Chấn Minh (Danlambao) - Vào thời điểm này, khi nước Việt đã là một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc và khi biển và đất Việt là nơi mà các xí nghiệp Trung Quốc đang tùy tiện giết hại các sinh vật và môi trường sống với sự đồng tình của đảng và nhà nước, từng người Việt cần phải nuôi dưỡng một ý chí “rửa sạch làu vết nhục nhã ngàn năm” (*) này. Trong việc nuôi chí đó, khả năng biết người biết ta, biết nhìn thấy các hướng đi khả dĩ của lịch sử trong tương lai để chuẩn bị trong hiện tại là một điều cần thiết. Bài viết sau là một quan điểm về tương lai của Trung Quốc trong vòng 5-15 năm tới. Quan điểm này được rút ra từ hai học thuyết chính trị kinh tế của Tây Phương. Đó là mô hình định chế và khái niệm sáng tạo hủy diệt trong kinh tế. Quan điểm dự phóng sự sụp đổ của chế độ độc tài độc đảng đang cai trị Trung Quốc từ năm 1949 trong vòng 5-15 năm tới. Từ dự phóng trên, một câu hỏi bức thiết là: người Việt phải làm gì ngay từ lúc này để chuẩn bị cho sự sụp đổ đó và kéo theo sự sụp đổ của bè lũ cộng sản Việt Nam? Xin được phép dành câu trả lời cho từng người đọc.
Một trong những câu hỏi nóng của địa chính trị và kinh tế vào lúc này là Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một siêu cường khống chế được cả địa cầu hay không? Mục tiêu của bài viết này là tìm một câu trả lời cho câu hỏi trên. Câu trả lời này trên dựa trên một mô hình tương đối mới về quy trình phát triển kinh tế và chính trị của một quốc gia, tức là mô hình định chế của Daron Acemoglu và James A. Robinson và một khái niệm kinh tế đã có từ năm 1943, tức là khái niệm hủy diệt sáng tạo. Như sẽ trình bày trong bài viết câu trả lời sẽ là không. Lý do là Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chừng nào ĐCSTQ còn tiếp tục độc quyền cai trị Trung Quốc và hạn chế các quyền tự do dân chủ của người dân, Trung Quốc sẽ không thể nào có được cơ hội để trở nên một siêu cường như thế. Để đi đến kết luận này, bài viết sẽ mô tả mô hình định chế và sau đó áp dụng mô hình này và khái niệm hủy diệt sáng tạo trong một nền kinh tế vào trường hợp Trung Quốc.
Mô Hình Định Chế
Mô hình định chế khẳng định bản chất các định chế trong một nước định đoạt được sự tự do dân chủ và do đó sự thịnh vượng, hay sự thiếu tự do dân chủ và do đó sự nghèo khổ của nước đó. Dựa trên các khảo cứu về các quan hệ giữa các định chế và thành quả kinh tế của các quốc gia của giáo sư Kinh tế và Lịch Sử Douglas North (khôi nguyên Nobel Kinh Tế vào năm 1996) tại Đại Học Washington ở St. Louis (1), các giáo sư Daron Acemoglu, Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT) và James A. Robinson, Viện Đại Học Chicago, và nhiều người khác, đã đề xuất mô hình này bắt đầu từ các năm 2000 trở đi. Vào năm 2012, hai giáo sư trên đã trình bày và phổ biến rộng rãi mô hình trên cho đại chúng trong tác phẩm “The Origins of Power, Prosperity, and Poverty - Why Nations Fails” (“Nguồn Gốc của Quyền Lực, Thịnh Vượng, và Nghèo Khổ - Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại”) và nhiều bài thuyết giảng khác (2, 3, 4). Mô hình định chế có thể tóm lược được từ cuốn sách và các tài liệu trên như sau.
Các Khái Niệm Chính Của Mô Hình Định Chế
Các khái niệm này được liệt kê dưới đây.
1. Định chế và tập thể là hai diễn viên chính quyết định được chế độ chính trị và khả năng phát triển kinh tế của một nước.
a. Tập thể là cả xã hội, một nhóm người cùng chí hướng, hay lắm khi chỉ là một người đại diện cho một nhóm người hay một ý thức nào đó.
b. Định chế gồm hai thành tố. Một là các các cơ quan, tổ chức hay xí nghiệp nhà nước hoặc tư nhân. Hai là các quy luật - tức là các luật lệ và quy định thành văn như hiến pháp và các bộ luật hộ và hình sự, hay bất thành văn như phong tục tập quán theo đó đời sống của người dân trong nước sẽ tuân thủ và vận hành.
2. Có hai loại định chế tùy theo chức năng: những định chế chính trị chuyên quản lý và chi phối được đời sống chính trị, và những định chế kinh tế chuyên quản lý và chi phối được đời sống kinh tế của cả nước. Tại những nước độc tài độc đảng như Việt Nam và Trung Quốc, các tổ chức đảng, quốc hội, nhà nước và các ủy ban tại mọi cấp từ trung ương đến địa phương chủ yếu là những định chế chính trị. Ngược lại, một xí nghiệp tư sản xuất mì gói chủ yếu là một định chế kinh tế. Các tòa án chủ yếu là những định chế chính trị nhưng khi xét xử những trường hợp kinh tế có thể xem như là một định chế kinh tế.
3. Một định chế có một trong hai đặc tính: bao hàm hay bòn rút.
a. Một định chế bao hàm phục vụ quyền lợi của tập thể và tìm cách tạo điều kiện cho mọi người trong tập thể đều có cơ hội đồng đều để tham gia vào hay hưởng thụ các thành quả của các sinh hoạt kinh tế hay chính trị. Một tập thể bình thường muốn mọi thành viên của tập thể đều cùng có những quyền lợi và cơ hội như nhau, muốn được luật pháp và nhà nước đối đãi mọi thành viên mà không phân biệt sang hay hèn và giàu hay nghèo. Khi các định chế chính trị và kinh tế trong một nước chủ yếu là bao hàm, nước đó biết tôn trọng các quyền tự do dân chủ của người dân, biết tạo điều kiện tốt để cho người dân kinh doanh sinh sống và nước đó sẽ có nhiều cơ may để trở nên thịnh vượng hơn.
b. Một định chế bòn rút có ưu tiên là phục vụ quyền lợi của nó hay là các chủ nhân của nó. Chủ nhân các định chế thông thường là một thiểu số chỉ muốn tìm mọi cách gia tăng quyền lực, hay của cải mà họ đang có qua việc thi hành các chức năng pháp định của định chế. Khi các định chế chính trị và kinh tế trong một nước chủ yếu là bòn rút, quyền lợi và quyền lực của các định chế hay chủ nhân của chúng đương nhiên sẽ chiếm mọi ưu tiên của nước đó. Vì thế tự do dân chủ của người dân sẽ không được tôn trọng và khả năng kinh doanh làm ăn sinh sống của người dân sẽ bị hạn chế. Một nước với các định chế chính trị và kinh tế chủ yếu là bòn rút sẽ thiếu tự do dân chủ và thường là sẽ nghèo khổ.
Mô Hình Phân Loại Các Chế Độ và Mô Hình Sự Hình Thành và Vận Hành Của Các Định Chế
Từ các định nghĩa trên kể trên, một mô hình phân loại các chế độ và một mô hình về sự hình thành và vận hành của các định chế sẽ được đề xuất.
Mô hình phân loại các chế độ. Trên thế giới sẽ chỉ có bốn loại chế độ, như xem được trong bảng phân loại sau.
Acemoglu và Robinson gọi những nước ở ô số 1 trong hình trên là những nước ở trong “vòng tròn đức hạnh” (virtuous circle”). Những nước này là những nước có tự do dân chủ và thịnh vượng và sẽ tiếp tục tự do hơn và giàu có hơn. Họ gọi những nước ở ô số 4 trong hình trên là những nước ở trong “vòng tròn xấu xa” (“vicious cirle”). Các nước này không có tự do dân chủ, thường là nghèo khổ và tình trạng này sẽ ngày càng xấu hơn cho đến khi nước đó trở thành “một nước thất bại” (“failed state”). Các nước ở ô số 3 vì có những định chế chính trị bòn rút, thông thường sẽ thấy các định chế kinh tế trở nên bòn rút hơn và rốt ráo sẽ tụt hậu và rơi vào ô số 4. Các nước ở ô số 2, vì có các định chế chính trị bao hàm, thông thường sẽ có cơ hội cải thiện được các định chế kinh tế sao cho chúng trở nên bao hàm hơn và do đó sẽ có thể vươn lên vào được ô số 1.
Mô hình quy trình hình thành và tồn tại của các định chế. Tập thể và các định chế tương tác theo quy trình này. Vào lúc đầu các định chế then chốt trong một xã hội loài người chủ yếu là những định chế chính trị, tức là gia trưởng, tộc trưởng, tù trưởng, lãnh chúa, vua chúa, v.v... Về sau khi tập thể cùng chủ nhân các định chế sinh sống và làm ăn, các định chế kinh tế sẽ xuất hiện và tương tác với các định chế chính trị và tập thể. Các tương tác trên có thể minh họa được như sau:
Theo hình trên, các hoạt động hay tương tác giữa tập thể (Khung Số 3) và các định chế chính trị (Khung Số 1) và hiện trạng cán cân quyền lực (Khung Số 2) vào một thời điểm t trong thời gian sẽ quyết định được ai có quyền lực thực sự (Khung Số 4) và ai có quyền lực luật định (Khung Số 5), và từ đó sẽ sinh ra những định chế kinh tế (Khung Số 6). Các định chế kinh tế mới này sẽ có một hiệu quả kinh tế nhất định nào đó (Khung Số 7) và đưa hệ thống về trạng thái cân bằng mới vào một thời điển t + 1 tại đó vẫn còn các định chế chính trị (Khung Số 1), một cách phân phối tài nguyên mới (Khung Số 2), và các hoạt động tập thể (Khung Số 3). Cán cân quyền lực vào một thời điểm t hay t + 1 có thể:
- Nghiêng về phía tập thể, tức tập thể có quyền lực thực sự. Một tập thể bình thường muốn mọi thành viên của tập thể được đối đãi ngang nhau và có cơ hội đồng đều. Điều này có nghĩa là một tập thể bình thường muốn có những định chế chủ yếu là bao hàm. Do đó, khi cán cân quyền lực nghiêng về phía tập thể, các định chế sẽ có khuynh hướng trở nên bao hàm hơn. Việc này sẽ làm cho đất nước tự do dân chủ và thịnh vượng hơn.
- Nghiêng về phía các định chế chính trị, tức là các định chế chính trị có quyền lực thực sự. Một định chế, hay nói đúng hơn chủ nhân của định chế đó, đa phần chú tâm vào việc bảo vệ và/hay nới rộng các chức năng hay vai trò định chế đang có, tức là chúng có thường bòn rút nhiều hơn là bao hàm. Khi cán cân quyền lực nghiêng về phía các định chế, nếu chúng chủ yếu là bòn rút, các định chế chính trị lẫn kinh tế sẽ có khuynh hướng trở nên bòn rút hơn. Đất nước sẽ rơi vào vòng tròn xấu xa, trở nên bớt dân chủ hơn hơn và nghèo khổ hơn. Ngược lại, nếu các định chế này chủ yếu là bao hàm, đất nước sẽ rơi vào vòng tròn đức hạnh và trở nên tự do hơn và giàu mạnh hơn.
Vì các tương tác giữa người dân và các định chế (hay chủ nhân của chúng) xảy ra trong thời gian, có ba yếu tố khác có khả năng chi phối các tương tác giửa tập thể và các định chế.
- Yếu tố thứ nhất là hiện tượng định chế trôi giạt (institutional drift) theo đó bản chất của một định chế có thể thay đổi tự nhiên trong thời gian. Một ví dụ là định chế hôn nhân. Xưa nay, luật pháp tại các nước Tây Phương chỉ công nhận hôn nhân là giữa người nam và người nữ, nhưng vào năm 2016 hôn nhân đồng tính đã được nhiều nước Tây Phương chấp nhận là hợp pháp.
- Yếu tố thứ nhì là thời điểm then chốt (critical juncture), tức là một thời điểm lúc mà một sự cố hay một thay đổi lớn trong xã hội và lịch sử xảy ra. Các sự cố hay thay đổi lớn này và tạo được điều kiện cho tập thể hay các định chế đề xuất và thi hành những quyết định hay hành động nằm ở ngoài các ước lệ hay quy ước và do đó khó tiên liệu được. Một ví dụ cho thời điểm then chốt là cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976 tại Trung Quốc.
- Yếu tố thứ ba là bước ngoặc (turning point) tức là một quyết định hay hành động có khả năng thay đổi được hoàn toàn hướng đi của lịch sử. Một ví dụ cho bước ngoặc tại Trung Quốc là việc chủ tịch ĐCSTQ Hoa Quốc Phong phục hồi các chức vụ của Đặng Tiểu Bình vào năm 1977 để sau đó bị họ Đặng cho về vườn và thay thế vào năm 1980.
Vì sự hiện diện của ba yếu tố trên, tuy bản chất của các định chế sẽ quyết định việc một nước có tự do dân chủ và thịnh vượng hay không, một nước ở bất cứ ô nào trong bốn ô trong mô hình phân loại các định chế trên đều có thể rơi vào bất cứ ô nào khác mà không ai có thể tiên liệu được vào một thời điểm then chốt và khi một bước ngoặc nào đó hình thành.
Bốn Đặc Tính Của Mô Hình Định Chế
Ngoài ra, mô hình định chế của Acemoglu và Robinson còn có bốn đặc tính quan trọng.
1. Một là nó không chối bỏ hoặc đi ngược lại những khái niệm, học thuyết hay phương pháp phân tích kinh tế thông thường/thông dụng và đã được chứng minh là đúng. Trái lại, mô hình chỉ là một các nhìn khác về quy trình thay đổi chính trị và kinh tế trong một nước. Khi áp dụng mô hình định chế để phân tích hay tiên đoán về hướng đi của nền kinh tế chính trị của một nước, mọi khái niệm và phương pháp kinh tế hay chính trị và lịch sử kinh điển vẫn có thể áp dụng được nhằm bổ sung cho cái nhìn từ mô hình định chế.
2. Hai là, nó mang tính bất khả tri về mặt chính trị. Điều này có nghĩa là mô hình đứng trên và ở ngoài mọi lý thuyết chỉ đạo hay phương pháp tổ chức hiện hành của xã hội. Mô hình này vẫn có thể áp dụng được bất chấp ý thức hệ và thể chế của một nước.
3. Ba là, nó không có tính định mệnh (deterministic). Trong mô hình định chế của Acemoglu và Robinson, khi các định chế chính trị và kinh tế chủ yếu là bòn rút, một đất nước chủ yếu sẽ là nghèo khổ và thiếu tự do dân chủ. Thế nhưng, hai yếu tố khác trong thời gian lịch sử là sự cố quan trọng và bước ngoặc sẽ cho tập thể và chủ nhân và các định chế những cơ hội rất lớn để thay đổi hướng đi của xã hội. Chính những cơ hội này loại bỏ được tính định mệnh của mô hình định chế. Một nước với các định chế chủ yếu là bòn rút và do đó sẽ nghèo khổ và thiếu tự do vẫn có thể trở thành một nước có những định chế chủ yếu là bao hàm và do đó sẽ trở nên thịnh vượng và tự do trong một thời gian ngắn nếu có những bước ngoặc và sự cố quan trọng thích đáng.
4. Và bốn là, mô hình định chế còn là một mô hình cho quy trình dân chủ hóa của một nước. Đây chỉ là một hệ lụy xuất phát trực tiếp từ định nghĩa của các cụm từ “bòn rút’, “bao hàm”, “vòng tròn đức hạnh” và “vòng tròn xấu xa” trong mô hình định chế. Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là, thịnh vượng đi đôi với dân chủ như bóng theo vật sáng. Những ai tranh đấu cho dân chủ trong một nước cũng chính là những người tranh đấu để làm cho đất nước giàu mạnh hơn.
Để tóm tắt, mô hình định chế là một mô hình phát triển kinh tế đồng thời là một mô hình dân chủ hóa về mặt chính trị. Mô hình dựa trên bản chất - bòn rút hay bao hàm - của các định chế chính trị và kinh tế và các tương tác của chúng với tập thể trong thời gian để từ đó giúp những ai dùng mô hình rút ra được một số kết luận về sự phồn thịnh và tự do dân chủ của một nước. Vì không vướng mắc đến các lý thuyết hay ý thức hệ chính trị đồng thời không phải là một lý thuyết định mệnh theo đó các điều kiện ban đầu quyết định được các kết quả về sau, mô hình định chế nay là lý thuyết nền không chính thức ở phía sau các can thiệp hay quyết định đối ngoại của những nước dân chủ như Hoa Kỳ và các định chế tài chính quốc tế như Ngân Hàng thế Giới.
Áp Dụng Mô Hình Định Chế Vào Trường Hợp Trung Quốc
Việc áp dụng mô hình định chế để xét khả năng phát triển kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi phải trả lời hai câu hỏi.
- Câu hỏi thứ nhất thuộc về nghịch lý Trung Quốc. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ từ năm 1949 thực sự là một nước trong đó các định chế chủ yếu là bòn rút. Thế nhưng sự thật là Trung Quốc đã liên tục phát triển rất nhanh trong vòng 40 năm qua sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976. Hiện tượng phát triển này đi ngược lại với dự phóng cơ bản nhất từ mô hình định chế: một nước với các định chế chủ yếu là bòn rút là một nước nghèo va thiếu tự do dân chủ. Nếu như thế, mô hình định chế có sai hay không?
- Câu hỏi thứ hai là, nếu tin rằng mô hình định chế vẫn đúng, một dự phóng tất yếu là vào một lúc nào đó, phát triển tại Trung Quốc sẽ phải trì trệ và và chấm dứt. Nếu thế, lúc đó là lúc nào và tại sao?
Trả Lời Câu Hỏi Thứ Nhất Về Nghịch Lý Trung Quốc
Nghịch lý này do Arvind Subramanian nêu lên khi phê bình mô hình định chế và đã được phát biểu như sau. Theo mô hình phân loại các định chế của Acemoglu và Robinson, Ấn Độ, một nước tự do dân chủ trên 69 năm nay (từ 1947 đến 2016) phải là một nước ở trong vòng tròn đức hạnh và do đó phải là một nước giàu. Trong khi đó, Trung Quốc, một nước độc tài đảng trị trên 67 năm nay (từ 1949 đến 2016) phải là một nước ở trong vòng tròn xấu xa và vì thế phải là một nước nghèo (5).
Thực tiễn không phải như thế. Trung Quốc là một nước có diện tích 9.596.960 km2 và dân số 1.367.485.388 người. Vào năm 2015, Lợi Tức Đầu Người theo Sức Mua Tương Đương (Gross National Product using Purchasing Power Parity (GDP-PPP)) của Trung Quốc được ước tính là 14.100 USD/người. Trong khi đó, Ấn Độ với diện tích 3.287.263 km2, dân số 1.251.695.584 người, có GPP-PPP được ước tính được là 6.200 USD/người vào năm 2015, tức là chỉ bằng 44% lợi tức đầu người của Trung Quốc trong cùng năm (6). Đi ngược lại thời gian, vào năm 1978, tổng sản phẩm quốc nội đầu người (Gross Domestic Product Per Capita) tại Ấn Độ là 209.35 USD/người (7), trong khi đó tại Trung Quốc nó chỉ là 154.97 USD/người, tức là chỉ bằng 2/3 của Ấn Độ (8). Nói khác đi, chỉ cần 37 năm (từ 1978 đến 2015) là Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ về mức thịnh vượng. Đồ biểu sau minh họa sự khác biệt trên (9).
Nếu cho rằng mô hình định chế của Acemoglu và Robinson vẫn đúng, tức là khi các định chế chính trị lẫn kinh tế trong một nước chủ yếu là bòn rút, nước đó không chóng thì chầy sẽ nghèo khổ, phải giải thích nghịch lý Trung Quốc thế nào trong khuôn khổ mô hình đó?
Về trường hợp Ấn Độ, Acemoglu và Robinson đã trả lời như sau. Tuy Ấn Độ có tự do dân chủ và bầu cử tự do, nhưng điều này không có nghĩa các định chế chính trị (hay kinh tế) của Ấn Độ chủ yếu là bao hàm. Trái lại, các định chế này thực sự là bòn rút. Từ năm 1947 khi Ấn Độ dành được độc lập từ Anh Quốc, Đảng Nghị Hội Quốc Gia Ấn Độ (Indian National Congress, gọi tắt là INC) đã hầu như độc chiếm chính trường và và là chủ nhân của hầu hết các định chế chính trị tại Ấn Độ. Một hậu quả của sự độc chiếm này các định chế này đã trở nên bòn rút hơn. Trích dẫn các khảo cứu của Toke Aidt, Miriam Golden and Devesh Tiwari, Acemoglu và Robinson đã nêu ra một ví dụ chứng minh đuợc tính bòn rút này. Gần 25% các thành viên của cơ quan lập pháp của Ấn Độ, gọi là Lok Sabha, đã bị truy tố về các tội hình sự. Thế nhưng chính những người này lại có tỷ lệ tái đắc cử cao hơn cả những ứng cử viên trong sạch và chưa hề bị truy tố (10). Nói khác đi, Ấn Độ là một nước tuy có tự do dân chủ thật sự nhưng lại là một nước với các định chế chính trị chủ yếu là bòn rút. Trên bảng phân loại các chế độ, Ấn Độ là một nước có thể ở ô số 4 tức là trong vòng tròn xấu xa vì các định chế chính trị lẫn kinh tế chủ yếu là bòn rút, hay có thể ở ô số 3, khi các định chế chính trị chủ yếu là bòn rút và các định chế kinh tế chủ yếu bao hàm. Nếu ở ô số 3, các định chế chính trị chủ yếu là bòn rút sẽ làm cho các định chế kinh tế bao hàm trở nên bòn rút hơn. Nếu ở ô số 4, tức là ở trong vòng tròn xấu xa, tính bòn rút của các định chế chính trĩ hay kinh tề đều sẽ gia tăng. Vì thế, Ấn Độ sẽ có khuynh hướng trở thành một nước nghèo khổ như mô hình định chế đã tiên đoán và thực tiễn đã chứng minh.
Về trường hợp Trung Quốc, Acemoglu và Robinson đã giải thích đây là phát triển trong trường hợp các định chế chính trị và kinh tế chủ yếu đều bòn rút (11). Trong trường hợp này, một nước vẫn có hai cách khác nhau nhưng bổ túc lẫn nhau để phát triển kinh tế. Cách thứ nhất là chủ nhân các định chế chính trị bòn rút trực tiếp quản lý và dồn đầu tư tài nguyên vào các hoạt động kinh tế có năng xuất cao. Trung Quốc áp dụng cách này cách này vào lúc đầu. Nhà nước việc thành lập các công ty quốc doanh trong công nghiệp nặng như sắt thép đồng thời thiết kế và thi hành các kế hoạch dài và ngắn hạn nhằm phát triển công nghiệp nặng càng nhanh càng tốt.
Cách thứ hai là chủ nhân các định chế chính trị bòn rút cho phép một số định chế kinh tế bao hàm được thành lập và hoạt động. Trung Quốc áp dụng cách này cách này về sau khi phép tư nhân thành lập các công ty tư doanh trong công nghiệp nhẹ như biến chế các mặt hàng tiêu dùng nhằm xuất khẩu và kêu gọi đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ những kế hoạch dài và ngắn hạn do nhà nước trực tiếp lảnh đạo và quản lý.
Điều kiện cần có để áp dụng hai cách kể trên là phải có tập trung quyền lực tại một người hay một nhóm nhỏ. Việc tập trung quyền lực này còn có nghĩa là quyền tư hữu không được tôn trọng, bất cứ nhà đầu tư tư nhân nào cũng có thể mất toàn bộ tài sản hay thậm chí đến cả tính mạng nếu không làm vừa lòng ĐCSTQ về bất cứ việc gì. Trung Quốc trong thời khoản 1949-2016 đã có được hai điều kiện kể trên này. Tại Trung Quốc sau 1949, mọi quyền lực rõ ràng đã nằm trong tay Mao Trạch Đông và về sau là ĐCSTQ.
Tăng suất vượt bực của Trung Quốc trong thời khoản 1978-2016 thực ra không có gì đáng kinh ngạc. Trong khoảng trống giữa nghèo khổ lạc hậu tiền trung cổ và thịnh vượng văn minh đương đại, nếu một nước có một lãnh đạo cứng rắn và biết định hướng tập trung đầu tư vào các mặt hàng tiêu dùng thông dụng dành cho đại chúng, không cần kỹ thuật sản xuất và tay nghề lao động cao, có thị trường nước ngoài rộng lớn, nước đó có thể phát triển rất nhanh nếu có một nền giá phí lao động thấp. Trong lịch sử, trên lưng trần của người lao động, biết bao nhiêu bạo chúa đã quất roi để thực hiện được những công trình kiến trúc vĩ đại đồng thời tích lũy được những của cải hầu như vô tận. Ta chỉ cần nhìn về những kiến trước thời đại công nguyên như Vạn Lý Trường Thành hay các Kim Tự Tháp. Vài thế kỷ trước hơn, các đảo độc canh chỉ chuyên sản xuất đường mía như Cuba, Haiti và Barbados vào thế kỷ thứ 17 và 18 đã rất giàu vì tại đó hầu hết các người dân đã bị bóc lột tối đa khi phải làm việc như là nô lệ hay nhân viên cho gia đình chủ nhân các đồn điền trồng mía. Các chủ nhân này đồng thời cũng là chủ nhân tuyệt đối của tất cả các định chế chính trị và kinh tế (12).
Xem như trên, mô hình định chế có thể giải thích hiện tượng phát triển - thậm chí phát triển nhanh hơn bình thường - khi đa số các định chế chủ yếu là bòn rút. Thế nhưng nếu mô hình định chế đúng, trong dài hạn hiện tượng phát triển khi các định chế chủ yếu là bòn rút vẫn sẽ phải chấm dứt vào một lúc nào đó. Do đó, một câu hỏi then chốt thứ nhì cần phải đặt ra ở đây là: khi nào thì phát triển kinh tế tại Trung Quốc, một nước mà các định chế chủ yếu là bòn rút, phải chấm dứt và sẽ chấm dứt như thế nào?
Trả Lời Câu Hỏi Thứ Hai Khi nào Thì Phát Triển Kinh Tế Tại Trung Quốc sẽ Chấm Dứt Và Sẽ Chấm Dứt Ra Sao?
Acemoglu và Robinson đã trả lời câu hỏi trên trong khuôn khổ của mô hình định chế và bằng cách sử dụng một khái niệm kinh tế cổ điển, khái niệm hủy diệt sáng tạo. Câu trả lời này thực sự có hai phần.
Phần Thứ Nhất: Hiện Tượng Trì Trệ Kinh Tế
Phần thứ nhất khẳng định phát triển kinh tế tại Trung Quốc sẽ chậm lại và chấm dứt khi tổng sản lượng quốc gia tính trên đầu người của Trung Quốc hay của các quốc gia tương tự - tăng lên trên mức trung bình trên thế giới, tức là khoảng 10.000 USD/năm-20.000/USD/Năm vào năm 2015 và từ 10 đến 20 năm tới theo đồ biểu ở dưới từ Ngân Hàng Thế Giới (13).
Lý do là ở mức lợi tức đầu người này, giá phí sản xuất các mặt hàng tại nước này sẽ tăng dần. Điều này có ba hệ lụy chính. Hệ lụy thức nhất là giá phí sãn xuất tại quốc gia này sẽ ngang hàng với giá phí sản xuất các mặt hàng tương đương tại các nước khác có cùng lợi tức đầu người hay cao hơn. Hệ lụy thứ nhì là nó sẽ cao hơn giá phí sản xuất của các mặt hàng tương đương tại nhưng nước nghèo hơn và đang vươn lên. Và hệ lụy thứ ba là nếu chủ nhân các nhà máy sản xuất những sản phẩm trên là các nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ tìm cách rút vốn ở các nhà máy đó đồng thời đầu tư tại nhưng nước khác với giá phí lao động thấp hơn. Với ba hệ lụy này, cho dù nhà nước có trợ cấp hay sự hấp dẫn và uy tín của thương hiệu của các mặt hàng rất cao, các mặt hàng trên vẫn sẽ dần dần mất tính cạnh tranh vì sẽ có những mặt hàng tương đương và rẻ hơn từ nhưng nước nghèo hơn. Việc mất tính cạnh tranh vì các lý do trên này sẽ làm cho thị trường các sản phẩm do quốc gia đang lên sản xuất dần dần cạn kiệt. Đồng hành với sự cạn kiệt của các thị trường là sự giảm hiệu năng của nền kinh tế đang lên đến mức trung bình toàn cầu vì nền kinh tế này dã và đang dựa trên những quy trình sản xuất đang trở nên lỗi thời. Và như thế, không sớm thì muộn, phát triển sẽ chấm dứt và nền kinh tế sẽ trì trệ và từ từ suy thoái nếu không có những sản phẩm mới và thị trường mới để bù đắp vào. Bước vào năm 2016, đã có những chỉ dấu các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc Quốc đang mất dần tính cạnh tranh vì giá phí lao động tại Trung Quốc đang tăng dần và vì các công ty nước ngoài đang đầu tư vào các nhà máy sản xuất các sản phẩm tương tự tại các nước nghèo hơn và có giá phí lao động thấp hơn như Việt Nam, Campuchia và Myanmar và các nước Phi Châu.
Điểm cần lưu ý ở đây là Trung Quốc không phải không biết vấn đề nêu trên. Trong những năm gần đây, chính Trung Quốc cũng đã thi hành hai biện pháp có khả năng hoá giải vấn đề kể trên. Biện pháp thứ nhất là chạy theo giá phí lao động rẻ bằng cách gia tăng đầu tư và các nước nghèo hơn. Biện pháp thứ hai là phát triển thị trường nội địa bằng cách nâng cấp trình độ tiêu thụ các mặt hàng cấp thấp lẫn cấp cao (như máy giặt, máy rửa chén bát, 4K TV, v.v...) xưa nay vẫn dành cho xuất khẩu, đồng thời khuyến khích sự hình thành và lớn mạnh của một khu vực dịch vụ xưa nay chỉ có tại các nước Tây Phương như xe taxi kiểu Uber. Với dân số trên 1 tỷ người, thị trường nội địa cho các sản phẩm và dịch vụ trên có thể đẩy lùi sự trì trệ kinh tế một cách đáng kể.
Phần Thứ Nhì: Hiện Tượng Hủy Diệt Sáng Tạo
Phần thứ nhì khẳng định để tiếp tục cạnh tranh tại các thị trường ở trong cũng như ở ngoài nước và tiếp tục tăng trưởng, Trung Quốc - hay bất cứ nước nào khác tương tự - cần phải kinh qua một thời kỳ quá độ gọi là hủy diệt sáng tạo (creative destruction). Thế nhưng, chừng nào còn có một ĐCSTQ tiếp tục độc quyền cai trị và có khả năng khống chế tất cả các định chế khác trong nước, Trung Quốc sẽ không thể nào hoàn thành được quy trình hủy diệt sáng tạo để tiếp tục phát triển tại một cao nguyên phát triển mới. Để chứng minh điều này, trước tiên cần định nghĩa hủy diệt sáng tạo là gì.
