Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Chiều qua trong lúc đài phường đọc thông báo thì con chó nhà bên cạnh không rõ vì lý do gì bỗng sủa vang một hồi dài, thành thử chỉ nghe được loáng thoáng có hai chữ "đổi mới". Sáng nay mới bảnh mắt đã thấy bà trưởng dãy phố tới nhắc các gia đình treo cờ. Hỏi lý do, bà ta nói đã thông báo trên loa. Hóa ra cái thông báo nghe câu được câu chăng chiều qua là: UBND phường bắt nhân dân treo cờ nhân kỷ niệm CM tháng 8 và 30 năm đổi mới. Cũng không có gì là lạ bởi giống như "CM tháng 8", "đánh thắng hai đế quốc to", gần đây "đổi mới" cũng đã trở thành "món khoái khẩu" để đảng ta "nhấm nháp" mỗi khi "ăn mày quá khứ".
"Đổi mới" bắt đầu 1986 từ nghị quyết của BCT tiếp sau đó là một loạt những chủ trương, chính sách, động thái như: xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, cho tư nhân làm kinh tế, nới lỏng kiểm soát của nhà nước trong kinh tế, mở cửa đầu tư. Cụ thể: Trong thương nghiệp bỏ chế độ tem phiếu, bỏ ngăn sông cấm chợ… Trong công nghiệp cho tư nhân mở nhà máy sản xuất, cho nước ngoài đầu tư,... Trong nông nghiệp giao ruộng đất cho dân sử dụng sau đó thu sản lượng, thuế còn gọi là khoán 10,... Do bị kìm kẹp quá lâu trong nền kinh tế quan liêu bao cấp, "đổi mới" bước đầu đã có một số kết quả tích cực như giải quyết được nạn thiếu lương thực, thiếu hàng hóa tiêu dùng, kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Đặc biệt chỉ vài năm sau khi thực hiện đổi mới, Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực đã bắt đầu xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Tất nhiên là với truyền thống "Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa lãnh đạo thiên tài đảng ta" đảng đã nhanh chóng kịp thời vơ vào công lao trên. Và trên các phương tiện truyền thông của đảng, nó không ngớt được ca ngợi như bước đột phá lý luận, là sự trưởng thành vượt bậc của đảng,... Còn đảng thì lại một lần nữa trở thành “cứu tinh của dân tộc”.
Nguyễn Văn Linh TBT của giai đoạn này liền được phong là "kiến trúc sư" của quá trình đổi mới. Sự ngợi ca một cách thái quá đã biến "đổi mới" thành câu chuyện cười. Vì chế độ tem phiếu, ngăn sông cấm chợ, hợp tác hóa, không cho tư nhân làm kinh tế,... là những chủ trương, chính sách mà họ đã đề ra, thực hiện ở miền Bắc sau 1954, ở cả nước sau 1975, còn những thứ cho khôi phục lại chính là những thứ mà họ đã phá, xóa bỏ của chế độ trước. Tựa như một người đang yên đang lành nghe xui dại tự trói tay chân mình thấy khó chịu bèn cởi ra rồi hét toáng lên khoe mình tài giỏi, sáng suốt, trưởng thành, đột phá tư duy. Trong kho tàng tiếu lâm Việt Nam không thấy có câu chuyện nào giống chuyện này. Nhưng trong tập truyện "Những người thích đùa" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ -Azit Nêxin - thì có. Đó là câu chuyện "Cái kính"
Một hôm, cách đây chừng 7, 8 tháng, có người bạn hỏi tôi:
- Tại sao anh không đeo kính?
- Làm sao tôi phải đeo?
- Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa. Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu!
Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn gần nhìn xa đều không rõ nữa.
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy. Ai nhìn thấy tôi, người ta phải bảo: bác học đấy!
Vậy là tôi đi khám đốc tờ. Khám xong, ông này bảo tôi:
- Anh bị cận thị! 1, 75 đi-ốp!
Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy gì, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!
Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:
- Tôi có thể giới thiệu với anh một ông bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem!
Ông bác sĩ này xem mắt tôi, rồi xem chiếc kính.
- Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mưa cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!
- Thế tôi bị làm sao ạ?
- Viễn thị ! 2 đi-ốp!
Tôi lại mua kính mới. Ðeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Ðâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe; như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có đeo để đi đưa đám là hợp.
Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:
- Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!
Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật: máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng loáng.
Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi:
- Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị!
Giáo sư giận lắm:
- Quân ngu! Anh không phải cân thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị!
Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội bây giờ cái gì như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn buồng tôi sống hàng chục năm nay dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Ðịnh viết, giấy đã chạy xa khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấy bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván… Nhưng hại nhất là tôi không ăn uống gì được. Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi súp nóng bốc ngay dưới mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát súp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa. Một anh bạn phải dắt tay tôi đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:
- Ðứa nào cho anh đơn mua cái kính này đây? Ðúng là đồ lang vườn dốt nát! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!
- Thôi! Cứ để thánh Ala trừng phạt hắn! – Tôi nói.
Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì cũng hóa hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón!
Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Ðức về.
- Ai bảo anh đeo kính này?
- Làm sao ạ?
- Sai chứ còn sao nữa!
Hóa ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối nữa. Xung quanh tôi tối như hũ nút.
- Ðứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?
- Nhưng tôi không thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!
- Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!
Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới… Bây giờ các vật ở xa trông lại hóa gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thủy, thì lại bước ngay xuống biển… Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu bị loạn thị thì ông sau phán là bị đục nhân mắt. Ðeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhân mắt, thì cái gì cũng xa màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu. Nhìn phía trước nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Ði trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ phải bước từng bước dài như lạc đà vậy.
Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn quay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn đến một mét. Cái kính bị văng đi làm tôi không nhìn thấy gì nữa. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy:
- Cái kính của tôi đâu rồi? – Tôi hỏi.
Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì… Thánh Ala ơi!… Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá! Vật nào đúng vật nấy, rõ mồn một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ vậy. Hay kính của người khác chăng? Không! Ðích thị kính của tôi đây mà! Ðúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thuỷ đậu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.
- Kính của anh sao thế kia? – Vợ tôi hỏi.
- Làm sao?
Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết.
Hai câu chuyện trên đều có một điểm giống nhau là: các nhân vật do ngu dốt, dại dột, bị xui dại đều có những hành động vô ích, kỳ quặc. Đến khi chuốc lấy những kết quả tệ hại mới nhận thấy và trở lại hành động bình thường, dĩ nhiên là phải trả giá. Nhân vật “tôi” trong chuyện “cái kính” vì sĩ diện và ngu ngốc nên vừa mất công đi khám bác sĩ, vừa mất tiền mua kính, chịu khổ sở phiền toái khi đeo kính, để rồi cuối cùng nhận ra mắt mình vẫn bình thường, không cần phải đeo kính. Kể lại câu chuyện trên nhân vật “tôi” đã “tự trào” sự dốt nát của mình và tất nhiên độc giả được một trận cười vỡ bụng. Cái giá phải trả cho sự ngu dốt của anh ta cũng chỉ là mất tiền đi khám bác sĩ, mua vài cái kính và đôi chút khó chịu vì phải đeo kính không đúng chức năng. Đảng, nhà nước trong “câu chuyện đổi mới” vì ngu muội đã dập khuôn sao chép mô hình kinh tế của các nước cộng sản đàn anh. Đó là xóa bỏ kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân, xây dựng kinh tế tập thể, thực hiện chế độ bao cấp, nhà nước kiểm soát toàn bộ kinh tế. Đến khi nước cộng sản đàn anh là Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế suy sụp, chế độ đứng trên bờ vực thẳm mới nhận thấy sai lầm và trở lại nền kinh tế thị trường cái đã từng xóa bỏ, xóa bỏ chế độ bao cấp cái do chính mình xây nên. Khác biệt giữa câu chuyện này với câu chuyện "cái kính" là: đáng lẽ phải nhận rõ sự ngu muội, dốt nát thì “nhân vật” trong "câu chuyện đổi mới" này lại tự nhận là “sáng suốt”, là “cứu tinh” của đất nước, dân tộc.
Còn cái giá phải trả cho những hành động ngu muội đó là cực đắt: để hàng chục triệu người phải sống nghèo đói khổ sở hàng chục năm, đất nước tụt hậu kèm theo vô số các hệ lụy khác. Một khác biệt nữa giữa hai câu chuyện là: Khi phát hiện ra không cần phải đeo kính, mắt của nhân vật “tôi” đã sáng trở lại và quan trọng là chắc chắn là anh ta sẽ đoạn tuyệt với việc đeo kính. Trong câu chuyện "đổi mới" lẽ ra phải xây dựng nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó, kèm theo là các cải cách chính trị để phù hợp. Nhưng đảng và nhà nước chỉ thực hiện những đổi mới nửa vời trong kinh tế, vẫn cố tình gắn cho nền kinh tế thị trường một cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” để tỏ vẻ vẫn kiên định với chủ nghĩa Mác Lê. Thực chất là để để bảo vệ địa vị thống trị, quyền lợi của phe nhóm, gia tăng tài sản của các “tư bản đỏ”. Mặt khác kiên quyết không cải cách về chính trị, tăng cường đàn áp những tiếng nói đối lập, đòi tự do dân chủ.
Những đổi mới nửa vời đó đã dẫn tới một xã hội hỗn loạn, tham nhũng tràn lan, đạo đức suy thoái, phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng, uy tín của đảng giảm sút chưa từng có. Câu chuyện "cái kính"là câu chuyện cười thực sự của một nhà văn nổi tiếng dù có đọc đi đọc lại nhiều lần thì độc giả vẫn thích, vẫn cười. Nghe câu chuyện "đổi mới" người ta được trải qua rất nhiều cảm xúc: buồn cười về tính hài hước, ngạc nhiên về sự phét lác, tức giận về sự dối trá, bịp bợm, trơ tráo. Rõ ràng chỉ những kẻ sáng tác ra câu chuyện đó là thích kể và thích nghe. Còn với đa số mọi người, phải nghe và nghe đi nghe lại thật là khó chịu. Việc cho kể đi kể lại “câu chuyện đổi mới” tưởng rằng nâng cao được uy tín của đảng nhưng hóa ra nó lại làm cái điều hoàn toàn ngược lại. Làm cho người dân ngày càng nhận rõ tập đoàn cộng sản Việt Nam chỉ là một bè lũ ngu dốt, bảo thủ, dối trá, bịp bợm phản bội lại dân tộc.