Trần Gia Phụng (Danlambao) - Thành phố bị CS chiếm lâu nhất và bị thiệt hại nặng nhất về nhân mạng cũng như tài sản là thành phố Huế. Huế là tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên, cách sông Bến Hải và khu phi quân sự, ranh giới giữa Bắc và Nam Việt Nam, khoảng 80 cây số về phía nam.
1. Tình hình Huế trước khi cộng sản tấn công
Huế là kinh đô của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945). Đền đài, cung điện, lăng tẩm các vua Nguyễn tập trung chung quanh Huế. Huế là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Vì vậy, Huế chẳng những được người Việt chú ý mà các nước trên thế giới cũng chú ý.
Huế là trung tâm lâu đời của Phật giáo với những ngôi chùa danh tiếng như Bảo Quốc, Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu, Tường Vân... Chùa Bảo Quốc còn là một Phật học viện lớn nhất và lâu đời nhất miền Trung, nơi đào tạo nhiều tăng sĩ Phật giáo đi hoằng pháp và trụ trì các chùa trên toàn cõi VNCH. Một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu thường khuyến khích sinh viên học sinh biểu tình chống chính phủ VNCH, đòi hỏi hòa bình, trung lập, xuất thân tại đây.
Huế cũng là nơi có Tòa Tổng giám mục, một giáo phận Ky-Tô giáo được thành lập vào năm 1850 và được nâng lên thành Tổng giáo phận năm 1960. Đại chủng viện Kim Long, chuyên đào tạo các linh mục, thành lập từ năm 1740, và do các tu sĩ dòng Sulpice (phiên âm là Xuân Bích) giảng dạy từ 1962, nên thường được gọi là đại chủng viện Xuân Bích.
Huế là địa bàn hoạt động khá mạnh của các đảng Việt Quốc và Đại Việt. Đảng Đại Việt từng tổ chức chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), gần Huế để chống chính phủ Ngô Đình Diệm vào các năm 1954-1955. Cũng tại Huế, "Hội đồng Nhân dân Cứu quốc" ra đời năm 1964 trong đó có một số giáo sư và giảng viên Viện Đại học Huế. Báo Lập Trường của nhóm nầy ủng hộ những quan điểm hòa bình và trung lập do một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu miền Trung đưa ra. Hội đồng nầy được xem là đã góp tay vào việc kích động các cuộc biểu tình dữ dội tại Huế chống Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh năm 1964.
Viện Đại học Huế do tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập năm 1957. Viện Đại học nầy là trung tâm văn hóa thu hút sinh viên khắp các tỉnh miền Trung về đây theo học. Sinh viên càng ngày càng đông. Tổng hội sinh viên Huế thường tham gia cũng như tổ chức các cuộc biểu tình tại Huế chống chính phủ từ 1963 đến 1967. Huế là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình dữ dội trong Biến động miền Trung. Cao độ của các cuộc biểu tình nầy là việc đốt phá Phòng Thông tin Hoa Kỳ (U.S.I.S. = United States Information Services) tại Huế ngày 26-5-1966 và đốt phá Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế ngày 1-6-1966. (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, Sài Gòn: Cơ sở Phạm Quang Khai, 1968. California: Nxb. Xuân Thu, 1989, tr. 98 và tr. 103.)
Do tình hình Huế phức tạp như trên, CS hy vọng Huế đủ chín muồi cho một cuộc tổng khởi nghĩa nếu xảy ra cuộc tổng tấn công. Từ đó, CS chuẩn bị khá kỹ lưỡng mặt trận Huế không khác gì mặt trận Sài Gòn.
2. Cuộc tấn công của cộng sản
Trước Tết Mậu Thân, chỉ huy đặc khu Trị-Thiên-Huế (tức Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế) của CS là thiếu tướng Trần Văn Quang. Trần Văn Quang cử Lê Minh, bí thư tỉnh uỷ đảng Lao Động (LĐ) tỉnh Thừa Thiên-Huế, phụ trách mặt trận Trị-Thiên.
Lê Minh chia mặt trận Trị-Thiên thành 3 khu vực: mặt trận Quảng Trị giao cho Hồ Tú Nam phụ trách; mặt trận Phú Lộc (phía nam Thừa Thiên) giao cho một cán bộ tên Chi chỉ huy; còn mặt trận Huế, quan trọng nhứt, do Lê Minh đích thân đảm nhận. Lê Minh lại chia Huế thành hai điểm để tấn công: phía bắc Huế (tả ngạn song Hương), và phía nam Huế (hữu ngạn song Hương.)
Hai hướng tấn công của CS ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hương
Cánh quân phía bắc Huế do một người tên Thu chỉ huy, Trần Anh Liên làm chính uỷ. Lực lượng gồm có trung đoàn 6 (gọi là E-6, gồm có 3 tiểu đoàn), thêm 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội pháo và du kích hai quận Hương Trà và Hương Điền.
Cánh quân nầy xuất phát đúng vào tối giao thừa (29-1-1968) từ rừng núi tây Huế, chia làm 4 mũi đánh vào cửa Chính Tây (nằm về tay trái hoàng thành từ Kỳ đài nhìn vào), cửa An Hòa (cửa Tây Bắc), Kỳ đài (cột cờ trước Đại nội và trước Ngọ môn), sân bay Tây Lộc và căn cứ Mang Cá. Cộng quân làm chủ ngay được cửa Chính Tây, cửa An Hòa và Kỳ đài, nhưng thất bại ở sân bay Tây Lộc và căn cứ Mang Cá, lúc đó là nơi đặt bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh do chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng làm tư lệnh. Đồn Mang Cá là điểm tựa vững vàng giúp quân đội VNCH cũng như Đồng minh tổ chức phản công.
Qua cửa Chính Tây, quân CS tiến chiếm Đại nội. Quân CS dùng bờ thành Đại nội nhằm bảo vệ Kỳ đài, nơi đó, ngày 31-1 (mồng 2 Tết), CS treo một lá cờ lớn của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng. (Don Oberdorfer, sđd. tr. 230.) Để tuyên truyền tài liệu của Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng [Cộng Sản] Huế cho rằng đây là cờ của Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam. Tuy nhiên, khi CS treo cờ tại Kỳ đài Huế ngày 31-1, Liên minh nầy chưa được Hà Nội công bố thành lập, thì làm sao có cờ mà treo? Hơn nữa Liên minh nầy chỉ là một mặt trận chính trị, giống như Mặt trận Tổ Quốc của Hà Nội, không thể được quân đội CS treo cờ lên. (Ngay cả Mặt trận Tổ quốc cũng không có cờ.) (Người viết dò hỏi nhiều người chứng kiến tận mắt tại chỗ lúc đó, họ đều xác nhận là thấy cờ MTDTGP, đúng như tài liệu của Don Oberdorfer.)
Từ Kỳ đài, CS tiến quân theo mé bờ tả ngạn sông Hương (bờ phía bắc) tức theo đại lộ Trần Hưng Đạo, chiếm đồn Cảnh sát chợ Đông Ba, bắt tay với một cánh quân CS khác cũng của E-6, làm chủ hoàn toàn khu vực Đông Ba, Gia Hội.
Cánh quân phía nam Huế do Thân Trọng Một chỉ huy, Nguyễn Vạn làm chính uỷ. Lực lượng gồm có trung đoàn E-9 của sư đoàn 309, trung đoàn 5 (4 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn pháo, và 4 đội đặc công. Cánh quân nầy dự định xuất phát tối giao thừa (29-1), nhưng vừa xuất phát thì bị phi cơ thám thính Mỹ phát hiện và bị pháo kích, phải lẩn tránh nên tiến chậm.
Sáng mồng Một Tết (30-1) cánh quân nầy tiếp tục tiến về phía thị xã Huế. Sau 4 ngày giao tranh, quân CS chiếm gần hết vùng hữu ngạn thành phố Huế cho đến lao xá Thừa Phủ (gần sát tỉnh đường Thừa Thiên). Cộng sản thả khoảng 2,000 tù nhân đang bị giam trong lao xá; những người nầy được CS võ trang để tiếp tay cho CS.
Ngày mồng 3 Tết (1-2-1968), đài phát thanh Hà Nội loan báo thành lập tổ chức Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế do ông Lê Văn Hảo, giáo sư Đại học Văn khoa Huế, làm chủ tịch, và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký. (Chính Đạo, Mậu Thân...,. sđd. tr. 131. Thụy Khê, "Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu Thân ở Hu”, phỏng vấn trên đài RFI, 12-7-1997, đăng lại trên tạp chí Hợp Lưu, California, số 36, tháng 8-9-1997, tt. 197-200.)
Đài Hà Nội cũng thông báo ngày 14-2-1968, ông Lê Văn Hảo được đưa lên làm chủ tịch chính quyền cách mạng Huế, với hai phó chủ tịch là bà Đào Thị Xuân Yến (còn gọi là bà Tuần Chi), và Hoàng Phương Thảo (Thường vụ Thành ủy cộng sản) (CĐ, Mậu Thân..., sđd.131.)
Những đơn vị an ninh của CS hoạt động mạnh sau khi CS tạm chiếm Huế. Những đơn vị nầy truy lùng và bắt giết tất cả những nhân viên chính quyền VNCH và nhân viên làm việc tại các cơ quan Hoa Kỳ, hoặc những người cộng tác với Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA: Central Intelligence Agency). Chính những đơn vị an ninh nầy là tác giả của những cái chết thê thảm tại Huế, nhất là lúc CS chuẩn bị rút lui.
3. Cuộc phản công của quân đội VNCH
Cộng sản tấn công bất ngờ, nhưng không chiếm được căn cứ Mang Cá, bản doanh của Sư đoàn 1 BB do chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy. Mang Cá trở thành đầu cầu để lực lượng Việt Mỹ phản công đầy lui quân CS. Ngoài ra, bên hữu ngạn sông Hương, tức phía nam cầu Trường Tiền (đường di vào Đà nẵng), quân đội VNCH vẫn giữ được đài Phát thanh, Tiểu khu Thừa Thiên, Bản doanh MACV (Military Assistance Command, Vietnam) đặt ở khách sạn Thuận Hóa, và bến tàu Hải quân.
Lúc đó (1968), bên hữu ngạn sông Hương (bờ nam), từ cầu Trường Tiền đi xuống, tại bồn binh, chia thành 3 đường: phía tay mặt là đài Phát thanh; phía tay trái, khoảng trên 500 thước là bến Hải quân (gần khách sạn Hương Giang); đi thẳng đường từ cầu Trường Tiền về An Cựu, dọc theo đường Duy Tân phía bên trái, cách cầu khoảng 500 thước là Tiểu khu Thừa Thiên và khách sạn Thuận Hóa, nơi đóng trụ sở của MACV.
Cuộc phản công bắt đầu vào ngày mồng 3 Tết (1-2-1968). Ngày mồng 5 Tết (3-2), các chiến sĩ Nhảy dù (ND) tái chiếm cửa An Hòa, gần đồn Mang Cá. Cũng trong ngày nầy, Thủy quân lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ đổ bộ ở bến tàu Hải quân trên sông Hương, đến đóng tại Bộ Chỉ huy MACV. Lo ngại cánh quân Hoa Kỳ từ hữu ngạn kéo sang tả ngạn, cộng quân đánh sập cầu Trường Tiền tối mồng 9 Tết (7-2-1968).
Cầu Trường Tiền bị CS đánh sập tối 7-2-1968.
(Nguồn: Leo J. Daugherty - Gregory Louis Mattson,
NAM, a Photographic History, New York: Metro Books, 2001, tr. 294.)
Quân đội VNCH cùng quân đội Hoa Kỳ truy kích mạnh mẽ. Ngày 14-2-, tình hình hữu ngạn được xem là yên ổn, chỉ còn bộ chỉ huy của Thân Trọng Một trốn tránh tại vùng lăng Tự Đức cho đến ngày 25-2-1968.
Khi tình hình hữu ngạn được ổn định, lực lượng Nhảy dù VNCH rút vào miền Nam. Các chiến sĩ TQLC VNCH đến thay thế. Ngày 12-2, TQLC VNCH và TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên bến Bao Vinh, nằm trên bờ sông Gia Hội, gần đồn Mang Cá. Hai bên phối hợp mở chiến dịch Sóng Thần 739/ 68 ngày 14-2, tảo thanh quân cộng sản còn lại trong Thành nội.
Trận chiến càng ngày càng ác liệt, có khi hai bên chỉ cách nhau vài chục thước. Ngày 18-2, TQLC Hoa Kỳ chiếm được cửa Đông Ba (đường Mai Thúc Loan). Quân CS đóng trong Thành nội chỉ còn liên lạc với cánh quân Gia Hội của họ bằng cửa Thượng Tứ.
Trước nguy cơ thất bại, CS tính chuyện rút lui. Ngày mồng 8 Tết (6-2-1968), CS bắt đầu di chuyển thương binh, tù binh, chiến lợi phẩm ra khỏi Huế.
Lúc đó, tại miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, CS chiếm được Làng Vei, một vị trí chiến lược ở tiền đồn Khe Sanh ngày 7-2. Để trả đũa, phi cơ Hoa Kỳ tái oanh tạc vùng phụ cận Hà Nội ngày 14-2, nên ngày 15-2, Quân uỷ Trung ương ở Hà Nội, gởi vào đảng uỷ CS Thừa Thiên Huế một công điện nội dung như sau: "Phải giữ Thành nội, không được rút ra ngoài để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cả nước." (Chính Đạo, Mậu Thân..., sđd.146).
Tại Huế, tình hình càng lúc càng bất lợi cho CS. Lê Minh, bí thư Thừa Thiên Huế, trực tiếp điều khiển mặt trận Huế, tỏ ý muốn rút lui trong cuộc họp ngày 19-2, nhưng còn phải chờ lệnh trên.
Quân đội VNCH và Đồng minh Hoa Kỳ đẩy dần dần quân CS ra khỏi Thành nội. Sáng sớm 23-2, lá cờ VNCH tung bay trên kỳ đài thay thế cờ của MTDTGP. Liên quân VNCH và Đồng minh có thể nói đã làm chủ được tình hình Thành nội từ đây.
Phía cộng sản, "về sau có lệnh: chuẩn bị rút lui lên vùng rừng núi phía Tây, cố bảo toàn lực lượng, mang theo đủ vũ khí chưa sử dụng đến. Khi lệnh rút lui ban bố vào đêm 25 tháng 2, một không khí có phần hoảng loạn diễn ra..." (Thành Tín [Bùi Tín], Mặt thật, hồi ký chính trị của Bùi Tín, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tr. 184.)
Chiến sĩ VNCH chào mừng Quốc kỳ tung bay trên Kỳ đài Huế ngày 23-2-1968
(Nguồn: Nhiều tác giả, The Vietnam Experience, Nineteen Sixty-Eight, Boston: 1983, tr. 37.)
Gia Hội là khu vực hoàn toàn dân sự, không có cơ sở quân sự, cơ sở hành chánh hay kinh tế gì quan trọng. Những nhà chỉ huy hành quân VNCH cũng như Đồng minh nghĩ rằng cần phải tấn công trước những cứ điểm đầu não của CS đang chiếm đóng Thành nội, thì tức khắc CS ở vùng Gia Hội sẽ tự tan hàng rút lui.
Mãi đến ngày 22-2, hai tiểu đoàn BĐQ mới được tung vào Gia Hội để đẩy lui CS. Cộng sản phải rút khỏi Huế, chạy trốn trên vùng rừng núi chung quanh Huế. Chính vì quân đội VNCH đến giải tỏa trễ, và CS đóng tại vùng Gia Hội lâu, nên CS có cơ hội tàn sát đồng bào ở đây nhiều nhất trong thành phố Huế.
(Còn tiếp bài 6: Cộng sản tàn sát đồng bào Huế.)
Bài đã đăng:
(Toronto, 3-4-2016)