Boyan Slat: Phải cứu lấy biển - Dân Làm Báo

Boyan Slat: Phải cứu lấy biển

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Lãnh đạo chế độ CSVN, những kẻ phản dân, hại nước, những khách du lịch đến bờ biển để nghỉ ngơi và... xả rác không nên đọc bài viết này.

Thảm họa Formosa xảy ra ở bờ biển miền Trung kéo dài trên 240 km đã hơn bốn tháng. Đã có khá nhiều bài báo trong nước cũng như ở hải ngoại nói về thảm họa này. Công ty Formosa, tác nhân gây ra thảm họa đã nhận lỗi và bằng lòng bồi thường thiệt hại 500 triệu mỹ kim.

Bài viết này không nhằm nói đến những lùm xùm, tranh cãi về nguyên nhân thảm họa, cá chết hàng loạt vì nước biển thiếu dưỡng khí hay vì lượng chất độc do nhà máy Formosa thải ra quá cao, số tiền bồi thường, cách sử dụng, thái độ hèn hạ, vô trách nhiệm với phản ứng chậm chạp, tiền hậu bất nhất của lãnh đạo chế độ CSVN. Mục đích bài viết chỉ muốn nói đến việc làm của Boyan Slat - một người Hà Lan - đã bỏ ngang việc học của mình để thành lập một công ty làm sạch biển mang tên The Ocean Cleanup.

Boyan Slat sinh năm 1994, đã bỏ ngang mộng ước trở thành kỹ sư hàng không (aeronautics and space engineer) ở đại học Delft phía nam Hà Lan để đi thu dọn các vỏ chai bằng nhựa trên biển.

Dự án của Boyan Slat ban đầu tưởng chừng như vô vọng nhưng đã được hơn 100 nhà nghiên cứu tham dự đánh giá về tính khả thi, sau đó được coi là có giá trị hiện thực.

Lý do khiến Boyan Slat bỏ dở việc học là năm 2011, khi anh 16 tuổi, đi nghỉ hè ở bờ biển Hy Lạp (Greece), lúc lặn sâu xuống dưới đáy, Slat thấy nhiều chai nhựa hơn là cá. Tháng 10 năm 2014, dự án của Boyan Slat công bố, vào tháng 06.2014 quyên góp được 2 triệu USD, số tiền cần thiết để biến dự án thành hiện thực.

Phác thảo dự án được giới thiệu tại hội nghị TED (Technology, Entertainment, Design) và được đại học kỹ thuật Delft thực hiện. Đó là một mạng ống cao su đan vào nhau, có chiều dài tổng cộng 50Km, hình chữ V, nổi trên mặt biển và được giữ nguyên vị trí bằng những quả cân nặng khi thả xuống biển.

Khoảng 90% các loại chai nhựa plastic có kích thước từ 20mm trở lên đã được mạng ống cao su này thu gom lại, đưa lên các tầu, thuyền chuyên chở đến các nhà máy recycle. Mỗi một tấn chai, rác plastic được các công ty Recycling ở Hà Lan trả 50 euro.

Tuy nhiên vấn đề chính không phải là số tiền dự án thu được từ việc recycle mà là ngăn chận việc phân hủy các chai, bao rác nhựa thành những microplastic hòa lẫn trong nước biển, đi vào cơ thể các loài cá, sinh vật sống dưới biển. Hầu hết các loại rác bằng plastic đều nằm trên bề mặt biển ở độ sâu khoảng 3m.

Theo sự ước lượng của các chuyên viên, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn plastic được thải ra biển. Hơn một nửa khối lượng đó xuất xứ từ các nước Tàu, Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương, Philippine. Hậu quả là các loài chim biển bị vướng mắc vào các vòng nhựa giữ các lon bia, các loài cá voi, cá heo, bò biển... bị quấn vào các lưới sợi (synthetic fiber) và chết ngạt.

Khảo cứu mới nhất cũng cho biết khoảng 90% các loài chim biển và hơn một nửa các loài rùa biển có plastic trong bụng. Những hạt nhựa nhỏ (microplastic) trôi trong nước biển như những bong bóng li ti độc hại mà các loài sinh vật nuốt phải, không những làm rối loạn tiêu hóa mà còn ngăn cản việc sinh sản, phát triển các loài sò, ốc…

Ocean Cleanup của Bayon Slat hiện có hàng trăm kỹ sư, các nhà sinh vật học, hải dương học... cộng tác. Ngày 22.06.2016, dàn lưới cao su chữ V thử nghiệm đầu tiên, dài 100m đặt ở bờ biển Hà Lan đã đi vào hoạt động. Tháng 05.2015, Ocean Cleanup thông báo trên homepage của mình, sẽ đặt thử nghiệm một mạng ống mới dài 2.000m vào quý 2 năm 2016 tại bờ biển Tsushimas, giữa Nhật và Nam Hàn. Đây là một sản phẩm nhân tạo dài nhất được thả trên biển, dự trù sẽ hoạt động trong vòng 2 năm.

Kết quả công trình do Boyan Slat thực hiện chưa có báo cáo kết quả. Tuy nhiên ý tưởng can đảm, hành động mạo hiểm của một sinh viên 22 tuổi bỏ học để thực hiện mộng đội đá vá trời, cứu nguy biển cả đáng là một bài học cho nhiều người suy ngẫm.

Bờ biển Hà Lan chỉ mới bị ô nhiễm vì chai nhựa, rác plastic…, nhưng đã có người đưa ra ý tưởng, thực hiện kế hoạch dọn rác cho biển sạch sẽ. Kế hoạch đó đã được, không chỉ Hà Lan mà cả thế giới hưởng ứng, đóng góp tài chánh, giúp đỡ phương tiện, chuyên viên. Nhiều dân tộc trên thế giới ý thức rằng biển chết thì loài người cũng diệt vong.

Bờ biển ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã chết. Đã có nhà sinh học, hải dương học, chuyên viên địa chất... nào của Việt Nam có suy nghĩ, có sáng kiến, kế hoạch, tìm cách hồi sinh bờ biển dài 240 km nói trên?

Tài liệu tham khảo: Der Spiegel Nr.33/13.08.2016 pages 100-108 - Wikipedia: The Ocean Cleanup




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo