Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Có lẽ chúng ta chỉ biết lắc đầu nhìn nhau và cảm động, khi nghe Hoàng Anh Thư của Asia cất lên tiếng hát, tiếng nấc xé lòng cho tháng tư, theo nhịp “khoan thai” của nhạc sĩ Vĩnh Điện, hòa âm của Trúc Sinh. Phải thú nhận khi viết bài thơ và những dòng chữ này, tôi cũng đã tự hỏi mới đó mà 41 năm rồi sao, và 41 năm liệu đã đủ chưa những ta thán thấu tận trời xanh? Tháng tư có riêng những gọi tên cho mỗi người trong chúng ta, sao chừng như nơi đây vẫn không thiếu những giọt nước mắt thầm lặng cho quê hương.
Nhất là tháng tư này bỗng lộ rõ thêm đất nước chẳng còn một con ma lãnh đạo nào biết đau, biết thương lo cho thảm họa “cá nước” này: cá chết mặc cá, biển chết mặc biển, ngư dân chết mặc ngư dân, và trên cạn đồng bào chết cũng mặc đồng bào, tha hồ vô tâm đến nhẫn tâm mời xơi cả cá chết cùng tắm biển chết.
Nói chi đến những quan hoài biển của Tổ Quốc, biển của Việt Nam thăm thẳm ngoài kia. Ngoài kia của những ý đồ trùng trùng gió độc, mưu tính cả chuyện nhà máy điện hạt nhân trên Trường Sa, “cướp” độc như cơn mê sảng cầm nhầm từ thời cổ đại đã có Hoàng Sa, đảng độc hay độc đảng trong ý thức hệ XHCN cũ càng, để vĩnh viễn bành trướng “ giấc mơ Trung Hoa trỗi dậy” hầu nuốt trọn Biển Đông, độc quyền giữ trọn ngôi báu.
Tháng 4 này có những con bò tót đỏ, ăn rồi chỉ biết “cắn cỏ” lý do yếu tố nước ngoài, để thoái thác xử lý, xem xét đền bù và phòng vệ. Điệu này có lẽ chúng ta phải tìm cách dọn cho Đảng mấy bữa tiệc “sushi” làm bằng thi thể của bầy cá trắng dập ven bờ. Để Đảng no lòng mừng Ngày Giải Phóng Miền Nam đã đành, lại còn sắp phải như cá mắc xương chạy tới chạy lui khục khặc, bố ráp những lý do chính đáng của người dân xuống đường, hứa hẹn nhất định lần này sẽ đông nhất từ trước đến giờ vì môi trường khẩn cấp bị đe dọa và còn cả miếng ăn của hàng chục triệu đồng bào Miền Trung Việt Nam đang từng ngày lo lắng. Những mỹ nhân ngư, những chú cá bầy đàn cần cuống quít bên nhau, để đạp sóng chính nghĩa mà đi. Chúc mừng đôi cá Phạm Thanh Nghiên và Huỳnh Anh Tú đẹp như sự quẫy đạp của loài cá, có những chiếc mang song kiếm hiệp hành.
Chính ra chúng ta ở nơi này biển xa cũng ước gì sẽ như loài cá hồi mỗi năm, quẫy đạp quây quần về biển cũ. Nơi đã sinh ra và phóng tìm biển rộng.
Lẽ nào biển cũ bây giờ có khi là biển chết. Bắt biển tọng đầy cả một lòng đại dương hóa chất độc hại, trong đó có nhiều khả năng chứa đầy kim loại nặng, thì cá thở dưới biển sâu cũng phải trồi lên bờ nằm la liệt trắng bụng.
Ai cũng biết cá sống vì nước, và khi nguồn nước bị nhiễm độc thì cá chết. Vậy con người chúng ta sống vì cái gì, và sống như thế nào để không bị đầu độc, trúng độc? Không sống vì Nước, một thứ Nước thiêng liêng đang khẩn thiết kêu gào được sao?
“Rồi sao nữa?” ở đầu bài chính là câu hỏi xoáy mạnh như chưa bao giờ trong đầu mỗi con dân Việt hôm nay. “Rồi sao nữa?” là một mong mỏi chờ đợi, một thách đố của một chuyển động, một tiếp bước, một mời gọi.
Chuyện “cá nước” biết đâu là ý trời, để trong cái rủi chúng ta gặp vận may là đã khiến nhiều người tức giận, bừng tỉnh đứng lên.
Chúng ta nhận ra được họa diệt vong đang dần dà xâm thực cũng sớm gần kề, và đây không phải là chuyện dễ dàng trôi qua, như chuyện cá-tháng-tư. Mọi điều tuồng như đang có bàn tay độc ác luôn toan tính bày ra những vây khổn bất ổn. Một công bố sự thật từ nhà cầm quyền cũng hầu như nín bặt. Đất nước có 24 ngàn Tiến sĩ, và không ít những trí thức, những nhà sinh học khoa học… cần phải mở ra những quan tâm đến những lợi nguy quốc gia, mà chính hệ thống công quyền này đã tỏ ra xem thường tất cả mọi tầng lớp người dân, xem như chúng ta là những bầy cừu ngu ngốc, ngoan ngoãn. Hay nói đúng hơn, chỉ có những bầy cá bị mắc cạn mới phải trơ mắt nằm chờ chết,và mốc điểm tháng 4/2016 chúng ta cũng phải từ chối làm thân cá nằm trên tấm thớt. Những thứ cá già cỗi ướp lạnh quá lâu, không chất sống lờ đờ, ươn sình không thể lãnh đạo ai được.
Sự kiện cá biển chết hàng loạt và hàng loạt như thế chưa từng xảy ra ở VN, và sự ngâm tôm bất lực của đương kim tứ trụ triều đình, đặc biệt thấy rõ qua sự thăm viếng qua loa nín khe của Tổng Trọng cũng như mở ra lấy lệ cuộc họp báo khôi hài, và kéo dài suốt cả tháng tư đã làm mọi người quá hoang mang không còn chờ đợi những giọt nước cuối cùng “cấm chỉ” vỡ tràn ra.
Chúng ta không đui mù để không thấy tầm nguy hại ở Vũng Áng, cũng như đã từng thấy ở Bauxit Tây Nguyên… trên bình diện rộng có tính cách dự báo cho tương lai quốc gia. Nhưng lần này chúng ta phải nhất quyết cứu vãn tình thế đã đến hồi nghiêm trọng cho thế hệ con cháu cả bây giờ và mai sau.
Hẳn là không ít vị trong chúng ta biết mình phải làm gì lúc này, lúc đang có một chuỗi ngày nghỉ “ăn mừng giải phóng” để tha hồ định thần lại bản chất của cuộc “giải phóng Sài Gòn 30/4/1975” và cũng là dịp rảnh rỗi trang bị cho mình những cần kíp của ngày tháng nguy khốn sắp đến. Để nói với những chính sách kinh tế đen tối “đi đêm” của nhà nước này phải chấm dứt ngay việc coi thường rẻ rúng sức khỏe cũng như sinh kế mưu sinh của chính đồng bào mình trước hết. Một khía cạnh của Formosa hay “F-mosa” để thấy những hệ lụy của một nhóm người để lại cho đất nước không chỉ là những hủy hoại môi trường, mà còn là sự hủy hoại mọi tinh thần lệ thuộc ỷ lại, kể cả khả năng sản xuất, kỹ năng học hỏi để có thể tự thân làm chủ, khuếch trương cho doanh nghiệp nước nhà. Chúng ta không phản đối những “béo bở” văn minh của những đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế, thương mại, những cần phải trắc nghiệm lại những lợi ích quốc gia với những lợi ích riêng tư.
Tháng tư, kỳ thực tôi không dám nói năng rao giảng một điều gì mà nhiều người cũng đã bàn đến, ngoài những trăn trở đã gói trọn tấm lòng trong những lời thơ ý nhạc, xin kính mời bạn đọc lắng nghe và chia sẻ.
Không phải chúng ta đang ở trong một tháng tư phải tự đặt lại câu nói của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt: “Có nửa triệu người buồn nửa triệu người vui.” Với tôi, có lẽ phải nói “triệu người buồn triệu triệu chẳng vui” mới đúng là… hòa giải, thấm thía.