Ráng làm người… tử tế - Dân Làm Báo

Ráng làm người… tử tế

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - ...Tình trạng đất nước hiện tại, nghĩ cho cùng lỗi chẳng phải của riêng XXX. Cả cơ cấu chính quyền của chế độ cộng sản do Hồ Chí Minh thiết lập nó sẽ (phải) như thế. Lịch sử đã chứng minh, suốt gần một thế kỷ, chưa có một quốc gia nào trên thế giới theo chủ nghĩa cộng sản có thể giàu mạnh, phát triển, người dân sống tử tế với nhau. Ngày nào còn khuôn mặt Hồ Chí Minh trên những tờ giấy bạc của Việt Nam, đảng cộng sản còn nắm giữ quyền hành thì (e rằng) người dân Việt khó lòng mà đối xử tử tế với nhau...

*

Ngày 23.03.2016, „đồng chí“ Nguyễn Tấn Dũng, tức Ba Dũng hay gọi theo lời Tư Sang là Đồng chí X, khi trở thành "đồng rận" đã (buồn bã, bực bội) nói lời chia tay với cuốc hội Ba Đình (làng) sau 9 năm, 10 tháng ăn trên, ngồi trước.

Lời chia tay của Ba Ếch (XXX) thật ra cũng không có gì đáng bàn tới, bàn lui, bàn xuôi, bàn ngược, bàn trước, bàn sau…, nếu Đồng chí XXX không kết thúc bài nói chuyện (cuối cùng) bằng lời nhắn nhủ 19 thành viên trong nội các cùng về quê (giặt quần lót cho vợ) cũng như cho chính bản thân rằng: "Về hưu ráng sống cho tử tế, làm một đảng viên tốt, công dân tốt".

Họ Thạch tui, dù đọc câu nhắn nhủ này trên báo online, đã bật cười ngặt nghẽo, cười đến cứng cả quai hàm, suýt té khỏi ghế. 

Hóa ra, lâu nay ông thủ tướng XXX, đứng đầu hành (lạc) pháp cùng nội các đã sống không tử tế chút nào, giờ đây bị người đồng rận (thân thương và kính mến) chơi cho rạt gáo, tước mất quyền hành trước nhiệm kỳ lại lên tiếng kêu gọi đồng sự lẫn (đồng đảng) ráng sống cho tử tế. 

Hèn chi mà đất nước càng ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh đến chỗ vỡ nợ, sắp sửa tiêu tùng vì phá sản do tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình...

Nhưng cười xong, suy nghĩ lại, tôi thông cảm cho Ba X. Phải chăng con chim trước khi chết cất tiếng kêu đau thương, con người (cộng sản) trước khi chết biết nói lời công đạo (tặc)? Hay là oan hồn Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh hiện về, nhập vào Ba X khiến ông đột nhiên phát biểu (thật thà) như dzậy?

Câu nhắn nhủ của Ba X với các đồng đảng cũng như cho bản thân, chứng tỏ rằng cả cuộc đời mình, Ba X chưa bao giờ là một người tử tế.

Chữ "ráng" là của miền Nam, miền Bắc là cố gắng - chỉ một trạng thái phải tận dụng thể chất, đầu óc, hành động, suy nghĩ hơn mức bình thường, hàng ngày. Phải vận dụng trí óc, thể lực, sức mạnh, khả năng tối đa... để vượt qua trở ngại, thách thức, hầu đạt được một mục đích, một mưu mô, hoàn thành một kế hoạch, công việc nào đó đang làm. 

Mà nói thiệt tình nghe, dù dốt nát, ít học, họ Thạch tui hồi nào tới giờ chỉ nghe nói ráng học, ráng làm việc, ráng thi đậu, ráng lấy cái bằng... tú tài (để vào lính, khỏi đi trung sĩ)... chứ chưa hề nghe nói... ráng sống cho tử tế bao giờ. Hơn thế nữa, nó lại được phát ra từ cái miệng của một người đã một thời gian dài hét ra lửa, mửa ra khói như Ba X. 

Phải chăng Ba X muốn gửi đi một thông điệp ngầm cho Nguyễn Phú 'Trọng và các nhân vật khác trong Tứ Đầu Chế? 

Nếu có, thông điệp đó là gì?

Chỉ cần tinh ý (chút xíu) mọi người thấy ngay ý nghĩa của lời nhắn nhủ: "Cờ tới tay ai, người đó phất. Tôi và các chú ăn đã đủ rồi, giờ hãy nhường cho người khác ăn với. Nếu họ có tham những, hối lộ, rút ruột công trình mà chúng ta có thấy, cũng nên làm ngơ, nên đối xử tử tế với họ. Hô hoán, tố cáo đồng chí (làm bậy) là không nên".

Chín năm, mười tháng trên tột đỉnh quyền hành, XXX cùng nội các đã để lại một di sản tệ hại khủng khiếp cho dân tộc việt Nam. Đó là sự lụn bại về kinh tế, môi trường bị tàn phá, bị ô nhiễm vì những công trình ngu xuẩn. Đất, biển, rừng, những vùng chiến lược quan trọng đến an ninh tổ quốc liên tiếp lọt vào tay tên Tầu cộng bá quyền. Thực phẩm hư thối hay bị nhiễm, nhúng hóa chất gây ung thư tràn lan từ Hà Nội vào Sài Gòn xuống đến Cà Mau, Châu Đốc... đang giết hại chậm chạp nhưng chắc chắn cả một dân tộc.

