Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Thay đổi vào lúc này là vấn đề cấp bách, vấn đề sống còn cho đất nước. Hàng chục năm qua đất nước không phát triển, lỗi là do đảng CSVN đã ép buộc dân tộc đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin.
Trong hơn hơn bốn thập kỷ, không những đất nước không phát triển mà càng ngày càng lún sâu vào một số vấn nạn như: lợi tức theo đầu người thua kém các nước láng giềng, công nghiệp lệ thuộc phương Bắc, nợ nước ngoài chồng chất, doanh nghiệp phá sản liên tục, tham ô lãng phí lan tràn, tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống ô nhiễm, bất công xã hội không phương cứu chữa.
Từ ngày áp dụng mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghệ trở thành lạc hậu đến hai ba thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Năm 2014 GDP theo đầu người của VN là 2032 USD, của Singapore là 56.284 USD và của Malaysia là 11.307 USD.
Trên đây chỉ là một bức tranh phác họa sơ qua về tình trạng xã hội và phát triển kinh tế của đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN trong gần nửa thế kỷ. Những dòng viết tiếp theo sẽ đi sâu thêm vào hiện trạng nan giải của những khó khăn mà dân tộc đang phải gánh chịu trong một thể chế độc tài càng ngày càng nghẹt thở.
Hiện trạng của đảng Cộng Sản Việt Nam
Đảng CSVN đang ở tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Vào lúc này họ còn tồn tại là nhờ sự đàn áp của quân đội và công an. Đảng đã mất chính danh lãnh đạo và không còn được nhân dân tín nhiệm nữa. Cấp lãnh đao thì cấu xé nhau để tranh phần quyền và tiền.
Sự tranh chấp xảy ra giữa ba phe: phe bảo thủ, phe cải cách và phe trục lợi. Phe bảo thủ kiên trì bảo vệ đảng, thân Trung Cộng, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Phe cải cách thiên về Tây Phương, chủ trương tư doanh và kinh tế thị trường thuần túy. Phe trục lợi hướng về bất cứ cái gì mang lại cho họ nhiều lợi nhất.
Các “thái tử đảng” được nâng đỡ và thăng chức nhanh đến chóng mặt trong bộ máy lãnh đạo và cơ quan công quyền hoặc trong những doanh nghiệp béo bở. Những người được nêu tên trên mạng và báo chí là Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết (con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) Nguyễn Xuân Anh (con trai của Nguyễn Văn Chí, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương) Nguyễn Bá Cảnh (con trai của Nguyễn Bá Thanh vừa bị đánh thuốc độc chết). Chiều hướng trong đảng là thoái trào và đang chuyển thành gia đình trị và độc tài cá nhân.
Số đảng viên phản đối đảng tiếm quyền làm chủ của dân, đang phát triển nhanh chóng. Những người có ý thức dân chủ cho rằng việc độc đảng lãnh đạo toàn thể đất nước là vô lý và mang tai họa cho dân tộc. Ngày càng có nhiều đảng viên trả lại thẻ đảng và gia nhập hàng ngũ những người đấu tranh cho dân chủ.
Hoạt động dân chủ đang phát triển mạnh mẽ
Hoạt động dân chủ biểu hiện qua một số xung đột kéo dài và không bao giờ chấm dứt trong bốn mươi năm qua.
Trước hết là xung đột giữa những người lao động và những người sử dụng lao động, có thể minh họa bằng con số những cuộc đình công. Số đình công tăng nhanh từ 2004 đến 2008 với 125 nhảy lên 720 vụ, và đến đầu năm 2011 thì vọt lên 978 vụ. Năm 2015 các cuộc đình công biến thành biểu tình của 90.000 công nhân chống lại chính sách bảo hiểm xã hội của nhà nước.
Thứ hai là xung đột giữa nông dân và chính quyền. Từ năm 1979 đã có một cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình. Sau đó là các vụ Đoàn Văn Vươn (2012) ở Tiên lãng, Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết nổ súng bắn chết cán bộ rồi tự sát (2013).
Cũng thuộc loại này phải kể vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang (Hưng Yên) để xây dựng khu đô thị Ecopart (2012) rất căng thẳng, vụ cưỡng chế đất ở Dương Nội (Hà Đông). Dân Dương Nội kéo nhau đi biểu tình ở Hà Nội gần như thường xuyên.
Nhiều vụ cưỡng chế khác bằng bạo lực cũng đã diễn ra tại Kim Sơn (Quảng Ninh), Từ Sơn (Bắc Ninh), Nghệ An, Cồn Dầu, Đà Nẵng, Long An, Cà Mâu… Không nơi nào không có xung đột giữa nông dân với chính quyền liên quan đến đất đai.
Thứ ba, xung đột của dân cư với các doanh nghiệp gây ô nhiễm cũng hết sức nhức nhối. Năm 2008 vụ VEDAN gây ô nhiễm giết sông Thị Vải đã gây ồn ào dư luận. Năm 2013 dân cư Thanh Hóa, của ba xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân, Yên Lâm, phản đối công ty NICOTER chôn thuốc trừ sâu, vẫn chưa giải quyết. Năm 2015, nhân dân Bình Thuận phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của EVN phun bụi gây ô nhiễm.
Thứ tư, xung đột tôn giáo cũng là xung đột kéo dài giữa chế độ và Nhà Thờ. Chủ yếu là vụ khu đất 42 Nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội (cuối 2007), vụ giáo xứ Thái Hà (2008) và một số lớn các vụ khác của Phật Giáo VN Thống Nhất, Cao Đài Hòa Hảo và các giáo phái khác tử Nam chí Bắc.
Thứ năm, xung đột giữa các sắc tộc thiểu số với chính quyền do việc di cư của người kinh lên vùng cao và phát triển kinh tế tại những vùng mà sắc tộc chiếm đa số như Tây nguyên là hết sức gay gắt.
*
Trên đây là một số những xung đột dễ nhận biết giữa nhân dân VN và giai cấp cầm quyền cộng sản. Trong những năm qua, các hoạt động đối kháng chính trị của dân chúng trong nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đặt trọng tâm đòi đảng và Nhà Nước phải tôn trọng và thực thi các quyền tự do dân chủ được ghi trong văn kiện Liên Hiệp Quốc và trong Hiến Pháp, cũng như lưu tâm đến hiểm họa xâm lược của Trung Cộng.
Các cuộc biểu tình của dân oan đòi lại nhà đất bị đảng và Nhà Nước cướp đoạt xảy ra khắp nơi. Hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông và thái độ nhu nhược của lãnh đạo gây phẫn nộ trên toàn quốc khiến hàng ngàn người xuống đường phản đối.
Việc trách nhiệm về môi trường cá chết tại vùng biển miền Trung và việc đàn áp người dân biểu tình chống Tàu cộng xâm lược làm cho người dân căm hờn uất ức. Một xã hội dân sự đang thành hình và trên đường phát triển thành diễn đàn dân chủ đấu tranh cho nhân quyền và công bằng xã hội.
Giải pháp nào cho ngõ bí hiện nay?
Chủ nghĩa cộng sản đã tàn phá đất nước từ hơn bốn mươi năm, một thời gian dài xấp xỉ hai thế hệ. Thời gian kết thúc của nó sẽ chẳng còn lâu nữa. Bây giờ thì những người lãnh đạo cộng sản chỉ còn hai giải pháp để lựa chọn.
Một là: thức thời chủ động lựa chọn tự chuyển đổi hòa bình từ độc tài toàn trị qua dân chủ pháp trị với kinh tế thị trường tự do hiện đại.
Hai là: đợi cho đến khi nào nhân dân vùng lên thực hiện quá trình chuyển thể khi thực tế dồn họ vào thế ở dưới chân tường.
Giữa hai giải pháp nói trên thì ai cũng trông thấy là giải pháp thứ nhất tốt đẹp cho cả đảng và cho cả dân tộc. Lợi cho đảng CSVN vì chế độ sẽ thay đối nhưng đảng vẫn còn tồn tại. Lợi cho nước vì nhân dân sẽ có thể tránh được một tai họa chiến tranh đẫm máu.
Nếu đã lựa chọn như trên thì đảng cộng sản hãy âm thầm thay đối chính sách.
Kinh tế thị trường không cần ai chủ đạo kể cả Nhà nước. Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế. Hiện nay ở VN kinh tế thị trường cần được xác định là nên theo định hướng phát triển hiện đại hơn là định hướng xã hội chủ nghĩa.
Định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn mâu thuẫn với việc phát triển kinh tế thị trường. Tất nhiên bây giờ đã đến lúc phải bỏ chủ trương “thành phần kinh tế nhà nước” là chủ đạo, nếu không thì kinh tế tư nhân sẽ không thể nào phát triển.
Chúng ta đã thấy rồi, tất cả các nước trên thế giới có nền kinh tế nhà nước áp đảo như vậy đều đã phá sản, vậy thì sao ta cứ tiếp tục đi theo. Nếu đảng CSVN không thể nào tuyên bố từ bỏ nó thì cứ im lặng mà từ bỏ nó. Nếu cả chính quyền và dân chúng cứ im lặng mà chấp nhận với nhau như thế thì đó là hạnh phúc lớn cho dân tộc.
Kinh tế VN nên phát triển theo hướng “hiện đại”, nghĩa là phát triển theo tiêu chí công bằng và bao dung cho tất cả mọi người. Trong một nước, nhiều khi tư duy của người dân phát triển nhanh hơn so với chính quyền. Đó là trường hợp của Việt Nam hiện nay. Những người khao khát tự do rất bức xúc vì qua mấy thập kỷ phát triển họ vẫn chưa có những quyền mà hiến pháp đã hứa hẹn.
*
Việc cấp bách là phải khôi phục tính chân thực của lịch sử. Phải nói rõ với quần chúng, nhất là với thế hệ trẻ, nguồn gốc sai lầm của cái chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh đã du nhập vào Việt Nam. Phải giành lại quyền phát ngôn để làm cho tư tưởng này hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Phải nhắc nhở cho đời sau biết là không thể đi vào và cũng thể đi đế tận cùng con đường chủ nghĩa xã hội không tưởng. Thiên đường cộng sản không có giai cấp, không có bóc lột, không có áp bức chỉ có trong tưởng tượng.
Xu thế tiến hóa tự nhiên của loài người không phải là thể chế tư bản mà cũng không phải là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản do tiếp thu chính sách của chủ nghĩa xã hội đã tự điều chỉnh để đi tới nền kinh tế hỗn hợp về chế độ sở hữu. Chủ nghĩa xã hội, thông qua cải cách và tiếp thu những chính sách của chủ nghĩa tư bản, cũng chuyển từ chế độ công hữu tuyệt đối sang nền kinh tế hỗn hợp.
Kinh tế hỗn hợp lấy thị trường làm trung tâm đã tỏ ra là một chế độ mang tính ưu việt. Kinh tế hỗn hợp là sản phẩm lịch sử, là diễn hóa lẫn nhau giữa chế độ tư bản chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa. Con đường này đã là con đường được cả loài người chấp nhận. Nó là bước tiến mới của nhân loại kể từ khi nền văn minh hiện đại của phương Tây xuất hiện.
Đánh giá lại tư tưởng cộng sản trong im lặng, khôi phục trong im lặng sự thật của lịch sử đất nước, hành động trong im lặng để bảo tồn lãnh thổ của tổ quốc là bổn phận của con dân Việt trong lúc này, là một mệnh lệnh thiêng liêng phải được tiến hành không chậm trễ khi mà ý đồ xâm lăng của phương Bắc đang được thi hành đối với tổ quốc bằng cả hai sức mạnh cứng và mềm.
31.07.2016