Mai Tú Ân (Danlambao) - Những năm gần đây, nhà cầm quyền CSVN được cho là đã cải thiện được năng lực làm việc và giữ cho Việt Nam có được một sự phát triển bề ngoài vừa phải, ổn định. Nhưng đi sâu hơn vào các chính sách mà họ đang thực thi rộng rãi thì ta có thể thấy ngay rằng, chủ nghĩa dân túy và dân túy hình thức đã và đang được chọn lựa trong các quyết sách của nhà cầm quyền.
Ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét việc hội nhập với bên ngoài qua các tổ chức kinh tế tương ứng. Bằng hàng loạt các biện pháp từ tài chánh, thuế khóa, các luật và dưới luật (nghị định)... nhằm có lợi hay bảo hộ cho các nền sản xuất của mình thêm một thời gian nữa và chỉ có thế mà thôi.
Đứng trước sự hòa nhập không thể cưỡng lại được từ thị trường kinh tế Asian cho đến TPP thì điều đáng chú ý là nhà nước CSVN luôn nêu ra và đòi bằng được một lộ trình cho sư hòa nhập. Qua đó trong thời hạn ngắn dài sẽ giữ được như cũ, tức một mức thuế cao khủng khiếp với lại mức thuế thấp, hoặc bằng không của các ngành nghề như sản xuất ô tô chẳng hạn. Sự co kéo với các đối tác về một lộ trình hội nhập chẳng qua cũng chỉ là một sự kéo dài, bảo hộ không đúng chuẩn và mang hại về lâu dài mà thôi. Nhà nước cùng các tổ chức sản xuất xe hơi trong nước, mà thực ra là của nước ngoài, có thể kiếm được nhiều ngàn tỷ đồng trong khoảng thời gian của “lộ trình” nhưng khi thời gian đó qua đi thì sự cách biệt đẳng cấp, chênh lệnh giữa thuế suất cao và thuế suất thấp sẽ chứng tỏ mạnh của thị trường. Đó luôn là sự yếu đuối của kẻ yếu bảo trợ kẻ yếu. Các công ty sản xuất trông mong vào lộ trình sẽ mãi chỉ đi đằng sau các công ty chấp nhận cuộc chơi mà thôi. Còn nhà cầm quyền thì giống như người cố lượm bạc lẻ trong một cuộc chơi lớn.
Thay bằng nguyên tắc tối thượng của thị trường là chính quyền tốt nhất là chính quyền càng ít tham gia vào các hoạt động thị trường càng nhiều càng tốt, thì nhà cầm quyền Hà Nội luôn là những kẻ can thiệp nhiều nhất vào thị trường. Khi thị trường bất động sản rơi, thì thay vì để kệ nó rơi, vì nó rơi từ chỗ bong bóng vô lý xuống đúng với trị giá thực của nó thì là một điều tốt, thì nhà cầm quyền lập tức có gói dự án 30.000 tỷ đồng năm 2014, và tiếp tục gói dự án 30.000 tỷ đồng tiếp theo. Cứ cho là chính phủ lấy lại được số tiền bỏ ra nói trên, nhưng thực ra thì chỉ nằm mơ giữa ban ngày thôi. Số tiền đó sẽ mau chóng hòa nhập và biến mất dần trong dòng chảy mênh mang trong các ngân hàng và cuối cùng sẽ được thống kê trong nợ xấu... thì điều tai hại là BĐS xấu không chết đi và những kẻ đáng chết mà vẫn hiên ngang sống. Những BĐS lụn bại, quản lý kém vẫn tồn tại để rồi cuối cùng sẽ làm hại thêm cho nền kinh tế.
Các đối sách luôn là bưng bít, che giấu thông tin để có được những con số đẹp nhất, cũng như số tiền nợ xấu ở các ngân hàng được qui về một mối là công ty mua bán nợ xấu VMG. Công ty này có chức năng mua bán nợ xấu nhưng chỉ "mua" chứ chẳng hề bán được đồng nợ xấu nào. Và dĩ nhiên khi trút mọi của nợ vào thì công ty sẽ phình ra nợ vì nợ xấu nên nó sẽ phải bốc hơi và biến mất, để cho mọi điều tốt đẹp ở lại...
Một cái lỗ thủng to hơn cả đáy là “Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân”. Một cố gắng của những người quản lý duy ý chí, lý thuyết suông cũng đang gây tiền chạy ra ngoài nhanh như bị ăn cướp. Có thể họ tốt với ý tưởng nhưng hoàn toàn là những người mơ mộng giữa đời thường khi gây một hình thái tự nguyện thành một phong trào hình thức, đầu voi đuôi chuột, cha chung không ai khóc... BHYT luôn là một chương trình của một nhóm người có điều kiện tham gia chứ không phải của cả xã hội tham gia đồng loạt như hiện thời. Cho đến tận bây giờ thì Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân vẫn chỉ là giấc mơ không thành của thế giới ngày nay. Chỉ có một vài nước Bắc Âu, vì giàu có và vì dân số ít nên thực hiện được, nhưng với gần 30% thu nhập hàng năm ném vào Bảo Hiểm Toàn Dân đó. Ngay cả một nước Mỹ giàu có nhưng việc đưa ra kế hoạch Obama Care, một dạng giống như BHYTTD, cũng gây nên sự chống đối trong nước Mỹ bởi sự khó thành công của nó.
Việt Nam là một nước thực thi chính sách BHYTTD nghe thật vĩ đại nhưng lại lèo bèo về thực tế, với vài trăm ngàn đồng/đầu người/năm. Con số của chính phủ đưa ra là 60 - 80% người dân tham gia BHYT, nhưng thực tế thì chỉ khoảng dưới 30% người dân ở thành phố tham gia. Còn ở các vùng quê, vùng cao thì số người tham gia chỉ là 3-5%, thậm chí có những làng bản người tham gia đóng tiền BHYT là 0%. Không đóng xu nào nhưng họ vẫn có được thẻ BHYT bởi chính quyền địa phương đã đóng thay cho họ, để có được những con số đẹp nói trên.
Còn về mặt bảo hiểm thì theo một chuyên gia nước ngoài, để thực hiện chính sách bảo hiểm trên, Việt Nam cần phải có 10.000 bệnh viện 1000 giường, cùng với 500.000 bác sĩ nhân viên y tế để thực hiện thực sự đáp ứng nhu cầu của BHTD nói trên. Một điều không thể thực hiện được trong 50 năm nữa ở Việt Nam, nhưng BHTD đã thực hiện ở Việt Nam rồi, và nhà cầm quyền cứ phải è cổ ra đóng hàng trăm ngàn tỷ đông mỗi năm cho một chương trình quá sức, quá tham vọng nhưng hoàn toàn rỗng tuếch, đầu voi đuôi chuột, chờ ngày phá sản giống như bao chương trình mà nhà nước đã làm.
Bởi đặt mục tiêu ổn định kinh tế, xã hội, chính trị nên các quyết sách của nhà cầm quyền đưa ra đa phần để lấy lòng tất cả. Từ o bế các nhà đầu tư nước ngoài cho đến lấy lòng giới trí thức khoa bảng, việc phong chức vô tội vạ cho các tướng tá quân đội, CA với biết bao khoản tiền chi ra dưới mọi hình thức đã biến Việt Nam thành một quốc gia vay nợ để sống. Trong khi nợ công ngập đầu thì đảng và nhà nước CSVN đã rộng tay chi tiêu thoải mái với việc xây dựng cả xa lộ trên những vùng núi non (đường Hồ Chí Minh), các sân bay bến cảng vô tích sự, vì không phải lợi ích của những dự án đó, mà do khi triển khai dự án đó thì cũng kích hoạt dòng tiền dự án luân chuyển và sẽ có phần trăm rơi rụng ra để thành thu nhập, thuế má...
Nên ở đất nước Việt Nam ta hiện nay có một tình trạng lạ đời là dù đang nghèo với đủ khoản nợ công lẫn tư chồng chất nhưng chúng ta vẫn hoành tráng xây dựng với các dự án nhiều tỷ đô la. Bù tiền cho các công ty đại gia đang làm ăn thua lỗ, triệt thoái vốn từ các doanh nghiệp có lời để cấp cứu cho khắp nơi khát tiền. Tất cả đều là tiền nước ngoài, ODA, tiền vay cắt cổ... mà mục đích không phải là lợi ích của dự án đó, mà là vì những đồng tiền phần trăm lọt ra ngoài khi dự án được kích hoạt... Những đồng tiền tưởng lớn nhưng té ra nhỏ xíu mà ta đã tận thu giống như một khoản tiền thuê nhà mà ta cho các đại gia thuê, cho đến những khoản bèo nhèo tiền thuế hoa chi mà ta vét túi của các chị hàng xén lúc chợ chiều...
Mặt trời vẫn mọc và lặn như vậy, bao đời nay và nước vẫn chảy qua cầu mà không chảy ngược lại thì tiền bạc vào Việt Nam càng lúc càng khó khăn với những con số thật đẹp nhưng thực tế không đẹp chút nào. Tiền thu về nhiều nhất thuộc hàng điện tử, điện thoại thì Việt Nam đứng danh nhận tiền nhưng thực thu được chỉ khoảng 3-9%, tương ứng với đóng góp, còn ông chủ Hàn Quốc thu được 90%. Xuất khẩu cá là một nguồn thu tốt nhất, tiền đến tay người nông dân nuôi, trồng nhưng mấy năm nay đang thất bát dần, các chủ cơ sở thì đa phần vỡ nợ, thu hẹp sản xuất. Còn tiền thu hóa dầu, những năm trước được liên danh chia là 70.000 tỷ đồng nhưng giờ đây giá dầu ở dưới 50đô/thùng thì càng khai thác càng lỗ, khi mức giá VN khai thác là 55 - 65 đô/thùng. Cả liên doanh Nga và Việt đang chuẩn bị trốn nợ.
Ngay cả chuyện vui khi ta tính tổng thu của người Việt hải ngoại gửi về được khoảng 12-15 tỷ đô/năm nhưng thật nực cười khi ta tính vào tổng nhập của chính phủ. Người Việt hải ngoại gửi tiền đó về là cho bà con họ hàng của họ, chứ có gửi cho nhà cầm quyền đâu mà tính tổng nhập. Rồi họ hàng bà con của họ sẽ nhận hết số tiền đó rồi đem đi ăn, đi chơi chứ có ai cho lại ông nhà nước đồng nào đâu mà tính nhập vui vẻ quá vậy. Bây giờ thì ngồi không, tính quẩn khi trông nhìn vào 500 tấn vàng của dân để vét nốt.
Đứng bên ni thành, ngó bên tê thành không thấy tiền đâu,
Đứng bên tê thành, ngó bên ni thành cũng chẳng thấy tiền đâu...
Chưa bao giờ điệp khúc Tiền, Tiền, Tiền vang lên dữ dội và cấp thiết như hiện nay. Một điệu quân hành réo rắt đòi hỏi của hàng triệu công chức, mà đa phần là ngồi không, của hàng ngàn tướng lãnh, cũng đa phần ngồi không, của hàng vạn công chức Đảng, các tổ chức ăn không ngồi rồi... nhưng luôn khát tiền, réo gọi chính phủ, khiến nhà cầm quyền Hà Nội giờ này giống như một ông Chúa Chổm đang chạy tuột quần đi tìm chủ nợ mới và khoản tiền mới để đổ vào cái thùng không đáy, hay một ông Thạch Sùng đang ngồi mơ cái mẻ kho. Người ta không tát nước cho con thuyền chung sắp chìm mà lại đang đục thủng nó để nó cứ nửa chìm nửa nổi, lơ lửng giữa trần gian...
(còn tiếp)