Định Nghĩa Hủy Diệt Sáng Tạo
Hủy diệt sáng tạo là một hiện tượng kinh tế do Joseph Schumpeter, giáo sư kinh tế tại Viện tại Học Hardvard và những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước, đề xuất từ năm 1943 (14). Hiện tượng này nay đã được chứng minh trong thực tiển và được đa số các kinh tế gia công nhận là có thật (15, 16). Hủy diệt sáng tạo có thể được định nghĩa như là một quy trình có hai vế cùng đồng hành:
- Vế thứ nhất là sự hình thành và đưa và trong nền kinh tế của các phát minh mới, các sản phẩm mới, các quy trình sản xuất mới có tính cách đột phá, có khả năng tạo dựng được những lợi thế khó vượt qua hay/và những nhu cầu và thị trường hoàn toàn mới và hầu như vô tận.
- Vế thứ hai là sự hình thành của "một cuộc cách mạng cơ cấu kinh tế từ phía trong, không ngừng hủy diệt các cơ cấu cũ, không ngừng sinh ra những cơ cấu mới". (17). Cuộc cách mạng cơ cấu kinh tế này là hậu quả trực tiếp của vế thứ nhất và hình thành qua các tương tác của các thành phần trong xã hội như các định chế, chủ nhân và công nhân, v.v...
Qua hai vế này, một nền kinh tế mới có thể vượt qua được các giới hạn của các chế độ sản xuất hiện hành, giải quyết được nạn năng xuất lao động không còn tăng lên được nữa vì đã đạt đến giới hạn của các quy trình sản xuất đang có, và tiến lên được một cao nguyên phát triển mới qua những sản phẩm, kỹ thuật và quy trình sản xuất mới và do đó tránh được trì trệ hay suy thoái.
Quy trình hủy diệt sáng tạo hiện diện trong mô hình định chế của Acemoglu và Robinson. Vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo chỉ là một cách nhìn khác về các tương tác giữa tập thể và các định chế. Ở đây, tập thể là các nhà phát minh các sản phẩm, kỹ thuật và quy trình sản xuất mới, trong khi các định chế là nền giáo dục đào tạo nhân tài, các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật và các luật lệ về nghiên cứu đầu tư. Vế hai của quy trình hủy diệt sáng tạo chính là các thay đổi cán cân quyền lực trong xã hội đưa đến các thay đổi về chất lượng và số lượng của các định chế chính trị lẫn kinh tế khi các sản phẩm, kỹ thuật, hay quy trình sãn xuất mới được đưa và xã hội và nền kinh tế.
Áp Dụng Hủy Diệt Sáng Tạo Vào Trường Hợp Trung Quốc
Khi áp dụng khái niệm hủy diệt sáng tạo vào trường hợp Trung Quốc, Acemoglu và Robinson đánh giá Trung Quốc sẽ không thể nào hoàn thành được quy trình hủy diệt sáng tạo để tiếp tục phát triển.
Lý luận trên của Acemoglu và Robinson có thể triển khai như sau.
- Vế thứ nhất của quy trình hủy diệt sáng tạo đòi hỏi việc đưa vào nền kinh tế những thánh tố như các kỹ thuật, sản phẩm, hay quy trình sản xuất hoàn toàn mới và có tính cách đột phá. Các thành tố này có khả năng tạo dựng được những lợi thế khó vượt qua hay/và những nhu cầu và thị trường có tầm mức quốc tế, hoàn toàn mới và hầu như vô tận. Vì các thành tố này là sản phẩm của tư duy, sáng tạo và đổi mới không bị hạn chế, để có được chúng người dân trong nước phải có tự do tư tưởng tuyệt đối và vô điều kiện, tức là phải có tự do dân chủ thực sự. Sáng tạo đích thực cần tự do như con cá cần nước như con người cần dưỡng khí. Thế nhưng, một sự thật khó chối cãi là một truyền thống, hay khiêm tốn hơn, dấu vết của tự do tư tưởng tuyệt đối như thế xưa nay chưa hề hiện diện qua mọi thời kỳ lịch sử và triều đại của Trung Quốc, từ Tần Thủy Hoàng của một Trung Nguyên thống nhất trên 2260 năm về trước đến Tập Cận Bình của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đương đại. Vào lúc này, nhà nước Trung Quốc đang ráo riết xây dựng và kiện toàn một cái gọi là “Khiên Vàng” trong đó có một “Vạn Lý Trường Thành Ảo”. Cái khiên vàng này là một chương trình đại quy mô trong đó nhà nước Trung Quốc ban hành những luật lệ và thi hành những biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn “ô nhiễm” do các tư tưởng cởi mở Tây Phuơng mang đến qua mạng Internet và kiểm soát tư tưởng của người dân. (18, 19). Chính các biện pháp ngăn chăn tự do tư tưởng trên đã và sẽ không cho phép Trung Quốc có được các kỹ thuật, sản phẩm, hay quy trình sản xuất hoàn toàn mới và có tính cách đột phá cần thiết cho quy trình hủy diệt sáng tạo.
- Vế hai của quy trình hủy diệt sáng tạo đồng với vế một. Khi các sản phẩm, kỹ thuật và quy trình sản xuất mới và đột phá được đưa vào nền kinh tế, sẽ có hiện tượng những người đang giàu trở nên nghèo hơn và ngược lại cũng như sẽ có những người đang có ít quyền lực thủ đắc được nhiều quyền lực hơn và ngược lại. Nhìn từ mô hình định chế, hiện tượng này sẽ làm cán cân quyền lực trong xã hội thay đổi. Trong thực tiển, các thay đổi này hiện ra trong các thay đổi về chất lượng và số lượng của các định chế. Khi nhìn từ quy trình hủy diệt sáng tạo, chính các thay đổi về cán cân quyền lực này sẽ gây nên “một cuộc cách mạng cơ cấu kinh tế từ phía trong, không ngừng hủy diệt các cơ cấu cũ, không ngừng sinh ra những cơ cấu mới.”
- Một đặc tính quan trọng không tránh được của các thay đổi cơ cấu kể trên là một số định chế mới hay đang hiện diện sẽ trở nên bao hàm hơn. Đặc tính này bắt nguồn việc nền kinh tế đang bành trướng, tức là đang thu nhận thêm nhiều người tham gia vào các sinh hoạt kinh tế, tức là trở nên bao hàm hơn trong chừng mực nào đó hơn cho dù chúng có muốn hay không. Đặc tính này cũng còn bắt nguồn từ yêu cầu phải có một số tự do dân chủ nào đó để xúc tiến vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo. Tại Trung Quốc, một điều ai cũng thấy được là nhiều định chế chính trị lẫn kinh tế đã trở nên bao hàm nhiều hơn sau năm 1978 khi mà Đặng Tiểu Bình và các tổng bí thư ĐCSTQ kế đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế. Câu nói bất hủ của họ Đặng "Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt" có thể hiểu như là một lời khuyến khích các định chế và người dân cởi mở hơn và do bao hàm hơn khi lựa chọn các phương án nhằm hoàn thành một mục tiêu (20). Việc các định chế Trung Quốc ngày nay đã bao hàm nhiều hơn trước rất nhiều có thể thấy được qua nhiều hiện tượng. Một ví dụ là sự hình thành và lớn mạnh của một giai cấp trung lưu và trên trung lưu. Dựa trên số liệu do công ty tư vấn McKinsey cung cấp, bán nguyệt san The Economist ước tính các giai cấp này có khoảng 225 triệu người với thu nhập từ 11.500 USD/Năm đến 43.000 USD/Năm vào năm 2015. Vào năm 2020, số người trong các giai cấp này sẽ lên đến 275 triệu (21). Những thành viên của giai cấp này, trong đó có 88 triệu đảng viên ĐCSTQ, biết ưu tư về các vần đề văn hóa, chính trị và môi trường. Họ muốn “đấu tranh giai cấp” với ĐCSTQ sao cho đời sống của họ trở nên “dể thở” hơn và có nhiều tự do dân chủ hơn. Họ ham muốn cho con cái du học hay đi du lịch ở nước ngoài (22). Họ muốn thảo luận về 7 điều mà ĐCSTQ xem là tối kỵ. Bảy điều đó là: 1) các giá trị phổ cập, 2) 3) tự do báo chí, 4) xã hội dân sự, 5) cởi mở kinh tế, 6) nền dân chủ hiến định Tây Phương, và 7) thực chất của chủ nghĩa xã hội với những đặc tính Trung Quốc trong đó có những sai lầm của ĐCSTQ và sự thiếu vắng một bộ máy tư pháp độc lập (23). Ngoài ra, các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải nay thật sự không thua kém ở bất cứ thành phố lớn nào của Tây Phương về mọi mặt: tiện nghi, giải trí, ẩm thực, tiêu thụ, v.v...
Nếu chấp nhận được sự kiện là trong vòng 39, 40 năm qua, một số định chế chính trị và kinh tế bòn rút tại Trung Quốc đang dần dần trở nên bớt bòn rút hay bao hàm hơn như đã chứng minh ở trên, điều này có đủ để giúp Trung Quốc hoàn thành quy trình hủy diệt sáng tạo hay không? Theo Acemoglu và Robinson, các thay đổi này tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Trung Quốc cần phải thực sự dân chủ hóa toàn diện mới có thể hoàn tất được quy trình hủy diệt sáng tạo. Một nước Trung Quốc thực sự dân chủ có nghĩa là người dân có quyền tự do tư tưởng và ĐCSTQ chỉ là một trong nhiều chính đảng tranh giành quyền lực không qua họng súng nhưng trong các khuôn khổ pháp định của một chế độ đa đảng đa nguyên. Đây chính là điều mà ĐCSTQ, một định chế chóp bu đang khống chế được tất cả các định chế khác tại Trung Quốc sẽ rất khó lòng chấp nhận.
Trung Quốc Đang Làm Gì Để Hoàn Thành Quy Trình Hủy Diệt Sáng Tạo Mà Không Cần Phải Cho Người Dân Tự Do Dân Chủ
Nhận định của người viết là vào lúc này, không có dấu hiệu khả tín nào cho ta thấy ĐCSTQ có ý đồ thực sự dân chủ hoá Trung Quốc. Ngược lại, có rất nhiều chỉ dấu cho việc ĐCSTQ đang ra sức làm bất cứ biện pháp gì có thể làm được hoàn thành quy trình hủy diệt sáng tạo mà không cần phải làm cho các định chế chính trị và kinh tế bòn rút tại Trung Quốc thực sự bao hàm, tức là trả lại các quyền tự do dân chủ và tự do kinh tế cho người dân.
Hình như ĐCSTQ đang thách thức các “bậc thầy tư duy” (“maitres à penser”) của Tây Phương như Acemoglu, Robinson hay là Fukuyama qua lời nói và hành động. Thông điệp từ ĐCSTQ vào lúc này là, bất chấp các lập thuyết mà họ xem là tự phục vụ của Tây Phương về những quan hệ giữa phát triển và tự do dân chủ, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ sẽ hoàn tất được cả hai vế của quy trình hủy diệt sáng tạo, sẽ không cần phải cho người dân tụ do dân chủ thực sự, và vẫn sẽ bước lên những cao nguyên phát triển mới sao cho ở cuối mọi chặng đường của lịch sử, ĐSCTQ vẫn sẽ còn đó.
Sau đây là sơ lược một số việc Trung Quốc đã và đang làm để hoàn thành vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo.
Những Gì Trung Quốc Đang Làm Để Hoàn Thành Vế Một Của Quy Trình Hủy Diệt Sáng Tạo
Trung Quốc hiện đang thi hành rất nhiều biện pháp này nhằm trang bị cho Trung Quốc những kỹ thuật, sản phẩm và quy trình sản xuất mới có tính đột phá nhằm giúp Trung Quốc hoàn thành vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo để đưa Trung Quốc đến một cao nguyên phát triển mới. Một số các biện pháp này có thể liệt kê như sau:
1) Khuyến khích người dân sáng tạo và phát minh những sản phẩm và kỹ thuật mới qua các biện pháp như một chế độ du học cởi mở và việc thành lập và hỗ trợ các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước nhưng vẫn thẳng tay trừng trị bất cứ ai dám tự do tư tưởng và nhất là dám suy nghĩ ngoài lề đảng;
2) Trực tiếp thuê/mua giấy phép sử dụng các tài sản trí tuệ đằng sau sản phẩm và kỹ thuật kể trên từ các doanh nghiệp sở hữu chúng;
3) Gián tiếp thuê/mua giấy phép sử dụng các tài sản trí tuệ đằng sau sản phẩm và kỹ thuật kể trên qua đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI, foreign direct investment);
4) Mua đứt các công ty chủ nhân các sản phẩm và kỹ thuật mới này;
5) Mướn các quản trị viên và chuyên gia hàng đầu đang lãnh đạo các chi nhánh có những kỹ thuật cao nhất và đột phá nhất của các công ty nước ngoài;
6) Sao chép mà không trả bản quyền; và
7) Bí mật ăn cắp tài sản trí tuệ của các nước khác.
Từ năm 1978, ĐCSTQ và nhà nước Trung Quốc đã và đang áp dụng tất cả 7 cách trên và nhiều cách khác, đặc biệt là cách thứ 5 và thứ 7 như được trình bày sau:
Về cách thứ 5, gần đây báo Wall Street Journal loan tin bốn chuyên gia và quản trị viên cao cấp nhất trong dây chuyền sản xuất xe pin điện i3 và i8 của BMW đã bỏ BMW để sang Trung Quốc làm việc cho Future Mobility Corp, một chi nhánh của Tổ Hợp Tencent. Các người này là ông Carsten Breitfield, với 20 năm làm việc tại BMW và là người đã chỉ huy chương trình phát triển xe i8, ông Dick Abendrod, kỹ sư trưởng hệ truyền động của tất cả các xe pin điện loại i- của BMW, ông Benoit Jacob trưởng nhóm thiết kế các xe điện loại i- và Henrik Wenders, giám đốc sản xuất của tất cả các xe điện i- của BMW. Bốn người này sẽ lãnh đạo công ty Future Mobility Corp (24). Trước đó, vào năm 2010, công ty sản xuất xe hơi Geely Holding Group của Trung Quốc cũng đã mua công ty xe hơi Volvo của Thụy Điển với giá trên 1 tỷ USD (25) và dự trù sẽ đầu tư trên 11 tỷ USD trong vòng 5 năm để phát triển kỷ thuật và thị trường loại xe này (26).
Về cách thứ 7, vào năm 2012 đại tướng Keith Alexander là chỉ huy trưởng ngành cyber (USCYBERCOM) trong Bộ Chỉ Huy Chiến Lược của Quân Lực Hoa Kỳ (USSTRATCOM). Đồng thời ông cũng là giám đốc của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (National Security Agency, NSA). Vào năm đó, khi thuyết trình tại American Enterprise Institute (Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ) ở Washington D.C., ông đã ước tính trị giá các thiệt hại tài chánh mà nước Mỹ phải gánh chịu mỗi năm là 338 tỉ USD. Số tiền này rất lớn và gồm a) trị giá các sở hữu trí tuệ bị trộm và b) giá phí của việc phải ngưng sản xuất để hoạt động phòng chống các nghiệp vụ gián điệp kể trên (27). Giá phí của một chiếc siêu tàu sân bay mới nhất ở cấp bậc USS-Gerald R. Ford (dài 337m, trọng tải 100.000 tấn, trên 75 máy bay chiến đấu và thả bom, thủy thủ đoàn 4660 người) là 12.8 tỉ USD cộng với 4.7 tỉ USD kinh phí nghiên cứu & phát triển (28).
Vào tháng Năm 2013, khi điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Larry Wortzel, một thành viên của Ủy Ban Ôn Tập Các Vấn Đề Kinh Tế và An Ninh Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc của Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, đã liệt kê đích danh hàng chục trường hợp Trung Quốc ăn cắp những kỹ thuật quốc phòng cao cấp nhất của các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Lockheed Martin, Northrop Grumman, và BAE Systems (29).
Đồng thời, vào tháng Năm 2013, một báo cáo một của Ủy Ban Về Việc Đánh Cắp Tài Sản Trí Tuệ Của Hoa Kỳ, một tổ chức bất vụ lợi được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tài trợ, đã ước lượng Trung Quốc chính là tác nhân của 50% đến 80% các vũ đánh cấp tài sản trí tuệ trên. (30).
Khách quan mà nói, ngoài Trung Quốc và Nga Sô ra, thật sự không còn có nước khác có tham vọng bá quyền, nhu cầu, và khả năng để thiết kế và điều hành được một tổ chức gián điệp kinh tế trên đất liền và trên mạng tinh vi, phổ cập và do đảng cầm quyền và nhà nước trực tiếp lãnh đạo như Trung Quốc.
Ngoài ra, Kế Hoạch Phát Triển Khoa Học Và Kỹ Thuật Trong Ngắn Hạn và Dài Hạn của Trung Quốc cho thời khoản 2006-2020 có mục tiêu là biến Trung Quốc thành một xã hội “đổi mới qua sáng tạo” và năm 2020. Kế hoạch này đặt ưu tiên xây dựng cho Trung Quốc một nền kinh tế và quốc phòng dựa trên các công nghiệp và kỹ thuật có tính chất đột phá, cạnh tranh được với quốc tế và có tính xuyên ngành trong các lãnh vực chế tạo, kỹ thuật tin học, kỹ thuật quốc phòng như hệ thông rađa, vật liệu khôn, chiến tranh và phòng thủ chống chiến tranh trên không gian. Khi đọc kế hoạch 2006-2020 trên, một kết luận không tránh được là Trung Quốc đang tìm mọi cách để hoàn thành vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo không hơn không kém (31).
Đánh Giá Xác Xuất Trung Quốc Sẽ Để Hoàn Thành Vế Một Của Quy Trình Hủy Diệt Sáng Tạo
Từ các số liệu trên, phải đánh giá xác suất ĐCSTQ sẽ hoàn tất được vế một quy trình hủy diệt sáng tạo như thế nào? Xác xuất này tuy có thể không cao nhưng không thể xem là quá thấp, vì lý do sau.
Không thể xem xác xuất trên là quá thấp vì Trung Quốc nay đang có một số kỹ thuật nền hiện đại mà Tây Phương đã có thể phải bỏ ra hàng chục năm và hàng trăm hay hàng ngàn tỷ USD để phát triển. Một ví dụ là ngành điện toán. Trung Quốc là một trong những nước có khả năng cao nhất trong ngành này. Khả năng này có thể thấy được trong các thành công của Trung Quốc việc xâm nhập và đánh cắp các tài liệu tại bất cứ nguồn nào qua mạng từ internet. Vào tháng tư năm 2010, 15% lưu lượng dữ liệu trên internet trong đó có dữ liệu an ninh quốc phòng từ các tên miền .gov và .mil của nhà nước và quân lực Hoa Kỳ đã bị tin tặc Trung Quốc chuyển hướng để đi qua các máy chủ tại Trung Quốc (32). Vào tháng sáu năm 2016, máy siêu tính Thái Hồ (Taihu) của Trung Quốc đạt tốc độ 93 petaflop - 93 ngàn triệu triệu hoạt động điểm nổi trong một giây - để đứng đầu bảng 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới (33). Với các kỹ thuật nền này, Trung Quốc sẽ có cơ hội tiến rất nhanh trong vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo. Điều này đã và đang xảy ra như bất cứ ai cũng thấy.
Tuy thế, vẫn không thể nói xác xuất này là quá cao. Lý do xa là khoa học kỹ thuật luôn luôn tiến bộ mãi không ngừng. Lý do gần là một nước khó lòng liên tục lãnh đạo cả thế giới về mặt khoa học kỹ thuật và kinh tế nếu không có hai yếu tố sau. Một là có một môi trường thuận lợi cho các phát kiến sáng tạo trong đó có tự do tư tưởng và hai là bề sâu và bề rộng của hạ tầng cơ sở giáo dục và khảo cứu. Vào năm 2016, điều thấy được ngay là Trung Quốc vẫn chưa có được hai yếu tố trên. Về yếu tố thứ nhất, tự do tư tưởng cho người dân vẫn là một điều tối kỵ đối với ĐCSTQ. Về yếu tố thứ nhì, nếu số giải Nobel là thước đo cho bề sâu và bề rộng của hạ tầng cơ sở giáo dục và khảo cứu, thì Trung Quốc thật sự cũng chưa có gì đáng nói. Từ xưa đến nay chỉ có một người Trung Quốc độc nhất được sinh ra, đào tạo và làm việc toàn phần tại Trung Quốc đã đoạt được giải Nobel. Người đó là bà Đồ U U (Tu Youyou). Bà Đồ làm việc trong ngành y học cổ truyền Trung Quốc và lấy được giải Nobel y học/sinh lý học vào năm 2015 vì trích được được một chất chống bệnh sốt rét rừng gọi là artemisin từ cây khổ ngải dựa trên một quy trình đã được ghi chép trong cổ y thư Trung Quốc từ năm 340 (34).
Thêm vào đó, nếu hôm nay Trung Quốc có thể thuê được những kỹ thuật gia hay những nhà quản trị đã phát minh và quản lý thành công các kỹ thuật, sản phẩm và quy trình sản xuất đột phá ở nước ngoài, ngày mai sớm hay muộn chính những người đó sẽ trở nên lỗi thời và lạc hậu. Họ sẽ trở nên như thế vì hai lý do. Một là họ sẽ không tạo dựng tại Trung Quốc một môi trường sáng tạo kỹ thuật tương đương hay trội hơn môi trường họ đã từng có trước đó tại nước họ đã sinh sống. Hai là sẽ xuất hiện những người trẻ hơn, tài giỏi hơn sẽ vượt qua họ. Cảm giác thông thường cho chúng ta thấy rằng xác xuất những người trẻ này sống và làm việc tại dưới những chế độ mở và những định chế bao hàm ở Tây Phương lớn hơn rất nhiều so với xác xuất họ sống và làm việc tại một Trung Quốc với những định chế chủ yếu là bòn rút. Nói khác đi, Một nước Trung Quốc với những định chế bòn rút áp đặt người dân sống dưới bàn tay sắt dù có bọc nhung của ĐCSTQ sẽ khó lòng có được một Bill Gates của Microsoft hay một Mark Zuckerberg của Facebook, những người đã không ngần ngại bỏ học tại đại học Harvard để chạy theo ước mơ của họ khi chỉ có 19 tuổi. Vì thế, không sớm thì muộn, các lợi thế kỹ thuật hay thị trường Trung Quốc đã thủ đắc được bằng cách này hay cách khác vào một thời điểm nào đó sẽ tiêu tan, và bất cứ cao nguyên phát triển mới mà Trung Quốc đã có thể đến được sẽ được thay thế bằng một cao nguyên khác cao hơn và khó vươn đến hơn. Do đó phải nói xác xuất Trung Quốc hoàn thành được vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo không thể xem là quá cao.
Những Gì Trung Quốc Đang Làm Để Hoàn Thành Vế Hai Của Quy Trình Hủy Diệt Sáng Tạo
Hoàn thành vế hai của quy trình hủy diệt sáng tạo một cách thuận lợi cho ĐCSTQ có nghĩa là quản lý được các thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế đồng thời giữ được cho ĐCSTQ độc quyền cai trị Trung Quốc. Vế mặt lý thuyết, Nếu muốn làm như thế, ĐCSTQ phải thành công trong ba việc sau.
- Việc thứ nhất là làm sao cho đa số các định chế mới sẽ hình thành sẽ nằm trong vòng kiểm soát của đảng, tức là bòn rút. Một định chế như thế không đe dọa đến quyền lực của ĐCSTQ. Làm tốt việc thứ nhất này tương đối khó trong bối cảnh ĐCSTQ muốn hoàn thành quy trình hủy diệt sáng tạo. Lý do là một định chế hình thành khi có nhu cầu và khi cán cân quyền lực nghiêng về phía những người muốn thiết kế định chế đó. Nếu muốn kinh tế phát triển mạnh để hoàn thành vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo, đa số các định chế cần được sản sinh ra phải là những định chế bao hàm. Khi kìm hãm sự hình thành của các định chế bao hàm này và tìm cách làm cho chúng bòn rút như đảng muốn, việc hoàn thành vế một của quy trình hủy diệt sáng tạo sẽ trở nên trì trệ và vì thế làm tốt việc thứ nhất kể trên không phải dể.
- Việc thứ hai là phát hiện và dập tan ngay trong trứng nước mọi hiện tượng định chế trôi giạt theo khuynh hướng trở nên bao hàm hơn. Đây là một công tác vệ sinh chính trị nhằm loại bỏ những mầm mống chống đối từ bên trong. Một ví dụ là sau sự cố Thiên An Môn vào ngày 4 tháng Sáu 1989, ĐCSTQ đã loại bỏ ngay những thành phần ôn hòa tức là có khuynh hướng bao hàm trong Trung Ương Đảng như Triệu Tử Duơng, Hồ Khởi Lập, Vạn Lý và Kiều Thạch (35). Nói chung, công tác này không khó đối với Ban Tổ Chức của ĐCSTQ. Từ ngày lên chức Tổng Bí Thư vào năm 2012, Tập Cận Bình dưới chiêu bài thanh lọc đảng đã bắt giam và xử lý các thủ phạm của trên 100.000 vụ việc tham nhũng hay thối nát và bắt trên 120 đảng viên cao cấp (36).
- Việc thứ ba là làm sao cho ĐCSTQ và những định chế đảng nắm luôn luôn thắng thế hay chiếm thượng phong trong các tương tác hay tranh chấp với các định chế khác hay với tập thể. Làm tốt hai điều thứ hai và thứ ba kể trên không khó trong một chế độ toàn trị. Một điều thấy được vào lúc này là ĐCSTQ hiện nay đang ra sức quản lý vế hai của quy trình hủy diệt sáng tạo - tức là sự hiện tượng hình thành hay/và biến chất của các định chế. Các biện pháp ĐCSTQ đang dùng nói chung tập trung vào cái gốc của hiện tượng trên. Tức là, chúng nhằm tạo nên trong người dân Trung Quốc một não trạng thường trực là chỉ có ĐCSTQ mới có thể cai trị một nước lớn như Trung Quốc và một cách chính danh hợp pháp. Để xây dựng nảo trạng này, ĐCSTQ đang làm hai việc:
* Một là dùng các phương pháp cổ điển của các bạo chúa hay các nhà độc tài. Họ sẽ vẽ ra viễn tượng đất nước đang bị ngoại bang dòm ngó và tìm cách xâm lăng hay lật đổ chế độ, đất nước vẩn còn lạc hậu và do đó cần phát triển, và vì thế người dân phải đoàn kết sau lưng các nhà lãnh đạo và chấp nhận hy sinh để cứu nước. Khi áp dụng phương pháp này, ĐCSTQ một mặt sẽ không ngừng nhắc nhở người dân là trong quá khứ Trung Quốc đã trải qua 150 năm ô nhục dưới sự chèn ép, áp bức và bóc lột của Tây Phương, và người dân phải đời đời nhớ ơn ĐCSTQ là tổ chức đã cứu thoát Trung Quốc khỏi vũng lầy ô nhục trên. Mặt khác, vì mối họa Tây Phương xăm lăng hay đô hộ Trung Quốc nay thực sự không còn nữa, ĐCSTQ sẽ phải dàn dựng hay gây ra những tranh chấp hay va chạm ngoại giao với nước ngoài - ví dụ như gây chiến tranh với Ấn Độ và chiếm đóng trái phép Biển Đông và gây hấn với hầu hết các quốc gia bên bờ Biển Đông như Việt Nam, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Nam Hàn và Nhật Bản - để không ngừng động viên và kích động lòng ái quốc mù quáng của người dân. Và đó là chưa kể việc ĐCSTQ còn đề xuất những dự án cực kỳ vĩ đại và trường kỳ nhằm tạo dụng trong người dân một tâm lý phải luôn luôn lao động tận lực và hết lòng trung thành với đảng để xây dựng đất nước. Các dự án tiêu biểu trong đề mục này là hiện đại hoá quân lực tối đa để ngang hàng hay tiến bộ hơn các siêu cường Tây Phương - cứ như là Tây Phương chỉ chực sẵn để chờ cơ hội xua quân xâm lăng đô hộ Trung Quốc - tăng cường khả năng phòng thủ và gây chiến tranh trên không gian và vũ trụ - cứ như là chiến tranh hạt nhân trên mặt đất còn chưa đủ để giết chết hết cả nhân loại - và đưa người lên Mặt Trăng và thám hiểm Sao Hỏa - cứ như là nếu không có được một người Trung Quốc không đến đó được thì nhất định sẽ tụt hậu để từ đó mất nước.
* Hai là tuyên truyền và giáo huấn người dân để biện minh cho tính hợp pháp và độc quyền cai trị Trung Quốc của ĐCSTQ. Vài biện pháp có thể kể ra như sau:
. Kiểm soát chặt chẽ tất cả các thông tin.
. Trung Quốc đã thiết kế và không ngừng hoàn chỉnh một “Bức Tường Lửa Trung Quốc” nhằm quản lý các thông tin đến người dân từ mạng internet. Các trang mạng xã hội nước ngoài như Facebook và Twitter đều bị ngăn chặn. Mọi báo mạng hay phải có kiểm duyệt viên thường trực do ĐCSTQ chỉ định (37).
. Dùng một đạo quân “năm mươi xu” trên 500.000 còm sĩ để tung lên các mạng hàng chục triệu lời bàn mỗi ngày nhằm phản biện các phê phán bất lợi cho ĐCSTQ và hướng dẫn công luận suy nghĩ theo ý đảng (38).
* Ba là hồi sinh Khổng Tử nói riêng và nho học nói chung. Họ Khổng, như ai cũng biết, chính là lý thuyết gia đàng sau chủ nghĩa phong kiến toàn trị. Chủ nghĩa này xây dựng một cấu trúc xã hội có nền móng là sự phục tòng tuyệt đối của người dân đối với các nhà cai trị theo câu thần chú “Quân Sư Phụ”: ý vua ở trên ý thầy, ý thầy ở trên ý cha, ý cha ở trên ý con, và ý con thì không là cái gì cả. Một chủ nghĩa như thế rất cần thiết cho một đảng cộng sản độc tài như ĐCSTQ. Đồng thời với việc hồi sinh Khổng học trong nước, ĐCSTQ cũng còn tìm cách tuyên truyền và biện minh cho quyền cai trị của đảng tại Trung Quốc qua chiêu bài giao lưu văn hóa và dạy tiếng Trung. Công cụ thi hành việc kể trên là các Viện Khổng Học thiết lập ngay trong khuôn viên các đại học nước ngoài. Theo số liệu của Hanban, một tổ chức dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ĐCSTQ và có chức năng là quản lý và phát triển các viện này, vào năm 2016 đã có 500 Viện Khổng Tử và 1000 lớp học trên thế giới (39). Vào năm 2014, Hiệp Hội Các Giáo Sư Đại Học Hoa Kỳ (American Association of University Professor, gọi tắt là AAUP) đã phê phán gay gắt các viện và lớp trên. Trong một tuyên cáo, AAUP nhận định các Viện Khổng Học thực sự chỉ là công cụ ngoại giao hay “quyền lực mềm” của một nhà nước ngoại bang chứ không phải là một định chế giáo dục thuần túy và chính danh. Do đó, Tuyên cáo kể trên của AAUP đã đưa ra ba yêu cầu dành cho các Viện Khổng Tử. Một là viện đại học nơi Viện Khổng Tử được thành lập phải đơn phương và có toàn quyền quyết định về mọi vấn đề liên hệ đến giảng huấn trong đó có các việc thuê mướn giáo sư, xác định giáo trình và lựa chọn tài liệu giảng huấn sao cho phù hợp với Tuyên Cáo của AAUP về Việc Quản Trị Các Trường hay Viện Đại Học. Hai là nhân viên giảng huấn tại các Viện Khổng Tử phải có các quyền tự do học thuật như tất cả các nhân viên giảng huấn khác của một đại học sao cho phù hợp với Tuyên Cáo của AAUP về Tự Do Học Thuật và Nhiệm Kỳ. Và ba là Hanban phải công khai phổ biến tất các thỏa thuận giữa các Viện Không Tử và các đại học cho mọi thành viên của cộng đồng học thuật đều biết (40). Vào lúc này đã có nhiều đại học hưởng ứng lời kêu gọi trên của AAUP và đã chấm dứt hợp đồng với Hanban để tháo gỡ Viện Khổng Tử ra khỏi khuôn viên trường. Trong các số các đại học này có các đại học danh tiếng như Viện Đại Học Chicago và Viện Đại Học Bang Pennsylvania tại Hoa Kỳ, Viện Đại Học Osaka Sangyo tại Nhật Bản, Viện Đại Học McMaster và Viện Đại Học Sherbrooke tai Canada, Viện Đại Học Lyon tại Pháp và Viện Đại Học Truyền Thông Stuttgart và Viện Đại Học Hohenheim tại Đức Quốc (41).
* Bốn là hỗ trợ việc xây dựng và phổ biến ở trong và ngoài nước, chủ yếu là ngoài nước vào giai đoạn này, một lý thuyết gọi là “Chính Trị Nhân Tài Trung Quốc” để biện minh cho tính ưu việt của ĐCSTQ trong việc cai trị Trung Quốc. Daniel A. Bell, một người Canada đuợc đào tạo tại các đại học McGill ở Canada và Oxford ở Anh Quốc, nay là giáo sư tại Đại Học Tinh Hoa ở Thượng Hải đang được ĐCSTQ trọng dụng trong việc triển khai và phổ biến lý thuyết này (42). Theo Daniel A. Bell, chế độ chính trị nhân tài Trung Quốc ưu việt hơn chủ nghĩa dân chủ nhân bản của Tây Phương vì lý do sau. Trong chế độ này giai cấp lãnh đạo được tuyển chọn qua một quá trình học tập và công tác thử thách trong thực tiển công tác dựa trên hai tiêu chuẩn khả năng và đạo đức. Trong khi đó, tại các chế độ dân chủ Tây Phương đương đại, định chế phổ thông đầu phiếu cho phép những kẻ ngu dốt, thối nát, vô lương tâm, thiếu đạo đức và mỵ dân nhất cơ hội năm lấy những chức vụ lãnh đạo cao nhất của đất nước (43). Tuy việc phê bình học thuyết chế độ nhân tài chính trị nằm ngoài phạm vi bài viết này, các học giả Tây Phương như Andrew J Nathan, giáo sư chủ trì ngành chính trị học tại Viện Đại Học Columbia ở New York, đã phê bình gay gắt và đánh giá rất thấp - nếu không nói là một cách rất khinh bỉ - học thuyết này về các mặt thực tế và lý luận (44).
Nếu các số liệu có được cho thấy Trung Quốc đang tìm cách quản lý vế hai của quy trình hủy diệt sáng tạo, phải đánh giá xác xuất ĐCSTQ sẽ thành công trong công tác này thế nào?
Đánh Giá Xác Xuất Trung Quốc Sẽ Hoàn Thành Được Vế Hai Của Quy Trình Hủy Diệt Sáng Tạo Một Cách Thuận Lợi cho ĐCSTQ
Trên bề mặt nội tình Trung Quốc tương đối ổn định. Tuy còn có nhiều tranh cãi, thống kê từ Tây Phương cho thấy mỗi năm Trung Quốc có từ 80.000 đến 100.000 vụ “xáo trộn” tức là tranh chấp giữa người dân và nhà nước. Đa số các xáo trộn này được xử lý thuận lợi cho ĐCSTQ qua phương pháp đổ lỗi cho và thanh trừng các viên chức địa phương. (45). Từ số liệu này và các phân tích trên, có thể rút ra hai kết luận trái ngược. Một là, ĐCSTQ đang thành công trong việc quản lý các thay đổi cơ cấu khi nền kinh tế tăng trưởng. Hai là, tuy ĐCSTQ có vẻ thành công trong việc quản lý các thay đổi cơ cấu nhưng điều này cũng có thể có nghĩa là các thay đổi cơ cấu không nhiều và sâu rộng, tức là chúng không phải là chỉ dấu của một quy trình hủy diệt sáng tạo đang hoàn tất hay đang tiến hành một cách thuận lợi cho ĐCSTQ. Xem như trên, vì thiếu số liệu, vào lúc này khó lòng kết luận ĐCSTQ sẽ thành công hay thất bại khi tìm cách hoàn thành vế hai của quy trình hủy diệt sáng tạo một cách thuận lợi cho đảng.
Tuy thế, nếu đổi góc nhìn và phân tích các vụ việc liên hệ từ góc nhìn nhân sự, lại sẽ ló ra hai yếu tố sẽ không thuận lợi cho ĐCSTQ.
Một là nhu cầu phải đưa vào bộ máy lãnh đạo của đảng những doanh gia hàng đầu của nền kinh tế. Nhu cầu này xuất phát từ tính phức tạp của việc quản lý thành công một doanh nghiệp lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa. Để tìm những chính sách và đường lối đúng và đáp ứng được như cầu trên, ĐCSTQ sẽ phải cần sự góp ý của những nhà kinh doanh chủ nhân những siêu công ty có tầm vóc toàn cầu hay trọng yếu cho chính sách an ninh quốc phòng của Trung Quốc.
Ưu tiên của những người này chủ yếu là vẫn muốn giàu hơn, tức là họ sẽ có khuynh hướng làm cho những định chế kinh tế và chính trị ít bòn rút hơn và bao hàm nhiều hơn. Vào lúc này, khi tổng sản lượng quốc gia tính trên đầu người tại Trung Quốc còn ở mức thấp - USD 7.927.4,0 vào năm 2015 (46) - ĐCSTQ còn có thể chọn lựa và khống chế được những nhà kinh doanh này. Thế nhưng, khi tổng sản lượng quốc gia tính trên đầu người tại Trung Quốc lên đến hay trên mức trung bình toàn cầu, tức là từ trên 10.000 USD/năm, liệu ĐCSTQ có còn khả năng a) lựa chọn những doanh nhân hàng đầu tuyệt đối trung thành với đảng để đưa họ vào trong bộ máy cai trị đất nước và b) sau đó tiếp tục khống chế được họ hay không?
Câu trả lời hợp lý là không. Vào tháng Sáu 2016, báo kinh doanh Wall Street Journal (WSJ) có một phóng sự video về ba nhà đầu tư thành đạt đã bắt đầu thách thức ĐCSTQ phải chấp nhận cải cách. Những cải cách các nhà đầu tư này muốn có là nhà nước phải bao dung với các khái niệm như thị trường tự do, tự do ngôn luận, và nhất là tự do tư tưởng (47). Đồng thời với phóng sự video này, báo WSJ còn đưa thêm thông tin là nhiều nhà kinh doanh tư nhân hàng đầu trong ngành mạng internet như Jack Ma, sáng lập viên và chủ tịch điều hành của đại công ty Alibaba đang tìm cách hợp tác nhiều hơn với các ngân hàng và định chế tài chánh nhà nước nhằm tiếp tục tăng trưởng (48). Khi các định chế kinh tế rất giàu có và chủ yếu là bao hàm tương tác với các định chế bòn rút nhiều hơn là bao hàm, một hậu quả ngoài ý muốn hay ngoài các tiên liệu là các định chế bòn rút sẽ trở nên ít bòn rút hơn.
Hai là sự thay lòng đổi dạ của một thiểu số ngày sẽ càng lớn trong hai nhóm người. Nhóm thứ nhất là tập thể những đảng viên cao cấp và kỳ cựu của chính ĐCSTQ. Nhóm thứ hai là những nhà lãnh đạo tự nhiên của đất nước không nằm trong bộ máy cai trị của ĐCSTQ hay không là những doanh nhân lớn. Trong quá khứ những người này đã nghi ngờ thiện chí và do đó đã chống lại hay/và không tham gia vào các hoạt động nhằm mang lại dân chủ và nhân quyền cho Trung Quốc. Tuy thế, khi Trung Quốc càng ngày càng phát triển, khi nhu cầu hoàn thành quy trình hủy diệt sáng tạo trở nên bức thiết, những người đó sẽ sáng mắt sắng lòng và nhận thức được ĐCSTQ chính là thế lực độc nhất đang kìm hãm sức sống và khả năng tăng triển không ngừng của dân tộc Trung Quốc. Trong tương lai, số người trong hai nhóm trên chỉ có thể tăng chứ không giảm. Và với những người có khả năng như thế, từ nhận thức đến hành động là một bước không dài.
Để Thay Lời Kết
Người viết tin rằng Trung Quốc sẽ có rất nhiều doanh nhân và thành viên của hai nhóm người như đã kể trên và thời của họ sẽ đến. Bất chấp việc Ban Tổ Chức của ĐCSTQ và bộ máy khống chế kiểm soát tư tưởng người dân của nhà nước đã, đang và sẽ ra sức tiếp tục ru ngủ nguời dân đồng thời ra sức truy lùng để loại bỏ những người này từ trứng nước. Bởi vì trong lịch sử loài người, chưa hề có một bạo chúa hay một tổ chức nào đã có khả năng mãi mãi dập tắt được tiếng nói lương tâm của cả một dân tộc. Những nguời chúng đang truy lùng đó chính là những tiếng nói đó. Họ chính là những người nói được tiếng nói lương tâm của cả một dân tộc. Họ chính là những người yêu nước. Chính họ cũng là những người muốn xây dựng một Trung Quốc thật sự là một nước lớn và giàu mạnh từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Họ sẽ có mặt được tại những định chế chính trị lẫn kinh tế cao cấp nhất của đảng, của nhà nước, và của các doanh nghiệp. Họ đến đó được vì họ trước tiên họ là những người tài giỏi và bản lãnh hơn người. Cho dù trước khi đến được đó, sẽ có rất nhiều người trong bọn họ sẽ bỏ cuộc và quay lại tiếp tay phục vụ cho ĐCSTQ nhằm có đuợc của cải và quyền lực vô tận.
Họ sẽ đến được đó bởi vì họ có lòng tin. Bởi vì họ yêu nước truớc yêu đảng. Và nhất là bởi vì họ muốn Trung Quốc của họ khi đứng được trong hàng những nước lãnh đạo thế giới sẽ biết hành xử theo một đạo lý công chính được cả địa cầu kính phục, tức là lãnh đạo sao cho “ngửa mặt lên trời mà không hổ, cúi đầu đối với người mà không thẹn” (仰不愧於天、俯不怍於) như Mạnh Tử (372-389 TCN) đã viết trong “Tận Tâm - Thượng” vào khoảng 340 năm Trước Công Nguyên (49).
Trong tương lai - một tương lai sớm hơn là muộn vì Trung Quốc đang tiếp cận mức lợi tức đầu người trung bình trên thế giới - Trung Quốc sẽ phải đối đầu với quy trình hủy diệt sáng tạo. Dựa trên quy trình này, mô hình định chế - một mô hình đã được đề xuất dựa trên các dữ liệu kinh tế chính trị của xã hội loài người trong vòng 2000 năm qua - và các diễn biến về dân số tại Trung Quốc trong đó có sự hình thành và lớn mạnh của một giai cấp trung lưu và trên trung lưu với gần 375 triệu người vào năm 2020 (50), một kết luận có thể rút ra được sẽ là như sau. Nếu ĐCSTQ, một định chế chính trị bòn rút đứng trên tất cả các định chế chính trị hay kinh tế khác của Trung Quốc vẫn còn tồn tại và vẫn từ chối chuyển mình lột xác để trở thành một định chế bao hàm, để trả lại cho người dân tự do tư tưởng trong một chế độ dân chủ đa đảng đa nguyên, sớm hay muộn sẽ có một hay nhiều sự cố quan trọng tại Trung Quốc. Các sự cố này sẽ cho người dân hay những người kể trên một hay nhiều cơ hội tạo nên một hay nhiều bước ngoặc lớn. Sẽ có một bước ngoặc lớn thúc đẩy được Trung Quốc hoàn thành vế hai của quy trình hủy diệt sáng tạo đồng thời loại bỏ được vai trò lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSTQ và trả lại cho người dân tự do dân chủ đích thật. Lịch sử sẽ sang trang vào một ngày, một giờ mà sẽ không ai tiên liệu trước được. Và khi lịch sử sang trang, hay “khi lịch sử chấm dứt, dân chủ sẽ vẫn còn đó...” (51)
17.082016
________________________________
Chú Thích:
(*) Nguyễn Trãi - Bình Ngô Đại Cáo, 1427
1. North, D.. (1990). Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
2. Acemoglu, D; Robinson, J.. (2012). Why Nations Fail - The Origin of Power, Prosperity and Poverty. New York, NY: Crown Business.
3. Acemoglu, D., Robinson, J.. (2012). Why Nations Fail. FVBA Lecture”. Lấy ra từ URL:
4. Acemoglu, D., Robinson, J.. (2016). Why Nations Fail - The Blog. Lấy ra từ:
5. Subramanian, A.. (2012). Which Nation Failed. The American Interest, 9(10). Lấy ra từ URL:
6. The World Factbook - China. (2016, 16 tháng 7 2016). Lấy ra từ URL:
7. India / GDP Per Capita - 1978. (16 tháng 7 2016). Lấy ra từ URL:
8. China / GDP Per Capita - 1978. (16 tháng 7 2016). Lấy ra từ URL:
9. Historical GPD of China. (16 tháng 7 2016). Lấy ra từ URL:
10. Tiwari, D., and Golden, M., Aidt, T.. (31 tháng 8 2010). Criminality and Incumbency of Candidates to the National Legislature in India (August 31, 2010) - APSA 2010 Annual Meeting Paper. Lấy ra từ URL:
11. Xem 2. Tr. 439-443
12. Xem 2. Tr. 75
13. GDP per capita (current US$). (16 tháng 7 2016). Lấy ra từ URL:
14. Shumpeter, J. (2003) Capitalism, Socialism & Democracy. Lấy ra từ URL: http://digamo.free.fr/capisoc.pdf tr. 83
15. Caballero, R. (2016). Creative Destruction. Lấy ra từ URL:
16. Reier, S.. (10 Tháng 6 2000). Half a Century Later, Economist's 'Creative Destruction' Theory Is Apt for the Internet Age: Schumpeter: The Prophet of Bust and Boom. The New York Times. Lấy ra từ URL:
17. Xem 14. Tr 83. Trích: “process... that incessantly revolutionizes the economic structure from within, incessantly destroying the old one, incessantly creating a new one”
18. The Golden Shield Project. (16 Tháng 7 2016). Lấy ra từ URL:
19. The Great Firewall of China (16 Tháng 7 2016). Lấy ra từ URL:
20. Nguyễn S.. (26 Tháng 4 2011). “Thuyết con mèo" của Đặng Tiểu Bình là... hàng đi mượn. Lấy ra từ URL:
21. Dominic Barton D., Chen Y., Amy Jin A.. (Tháng Sáu 2013). Mapping China’s Middle Class. Lấy ra từ URL:
22. The New Class War. (9 Tháng 7 2016). The Economist. 442 (8999) Lấy ra từ URL:
23. ChinaFile. (8 Tháng 11 2013). Document 9: A ChinaFile Translation - How Much Is a Hardline Party Directive Shaping China’s Current Political Climate? Lấy ra từ URL:
24. Boston, W.. (20 Tháng 4 2016). BMW Loses Core Development Team of Its i3 and i8 Electric Vehicle Line. The Wall Street Journal. Lấy ra từ URL:
25. Nicholson, C.. (2 Tháng 8 2010). Chinese Carmaker Geely Completes Acquisition of Volvo From Ford”. The New York Times. Lấy ra từ URL:
26. McDonald, J.. (25 Tháng 2 2011). Volvo to invest $10-11 billion in next 5 years. Washington Post. Lấy ra từ URL:
27. Cybersecurity and American power. Addressing new threats to America’s economy and military. (9 Tháng 7 2012). American Enteprise Institute. Lấy ra từ URL:
28. Gerald R. Ford-class aircraft carrier. (4 Tháng Tám 2016). Lấy ra từ URL:
29. Wortzel, L. (9 Tháng 7 2013). Cyber Espionage and the Theft of U.S. Intellectual Property and Technology - Testimony of Larry M. Wortzel before the House of Representatives Committee on Energy and Commerce Subcommittee on Oversight and Investigations. Tr. 13. Lấy ra từ URL:
http://docs.house.gov/meetings/IF/IF02/20130709/101104/HHRG-113-IF02-Wstate-WortzelL-20130709-U1.pdf
30. Bureau of Asian Research. (Tháng Năm 2013). The Commission on the Theft of American Intellectual Property, The IP Commission Report. Lấy ra từ URL:
31. Cao, C, Suttemeier, R., Simon, D.. (December 2006). China’s 15-year Science and Technology Plan, Physics Today 59(12) Lấy ra từ URL:
32. Waterman S. (15 Tháng 11 2011). Internet traffic was routed via Chinese servers. Lấy ra từ URL:
33. Feldman M.. (20 Tháng 6 2016). China Tops Supercomputer Rankings with New 93-Petaflop Machine. Lấy Ra từ URL:
34. Tu Youyou. (5 Tháng 8 2016). Lấy ra từ URL:
35. Tong B.. (17 Tháng Giêng 2005). Remembering Zhao Ziyang. Lấy ra từ
URL:https://www.project-syndicate.org/commentary/remembering-zhao-ziyang?barrier=true Phiên bản tiếng Việt ở URL này:
36. Anti-corruption campaign under Xi Jinping. (4 Tháng 8 2016). Lấy ra từ URL:
37. Internet censorship in China. (2 Tháng 8 2016). Lấy ra từ URL:
38. Ai W.. (17 Tháng 10 2012). China’s Paid Trolls: Meet the 50-Cent Party. Lấy ra từ URL:
39. Confucius Institutes/Classrooms (1 Tháng 8 2016). Lấy Ra từ URL:
40. On Partnerships with Foreign Governments: The Case of Confucius Institutes. (Tháng 6, 2014). Lấy ra từ URL:
41. Confucius Institute. (1 Tháng 8 2016). Lấy ra từ URL:
42. Bell D.. (1 Tháng 8 2016). Lấy ra từ URL:
43. Daniel B.. (2 Tháng Sáu 2015). The China Model: Political Meritocracy and the Limits of Democracy. New Jersey. Princeton University Press.
44. Nathan A.. (22 Tháng 10 2015). Beijing Bull: The Bogus China Model. Lấy ra từ URL:
45. Freeman, W.. (2 Tháng 3 2010). The accuracy of China’s ‘mass incidents - Reports of riots or protests are questionable at best. Lấy ra từ URL:
46. Xem 13.
47. Yuan L.. (5 Tháng 7 2016). Challenging China: Wealthy Entrepreneurs Take On Beijing. Lấy ra từ URL:
48. Yuan L.. (7 Tháng 7 2016). Chinese Tech Disrupters Now Are Working More Closely With the System. Lấy ra từ URL:
49. Mạnh Tử. (16 Tháng 7, 2016). Tận Tâm Thượng. Lấy ra từ URL:
50.Barton D., Chen Y., Jin A.. (Tháng 6, 2013). Mapping China's Middle Class. Lấy ra từ URL:
51. Fukuyama. F. (14 Tháng 6 2014). Khi Lịch Sử Chấm Dứt, Dân Chủ Sẽ Vẫn Còn Đó. Lấy ra từ URL: