Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (Danlambao) - Chùa Liên Trì là ngôi Chùa được xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ tọa lạc tại phường An Khánh, quận 2 Sài Gòn. Từ khi xây dựng đến nay, chùa Liên Trì là nơi gắn bó với đời sống tâm linh cho bà con phật tử và cư dân Thủ Thiêm. Chùa Liên Trì là một trong số ít ỏi những ngôi Chùa còn giữ được truyền thống thuần túy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất kể từ sau biến cố năm 1975. Do vị trí đắc địa nằm gần bờ sông Sài Gòn, đối diện với khu trung tâm sầm uất của quận 1 nên chùa Liên Trì nằm trong “khu đất vàng” của thành phố. Vì vậy ngôi chùa đã lọt vào tầm ngắm của những nhóm lợi ích. Với giá trị lợi nhuận cao cùng những việc công đức mà Hòa thượng Thích Không Tánh (vị trụ trì chùa) đã làm hàng chục năm qua, chùa Liên Trì trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền và họ đã quyết tâm phá bỏ.
Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết ngài đảm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kiêm Tổng ủy viên Từ thiện - Xã hội nên ngài luôn quan tâm làm việc công đức để giúp bà con bá tánh và những người có hoàn cảnh khốn khó. Ngoài ra, ngài cũng quan tâm đến quyền tự do tôn giáo, quyền con người. Hàng chục năm nay, ngài đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện như tặng quà cho bệnh nhi ung bướu, biếu quà cho bệnh nhân phong trại phong Quy Hòa - Quy Nhơn, biếu quà cho quý thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cứu trợ các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương, tặng quà và giúp gạo cho nhiều bà con dân oan các tỉnh thành cùng nhiều gia đình khó khăn khu dân cư Thủ Thiêm. Với tấm lòng từ bi bác ái, ngài mong muốn các phần quà phải tới tận tay những người thật sự khó khăn. Vì vậy, mặc dù tuổi đã ngoài 70, ngài vẫn lặn lội tới từng địa phương trực tiếp tặng quà chứ không thông qua các tổ chức khác. Bởi cớ đó chính quyền đã gây khó khăn và thường xuyên cho an ninh theo dõi mỗi khi ngài làm từ thiện.
Đặc biệt trong những năm gần đây, kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia và là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, các tổ chức XHDS độc lập phát triển thì chùa Liên Trì là nơi họp mặt của các tổ chức XHDS. Nhiều tổ chức XHDS đã họp mặt tại đây để thành lập Ban sáng lập và thành lập các hội đoàn độc lập nhằm phản biện xã hội, cải thiện nhân quyền, dân quyền. Hòa thượng Thích Không Tánh cũng là sáng lập viên của Hội cựu tù nhân Lương tâm, Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Cũng cần nhắc lại trong cuộc đời hành đạo, bảo vệ quyền tự do tôn giáo và quyền con người, ngài đã 3 lần bị bắt bỏ tù với tổng cộng 16 năm tù giam. Ngài được vinh danh nhận giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2015 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tổ chức tại Hoa Kỳ.
Từ những việc làm nhân đạo và giúp đỡ cho các tổ chức XHDS tranh đấu cho tự do nhân quyền nói trên, Hòa thượng Thích Không Tánh và chùa Liên Trì đã bị nhà cầm quyền xem như thành phần đối kháng và họ đã quyết tâm cưỡng chế giải tỏa chùa để bỏ đi cái gai này. Theo thông tin loan truyền trên mạng xã hội, Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết mặc dù không có lệnh cưỡng chế nhưng chính quyền phường An Khánh và chính quyền quận 2 đã họp kín, quyết định ngày 23/6/2016 tới đây họ sẽ cưỡng chế phá dỡ chùa Liên Trì.
Theo Hòa thượng Thích Không Tánh và các thầy cho biết, chính quyền sở tại đã nhiều lần tới vận động các thầy nhận tiền đền bù ban đầu là 700 triệu, sau đó là 5,4 tỷ và mới đây là 6 tỷ để di dời đến khu xa xôi hẻo lánh phía sâu bên trong bến phà Cát Lái. Tuy nhiên các thầy là những nhà tu hành, ý nguyện của các thầy là xây dựng ngôi chùa tại đây để phục vụ nhu cầu tâm linh cho cư dân khu Thủ Thiêm. Nếu chính quyền di dời chùa ra khỏi khu dân cư Thủ Thiêm thì các thầy sẽ không chấp nhận. Các thầy dứt khoát sẽ không nhận tiền đền bù để di dời chùa đi nơi khác. Là những người tu hành, nếu chính quyền sở tại phá dỡ chùa thì các thầy sẽ quyết tâm cầu nguyện xin ơn trên phù hộ độ trì.
Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung là đời sống tâm linh gắn liền với 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ở bất cứ nơi đâu có cư dân sinh sống thì ở đó có nhu cầu về tâm linh, đặc biệt là những trung tâm đô thị lớn. Các cơ sở tôn giáo không những phục vụ tâm linh cho cư dân địa phương, mà còn là những điểm nhấn mang bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hiện nay tại những quốc gia văn minh hiện đại trên thế giới, trong những khu đô thị sầm uất vẫn cần có những ngôi chùa, cơ sở tôn giáo làm điểm nhấn tăng thêm vẻ đẹp và sự trang nghiêm. Việt Nam là một quốc gia mang nặng bản sắc văn hóa dân tộc thì việc duy trì và phát triển các cơ sở tôn giáo trong các trung tâm đô thị là việc cần thiết.
Thiết nghĩ, thay vì di dời chùa Liên Trì ra nơi xa xôi hẻo lánh, nên chăng nhà nước tạo điều kiện cho chùa Liên Trì trùng tu lại khang trang hơn, hài hòa với cảnh quan để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Một khu đô thị xen lẫn các cơ sở tôn giáo sẽ là một cảnh quan hiện đại, văn minh và mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nếu được như vậy thì vừa có một khu đô thị mang đặc trưng của truyền thống dân tộc Việt Nam, vừa hợp lòng dân.
Dưới đây là một số hình ảnh làm từ thiện của chùa Liên Trì:
Phát quà cho bệnh nhân ung bướu
Biếu quà cho bệnh nhân phong trại phong Quy Hòa - Quy Nhơn
Biếu quà cho thương phế binh VNCH
và các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương.
Những ngôi chùa làm tăng thêm vẻ đẹp và
mang đậm nét văn hóa dân tộc cho các khu đô thị hiện đại.
22.6.2016