Trần Quốc Việt (Danlambao) - Biển bây giờ là chén thuốc độc trong tâm tưởng mỗi gia đình người Việt. Theo thời gian cá, nước mắm, và muối từ biển nhiễm độc rồi cuối cùng sẽ lên bàn ăn gia đình. Mỗi bữa ăn là sự cam phận chép miệng. Thôi thì phải thế thôi. Một sự bình thường mới khởi đầu cho những sự bình thường mới khác như thế sẽ chờ ta dọc trên đường đời khốn khổ từ đây về sau.
Những sự bình thường mới này cuối cùng sẽ nhiễm độc toàn diện tâm hồn chúng ta. Một khi con người thờ ơ với số phận của mình, cuộc đời họ bắt đầu là sự sinh tồn đơn thuần về thể chất bên ngoài nền văn minh tinh thần và đạo lý chung của nhân loại. Cuộc đời của họ khiến ta nhớ lời của triết gia Friedrich Nietzsche “các người đã tiến từ sâu bọ lên thành người, nhưng đa phần trong các người vẫn còn là sâu bọ. Ngày xưa các người là khỉ, nhưng ngay bây giờ cũng vậy, con người càng khỉ hơn cả khỉ.”
Đây không phải là sự quá lời hay quá bi quan. Trong xã hội này để sống nhiều người chọn trở thành sâu bọ như lời của tác giả Nguyễn Ngọc Già “Thế là tôi bắt tay và tự hóa kiếp mình trở thành một con sâu… Từ đấy, tôi bắt đầu sống kiếp sâu bọ, như tất cả sâu bọ đang sống và hút dưỡng khí của đất nước này, dân tộc này.” Anh Già tỉnh thức, chọn con đường viết để trở thành người. Nhưng con đường thoát kiếp sâu bọ ấy đã đưa anh đến nhà tù.
Đa phần chúng ta thà tồn tại như kiếp sâu bọ trong nhà tù lớn còn hơn sống như con người trong nhà tù nhỏ. Chúng ta là những sâu bọ chính vì thiếu trách nhiệm với thể chất và tâm hồn của mình và người thân. Những con sâu ẩn sâu trong tim người. Chế độ toàn trị muôn năm trường trị nhờ những sâu bọ bò từ thế hệ này sang thế hệ khác ở bên lề cuộc đời.
Vì vậy xuống đường không chỉ vì môi trường sinh tồn. Xuống đường còn là tấm gương để ta nhìn thấy bóng người một thời của chính mình.