Giả sử lúc đang có quyền hành tối thượng, Ba X chơi đẹp, sống tử tế, hủy bỏ điều 4 (lù lù) trong hiến pháp, thành lập nền cộng hòa với tam quyền phân lập với tự do báo chí thì giờ này Việt Nam đâu đến nỗi (dâu bể) tang thương, kinh tế lụn bại, nợ công ngập đầu... 

Nhưng nói (chơi) vậy thôi, ai cũng biết Ba X hoạt động giao liên, phá hoại ở miền Nam từ năm 12 tuổi. Dù sinh trưởng ở miền Nam, nhưng Ba X không được học hành đàng hoàng, chỉ giỏi phá làng, phá xóm thì khi lãnh đạo đất nước, khả năng đâu để xây dựng, phát triển quốc gia?

Nếu trong gần 10 năm cầm quyền, Ba X không cho Tầu cộng khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, không thành lập quả đấm thép (rỉ) Vinashin, Vinaline... thì giờ đây ông khuyên các "đồng chí" của ông ta ráng sống tử tế nghe còn lọt lỗ nhỉ. 

Me! Ăn cho đã, ăn cho ngập họng, giờ hết quyền hành lại lên mặt đạo đức, khuyên nhủ người khác nên (ráng) sống tử tế.

Chịu khó "động não" thêm chút đỉnh. Ở cương vị một người dân bình thường, Ba X tử tế hay không thì sự thiệt hại, ảnh hưởng đến xã hội, dân tộc, đất nước không nhiều lắm. Tử tế thì bạn bè, hàng xóm, láng giềng thương mến, không thì họ ghét, có vậy thôi.

Ở địa vị thủ tướng, lãnh đạo đất nước, sự không tử tế của Ba X tác hại không lường được. Nó làm băng hoại văn hóa, xáo trộn xã hội, kinh tế khủng hoảng, lụn bại…

Bởi không tử tế nên Ba X mới cho Tầu cộng vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, cắm một cái cọc nhọn vào yết hầu đất nước Việt Nam, sau đó bán rừng, bán biển để làm giàu. Vinashin, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Vinaline... toàn những công trình không tử tế.

Tui vốn dân Ba Ke chín nút, nhưng chín nút ngược, nghĩa là ông già, bà già vào Sài Gòn từ hồi nẫm, năm 1945 lận, nên mấy anh em, trừ ông anh cả sinh năm 1944, còn lại đều sinh ra ở Sài Gòn. 

Dân di cư, gốc lao động, thuộc giai cấp dân nghèo (thành thị), nhưng thà "Nghèo mà yên bình còn hơn giàu mà hỗn loạn" như ông Hoàng Trung Hải, thành viên của Oberstrat Mafia đỏ tuyên bố, cho nên gia đình tui (may mắn) không ai (dại dột) nghe theo tiếng gọi "Đấu tranh này là trận cuối cùng" để chui vào bưng thành Việt cộng quậy phá, đắp mô, đặt mìn, pháo kích, ám sát, giết hại đồng bào.

Sinh ra, lớn lên ở Phú Nhuận, khu đường Võ Di Nguy - Nguyễn Minh Chiếu gần chợ Lò Đúc, tui học hành, chơi bời với đám bạn trong xóm, đa số là dân miền Nam cùng với một số người Tầu gốc Quảng Đông nên nhiễm cái tính lè phè, không biết lo xa, tới đâu hay tới đó. 

Đánh đáo, tạt lon, quật bông vụ, bắn bi... thứ nào tui cũng chơi tới bến, ông bà già nản quá khi thấy thằng con không chịu học hành, suốt ngày lê la khắp xóm, mâm nào cũng có mặt nên hay la:

- Mày không (ráng) học, chỉ ham chơi, lớn lên làm gì ăn hả con?

Tuy nhiên tui chỉ có tật ham chơi. Cái xóm lao động nơi gia đình tui cư ngụ, từ những năm 1950, khi còn gọi là Ấp Trung Nhất, xã Phú Nhuận, đến năm 1975 rất ư là bình yên, không có người dân nào phải (ráng) sống tử tế cả. Nói hoàn toàn không có trộm cướp cũng không đúng, thỉnh thoảng có xảy ra một hai vụ nhỏ như ăn cắp xe đạp, giật dây chuyền... nhưng không lền khên và táo bạo như bây giờ. Chuyện cướp của, giết người thi rất hiếm, không đầy dẫy như trên báo chí hiện nay.

Dân tình đối xử với nhau thân mật, vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau, hiếm khi xẩy ra va chạm, hoặc nếu có cũng được giải quyết êm đẹp giữa làng giềng với nhau. 

Sau tháng tư năm 1975, khi "Cắt Mạng" vào, Ấp Trung Nhất và Ấp Trung Nhì đổi thành phường 15, quận Phú Nhuận, sự tử tế giữa những người hàng xóm, láng giềng với nhau đã không còn như trước. 

Tổ trưởng, tổ phó an ninh, sổ hộ khẩu thay cho sổ gia đình, chính sách lương thực... đã làm cho cuộc sống hiền hòa, yên bình của người dân miền Nam lộn tùng phèo.

Mặc dù sự nghi kỵ, dò xét, dòm ngó, báo cáo lẫn nhau giữa những láng giềng, hàng xóm của người dân miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng, không đến nỗi khốc liệt, ti tiện, đê hèn như miền Bắc, nhưng tình cảm, cách cư xử của người dân Sài Gòn và miền Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. 

Những xung đột nhỏ nhặt giữa hàng xóm với nhau trước đây có thể dàn xếp giữa hai người hoặc hai gia đình, giờ lại bị đem ra mổ xẻ nơi chốn đông người như là một phiên tòa gọi là phê bình, kiểm điểm, đấu tố lẫn nhau.

Cứ vài ba ngày tới một hai tuần lại có một cuộc họp ở tổ dân phố. Chiến tranh đã chấm dứt nhưng đời sống người dân lại căng thẳng, khó thở, ngột ngạt hơn trong thời chiến rất nhiều. Dân Sàigòn nằm ngủ không còn lo đạn súng cối 82, hỏa tiễn 122 ly bay (lạng quạng) rớt vào nhà mình nữa nhưng lại phải dè dặt, bớt ăn, bớt nói, làm gì cũng phải ngó trước, nhìn sau.

Thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa tiêu dùng... trở nên khan hiếm. Hàng xóm, láng giềng có muốn tử tế, giúp đỡ nhau (ngó bộ) cũng khó, khi phải chen chúc, sắp hàng, gọi nhau ơi ới để mua than bùn, củi ướt, gạo mốc, dầu hôi, vải vóc...

Đến khi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội quá độ lên chủ nghĩa tư bản (rừng rú) bởi cái đuôi "định hướng XHCN" thì sự tử tế trở thành xa xỉ phẩm. Chế độ cai trị bằng luật rừng của đảng cộng sản Việt Nam nay biến hình thành Mafia đỏ. 

Con người muốn sống tử tế phải được giáo dục, chế độ cai trị phải có pháp luật rõ ràng, nghiêm minh cho tất cả mọi người, bất kể là người lao công dọn dẹp đường phố hay thủ tướng, tổng thống. Xã hội phải có kỷ cương, nề nếp, trật tự.

Muốn sống tử tế trong một xã hội xây dựng bằng gian manh, tuyên truyền dối trá, bạo lực, tàn ác, lừa bịp, bất nhân như chế độ cộng sản là điều bất khả thi. Những cuộc thanh trừng, sát hại, truy bức nhau giữa những người đảng viên cộng sản cho thấy chính họ đã không tử tế với nhau thì khi cai trị đất nước làm sao họ có thể tử tế với người dân?

Người dân miền Nam trước tháng tư 1975 vốn dĩ hiền hòa, chất phác, đối xử với nhau xởi lởi, thân tình, thật thà, cởi mở. Trước kia, một chục trái cây ở miền Nam như Lái Thiêu, Bình Dương là 12 trái chứ không phải là 10, đi sâu xuống Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre… một chục trở thành 14, có nơi là 16. Ngày nay tìm đâu ra một chục trái cây loại này? 

Ruộng vườn khô khốc, đất đai nứt nẻ vì nhiễm mặn, hạn hán, cỏ mọc không nổi. Không chỉ người dân cướp của, giết hại, lừa bịp, đầu độc lẫn nhau để sinh tồn mà ngay cả chính quyền, công an, quân đội cũng tham gia vào các tội ác thì làm sao sống tử tế cho được hả ông Ba X?

Bị tước mất quyền hành trước thời hạn, trở thành một người dân như bao kẻ khác, nếu XXX cư xử tử tế thì sự tử tế của Ba X có lợi cho ai? Chẳng cho ai hết, nó cũng không làm cho xã hội Việt Nam tốt đẹp, tươi sáng hơn. 

Giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, đạo đức của dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn bị phá hủy cũng chỉ do sự thiếu tử tế của người cộng sản, khởi đi từ Hồ Chí Minh đến Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẫn... đến các lãnh đạo CS ngày hôm nay.

Tuy nhiên, tình trạng đất nước hiện tại, nghĩ cho cùng lỗi chẳng phải của riêng XXX. Cả cơ cấu chính quyền của chế độ cộng sản do Hồ Chí Minh thiết lập nó sẽ (phải) như thế. Lịch sử đã chứng minh, suốt gần một thế kỷ, chưa có một quốc gia nào trên thế giới theo chủ nghĩa cộng sản có thể giàu mạnh, phát triển, người dân sống tử tế với nhau.

Ngày nào còn khuôn mặt Hồ Chí Minh trên những tờ giấy bạc của Việt Nam, đảng cộng sản còn nắm giữ quyền hành thì (e rằng) người dân Việt khó lòng mà đối xử tử tế với nhau.

03.04.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo