Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đã đưa ra lời tuyên bố sau của Dân biểu Ed Royce (Cộng hòa-California), Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ, ở buổi điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ.
“Trong chỉ vài tuần nữa, Tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam. Mặc dù việc duy trì hòa bình ở Biển Đông và cải thiện các mối quan hệ thương mại là mục tiêu quan trọng chung của hai nước, nhưng khi mối quan hệ này phát triển chính phủ phải cẩn thận lưu tâm đến những vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Nhân quyền cũng phải chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong những việc phải làm của Tổng thống.
Cho dù chính phủ hình thành mối quan hệ của chúng ta như thế nào chăng nữa, Việt Nam vẫn là nhà nước cộng sản độc đảng vi phạm nhân quyền nặng nề.
Hôm nay như chúng ta sẽ nghe từ vợ của nhà hoạt động và luật sư nhân quyền đang bị giam cầm Nguyễn Văn Đài, Việt Nam cần phải cải thiện rất, rất nhiều. Vào tháng Mười Hai vừa qua, Nguyễn Văn Đài bị côn đồ chính quyền hành hung tàn tệ và bị bắt giam. Từ đó đến nay, ông không được tiếp xúc với luật sư hay ngay cả với gia đình. Hiện nay người ta không biết tình trạng của ông Đài trong hoàn cảnh bị giam cách ly, cho nên bà Vũ Minh Khánh lo âu là đúng.
Buồn thay, cách đối xử như thế với Nguyễn Văn Đài hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt. Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, ‘công an vẫn thường xuyên tra tấn các nghi can để bắt họ nhận tội và thỉnh thoảng xử dụng vũ lực quá đáng để đáp trả lại những phản kháng về những vụ trục xuất ra khỏi nhà, tịch thu đất đai, và các vấn đề xã hội khác.’ Năm ngoái, hơn 40 blogger và những nhà hoạt động nhân quyền đã bị những nhân viên an ninh chính quyền mặc thường phục hành hung. Cho nên chẳng ngạc nhiên là chẳng một ai phải chịu trách nhiệm.
Bộ luật hình sự của Việt Nam tội phạm hóa sự chỉ trích chính quyền và ‘lợi dụng tự do dân chủ’, còn những luật khác hạn chế tự do tôn giáo và truyền thông. Những blogger như Anh Ba Sàm, Nguyễn Thị Minh Thúy, và Nguyễn Ngọc Già vẫn đang ở tù vì lên tiếng ủng hộ nhân quyền, bị tù vì ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ.’ Cho nên chẳng ngạc nhiên là Việt Nam xếp hạng thứ 175 trong số 180 nước về tự do báo chí, sau Cuba, Ả Rập Saudi, và Iran.
Tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng là mối quan tâm chính, vì chính quyền tiếp tục hạn chế thực hành tôn giáo qua những yêu cầu đăng ký, sách nhiễu, và giám sát. Các chi nhánh của giáo hội Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, và Cơ Đốc và Tin Lành độc lập đều bị cấm và đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền vì thực hành tôn giáo ôn hòa. Hòa thượng Thích Quảng Độ, người mà chủ tịch Smith và tôi đã gặp gỡ, vẫn còn bị quản thúc tại gia kể từ năm 1998 vì niềm tin tôn giáo của mình.
Nếu Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ xây dựng mối quan hệ mạnh hơn thì chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, hoặc về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, hay tự do hội họp. Đây là thông điệp Tổng thống cần chuyển đến trong cuộc thăm viếng sắp đến - tuần qua tôi đã viết thư cho Tổng thống yêu cầu ông mang theo thông điệp này. Tất cả chúng ta đang theo dõi. Chuyến công du của Tổng thống không thể nào là sự lặp lại chuyến công du của ông sang Havana.”
Nguồn:
Trích dịch từ Targeted News Service ngày 10 tháng Năm 2016. Tựa đề của người dịch.