Kỳ 23: Lại chuyển nhà giam, gặp người bạn tù Lê Văn Nhung - Dân Làm Báo

Kỳ 23: Lại chuyển nhà giam, gặp người bạn tù Lê Văn Nhung

Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - Sáng ngày 8 tháng 3 năm 2012 cửa buồng giam vừa mở, chúng tôi nhận được lệnh chuẩn bị hành lý để chuyển nhà giam. Tôi cùng với các tù nhân khẩn trương thu xếp hành lý cá nhân bao gồm: quần áo, chăn màn và xô chậu đựng nước và bát thìa ca cốc. Mỗi người chúng tôi ôm một ôm vừa nhẹ là hết. Chúng tôi được vị quản giáo Nguyễn Văn Thành tức (Thành cao) dẫn đi, vì quản giáo Thành là quản giáo cũ của tôi nên có vẻ gần gũi tôi hơn, vừa đi quản giáo vừa hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi, qua câu chuyện quản giáo Thành cho tôi biết rằng chị Hồ Thị Bích Khương lại vừa bị trại giam ký quyết định kỷ luật vì có thái độ vô lễ với quảng giáo.

Tôi cũng trò chuyện với ông rất bình thường, quản giáo Thành dẫn chúng tôi đi vòng qua trước nhà B2 rẽ sang khu nhà C, đi qua nhà C1 và dừng lại trước nhà C2. Một dãy nhà giam cũ kỹ, lâu không giam giữ nên mốc rêu xanh. Quản giáo mở buồng giam số 1 bảo tôi cùng 2 phạm nhân nữa bước vào rồi khóa cửa lại. Quản giáo nói: Các anh cứ vào đây cán bộ Thế sẽ là người trực tiếp quản lý các anh.

Cán bộ Trần Đình Thế là một người còn khá trẻ hình như người này cũng mới ra trường, còn mang hàm thiếu úy, trước đây vài lần cán bộ này thỉnh thoảng trực thay cho quảng giáo Tiến nên cũng biết tên tôi từ trước. Khi tới nhận nhiệm vụ quản lý nhà giam C2, cán bộ Thế giao cho chúng tôi tự dọn dẹp buồng giam cho sạch sẽ. Trong buồng có 3 người, tôi và cậu Hùng người Diễn Thành Diễn Châu, anh Hồ Sỹ Toàn người Đồ Thành Yên Thành. Chúng tôi bắt đầu quét dọn căn phòng nhỏ, hai bục xy măng là giường nằm của chúng tôi, chúng tôi dùng dẻ rách cọ những rêu mốc trên tường, thau rửa bể nước và hố vệ sinh.

Anh Hồ Sỹ Toàn là một tù nhân bị nhiễm HIV, anh chỉ hơn tôi khoảng 10 tuổi nhưng nhìn anh như một ông cụ 70.

Vài ngày chúng tôi đón thêm một tù nhân khác, dáng vóc cao to cứng cáp; cậu ấy tên là Lê Văn Nhung, người Nghĩa Đàn. Nhung vừa bước vào buồng khúm na khúm núm vẻ rất thiếu tự nhiên. Cửa buồng vừa đóng lại Hùng quát Nhung ngồi tựa lưng vào tường, dơ gót chân tặng liên tiếp ba bốn cái vào ngực của Nhung, Nhung nhăn mặt cố chịu đựng. Tôi can Hùng lại không cho đánh Nhung nữa. Hùng dừng không tiếp tục đánh nữa nhưng lớn tiếng quát nạt, uy hiếp đe dọa mà theo Hùng là đang “dạy dỗ” để Nhung sống cho biết điều.

Bữa tối ăn xong, buồng giam đóng kiến hai lần cửa. Màn đêm lại dần buông xuống, qua khe cửa buồng giam, một tia sáng của bóng đèn điện trại giam hắt vào cũng là luồng ánh sáng duy nhất để chúng tôi có thể phát hiện được lối đi vệ sinh.

Như thường lệ mấy buồng giam gần nhau lại í ới gọi qua gọi lại xin nhau thuốc lào, hay xin lửa, những cục dẻ cuộn tròn buộc chặt được nối dây dài lại bình bịnh vượt qua những bức tường phân cách, nhảy qua những khoảng bê tông, mang thuốc, mang lửa đi từ buồng này sang buồng khác.

Tối hôm đó qua câu chuyện của Nhung kể lại tôi biết được Nhung là người dân tộc Thổ làm nghề thợ xây, thường thì Nhung hay theo người làng đi làm ở Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam. Nhung sinh năm 1974 lấy vợ khá sớm cậu có 2 đứa con trai, một sinh năm 1992 và một sinh năm 1993 cả 2 đứa con đều vào Nam làm ăn. Vào khoảng cuối năm 2011 do vợ bị ốm, Nhung phải nghỉ làm quay về nhà chăm lo cho vợ. Khi bệnh tình của vợ đã tạm ổn định, Nhung muốn tiếp tục vào Đà Nẵng để theo nghề thợ hồ, nhưng không có tiền lộ phí, mà nếu cứ ở nhà cũng chẳng biết lấy gì sinh hoạt. Vốn dĩ trước đây có thời kỳ Nhung đã từng làm thợ điện của thôn nên có chút kinh nghiệm tháo lắp các thiết bị điện. Một hôm nhìn thấy đường điện của làng bên có các đồng hồ đo điện (Công tơ đo đếm) treo rất sơ sài, Nhung nảy ra ý định trộm số đồng hồ đo điện bán để lấy tiền làm lộ phí đi Đà Nẵng. Tối hôm đó Nhung quyết định một mình cầm theo chiếc kiềm cách điện, tháo trộm được 9 cái mang đi bán cho cửa hàng phế liệu được giá 20.000đ một cái tổng cộng là 180.000đ. Với số tiền 180.000 đủ để Nhung lên đường vào Đà Nẵng.

Nhung mới vào làm chưa đầy 1 tuần thì nghe vợ gọi điện báo Nhung phải về ngay vì có giấy gọi của Công an, Nhung hoảng hốt sợ hãi, ứng tiền công quay về nhà. Vừa tới nhà thì Nhung bị công an bắt đưa về công an huyện Nghĩa đàn giam tại đó.

Nhung kể: Em rất thành khẩn khai báo việc em ăn trộm số công tơ đó ra sao, nhưng em vẫn bị công an điều tra đánh đập rất đau, họ hỏi em về nhiều vụ trộm khác mà em không hề biết họ cứ cố gán ghép cho em, họ tra tấn liên tục nhiều ngày nhưng em chẳng hề biết gì rồi họ mới thôi. Ăn tết xong thì tòa án đưa Nhung ra xét xử tội danh trộm cắp tài sản. Nhung bị kết án 9 tháng tù giam và phải đền bù 9 chiếc đồng hồ đo điện với giá 400.000 một chiếc.

Nhung kể tiếp: Em không nghĩ rằng chỉ có 9 cái công tơ mà em phải ngồi tù như thế này, thật em dại quá anh ạ. Chỉ vì nghèo thiếu nên sinh ra trộm cắp chịu cảnh tù tội. Hôm ra tòa em lại nhận được tin động trời, thằng con trai lớn của em từ trong Nam về quê ăn tết. Mùng 4 tết bạn gái nói tới nhà chơi, khi bạn gái về nó mượn xe máy hàng xóm đèo bạn ra ngã ba Yên Lý bắt xe. Bạn gái lên xe xong nó lại phóng xe đi đâu không rõ, khi ngang qua đường tàu nó bị tàu hỏa cán đứt đôi người, xe máy cũng tan tành luôn, vậy là bây giờ nhà em khổ lắm anh ạ. Bố thì tù tội con thì chết, tài sản lại phải đền bù cho hàng xóm. Nhung vừa nói vừa mếu máo nghẹn ngào.

Tôi nghe Nhung kể cũng thấy thương Nhung, tôi đồng cảm với những hoạn nạn mà gia định cậu đang phải trải qua. Tôi nói với Nhung: Anh nghe chú kể anh thấy rất thương cho chú, nhưng anh không hiểu sao chú lại có những hành động ngu xuẩn điên dại vậy? Chỉ có không đầy 2 trăm ngàn bạc sao chú không đi vay mượn bà con xóm giềng làm kinh phí đi lại mà lại nghĩ ra cái trò trộm cắp xấu xa như vậy?

Nhung nói: Nhà em nghèo quá anh ạ, đi vay đâu có dễ, mà khi vợ ốm em đã vay mượn nhiều nơi, bây giờ chưa có trả thì biết vay ai được nên em mới liều làm bậy thành ra khổ đời em. Vài ngày sau. khi mới mở cửa buồng giam xong quản giáo Trần Đình Thế cho gọi Nhung ra. Một lúc lâu thấy Nhung quay về buồng và cho biết rằng hôm đó là 49 ngày con trai của Nhung. Do hôm mới nhập trại Nhung có trình bày với cán bộ về việc con trai mới bị tai nạn nên hôm nay cán bộ nhớ ngày, mua vào cho Nhung mấy gói kéo, một bó hương nho nhỏ. Cán bộ dẫn Nhung xuống buồng giam số 10 (buồng giam chưa có phạm ở) mở buồng giam và cho Nhung vào đó đặt mấy gói bánh kẹo lên bục nằm, thắp mấy nén nhang khấn vọng vong hồn con trai cho đỡ tư tưởng.

Nhung nói: Dù rằng biết có thể vong hồn con của em không về đây được, nhưng em cũng thấy nguôi ngoai trong lòng được một chút anh ạ! Việc làm của cán bộ Thế khiến em rất thấy tôn trọng. Ngày tháng cứ dần trôi, lần lượt Anh Toàn, rồi cậu Hùng cũng tới ngày đi trại mới, buồng giam chúng tôi lại tiếp nhận thêm các tù nhân khác, mỗi người một tội danh, mỗi người một hoàn cảnh, một cá tính, nhưng dường như những người sống cùng buồng với tôi ai cũng để lại trong tôi những kỷ niệm đáng nhớ với những câu chuyện đời tư của họ.

Suốt 2 tháng ở nhà chờ C2 Nhung ở cùng buồng giam với tôi, đôi khi Nhung bị người này người khác trong buồng bắt nạt, vì Nhung không có tiền lưu ký, Nhung ăn thức ăn chung với chúng tôi. Tôi cũng tranh thủ thời gian chia sẻ cho Nhung về niềm tin nơi Thiên Chúa, tôi kêu gọi Nhung an năn tội lỗi tiếp nhận Thiên Chúa. Trước khi chuyển đi trại khoảng 1 tháng, Nhung bằng lòng tiếp nhận Chúa. Hằng ngày tôi hướng dẫn giáo lý cho Nhung và một người anh em khác nữa, tôi làm phép Báp Têm cho Nhung ngay trong buồng giam, trước sự chứng kiến của các tù nhân khác và trước sự hiện diện siêu nhiên của 3 ngôi Thiên Chúa. Nhung tiếp thu rất chậm, nhưng được cái rất hay hỏi tôi những gì chưa hiểu. Vì cách dạy và học của chúng tôi là phương pháp truyền miệng, nên chắc nhớ cũng được lâu.

Khi chuyển trại Nhung ôm lấy tôi để chào tạm biệt, Nhung xem tôi như một người anh. Nhung hứa rằng khi ra tù sẽ tìm cách liên lạc với gia đình tôi và ghé thăm tôi. Quả nhiên Nhung hết án trước tôi, khi mới ra trại cậu đã gọi điện cho vợ tôi để hỏi thăm gia đình. Khi tôi ra tù được ít hôm Nhung cũng gọi điện chúc mừng. Từ đó anh em thường xuyên gọi điện cho nhau, tôi thường chia sẻ thêm cho Nhung về Thiên Chúa, kêu gọi Nhung tìm tới một hội thánh nào đó để sinh hoạt. Sau khi tôi đánh mất chiếc điện thoại cũ có lưu số của Nhung tới giờ tôi không có số để gọi cho Nhung nữa, mà cũng chẳng thấy cậu ấy gọi cho tôi. Không biết giờ này Nhung và gia đình có khỏe không, cuộc sống kinh tế ra sao, tôi hy vọng sẽ có ngày gặp lại em, đặc biệt mong em đặt trọn niềm tin nơi Chúa, từ bỏ hẳn những hành vi trộm cắp xấu xa.

Thanh Hóa, ngày 6/4/2016

Nguyễn Trung Tôn
ĐT: 01628387716


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo