối cần thiết.
Đảng ta luôn ca bài: “nhân dân hoàn toàn tin Đảng” chắc Đảng ta dựa trên vài trăm lá phiếu.
Hãy đếm toàn bộ số phiếu và để cho mọi công dân tự ứng cử được tranh cử.
Nhân dân bất mãn, bỏ phiếu cho họ thì vài cái thắng xe đạp cũng không thắng được xe hơi.
Nhưng tương lai, các công dân tự ứng cử sẽ có mặt ở mọi đơn vị bầu cử khắp 3 miền.
02.04.2016
________________________________________
Chú thích:
(1) “Người bỏ phiếu không quyết định gì cả. Người đếm phiếu quyết định mọi việc.”
“Those who cast the votes decide nothing. Those who count the votes decide everything”
Josef Stalin. (LBV “Chuyện bầu cử Mao Toại tự tiến”)